Đại Cồ Việt thời Đinh – Tiền Lê (968 - 1009)
1. Tình hình chính trị
Đất nước trở lại thống nhất, yên bình. Năm 968, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (tức Đinh Tiên Hoàng) đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Mùa xuân năm 970, tiến thêm một bước, Đinh Bộ Lĩnh bỏ không dùng niên hiệu của nhà Tống, tự đặt niên hiệu là Thái Bình và sai sứ sang giao hào với nhà Tống. Một quốc gia độc lập có quốc hiệu, có nhà nước riêng do hoàng đế đứng đầu đã được xác lập.
Năm 978, Đinh Tiên Hoàng lập con nhỏ là Hạng Lang làm thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương. Đinh Liễn là con trai đẩu, đã từng có nhiều công lao trong sự nghiệp đánh dẹp 12 sứ quân, dựng nên triều đại mới, chỉ được phong Nam Việt vương. Không chấp nhận điều đó, Đinh Liễn cho người ngầm giết Hạng Lang. Sự việc chưa có gì đổi mới thì cuối năm 979, nhân một bữa tiệc rượu trong cung của hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, một viên quan hầu tên là Đỗ Thích đã ám hại cả hai.
Đỗ Thích bị bắt giết. Triều thần đưa Vệ vương Toàn mới 5 tuổi lên nối ngôi. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được cử làm phụ chính. Vì nghi ngờ Lê Hoàn có ý định cướp ngôi, các tướng cũ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đã đưa quân về kinh định giết ông. Cuộc chiến xảy ra. Đinh Điền, Phạm Hạp, Nguyễn Bặc đều bị giết.
Giữa lúc đó thì nhà Tống, nhân sự kiện Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, quyết định đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt. Trước nguy cơ ngoại xâm đang đến gần, bà thái hậu họ Dương - mẹ đẻ của Đinh Toàn - đã cử Lê Hoàn làm tổng chỉ huy quân đội, chuẩn bị cuộc kháng chiến. Trong buổi hội triều bàn kế hoạch chống giặc, đưa vào đề nghị của các tướng lĩnh, bà thái hậu họ Dương đã cho người khoác áo long cổn lên mình Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua.
Lê Hoàn là người Xuân Lập (Thọ Xuân - Thanh Hóa), quê gốc ở Thanh Liêm (Hà Nam), cha, mẹ chết sớm, được một viên quan sát họ Lê nuôi. Lớn lên, ông theo giúp Đinh Liễn, lập nhiều công trạng, khi nhà Đinh thành lập, ông được phong chức Thập đạo tướng quân.
Nhà Lê thành lập (sau gọi là Tiền Lê). Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) giữ nguyên tổ chức bộ máy nhà nước của thời Đinh với kinh đô Hoa Lư. Triều đình trung ương do vua đứng đầu, nắm mọi quyền hành về dân sự cũng như quân sự.
Dưới vua là các chức quan văn, võ, trong đó cao nhất là Định quốc công (Nguyễn Bặc), Ngoại giáp (Đinh Điền), Thập đạo tướng quân (Lê Hoàn). Về sau, Lê Hoàn đặt thêm các chức thái sư, đại tổng quản, thái úy, đô hộ phủ sĩ sư tả và hữu điện tiền chỉ huy sứ, chi hậu v.v... Đặc biệt ở thời Đinh - Tiền Lê còn có một bộ phận tăng quan với các chức tăng thống, tăng lục, sùng chân uy nghi v.v... Lê Hoàn đã dùng một vị đại sư làm quốc sư (Ngô Chân Lưu) vừa phụ trách việc quản lí đạo Phật vừa làm cố vấn cho nhà vua.
Hệ thống các đơn vị hành chính và chính quyền địa phương cũng được tổ chức đầy đủ. Ban đầu cả nước được chia thành 10 đạo. Năm 1002, Lê Hoàn đổi 10 đạo thành lộ, dưới có phủ, châu. Các lộ, châu đều có quản giáp, thứ sử, trấn tướng... trông coi. Thời Tiền Lê, nhằm bảo vệ quyền lực của dòng họ, nhà vua đã cử các hoàng từ trông coi các châu về tất cả các mặt. Trừ các nhà sư, quan lại trong ngoài triều hầu hết là võ tướng.
Nhà Đinh - Tiền Lê rất chú trọng xây dựng quần đội. Ở kinh thành có một đạo cấm quân gồm khoảng 3000 người. Đạo quân này chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành và các vua quan. Bên cạnh đó còn có một đạo quân Tứ sương, canh giữ các cổng thành.
Chế độ ngụ binh ư nông được thực hiện để nhà nước có được một lực lượng quân sự lớn khi cần. Lực lượng này gồm 10 đạo, mỗi đạo gồm 10 quân, mỗi quân gồm 10 lữ, mỗi lữ gồm 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Nếu đúng như vậy, nhà Đinh - Tiền Lê đã từng có đến 100 vạn quân. Quân sĩ đều được trang bị quần áo, mũ da bốn bề khâu giáp nhau lại, trên hẹp, dưới rộng, chóp phẳng và có vũ khí đầy đủ: cung, nỏ, giáo mác, lao, gậy, mộc bài. Thủy quân gồm nhiều chiến thuyền, trang bị đầy đủ. Với những tướng lĩnh có nhiều kinh nghiệm, quân đội của nhà Đinh - Tiền Lê đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh đất nước và chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Trong buổi đầu xây dựng và củng cố một đất nước vừa thống nhất lại sau nhiều năm rối loạn và một nhà nước quân chủ tập quyền mới thành lập, nhà Đinh - Tiền Lê rất coi trọng luật pháp. Những hành động chống lại nhà nước trung ương, phá hoại trật tự an ninh xã hội v.v... đều bị trừng trị nặng. Luật pháp thành văn chưa có điều kiện soạn thảo và ban hành, nhưng như sử cũ ghi lại: “Vua (chỉ Đinh Tiên Hoàng) muốn lấy uy thế để ngự trị thiên hạ mới đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi, hạ lệnh rằng: người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vào vạc dầu nấu hay cho hổ ăn. Mọi người sợ phục không dám trái”. Thời Tiên Lê, nhà vua thường tùy tiện xét xử. Theo sứ nhà Tống là Tống Cảo, bấy giờ “tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi hoặc đánh từ 100 đến 200 roi, bọn giúp việc ai hỏi có điều gì trái ý cũng đánh 30 hay 50 roi, truất làm tên gác cổng khi hết giận lại gọi về làm chức cũ”. Năm 1002, vua Lê “định luật lệnh”, tiếc rằng sách xưa không còn, nên không có thông tin cụ thể. Theo nhà sử học thế kỉ XIX là Phan Huy Chú: “Thời cổ làm việc chỉ có quy chế, không dùng hình luật vì đời thuần, phép giảm, có thể châm chước tùy nghi được”. Có thể nghĩ rằng, bấy giờ hình pháp nói chung hà khắc, việc xét xử ở trung ương chủ yếu do vua định đoạt, còn ở địa phương thì do các quan trông coi quyết định. Luật tập quán còn thịnh hành.
Việc tuyển chọn quan lại đương thời chưa có chế độ cụ thể. Những người nắm quyền chủ yếu là võ tướng đã từng tham gia cuộc đánh dẹp các sứ quân hoặc là các hoàng tử. Về sau, một số văn thần cũng được cất nhắc lên giữ các vị trí thân cận với vua, thay dân các vị sư giỏi. Nhà nước cũng bước đầu phong cấp “hộ nông dân” cho các tướng làm bổng lộc suốt đời.
Nhìn chung, nhà nước Đinh - Tiền Lê tuy đã tiến một bước quan trọng trên con Đường khẳng định nền độc lập dân tộc, nhưng vẫn còn rất đơn giản, thể hiện sự quá độ sang một thời kì phát triển ổn định theo hướng phong kiến hóa ngày càng vững chắc và mang đậm ý thức dân tộc.
2. Tình hình kinh tế
Đại Cồ Việt là một nước nông nghiệp thuần túy. Những năm dưới thời họ Khúc, họ Ngô, do tác động của các cuộc chiến tranh hay tranh chấp nội bộ, nhà nước không có điều kiện xây dựng một nền kinh tế riêng.
Đất nước ổn định. Ý thức về quyền lực tập trung của nhà nước quân chủ dần dần dẫn đến sự hình thành của quan niệm về quyền sở hữu tối cao của nhà vua đối với toàn bộ ruộng đất trong nước. Thực hiện quan niệm này, Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi hoàng đế đã phong ấp hay phong hộ nông dân cho các tướng lĩnh có công như Trần Lãm, Nguyễn Tấn, Phạm Hán, Phạm Phổ v.v... Tiếp sau đó, nhà Tiền Lê đã thực hiện việc phong ấp cho các hoàng tử và giao cho họ cai quản địa phương có ấp của mình. Một số quan chức cao cấp như Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn cũng được phong ấp ở Đằng Châu.
Hơn nữa, Lê Hoàn còn sử dụng một số vùng đã tịch thu được của các sứ quân để làm ruộng tịch điền, phục vụ nghi lễ khuyến khích sản xuất nông nghiệp và lấy thóc lúa đưa vào kho nhà nước. Bố Hải Khẩu - vùng đất lập nghiệp cũ của sứ quân Trần Lãm, Đỗ Động của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc và một số vùng khác như Bàn Hải, Đọi Sơn (Hà Nam) v.v... đều là tịch điền của nhà nước. Các vùng đất này đều do những người bị tù tội hay nông dân làm nghĩa vụ lao dịch cầy cấy, toàn bộ thu hoạch thuộc về nhà nước.
Bên cạnh đó, một hiện tượng được bia cổ ghi lại đã nói thêm về điều này. Theo tấm bia “Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh”. Vua Đinh Tiên Hoàng đã phong Lê Lương - người Đông Sơn - Thanh Hóa – làm đô quốc dịch sứ của quận Cửu Chân, thuộc Ái Châu, cai quản cả một vùng đất rộng lớn “đông đến Phân Địch, nam đến Vũ Long, tây đến đỉnh núi Mạ La, bắc đến lèn Kim Cốc” và cho con cháu ông được đời đời làm quan coi đất ấy. Thực ra thì vùng đất rộng lớn này vốn thuộc quyền cai quản của dòng họ Lê Lương từ trước và bản thân ông cũng là một lãnh chúa lớn của địa phương này. Việc phong cấp mang ý nghĩa khẳng định quyền sở hữu tối cao về ruộng đất của nhà nước mới.
Ruộng đất trong nước nói chung thuộc sở hữu làng xã. Nhân dân trong làng, theo tập tục chia ruộng đều cho nhau để cày cấy và hàng năm nộp thuế cho nhà nước. Một số làng mới được thành lập bằng phương thức khai hoang, cũng theo phương thức phân chia ruộng đất đó. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn tồn tại các trang trại của con cháu các viên quan đô hộ cũ thời Đường hoặc các thổ hào địa phương. Rải rác ở nơi này hay làng nọ, đã xuất hiện ruộng đất tư hữu. Quá trình phong kiến hóa được tiếp tục.
Những điều kiện hòa bình, ổn định xã hội đã giúp cho người nông dân phát triển sản xuất vừa để có thu nhập duy trì cuộc sống vừa có thóc lúa nộp thuế cho nhà nước hay cho các quan chức, chủ ấp. Nhà nước mới cũng quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp. Vua Lê, hàng năm vào đầu xuân, vẫn về địa phương làm lễ cày tịch điền để khuyến khích sản xuất. Nhà Lê cũng chú ý đào vét sông kênh vừa phục vụ việc lưu thông vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 1008, Lê Hoàn sai quân dân nạo vét kênh Đa Cái (Hoa Cái Nghệ An), năm 1009 Lê Long Đĩnh cho phép quân dân Ái Châu (Thanh Hóa) đắp Đường, đào kênh ở vùng mình v.v...
Sự khuyến khích của nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân đã làm cho nông nghiệp ngày càng ổn định và bước đầu phát triển. Mùa lúa các năm 987, 989 đều tốt.
Tiếp nối quá trình phát triển thủ công nghiệp thời Bắc thuộc, các ngành nghề thủ công thời Đinh - Tiền Lê cũng ngày càng mở rộng hoạt động.
Theo phương thức thời Đường, nhà nước Đinh - Tiền Lê xây dựng một số quan xưởng chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công cần thiết cho mình. Hình thành những xưởng đúc tiền, rèn vũ khí, may mũ, áo, xây dựng cung điện, nhà cửa, chùa chiền. Kinh đô Hoa Lư như sử cũ ghi: “có điện Bách bảo thiên tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc”, ngoài ra còn có “lầu Đại Vân, điện Trường Xuân, điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc”, điện Càn Nguyên v.v... Gần động Thiên Tôn, nhà Đinh - Tiền Lê cũng cho xây đài Kính Thiên làm nơi tế cáo trời đất. Xung quanh kinh thành có tường thành hoặc xây bằng gạch, hoặc đắp bằng đất, đá. Trong thành còn có một số ngôi chùa như chùa Nhất Trụ, các kho vũ khí hoặc kho đồ dùng hàng ngày, kho thóc thuế v.v...
Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như kéo tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy đều phát triển. Nhà nước đã từng dùng các sản phẩm của thủ công nghiệp nhân dân để làm cống phẩm. Nghề đóng thuyền, làm đồ vàng bạc xuất hiện ở nhiều nơi. Trình độ kĩ thuật ngày càng được nâng cao.
Trao đổi buôn bán giữa các miền khá thường xuyên. Chợ búa mọc lên ở nhiều nơi. Để góp vào việc phát triển thương nghiệp và cũng là để khẳng định ý thức làm chủ đất nước của mình, từ đầu thời Đinh, nhà nước đã cho đúc tiền “Thái bình”. Năm 984, vua Lê lại cho đúc tiền “Thiên phúc”... Hoa Lư, Long Biên, Đại La, Luy Lâu v.v,.. trở thành những trung tâm buôn bán. Đường sá được sửa đắp, nối liền kinh đô với vùng nam cũng như vùng bắc. Năm 983, Lê Hoàn cho đào con sông nối từ núi Đồng Cổ (Yên Định – Thanh Hóa) đến sông Bà Hòa (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) thuyên bè công tư đi lại đều tiện. Năm 1003, Lê Hoàn lại cho vét kênh Đa Cái (Nghệ An). Năm 1009, Lê Long Đĩnh cho đóng thuyền chở người qua lại trên sông Vũ Lũng và cho đào sông, đắp Đường từ cửa sông Chi Long (Nga Sơn - Thanh Hóa) đến sông Vũ Lũng. Từ năm 992, Lê Hoàn đã sai phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đắp Đường từ cửa Nam Giới (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đến châu Địa Lý (bắc Quảng Bình). Năm 1009, Lê Long Đĩnh lại sai Phòng át sứ Hồ Thủ Ích đem 5000 quân vào sửa đắp lại con Đường này.
Từ năm 976, thuyền buôn nước ngoài đã đến xin buôn bán với nước ta. Năm 1009, Lê Long Đĩnh xin đặt quan hệ buôn bán với nhà Tống, được nhà Tống cho thông thương với châu Liêm và trấn Như Hồng (thuộc nam Quảng Tây, Quảng Đông).
Nhìn chung, sự phát triển kinh tế, từ nông nghiệp cho đến công thương nghiệp, dưới thời Đinh - Tiền Lê, khá đều đặn và ngày càng đa dạng. Nó đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố nhà nước trung ương tập quyền vừa nâng cao sức chiến đấu của nhà nước Đinh - Tiền Lê.
3. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (981)
Năm 970, sau khi ổn định việc xây dựng triều đình mới, Đinh Bộ Lĩnh cử sứ bộ sang nhà Tống giao hảo. Các năm 972, 973, vua Đinh lại cử Đinh Liễn làm chánh sứ sang Tống cầu phong. Vua Tống đã sai sứ sang phong Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương và phong Đinh Liễn làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Quan hệ Việt - Tống diễn ra tốt đẹp.
Cuối năm 979, hai cha con Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Liễn bị ám hại. Nội bộ triều đình lục đục, vua mới còn nhỏ. Được tin đó, nhà Tống vội sai các tướng Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng... đem quân sang xâm lược nước ta.
Mùa thu năm 980, viên quan coi Lạng Châu (Lạng Sơn) cho người về kinh cấp báo tin quân Tống chuẩn bị đánh xuống nước ta. Dương thái hậu giao cho phụ chính Lê Hoàn tổ chức cuộc kháng chiến và tiếp đó, đưa Lê Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn đã cùng các tướng huy động quân sĩ cùng nhân dân khẩn trương chuẩn bị chống giặc. Theo kế của Ngô Quyền trước đây, ông sai quần đóng cọc nhọn ở vùng cửa sông Bạch Đằng để ngăn thủy quân của giặc, đặt một số đồn quân ở vùng biên giới đông bắc và cho người sang nhà Tống dâng sớ xin được lập Đinh Toàn làm vua, nhằm gây thêm sự chủ quan, kiêu ngạo của quân Tống và tăng thời gian chuẩn bị của quân ta.
Tháng 4 năm 981, bất chấp sớ cầu phong của Lê Hoàn, quân Tống ồ ạt kéo vào nước ta theo hai Đường: Đạo quân của bọn Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ tiến theo Đường Lạng Sơn, đạo quân của Lưu Trừng, Giả Thực tiến về phía cửa sông Bạch Đằng. Theo kế hoạch đã định, khi thủy quân của giặc đến vùng ven biển gần cửa sông Bạch Đằng thì Lê Hoàn cử quân tiến ra chống cự kịch liệt. Không đánh nổi quân ta, thủy quân giặc buộc phải rút lui. Trong lúc đó, Hầu Nhân Bào chờ mãi không thấy tin tức gì của thủy quân, phải đốc thúc Tôn Toàn Hưng - bấy giờ còn đóng lại ở Hoa Bộ (nam Quảng Đông - Trung Quốc) chờ tin, tiến xuống, nhưng Toàn Hưng không chịu. Hầu Nhân Bảo đành tự mình đốc quân đánh xuống theo Đường sông Chi Lăng (sông Thương). Lê Hoàn đã phục binh đánh tan giặc, giết chết Hầu Nhân Bảo, rồi nhân đà thắng lợi đánh thẳng lên phía bắc. Trần Khâm Tộ được tin Nhân Bào chết, hoảng sợ, ra lệnh rút quân chạy về nước nhưng không kịp. Quân ta đã đánh cho giặc tơi bời, quá nửa số quân của Trần Khâm Tộ tử trận cùng với tên chủ tướng. Trong cuộc quyết chiến này, hai tên tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đã bị ta bắt. Những tên khác như Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giã Thục, Vương Soạn chạy thoát về nước (sau đều bị xử tử hoặc giam cho đến chết). Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống hoàn toàn thắng lợi. Một lần nữa, nhân dân ta đã bằng sức chiến đấu anh dũng của mình, khẳng định quyền làm chủ đất nước, bảo vệ vững chắc những nhân quả đấu tranh và xây dựng của tổ tiên mình. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã giáng một đòn nặng nề vào tư tưởng bành trướng của vua tôi nhà Tống. Tên tuổi của Lê Hoàn và quân tướng nhà Tiên Lê cũng như của Dương thái hậu mãi mãi khắc sâu vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
4. Tình hình nội trị và ngoại giao thời Tiền Lê
- Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống, Lê Hoàn bắt tay vào việc ổn định tình hình trong nước. Ngoài việc tổ chức lại chính quyền, mở mang Đường sá, khuyến khích nhân dân sản xuất, nhà Lê phải lo chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân các vùng xa, đặc biệt là ở các châu phía nam.
Năm 989, quản giáp Dương Tiến Lộc được cử đi thu thuế ở hai châu Ái, Hoan, đã nhân đó liên kết với một số thủ lĩnh địa phương giữ châu, chống lại triều đình. Lê Hoàn phải cầm quân đi đánh dẹp.
Các năm 999, 1001, Lê Hoàn lại phải đem quân đánh dẹp các cuộc nổi dậy của người Hà Động, Cử Long (đều thuộc miền tây Thanh Hóa). Tình hình tạm yên trong một thời gian.
Năm 1008, dân hai châu Đô Lương, Vị Long (thuộc Tuyên Quang) nổi dậy. Lê Long Đĩnh đã cầm quân đi đánh. Tiếp đó, năm 1009, Lê Long Đĩnh lại phải đem quân đi đánh người châu Thạch Hà... (thuộc Hà Tĩnh).
Tình hình này vẫn còn diễn ra trong nhiều năm dưới thời Lý. Trong công cuộc ổn định tình hình ở phía nam, nhà Tiền Lê còn phải đối phó với những hoạt động xâm lấn của Chămpa.
Năm 979, Khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, vua Chămpa nghe lời xúi giục của Ngô Nhật Khánh (phò mã của nhà Đinh) đã cho thủy quân tiến ra, định xâm lấn vùng nam Đại Cồ Việt. Chẳng may, hạm thuyền Chămpa bị bão tố đánh đắm, vua Chămpa buộc phải chạy về nước.
Năm 980, sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã cử Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chămpa đặt quan hệ hòa hiếu, nhằm yên mặt nam để chống giặc Tống. Vua Chămpa cậy thế hùng mạnh, đã bắt giữ các sứ thần.
Năm 982, sau khi đã đánh bại quân Tống, Lê Hoàn quyết định đem quân đánh Chămpa, tiến thẳng đến kinh đô, phá hủy thành trì rồi rút quân về. Quan hệ Việt - Chăm tạm yên.
- Quan hệ với nhà Tống sau chiến tranh bắt đầu hòa hoãn, tốt đẹp. Năm 982, 983 Lê Hoàn sai sứ sang Tống cầu phong, đặt lại quan hệ hòa hiếu. Năm 986, nhà Tống cử sứ bộ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ, kinh triệu quận hầu. Lê Hoàn đã nhân đó trao trả nhà Tống hai tên tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân.
Năm 987, nhà Tống cử Quốc tử giám bác sĩ là Lý Giác sang sứ nước ta. Với ý thức dân tộc, không chịu thua kém nước người, Lê Hoàn đã cử một nhà sư giỏi là Đỗ Thuận đóng giả làm Giang lệnh, chèo đò sang đón sứ. Ra giữa sông, Lý Giác nhìn thấy đôi ngỗng đang bơi, bèn ứng khẩu ngâm hai câu thơ:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Nghĩa là
Ngỗng kia, ngỗng một đôi
Ngửa mặt nhìn chân trời
Đỗ Thuận bình tĩnh vừa chèo đò vừa đọc tiếp:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Nghĩa là
Lông trắng phô nước biếc
Rẽ sóng, chèo hồng bơi
Lý Giác vừa ngạc nhiên vừa khâm phục và từ đó luôn luôn tỏ ra kính nể triều đình nhà Tiền Lê.
Năm 990, sứ nhà Tống là Tống Cảo sang nước ta phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ “đặc tiến”. Lê Hoàn đã dàn chiến thuyền trên sông để đón sứ, sau đó lên bộ cùng sứ thần đi ngựa về cung. Đến điện Minh Đức, Lê Hoàn nhận sắc phong nhưng không lạy, lấy cớ là vừa qua đi đánh giặc bị ngã ngựa, chân đau. Trong tiệc thết đãi, Lê Hoàn lại nói với Tống Cảo về tâu với vua Tống là từ sau, khi có quốc thư thì cho giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiên phải đến tận kinh đô nữa. Đề nghị này đã được vua Tống chấp nhận.
Năm 991, Lê Hoàn sai sứ sang Tống đáp lễ.
Năm 993, nhà Tống sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Giao Chỉ quận vương, tiếp đó, năm 997, vua Tống lại phong Lê Hoàn làm Nam bình vương.
Quan hệ Việt - Tống tốt đẹp. Nhà Tiền Lê tuy chịu thần phục nhà Tống, hàng năm nộp cống đầy đủ, nhưng luôn luôn giữ vững tinh thắn tự chủ, độc lập. Năm 1005, Lê Hoàn chết. Các con của Lê Hoàn tranh chấp ngôi vua, đem quân đánh lẫn nhau. Năm 1006, viên tri Quảng Châu của nhà Tống dâng sớ xin đem quân xâm lược Đại Cồ Việt. Vua Tống đã khước từ, nói: “Họ Lê thường vẫn sai con vào chầu, không thiếu trung thuận, nay nghe tin mới chết, chưa có lễ thăm viếng đã vội đem quân sang đánh trong lúc có tang, có phải là việc làm của đấng vương giả đâu!”.
Ít lâu sau, an phủ sứ Thiệu Việt lại xin vua Tống đánh chiếm nước ta một lần nữa nhưng vua Tống vẫn bảo: “Giao Châu độc địa, nếu đem quân sang đánh, chết hại rất nhiều, nên giữ cẩn thận cõi đất của tổ tông mà thôi”.
Năm sau đó, vua Tống phong Lê Long Đĩnh là Giao Chỉ quận vương và đúc Ấn ban cho Long Đĩnh đã nhận đó, xin được thông thương với vùng Hoa Nam.
5. Nhà Tiền Lê suy vong. Nhà Lý được thành lập
Lê Hoàn chết, con là Long Việt lên nối ngôi mới được 3 ngày thì bị em là Long Đĩnh giết và cướp ngôi. Xảy ra cuộc chiến giữa các hoàng tử và Long Đĩnh, tranh chấp ngôi vua, kéo dài trong 8 tháng. Các hoàng tử lần lượt bị giết hoặc chịu hàng phục Long Đĩnh (tức Lê Ngọa Triều). Lê Long Đĩnh chấn chỉnh lại triều đình, đặt quan hệ với nhà Tống và đem quân đi trấn áp các cuộc nổi dậy của những vùng xa. Tình hình trở lại ổn định. Lê Long Đĩnh xoay sang ăn chơi trụy lạc nên mắc bệnh trĩ phải nằm để hội chầu với các quan, Long Đĩnh lại thích những trò hành hình dã man như đốt người, xéo thịt, thả người trôi sông, bắt trèo cây cao rối chặt đổ cho người rơi xuống chết. Trong cung lại nuôi một số người chuyên pha trò những lúc vua nói với các quan. Chính sự đổ nát, lòng người chán nản.
Trước tình hình đó, một số nhà sư ở châu Cổ Pháp (Bắc Ninh) đã truyền nhau những câu “sấm” nói về sự sụp đổ tất yếu của nhà Tiền Lê. Tháng 11 năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Được sự ủng hộ của các nhà sư và theo lời “sấm kí”, chi hậu Đào Cam Mộc cầm đầu một số triều thần đua tà thân vệ điện tiên chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua.
Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, thuở nhỏ làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn, sau đó đến học ở chùa Lục Tổ của sư Vạn Hạnh. Lớn lên, ông được cử chỉ huy quân Điện tiền, thăng dần lên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn là người vừa có học, có đức lại biết xử sự đúng nên rất được triều thần nhà Tiền Lê quý trọng.
Lý Công Uẩn lên ngôi, xuống lệnh đại xá cho thiên hạ, quyết định lấy năm 1010 làm năm Thuận Thiên thứ nhất. Nhà Lý thành lập, một giai đoạn mới trong lịch sử bắt đầu.