Kinh tế Đại Việt thời Lý
1. Nông nghiệp
a) Các hình thức sở hữu ruộng đất
- Ruộng đất thuộc nhà nước.
Ruộng quốc khố và đồn điền. Sử cũ của ta hầu như không ghi thuật ngữ quốc khố, nhưng trong sách An Nam chí nguyên (phần cống phú) có viết thời Lý - Trần có hai thứ công điền, “có quốc khố điền và thác đao điền”.
Theo nghĩa đen quốc khố điền là ruộng của nhà nước mà hoa lợi thu hoạch được dự trữ trong kho của triều đình để dùng riêng cho nhà vua và hoàng cung. Mặc dù chính sử của ta không nhắc đến, nhưng theo chúng tôi thì có một loại ruộng đất như thế ở vào thời Lý - Trần như sách trên chép. Sử ta có ghi năm 1150 “tháng 9 (âm lịch này (Đỗ) Anh Vũ làm Cảo điền nhi. Cảo điền nhi hay cảo điền hoành chính là những tội nhân cày ruộng nhà nước ở Cảo Xã (Nhật Tảo thuộc ngoại thành Hà Nội ngày nay). Đến thời Trần, loại ruộng Quốc khố ở Cảo Xã vẫn còn tồn tại. Nhà Lý còn điều động các cảo nhi, cảo hoành đến vùng ven biển khai thác ruộng đất. Chính những người này đã lập ra các làng Cảo ven sông Luộc nhu An Cảo (nay là An Tảo, xã Phú Sơn, Hưng Hà, Thái Bình), Nhật Cảo (nay là Nhật Tảo, xã Hồng Minh huyện Hưng Hà, Thái Bình) và các làng Ai Cập Cảo, Phấn Cảo (huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình).
Đồn điền là tổ chức khai hoang ở các vùng ven sông, ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Tù binh trong chiến tranh là lực lượng chủ yếu làm việc trong các đồn điền khai hoang. Năm 1044 sau khi đánh thắng Chămpa “bầy tôi dâng tù binh hơn 5.000 người; xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ thuộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang (Tương Dương, Nghệ An) đến Đăng Châu nay là Quy Hóa (Phú Thọ và Yên Bái) đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành”.
Thân phận của người cày ruộng quốc khố và đồn điền như thế nào? Không có sử liệu nào trực tiếp ghi lại. Trong một vài trường hợp như Cảo điền hoành hay Cảo điền nhi vốn là người bị tù tội thì thân phận gần như là nô lệ. Còn trong vùng đất khai hoang của người Chăm thì thân phận của họ chắc chắn cũng thấp kém. Họ ở thành từng cụm, thành lập gia đình và truyện đời cày ruộng nộp tô thuế cho nhà nước.
Ruộng tịch điền. Theo sử cũ thì vào thời Lê Hoàn đã có tịch điền. Sang thời Lý, tịch điền vẫn được duy trì kế thừa. Hình thức cày ruộng tịch điền là nghi lễ chịu ảnh hưởng của các triều đại cổ xưa Trung Quốc, nhưng phù hợp với một nước nông nghiệp và phản ánh tư tưởng trọng nông. Nghi thức cày ruộng tịch điền là hoạt động khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Năm 1038, “Mùa xuân, vua (Thái Tông) ngự ra Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền, sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế thần nông, tế xong tự cầm cày. Các quan tả hữu có người can rằng “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ việc gì làm thế”. Vua nói “Trẫm không tự mình cày cấy thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”. Nói xong, cày 3 lần rồi thôi”. Ruộng tịch điền của triều Lý không chỉ có ở vùng xung quanh Thăng Long mà còn đặt ở nơi dân đông, nghề nông phát triển. Ruộng tịch điền của nhà Lý đặt ở Bố Hải Khẩu, Ứng Phong và Lý Nhân.
Hiện nay chưa có tư liệu nào cho biết số lượng tịch điền cụ thể. Nhưng chắc là số ruộng này không nhiều. Tịch điền là loại ruộng do triều đình trực tiếp quản lí, hoa lợi dùng cho nhà vua và hoàng cung.
Ruộng Sơn lăng là loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua. Năm 1010 “xa giá vua đến châu Cổ Pháp (quê hương nhà Lý) sai các quan đo đất vài mươi dặm, đặt làm cấm địa sơn lăng”.
Qua nhiều biến thiên lịch sử, bộ phận ruộng thờ bị hoang phế. Đến cuối thế kỉ XVI, toàn bộ khu sơn lăng đã trở thành rừng rậm, lại bị hào cường địa phương xâm chiếm biến công thành tư. Đầu thế kỉ XVII, Trịnh Tùng lên làm chúa ra lệnh chỉ khắc trong bia đã đặt ở đền thờ Lý Bát Đế “Cổ Pháp điện tạo bi kí” (1604) và “Đình Bảng điện bi” (1605) cho phép trích ra “284 mẫu làm ruộng thờ đền Đô như cũ”.
Ruộng công làng xã. Không có một sử liệu nào trực tiếp nói về sự tồn tại của ruộng công làng xã trong thời Lý. Những tư liệu về kiểm kê dân đinh và chính sách “ngụ binh ư nông” phản ánh gián tiếp sự hiện diện của bộ phận ruộng đất này.
Sử cũ cho biết vào các năm sau, 1137, 1143 nhà Lý lại tiếp tục khẳng định biện pháp cứ “3 nhà làm 1 bảo” liên kết với nhau, kiểm tra mùa màng và không được tự tiện giết trâu bò. Việc kiểm tra chặt chẽ số lượng dân đinh, số lượng hộ gia đình thường xuyên gắn liền với việc bảo vệ sức kéo trâu bò có lẽ là phải đưa vào ruộng công làng xã. Chính sách ngụ binh ư nông của nhà Lý và nhà Trần với nội dung là các ngoại binh không phát lương mà thay phiên về làm ruộng cũng phản ánh sự tồn tại phổ biến ruộng đất công làng xã được chia cho nông dân. Năm 1092, nhà Lý lại “định số ruộng, thu tô mỗi mẫu 3 thăng để cấp lương cho quân” (có lẽ là cấm quân). Hẳn đây là lần đầu tiên làm điền bạ ruộng cộng chăng.
Ruộng thác đao và áp thang mộc. Thời Lý có một loại ruộng ban thưởng cho đại thần gọi là ruộng thác đao. Tài liệu ghi về thác đao điền sớm nhất là Việt điện u linh (đầu thế kỉ XIV) được Đại Việt sử kí toàn thư chép lại: “Trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ (1014 - 1046), theo Thánh Tông đi đánh ở miền Nam, làm tiên phong, phá tan quân giặc, đánh tiếng rung động nước Phiên. Khi thắng trận trở về định công, Phụng Hiểu nói “Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lửa đi xa, đao rơi xuống chỗ nào trong đất công (nguyên văn là quan địa) thì xin ban cho làm sản nghiệp. Vua nghe theo. Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa đến hơn mười dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi. Vua bèn lấy ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy người châu Ái gọi (ruộng) thưởng công là (ruộng) ném đao”. Ghi chép có tính chất huyền thoại về mức ném đao xa đến hơn 10 dặm là khó tin, nhưng tên gọi “thác đao” thì vẫn còn tồn tại tại quê hương Lê Phụng Hiểu.
Ruộng thác đao vẫn là ruộng công (quan địa), nhà Lý ban cấp để thưởng công, có lẽ cũng chỉ tạm thời trong một đời người. Người nhận ruộng thác đao được hưởng phần “Thuế ruộng thác đao” mà thôi.
Văn bia Đại Việt quốc Binh Hợp hương Thiệu Long tự bi (Vân bia chùa Thiệu Long hương Binh Hợp nước Đại Việt) cho biết một trường hợp ban cấp “thang mộc ấp” vào cuối thời Lý.
Khi Trần Tự Khánh gây thế lực chuẩn bị lật đổ nhà Lý, được một hào trưởng hương Binh Hợp (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Tây) tích cực giúp sức. Tự Khánh đã lấy đất Binh Hợp ban cho Đỗ Năng Tế làm “thang mộc ấp”. Văn bia ghi rõ (dịch): “Bấy giờ Kiến Quốc đại vương (chỉ Trần Tự Khánh) thấy công lao to lớn của ông (chỉ Đỗ Năng Tế) khen rằng: “trời sinh ra trí dũng vì nước vậy”. Đem con gái lệnh tộc họ Đặng gả cho ông làm đôi lứa, lại trao cho ông coi hùng trấn Binh Hợp làm thang mộc ấp”(2).
Vấn đề ban cấp hộ nông dân.
Hình thức và chế độ phong hộ cho các quan lại cao cấp được thực hiện ở thời Lý. Chính sử không ghi cụ thể, nhưng một số văn bia đương thời còn lại cho biết vào thời ấy có hình thức ban cấp thực ấp và thật phong. Chẳng hạn tri châu Hà Hưng Tông có thực ấp 1900 hộ và thật phong 900 hộ, hoặc như Lý Bất Nhiễm tước hầu, có thực ấp 7500 hộ và thật phong 1500 hộ.
Hình thức ban cấp thực ấp và thật phong là đặc trưng của thời Lý. Sang thời Trần thì kiểu ban cấp này không còn nữa.
Thực chất của nó là gì? Trước hết đó là hình thức đánh giá công lao và đóng góp của người được ban cấp đối với nhà Lý. Chức, hàm, tước càng cao thì số lượng ban cấp càng nhiều. Lý Thường Kiệt và sau ông là Đỗ Anh Vũ có chức hàm gần giống nhau và đều được ban tước là Việt Quốc công thì số lượng thực ấp và thật phong tính theo hộ như nhau: thực ấp 1 vạn hộ, thật phong 4 nghìn hộ.
Phần thực ấp (số lượng hộ được ăn) theo nhiều nhà sử học là chỉ có danh mà không có thật. Người được ban cấp trên danh nghĩa là được nhận một số lượng hộ thực ấp (như trên) mới phù hợp và xứng đáng với quan chức và đóng góp của người đó. Nhưng do thực ấp của triều đình không đủ để thực hiện việc ban cấp đúng theo số lượng được ghi. Vì vậy, nhà Lý đã một mặt đánh giá công lao của người được cấp thực ấp, mặt khác lại quy định cụ thể số hộ mà họ được thật sự phong thưởng - số hộ thật phong.
Số lượng thật phong có khả năng là một thực tế. Thật phong cũng tính theo hộ. Mỗi một đơn vị hộ trong thật phong vẫn phải đóng một số tô thuế nhất định cho triều đình theo thực trạng tài sản thì nay chuyển cho người được cấp phong. Chính văn bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh ghi rõ Đỗ Anh Vũ được phong Thái úy thượng phụ được ban quốc tính, được miễn phu dịch cho ba họ. Người được phong có thể cử người đi thu tô thuế hay do một cơ quan nhà nước thu và giao.
Như vậy kiểu thức phong thưởng này chỉ dựa trên hộ gia đình chứ không lấy ruộng đất làm cơ sở, nói cách khác là người được phong không có quyền chi phối ruộng đất. Khi người được phong chết hay bị cách chức tức là hết quyền lợi thì triều đình không cần ra lệnh tịch thu ruộng đất. Chế độ ban cấp thực ấp - thật phong này không tạo điều kiện cho sự củng cố sở hữu ruộng đất phong kiến tư nhân sinh ra kinh tế điền trang - thái ấp.
Chế độ ban cấp theo hộ cũng được nhà Lý sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn trường hợp sư Giác Hải khi chết được vua Lý Nhân Tông miễn thuế cho 30 hộ để hương đèn thờ phụng.
Đại sư Mãn Giác (1052 - 1056) khi được phong là Hoài Tín đại sư, giao chức nhập nội đạo tràng Tử y đại sa môn thì được triều đình cấp 50 hộ “miễn tô thuế để chỉ dùng việc đạo”. Hoặc như Thiền sư Giới Không năm 1135 có công cứu sống hàng ngàn người bị bệnh dịch được vua Lý Thần Tông cấp “10 hộ được miễn tô thuế để phụng dưỡng”. Năm 1136, sư Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua “được ban hiệu là quốc sư, lại miễn tô dịch cho vài trăm hộ để Minh Không được quyền sử dụng”. Hẳn những người được “ăn thật phong” cũng theo phương thức này.
Nhìn tổng thể, việc ban cấp hộ nông dân thời Lý thể hiện hình thức nô dịch thân phận người lao động là chính. Hẳn vì vậy mà vào năm 1198, quan tể tướng Đàm Dĩ Mông tâu lên vua Lý: tang đồ và phu dịch ngang nhau.
- Ruộng đất nhà chùa. Vào thời Lý ruộng chùa chiếm một bộ phận khá lớn. Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét về Phật giáo thời Lý “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đó đã dựng chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các bộ và độ làm tăng cho hàng nghìn người ở kinh sư... dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy”. Năm 1086 nhà Lý phân biệt chùa làm 3 loại là: đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Cách phân biệt trên cũng phản ánh sự khác nhau về kinh tế của chùa chiền thời ấy.
Văn bia Phật Tích Sơn Từ Đạo Hạnh pháp sư điền địa kệ chí (Kệ chí ghi ruộng đất của pháp sư Từ Đạo Hạnh núi Phật Tích) đặt ở chùa Thầy (tức chùa Phật Tích, Quốc Oai, Hà Tây) ghi rõ số ruộng đất của Từ có hai bộ phận là:
30 diện 64 sào để lưu truyền cúng Phật và 63 diện 83 sào ở động Đa Mai, hương Ba Lập là của riêng của Từ Đạo Hạnh. Sau khi Từ chết, thì số ruộng trên bị bọn cháu cắt chiếm lấy “không cho lưu thông”.
Văn bản Báo Ân thiền tự bi kí (bài kí bia chùa Báo Ân) (ở Yên Lẵng, Vĩnh Phúc) do Viên ngoại lang Ngụy Tự Hiền soạn, dựng vào tháng 12 năm Trị Bình Long ứng thứ 5 (1209) có ghi cụ thể “Lại còn ruộng xứ Đồng Bi, ghi chép giới phận càng rõ. Trong đồng ngoài bãi rành rành cúng Phật cho dân minh bạch. Trong đồng thì xứ Phan Thượng 30 mẫu, Phan Hạ 30 mẫu, xứ Tửu Bi 20 mẫu, xứ Đồng Hấp 30 mẫu. Ngoài bãi thì xứ Đồng Chài 8 mẫu, xứ Đường Sơn 5 mẫu, xứ Đống Nho 3 mẫu. Các xứ cộng 126 mẫu cúng làm ruộng oản sư, 3 mẫu cho người giữ chùa, còn bao nhiêu để lại cho dân, phòng khi tu sửa...”. Sự trụ trì chùa Báo Ân họ Nguyễn còn bỏ ra hơn 1000 quan mua hơn 100 mẫu ruộng xứ Bi Đàm để làm bàn thờ.
Tư liệu về ruộng chùa thời Lý còn lại ngày nay quá ít, song những thông tin dẫn trên cũng có thể cho chúng ta hiểu biết chút ít về bộ phận ruộng đất này. Chúng tôi cho rằng ruộng đất chùa không phải thuộc sở hữu nhà nước, mà là một loại sở hữu tương đối đặc biệt gần với sở hữu tư nhân.
- Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân.
Vào thời Lý chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân đã phổ biến, và phát triển. Hiện tượng mua bán, kiện tụng và cúng tặng ruộng đất đã xuất hiện ở nhiều nơi và nhà nước đã ban hành nhiều điều luật công nhận quyền tư hữu này.
Văn Bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (Văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni) - (Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có ghi sự kiện tranh chấp ruộng đất “Năm Tân mùi (1091) có hai chàng phò kí lang họ Thiều và họ Tô tâu xin lại khoảnh ruộng đất của tổ tiên là quan bộc xạ (Lê Lương). Vua xét lời tâu bèn trả lại giáp Bối Lý cho thuộc về họ hàng Lê công. Do đó mùa thu năm ấy, thái úy Lý Công đến tận nơi, cho chuộc ruộng đất, lập bia đá và chia ruộng đất cho hai giáp, rồi ông lại tới đầm A Lôi, chia một nửa đầm cho giáp Bối Lý, một nửa đầm cho giáp Viên Đàm”. Hiện tượng con cháu đòi lại ruộng đất xa xưa của quan bộc xạ Lê Lương thời Đinh Tiên Hoàng, cách đó hơn 100 năm, là khẳng định quyền kế thừa ruộng đất. Đầu năm 1128, Lý Thần Tông “xuống chiếu rằng: phần dân có ruộng đất bị sung công cùng là bị tội phải làm điền nhi thì đều được tha cả”. Sau đó để hạn chế sự kiện tụng và tranh chấp ruộng đất, năm 1135, Lý Thần Tông lại quy định “Những người đã bán ruộng ao không được tăng tiền lên mà chuộc lại, làm trái phải tội”.
Như vậy mua bán ruộng đất đã là hiện tượng tương đối phổ biến và sự quy định của pháp luật khá cụ thể. Nhà nước công khai khẳng định quyền mua bán ruộng đất của các tầng lớp xã hội. Năm 1143, Lý Anh Tông lại “xuống chiếu rằng các nhà quyền thế ngoài đầm ao của mình không được ngăn cấm xằng bậy, làm trái thì có tội”. Bọn quyền thế vẫn không chấp hành đầy đủ pháp luật, nhiều khi còn khinh thường lệnh vua, nên đến đầu năm 1145, triều đình lại tiếp tục ra chiếu lệnh: “Những người tranh nhau ruộng ao, của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế. Làm trái thì đánh 80 trượng, xử đồ”.
Hình thức kinh doanh và đơn vị canh tác ruộng đất tư hữu này như thế nào, cũng khó xác định cụ thể. Có thể cho rằng hình thức bóc lột chủ yếu là kiểu tá điền nộp tô kết hợp với kiểu bóc lột lao dịch. Có lẽ những ruộng đất hương hỏa thờ Phụng Thánh phu nhân họ Lê là như vậy. Việc đo đạc ruộng đất thời Lý đã xuất hiện, nhưng đơn vị đo lường tính theo mẫu cũng chưa phổ biến lắm, nhiều nơi lại tính theo thước, theo xứ không có số đo chuẩn chung. Điều này thể hiện đơn vị ruộng đất canh tác tương đối lớn, trường hợp bà Thái hậu Linh Nhân cúng vào chùa Sùng Thiện một khu ruộng 72 mẫu liền nhau ở vùng Hồng Châu là tiêu biểu. Đây cũng là dạng thức sở hữu lớn thời bấy giờ. Chính loại sở hữu lớn là cơ sở của sự tồn tại một tầng lớp thế gia - hào trưởng ở các hương, huyện. Văn bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh có ghi dòng họ Thiều, họ Tô con cháu của bộc xạ Lê Lương đến đầu thời Lý vẫn còn thế lực.
b) Kinh tế nông nghiệp
Ngay trong các triều vua đầu của nhà Lý, sử đã chép các thiên tai: 1027, hạn: 1037, lụt to; 1043, đói lớn: 1050, tháng sáu lụt lớn; 1053, từ tháng 7 đến tháng 8, lụt lớn; 1070, hạn 1071, từ mùa xuân đến mùa hạ không mưa; 1079, mưa đá 1095, đại hạn; 1108, mùa hạ không mưa; 1117, không mưa; 1120, lụt đến tận cửa Đại Hưng; 1124 , hoàng trùng; 1124, hạn, cầu mưa; 1126, hạn từ tháng 6, sang tháng 7 càng hạn nặng, sau lại mưa dầm phải cầu tạnh... (Ở đây chỉ ghi các thiên tai trong các triều Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông).
Trước những thiên tai đó, nhà vua thường hay tự thân cầu đảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những biện pháp tích cực hơn. Nhà nước đã chú trọng đến việc bảo vệ sức sản xuất. Khi Lý Công Uẩn mới lên ngôi năm 1010, đã xuống chiếu bắt tất cả những người đào vong phải trở về bán quán, như vậy cốt là để số lượng lao động nông nghiệp được bảo đảm. Năm 1065, Lý Thánh Tông hạ chiếu khuyến nông. Các vua nhà Lý còn thực hiện công việc cày ruộng tịch điền và nhà vua tự đi xem gặt ở hành cung ứng Phong (Nghĩa Hưng, Nam Định). Lý Nhân Tông (1072 - 1128) rất lưu ý đến công việc này. Theo ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư, cũng có lần đích thân nhà vua đến hành cung này xem gặt. Đây là hoạt động khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Chính sách “ngụ binh ư nông” cũng có tác dụng phát triển sản xuất nông nghiệp, sức lao động không bị thiếu. Năm 1128, sáu quân được thay phiên nhau về làm ruộng. Sách Lĩnh ngoại đại đáp cũng chép binh sĩ thay nhau nghỉ một tháng một lần để cày ruộng tự cấp.
Nhà Lý đã có luật lệnh để bảo vệ trâu bò. Trộm trâu hay giết trâu bị tội nặng. Năm 1117, thái hậu Linh Nhân nói rằng: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn, lấy việc trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu càng nhiều hơn trước”. Bây giờ vua mới ra lệnh là kẻ nào ăn trộm trâu, giết trâu, phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ bị phạt 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và phải bồi thường trâu. Nhà láng giềng không cáo giác cũng bị phạt 80 trượng.
Nhà nước cũng chú trọng đến đê điều trị thủy, đặc biệt ở vùng châu thổ sông Hồng. Mùa thu năm 1077, triều đình ra lệnh đắp đê ở sông Như Nguyệt dài 67.380 bộ. Năm 1103 “Vua xuống chiếu cho trong ngoài kinh thành đều đắp đê”.
Năm 1108 triều đình tổ chức đắp đê Cơ Xá (đê sông Hồng) từ Yên Phụ đến Lương Yên. Ngoài Thăng Long, đê điều các vùng khác cũng được tu tạo. Cuối thời Lý, trong cuộc hỗn chiến giữa các đám hào trưởng, sử cũ chép nhiều việc phá đê. Năm 1211, Trần Tự Khánh sai tướng đất Khoái (Hưng Yên) đi đánh Hồng Châu (Hải Dương), viên tướng bị bắt, Tự Khánh đã phá đê cho nước sông chảy tràn vào các ấp rồi về. Năm 1218, Trần Thừa lĩnh các đạo binh đi đánh Nguyễn Nộn ở Bắc Giang (đê sông Đuống) sai phá đê, cho nước tràn vào các hương ấp, rồi theo thế nước mà tiến đánh.
Nhà Lý cũng đào đắp một số công trình thủy lợi. Năm 1029 Lý Thái Tông cho đào sông Đản Nài. Sử cũ ghi “Giáp Đản Nãi (có lẽ là vùng Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hóa) ở châu ái làm phản. Mùa hạ, tháng tư (âm lịch), vua thân đi đánh giáp Đản Nãi, cho Đông Cung thái tử giám quốc. Khi đánh được giáp Đản Nãi rồi, sai trung sứ dốc suất người Đản Nãi đào kênh Đản Nãi”. Đến tháng 12 năm 1051, Lý Thái Tông lại đào kênh Lãm. Dấu vết của dòng kênh này thuộc địa phận các xã Thần Phù, Phù Sa, và Ngọc Lâm huyện Yên Mô (Ninh Bình). Nhân dân địa phương gọi là đầm Lãm. Ở khu vực gần Thăng Long, nhà Lý cũng cho khơi sâu rộng thêm các sông Lãnh Kinh vào năm 1089 và sông Tô Lịch vào năm 1192.
Tuy nhiên, công tác đắp đê phòng lụt và ngăn mặn còn mang tính “vùng” - địa phương. Tác dụng của các con đê còn hạn chế. Phải đến thời Trần, công việc đắp đê trị thủy mới có tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
Những thành tựu trong các chính sách nông nghiệp nhà Lý về trị thủy và thủy lợi, về bảo vệ con người - sức lao động, và bảo vệ số lượng trâu bò - sức kéo nông nghiệp đã thể hiện tính tích cực của Nhà nước thời Lý trong thế kỉ XI-XII. Nhờ đó mà trong hai thế kỉ này xã hội Đại Việt có thể đứng khá vững chắc, đời sống của cư dân tương đối ổn định, là cơ sở vật chất cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống, bảo vệ Tổ quốc. Theo Sử biên niên của ta còn ghi lại thì nhiều năm mùa màng bội thu như năm 1016 triều Lý Thái Tổ; năm 1030, 1044 triều Lý Thái Tông; các năm 1079, 1092, 1111, 1120, 1123 triều Lý Thần Tông năm 1181 triều Lý Nhân Tông; năm 1139, 1140 triều Lý Anh Tông... có năm được mùa lớn, nhà vua lại tiếp xuống chiếu tha thuế cho thiên hạ.
2. Thủ công nghiệp.
Thủ công nghiệp thời Lý có 2 bộ phận, của tư nhân và của nhà nước. Lực lượng lao động trong thủ công nghiệp nhà nước là thợ bách tác. Sản phẩm làm ra là của nhà vua và hoàng cung. Họ làm các việc như đúc tiền, chế tạo binh khí, chiến thuyền và các đồ dùng như tơ lụa và phẩm phục của triều đình, v.v... Thợ bách tác có nguồn gốc từ các chiến tù, nhiều nhất là người Chiêm Thành, các tội nhân, những thợ thủ công bị trưng tập làm trong các quan xưởng. Nhà nước có kho riêng chẳng hạn như quyến khố ti là ti coi kho tơ lụa của triều đình. Sản phẩm của họ khá tinh xảo được thực hiện với kĩ thuật cao, nhưng chủ yếu không phải để trao đổi trên thị trường. Có thể cho rằng nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc thời Lý do triều đình tổ chức xây dựng có kiểu dáng gần giống nhau về quy mô và phong cách là do các nghệ nhân - thợ bách tác làm ra. Năm 1145, nhà vua “cấm các thợ bách tác không được làm đồ dùng theo kiểu của nhà nước tự tiện bán cho dân gian”.
Còn thủ công nghiệp tư nhân thì rất phổ biến. Sản phẩm của họ làm ra là để tự túc hay trao đổi trên thị trường. Thời bấy giờ đã xuất hiện hiện tượng thuê mướn nhân công. Trong những năm nhà nước thực hiện nhiều công trình xây dựng (như 1010, 1031) đều có thuê thợ làm. Nhưng nhìn chung, sản xuất thủ công nghiệp thời Lý (cũng như các thời đại sau) là bộ phận kết hợp với nông nghiệp, được tiến hành trong hộ gia đình vừa tự túc tự cấp hoặc trao đổi để đáp ứng nhu cầu của sản xuất tiểu nông.
Dệt: Năm 1013, vừa lên ngôi được 3 năm, Lý Thái Tổ đặt thuế khóa trong cả nước, trong đó có thuế bãi dâu, một nguồn thu nhập quan trọng của triều đình. Như vậy nghề dệt tơ lụa đã phổ biến, trồng dâu nuôi tằm đã chiếm một diện tích ruộng đất khá lớn. Nghi Tàm chính là tên của làng đã mang nghĩa sự phồn thịnh của nghề nuôi tằm dệt lụa. Theo thần tích địa phương thì công chúa Từ Hoa (có tài liệu chép là Quỳnh Hoa) là tổ sư nghề dệt. Từ Hoa là con vua Lý Thái Tông. Bà đã dạy cho dân làng trồng dâu dệt lụa, vải.
Đại Việt sử kí toàn thư ghi năm 1040 “Vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy, xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì có áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ ra vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”. Chủ trương này được thi hành hẳn vì hàng tơ lụa đã phổ biến và chất lượng tốt. Tơ lụa đã thành sản phẩm cống phú sang Tống. Trong lần cống phú năm 1156 có đến 850 tấm toàn màu vàng thắm, có hoa hồng cuốn.
Đất nung: Gạch, ngói làm vật liệu xây dựng có số lượng lớn. Trong những năm Thăng Long đang được xây dựng các công trình chùa chiền, bảo tháp, cung điện đòi hỏi nguồn vật liệu này khá nhiều. Gạch thời Lý có kích thước lớn, có nhiều hình dạng phong phú. Có loại vuông (35cm x 35cm x 6), có loại gạch hình tròn hay hình chữ nhật Đường kính 25cm. Phần lớn bề mặt các loại gạch được ghi nhận vào thời Lý có hoa văn phong phú như rồng uốn khúc, dây cúc, hoa sen, tượng Phật v.v...
Đồ Đàn: Có loại đồ đựng như thạp, thố, chậu, bát, đĩa... Đặc biệt gốm đàn có xương gốm rắn chắc, nặng, dáng khỏe, còn lớp men dày màu xanh mát trong bóng như thủy tinh gọi là gốm men ngọc. Loại này có Đường nét hoa văn đẹp, tỉ mỉ, nổi hoặc chìm phỏng theo hoa văn trên các đồ đá, gỗ.
Gốm đàn hoa nâu (hoa văn màu nâu, hoặc nền nâu hoa trắng). Có nước men trong suốt hoặc ngả sang ngà. Tất cả loại gốm này có hình dáng mập. Đồ gốm được sử dụng phổ biến trong xây dựng tiêu biểu là hai công trình chùa tháp Diên Hựu và tháp Sùng Thiện Diên Linh. Bia Sùng Thiện Diên Linh ghi: “Sở chùa Diên Hựu ở tại vườn Tây... ở sân trước cầu xây tháp báu lưu li”; Xét từ các hiện vật gốm còn lại, gốm cổ của ta cả thời Lý là dạng nửa sành nửa sứ. Vào thời này, gốm men ngọc nổi tiếng nhất, Đường nét hoa văn trang trí khỏe, đẹp.
Thời Lý cũng đã có một số trung tâm sản xuất gốm tiêu biểu như Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) nổi tiếng xuất hiện vào thời này. Nghề gốm Bát Tràng là do dân làng Bồ Bát (Yên Mô, Ninh Bình) di cư ra lập nghiệp.
Khai thác vàng: Qua các ghi chép của sử cũ chứng tỏ lúc bấy giờ việc khai mỏ vàng không ít. Phương thức khai thác chủ yếu là đãi vàng lộ thiên. Đại Việt sử kí toàn thư chép “Năm Quý hợi, Đại Định thứ 4 (1143), mùa đông tháng 10, sai thái phó Hoàng Nghĩa Hiên và viên ngoại lang Khổng Trường đem quân các khê động dọc biên giới về Đường bộ đi đãi vàng ở các xứ Như Cá”. Chu Khứ Phi người đời Tống cũng viết “Vùng khe động ở Ung Châu biên giới An Nam đã có mỏ vàng. Ở đó sản xuất nhiều hơn các quận. Châu Vũ An của Ung Châu (?) chỉ cách Giao Chỉ có một con sông. Vịt ngỗng bơi sang ăn ở Giao Chỉ, khi về tìm thấy vàng ở trong phân... Giao Chỉ có cái lợi mỏ vàng mới mua dân ta làm nô”.
Nghề đúc đồng cũng có những thành tựu. Năm 1198, nhà nước tổ chức khai thác mỏ đồng ở Lạng Châu. Đồng được sử dụng khá rộng rãi: Đúc tượng, chuông, tiền, vũ khí và các đồ dùng sinh hoạt. Số đồng chi phí vào công việc này khá lớn. Năm 1035, Lý Thái Tông cho phát 6000 cân đồng đúc chuông treo ở chùa Trùng Quang ở núi Tiên Du (Bắc Ninh). Sau đó lại phát 7560 cân đúc tượng Di Lặc và 2 vị Bồ Tát. Lý Thánh Tông có lần phát 12000 cân đồng đúc chuông chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Năm 1101, vua Lý cho đúc chuông chùa Diên Hựu quá lớn, đánh không kêu đành phải bỏ ngoài ruộng (nên gọi là chuông quy điền).
Vào thời Lý, nước ta đã có nhiều nghề thủ công khác phổ biến như nghề xây dựng, nghề in khắc gỗ v.v... Việc xây dựng kinh thành Thăng Long quy mô to lớn, nhà cửa dinh thự lộng lẫy đã thể hiện sự phát triển của các nghề này. Năm 1031 triều đình còn phát tiền cho làm chùa quán trong các hương ấp, số lượng đến 150 nơi. Cùng với sự phát triển của nghề xây dựng thì các nghề khác như nghề làm bia đá, nghề mộc, nghề đúc kim loại, nghề làm đồ mĩ nghệ, điêu khắc v.v... cũng phát triển tương ứng. Nghề in bản gỗ cũng xuất hiện, nhất là ở Thăng Long và trong một số chùa quán. Thiền sư Tín học (? - 1190) trụ trì chùa ở núi Không Lộ (tức là chùa Thầy ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây) “Gia đình mấy đời làm nghề khắc bản in kinh”.
3. Thương nghiệp
Đồng tiền đã được thông dụng trong nội thương và ngoại thương. Kinh tế tiền tệ đã có vai trò quan trọng. Thời Lý đã thu thuế cấp bổng lộc bằng tiền. Năm 1013, nhà nước thu thuế bãi dâu bằng tiền và thóc. Cuối năm 1040, nhân làm xong nhiều công trình Phật giáo, nhà Lý “xá nửa tiền thuế cho cả nước”.
Sau đó vào cuối năm 1044, sau cuộc chiến tranh với Chiêm Thành nhà Lý lại tiếp tục “xá nửa tiền thuế cho dân”.
Năm 1067, nhà nước cấp bổng lộc cho các quan đô hộ phủ mỗi người, mỗi năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và cá muối mọi thức; cho ngục lại mỗi năm 20 quan tiền, 100 bó lúa để nuôi đức “liêm”.
Nhà Lý còn cho phép dùng tiền để chuộc tội. Sau đây là ghi chép của Việt sử thông giám cương mục “Tân Hợi, Thần Vũ năm thứ 3 (1071) trước đó, Lý Thái Tông đặt ra pháp lệnh: phàm kẻ phạm tội, nếu là dân mà là người già hay trẻ con, nếu là người họ thân của nhà vua mà còn phải để tang nhau từ 9 tháng trở lên đều được nộp tiền chuộc tội cả. Đến đây, định lệ lại phàm người được nộp tiền chuộc tội phải tùy theo tội nặng hay nhẹ mà bắt nộp tiền nhiều hay ít khác nhau”. Xem thế thì đồng tiền đã đóng vai trò quan trọng trong thuế khóa, trong buôn bán, trong cả pháp luật triều đình. Kinh tế tiền tệ đã len lỏi trong nhiều quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, thời này số tiền do các đời vua nhà Lý đúc không đáp ứng đủ nhu cầu giao lưu hàng hóa. Tiền đồng Đường Tống của Trung Quốc vào Đại việt chiếm một tỉ lệ lớn. Điều này thể hiện quan hệ buôn bán Đại Việt-Trung Hoa khá phát triển và còn một phần ít là do số tiền cũ thời Bắc thuộc trước kia còn lại vẫn tiếp tục lưu hành trên thị trường.
Một địa điểm ngoại thương quan trọng thời Lý nữa là cảng biển Vân Đồn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi “Kỷ Tị (Đại Định năm thứ 10 -1149), mùa xuân tháng 2 thuyền buôn nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho tập trung ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiền, sản vật địa phương”. “Giáp Thìn (Trinh Phù) năm 1184, người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán”.
- Tráo Oa tức là Đảo Giava (Inđônêxia).
- Lộ Lạc có lẽ là một Vương quốc Lavô (ở Lôpburi, Thái Lan).
- Xiêm La, quốc gia ở lưu vực sông MêNam (Thái Lan)
- Tam Phật Tề là vương quốc Srivijaya ở đảo Xumatơra.
Vân Đồn là vùng quần đảo ở phía đông bắc đất nước có vị trí tự nhiên rất thuận lợi cho thuyền bè qua lại và trú đỗ, lại nằm trên trục hàng hải Trung Quốc xuống các nước vùng Đông Nam Á. Ở đây có đảo Vân Hải là lớn nhất. Trên đảo Vân Hải có núi Vân cao, có làng Vân rộng và đông người, trung tâm của Vân Đồn xưa. Vùng biển Diễn Châu cũng là nơi ngoại thương phát triển.
Vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn của đất nước nên vua Lý chỉ cho phép thương nhân nước ngoài buôn bán ở một số địa điểm nhất định, chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Thương nhân Trung Quốc đến Đại Việt buôn bán và thương nhân Đại Việt cũng sang buôn bán ở Trung Quốc. Đầu thời Lý, 1012, Lý Công Uẩn xin vua Tống cho thuyền tới Ung Châu (Quảng Tây) buôn bán. Vua Tống Chân Tông chỉ bằng lòng cho tới buôn bán ở Quảng Châu và ở trại Như Hồng (Khâm Châu) theo như lệ cũ thời Lê mà thôi. Các địa điểm buôn bán ở biên giới Trung - Việt gọi là “bạc dịch trường”. Có hai bạc dịch trường lớn, một ở trại Hoành Sơn và một ở trại Vĩnh Bình. Trại Hoành Sơn là nơi mua ngựa và các lâm sản, thuốc chữa bệnh của các dân tộc thiểu số. Trại Vĩnh Bình là bạc dịch trường quan trọng, mua bán hàng hóa với Việt Nam.
Hàng xuất của ta thường là lâm thổ sản và hàng nhập là các sản phẩm như giấy bút, tơ, vải, gấm vóc (cả gấm Thục). Theo Lĩnh ngoại đại đáp thì trầm hương ở nước ta bán sang Trung Quốc đều là trầm hương của Chămpa. Có thể là thương nhân nước ta đã buôn trầm hương của Chămpa rồi đem bán sang Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ Việt Nam bấy giờ có buôn bán với Chămpa.
Giữa các dân tộc ít người vùng biên giới cũng có buôn bán với nhau. Sử cũ chép rằng năm 1012, người Man qua cột đồng đến bến Kim Hoa và châu Vị Long (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) buôn bán. Vua sai người bắt được người Man và hơn một vạn con ngựa. Người Man có lẽ là người Thái Vân Nam (Trung Quốc).