Tình cảnh nhân dân Đông Dương dưới hai tầng áp bức Pháp – Nhật
Sau khi đã đưa quân vào Bắc Đông Dương, Nhật tiếp tục ép Pháp nhượng bộ, kí kết các hiệp ước.
Về kinh tế, với Hiệp định Tôkiô ngày 6-5-1941, phía Pháp thừa nhận địa vị đặc biệt ưu đãi của Nhật trong các quan hệ kinh tế với Đông Dương, thực chất là Nhật độc chiếm thị trường Đông Dương.
Về quân sự, với Hiệp định ngày 29-7-1941 có danh nghĩa “phòng thủ chung Đông Dương”, quân Nhật được tự do di chuyển trên khắp lãnh thổ Đông Dương không hạn chế số lượng. Hiệp định quân sự ngày 8-12-1941 nêu rõ chính quyền thực dân Pháp phải cung cấp các phương tiện chiến tranh thiết lập các cơ sở quân sự, cung cấp vật chất cho quân đội Nhật. Chính quyền thực dân Pháp phải cam kết đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương, bảo đảm an ninh hậu phương của quân Nhật.
Thực dân Pháp, vì không đủ sức chống lại Nhật, buộc phải chấp nhận các yêu sách của Nhật. Đồng thời, chúng cũng dựa vào Nhật để đàn áp cách mạng Đông Dương.
Hồ Chí Minh viết: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”
Từ những năm đầu của chiến tranh, việc vận tải trở nên vô cùng quan trọng đối với Nhật. Quân đội Nhật ở Đông Dương buộc Pháp phải để chúng sử dụng mọi phương tiện giao thông. Nhật kiểm soát hệ thống đường sắt, các tàu biển chở hàng đậu ở các cảng Đông Dương với trọng tải 200.000 tấn. Nhật còn bắt chính quyền thực dân hằng năm nộp cho chúng một khoản tiền khá lớn, năm 1940 nộp 6 triệu đồng, năm 1941 - 58 triệu đồng, năm 1942 - 86 triệu đồng, năm 1943 - 117 triệu đồng; năm 1944 - 363 triệu, 1945 - 90 triệu đồng. Trong 4 năm 6 tháng, chính quyền thực dân Pháp phải nộp một khoản tiền là 723.786 nghìn đồng.
Quân Nhật còn cướp ruộng đất của nông dân để xây dựng trại lính, bắt nông dân nhổ lúa, ngô để trồng đay, thầu dầu phục vụ cho nhu cầu chiến tranh.
Nhật Bản cũng yêu cầu chính quyền thực dân Pháp để 50% giá trị nhập khẩu và 15% giá trị xuất khẩu của Đông Dương cho các công ti thương mại của Nhật. Hầu như toàn bộ hàng xuất khẩu chính của Đông Dương trong hai năm 1942 và 1943 như than, sắt, kẽm, cao su, xi măng được xuất sang Nhật. Ngoài ra, Nhật còn mua của Đông Dương mănggan, apatit, crôm, thiếc, cà phê... với giá rẻ so với giá trên thị trường thế giới. Trị giá hàng nhập từ Đông Dương sang Nhật lớn gấp nhiều lần hàng Nhật xuất sang Đông Dương. Năm 1944, Nhật xuất sang Đông Dương 25000 tấn hàng và nhập của Đông Dương 1.400.000 tấn quặng và thực phẩm.
Một số công ti của Nhật cũng đầu tư vào những ngành cần cho nhu cầu quân sự, như khai khoáng. Năm 1941, tư bản Nhật ở Đông Dương chiếm gần 50% tổng số vốn đầu tư của các công ti nước ngoài. Tư bản Nhật đặt vốn khai thác quặng mănggan và sắt ở Thái Nguyên, phốt phát ở Lào Cai và quặng crôm ở Thanh Hóa.
Về chính trị và tư tưởng, sau khi chiếm đóng Đông Dương, bọn quân phiệt Nhật không lật đổ bộ máy chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, mà sử dụng nó như một công cụ. Thứ nhất, để đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương, giữ yên hậu phương cho quân đội Nhật. Thứ hai, để vơ vét bóc lột sức người, sức của ở Đông Dương phục vụ cho cuộc chiến tranh của Nhật. Thứ ba, quân phiệt Nhật che bộ mặt xâm lược của mình, đóng vai “người giải phóng” nhân dân châu Á. Chính sách đó khác với chính sách bọn Nhật thi hành ở các nước Đông Nam Á, vì lợi dụng được tình hình chính phủ Pháp đầu hàng Đức và chính quyền thực dân Đông Dương đã đầu hàng Nhật.
Chính sách của quân phiệt Nhật đối với thực dân Pháp ở Đông Dương là chính sách hai mặt. Trong khi “cộng tác” với Pháp, Nhật Bản ra sức tuyên truyền tư tưởng Đại Đông Á như mở các phòng thông tin, xuất bản tạp chí Tân Á bằng tiếng Việt, mở các cuộc triển lãm tranh ảnh, chiếu phim Nhật...
Đồng thời Nhật cũng chú trọng xây dựng cơ sở xã hội cho mình. Từ năm 1942, Nhật đã phục hồi các tổ chức thân Nhật ở Việt Nam bị Pháp đàn áp trong những năm 1940-1941, như Phục Quốc, Cao Đài, Hòa Hảo v.v..., giúp đỡ các nhóm Đại Việt dân chính, Đại Việt quốc xã, Đảng Việt Nam ái quốc... Dựa vào bọn này, Nhật hi vọng đến lúc cần thiết sẽ lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Với cuộc đảo chính 9-3-1945, bọn thân Nhật càng hi vọng vào lời hứa hẹn Nhật sẽ trao trả độc lập cho Việt Nam. Hàng loạt đảng phái thân Nhật xuất hiện. Chỉ riêng Bắc Kì đã có hơn 30 tổ chức thân Nhật.
Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương một mặt cam chịu khuất phục quân Nhật, phải thực hiện các yêu sách kinh tế và quân sự của Nhật, mặt khác ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng chờ cơ hội lật lại.
Chính sách của Pháp nhằm tranh thủ giới thượng lưu Đông Dương, cho họ tham gia vào những chức vụ quản lí và thừa hành, ràng buộc họ trung thành với nước Pháp. Được dịp, các nhóm thần Pháp cũng hoạt động. Nhóm bảo hoàng Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi hô hào trở lại Hiệp ước năm 1884, yêu cầu Pháp tăng quyền cho vua quan bản xứ để chống lại bọn thân Nhật. Nhóm Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu ra sức tuyên truyền khẩu hiệu” cách mạng quốc gia”, “Pháp - Việt phục hưng” của chính phủ phản động Pêtanh.
Nhật biết rất rõ những hoạt động của Pháp, nhưng vẫn làm ngơ vì chưa đến lúc cần thiết phải hành động. Đến tháng 3-1945, quân đội Nhật lâm vào tình trạng nguy ngập ở chiến trường Thái Bình Dương, Nhật đã đảo chính Pháp ở Đông Dương để loại trừ mối hiểm họa. Từ 9-3-1945, quân đội Nhật độc chiếm Đông Dương.