Tài liệu: Xây dựng và bảo vệ nền tự chủ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Năm 905, cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ hoàn toàn thắng lợi, chính quyền thống trị của nhà Đường bị lật đổ.
Xây dựng và bảo vệ nền tự chủ

Nội dung

Xây dựng và bảo vệ nền tự chủ

1. Những năm đầu độc lập dưới thời họ Khúc

Năm 905, cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ hoàn toàn thắng lợi, chính quyền thống trị của nhà Đường bị lật đổ. Nhà Đường buộc phải phong Khúc Thừa Dụ làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ rồi tiếp đó ban thêm chức Đồng bình chương sự với mong muốn xem họ Khúc cũng là một quan chức của mình. Nhưng Khúc Thừa Dụ đã không chấp nhận ý tưởng đó, quyết định củng cố những thành quả mà cuộc khởi nghĩa đã giành được.

Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con ông là Khúc Hạo lên kế vị, tiếp tục sự nghiệp và tinh thần tự chủ của cha mình. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, Khúc Hạo đã thực hiện một cuộc cải cách về nhiều mặt nhằm xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, thoát dần ảnh hưởng và sự khống chế của các thế lực thống trị phương Bắc. Sử liệu ít ỏi còn lại chỉ cho biết một vài nét khái quát về cuộc cải cách đó:

Về chính trị, Khúc Hạo bãi bỏ bộ máy hành chính đô hộ cũ của nhà Đường để thành lập một bộ máy quản lí đất nước riêng của mình. Các hương bên dưới được tổ chức lại và đổi gọi là giáp. Theo An Nam chí của Cao Hùng Trưng (Trung Quốc - thế kỉ XVII), Khúc Hạo đặt thêm hơn 150 giáp, cộng với số giáp đã có trước, thành 314 giáp[1]. Lãnh thổ thuộc quyền cai quản của chính quyền mới được mở rộng hơn trước. Ở các giáp, Khúc Hạo cho đặt các chức chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng và giáp trưởng trông coi nhằm tăng cường sự quản lí trực tiếp của chính quyền trung ương đối với các đơn vị hành chính cơ sở, đồng thời xác lập quyền tự chủ của đất nước.

Tiếp đó, để nắm được số dân trong nước, Khúc Hạo đã cho lập sổ hộ khẩu, bắt dân đinh phải “kê rõ họ tên, quê quán” và giao cho giáp trưởng coi giữ. Như sử cũ đã ghi, bấy giờ “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị” khiến cho “nhân dân đều được yên vui”. Sau nhiều thế kỉ sống dưới ách kìm kẹp, bóc lột nặng nề của chế độ đô hộ, sự “khoan dung, giản dị” của chính quyền họ Khúc không chỉ góp phần tạo nên sự “yên vui” của nhân dân mà còn thể hiện rõ tinh thần của một đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm.

Về tài chính, Khúc Hạo chủ trương sửa đổi lại chế độ tô thuế. Trong những thế kỉ thuộc Đường, ngoài cống nạp, nhân dân ta còn phải chịu hàng loạt bất công về chế độ tô thuế và chịu một chế độ lao dịch nặng nề. Như sử cũ đã ghi, Khúc Hạo đã xoá bỏ sự bất công và áp bức nặng nề đó bằng chính sách “quân bình thuế ruộng” và “tha bỏ lực dịch”. Nỗi khổ của ách nô dịch không còn nữa, dù rằng người dân vẫn giữ nghĩa vụ đóng góp sức mình cho nhà nước.

Những cải cách của Khúc Hạo đã tạo điều kiện cho chính quyền trung ương có khả năng kiểm soát được một cách trực tiếp các địa phương trong nước, góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất lãnh thổ, bước đầu xóa bỏ chế độ bóc lột, áp bức nặng nề của chính quyền đô hộ, tạo điều kiện cho nhân dân ta sống và sản xuất “yên vui”, ổn định, tránh được mọi sự hạch sách, cưỡng bức của bọn quan lại đô hộ trước đây, đồng thời cũng tạo cơ sở thuận lợi cho nhân dân ta gia tăng sức lao động sáng tạo, nâng cao dần cuộc sống của mình. Những cải cách của Khúc Hạo tuy dựa trên những thiết chế đã có của thời thuộc Đường, nhưng đã vượt qua những hạn chế của nó, thể hiện rõ tinh thần của một quốc gia độc lập, có quyền tự chủ của mình. Những cái cách đó cũng nhận được sự ủng hộ của nhân dân và thực sự đáp ứng được những mong muốn của nhân dân khi đã giành lại được độc lập.

Năm 917, khi được tin nhà Nam Hán thành lập ở Hoa Nam (vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), Khúc Hạo đã cử con là Khúc Thừa Mỹ sang làm “hoan hảo sứ” và như sử cũ nhận xét: “mượn tiếng là kết mối hòa hảo để dò xét tình hình hư thực thế nào”.

Cùng năm đó, Khúc Hạo chết. Khúc Thừa Mỹ trở về nước, thay cha nắm chính quyền. Biết được ý đồ của nhà Nam Hán, Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương (thay nhà Đường với tư cách một tiều đại ở trung ương Trung Quốc) xin lĩnh “tiết việt” với ý nghĩa thần phục[2]. Đất nước tiếp tục yên bình.

2. Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm

Vào cuối thế kỉ IX, sự suy sụp của nhà Đường đã dẫn đến tình trạng phiên trấn cát cứ, đất nước bị chia xé. Chính trong hoàn cành đó, như đã nói ở trên, Khúc Thừa Dụ đã nổi binh chiếm thành Đại La, làm chủ đất An Nam. Năm 907, nhà Đường đổ, nhà Hậu Lương thành lập. Vua Lương phong ngay tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Ẩn làm Nam bình vương, kiêm Tĩnh hải quân tiết độ sứ với ý đồ buộc Lưu Ẩn vào vòng quản lí của mình và kiểm soát hộ đất An Nam, tất nhiên trong thực tế Lưu Ẩn không chấp nhận cũng không làm được điều đó. Sau khi Lưu Ẩn chết (năm 911), Lưu Nham lên thay. Thực hiện ý đồ của anh mình, năm 917, Lưu Nham đã khẳng định sự tồn tại của tiểu quốc mình bằng việc đặt quốc hiệu Nam Hán.

a) Cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ nhất

Năm 930, viện cớ họ Khúc xin tiết việt của nhà Lương, Lưu Nham (sau đổi là Cung rồi lại đổi là Yểm) sai Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh đem quân xâm lược nước ta. Vì thiếu chuẩn bị, Khúc Thừa Mỹ không chống nổi giặc và bị bắt đưa về Quảng Châu. Quân Nam Hán chiếm thành Đại La rồi tiến quân xuống phía nam cướp phá. Lý Tiến được cử sang thay Khắc Trinh, cùng đóng giữ phủ thành. Mặc dầu vậy, quân Nam Hán không cai quản được các châu, giáo. Nhiều tướng lĩnh của họ Khúc đã mộ quân nổi dậy, trong số đó, lực lượng quan trọng nhất là đạo quân của Dương Đình Nghệ.

Dương Đình Nghệ là một hào trưởng, quê ở làng Ràng (Dương Xá - Đông Sơn - Thanh Hóa), tướng của họ Khúc, làm chủ một vùng đất lớn, có nhiều gia nhân, ông đã tổ chức quân đội, luyện võ nghệ, quyết chiến đấu chống quân xâm lược.

Năm 931, được sự ủng hộ của nhân dân và hào kiệt các nơi, Dương Đình Nghệ kéo quân từ Thanh Hóa ra Bắc, bao vây và công phá thành Đại La – dinh lũy chủ yếu của quân Nam Hán. Được tin cáo cấp, vua Nam Hán vội vã cử thừa chỉ Trình Bảo (Trần Bảo) đem quân sang cứu viện. Quân Trình Bảo chưa đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã hạ được thành, tướng giặc là Lương Khắc Trinh bị giết, thứ sử Lý Tiến chạy thoát về nước. Sau khi tạm ổn định tình hình trong thành, Dương Đình Nghệ kéo quân ra đón đánh Trình Bảo. Quân Nam Hán thua to, tướng Trình Bảo tử trận. Vua Nam Hán nghe tin đó, chỉ còn biết nói với triều thần của y: “Dân Giao Châu thích nổi loạn, ta chỉ có thể cơ mi (ràng buộc lỏng lẻo) được thôi”.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự chỉ huy của Dương Đình Nghệ đã đánh bại mưu đồ xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán. Nền độc lập của đất nước cùng những thành tựu đạt được trong những năm dưới thời họ Khúc, được giữ vững. Trong không khí phấn khởi, tự hào của nhân dân cả nước, Dương Đình Nghệ được suy tôn làm Tiết độ sứ, tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc.

b)Cuộc kháng chiến của Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Đất nước trở lại yên bình. Một số người có công được phong làm thứ sử các châu như Đinh Công Trứ làm thứ sử châu Hoan, Ngô Mân làm thứ sử châu Đường Lâm v.v...

Năm 937, một nha tướng của Đương Đình Nghệ là Kiểu Công Tiễn đã giết chủ để giành lấy quyền tiết độ sứ. Nhân dân và nhiều tướng lĩnh hết sức bất bình. Người tiêu biểu trong số đó là Ngô Quyền.

(Ngô Quyền quê ở Đường Lâm (Cam Lâm, thị xã Sơn Tây - Hà Tây) là con của thứ sử Ngô Mân và là con rể của Dương Đình Nghệ. Ông được cha giao việc cai quản châu ái; vốn là một người có sức khỏe hơn người, có tài năng quân sự lại giỏi việc trị nước nên ông rất được nhân dân quý mến và tin phục).

Được tin tên phản bội Kiểu Công Tiễn giết chủ, cướp chính quyền, Ngô Quyền lập tức tập hợp lực lượng, tiến ra Giao Châu trừng trị. Trước khí thế rầm rộ của quân Ngô Quyền và sự bất bình của nhân dân, Kiểu Công Tiễn quá khiếp sợ, đã sai người sang Nam Hán cầu cứu. Chớp lấy cơ hội thuận lợi đó, vua Nam Hán đã phong ngay cho con trai của mình là thái tử Hoằng Tháo làm Tĩnh hải tiết độ sứ, Giao vương, chỉ huy một đạo binh thuyền lớn kéo sang xâm lược nước ta. Bản thân vua Nam Hán cũng trực tiếp chỉ huy một đạo binh xuống đóng ở Hải Môn (vùng sát biên giới Trung - Việt ở Đông Bắc Quảng Ninh) để yểm trợ cho Hoằng Tháo. Đạo binh của Hoằng Tháo theo Đường ven biển tiến về phía cửa sông Bạch Đằng.

Bấy giờ, được sự ủng hộ của mọi người, Ngô Quyền đã giết được Kiểu Công Tiễn. Ông gấp rút cùng quân sĩ và nhân dân chuẩn bị cuộc kháng chiến. Được biết đại quân của Hoằng Tháo sẽ tiến vào cửa sông Bạch Đằng, trong cuộc hội bàn với các tướng, Ngô Quyền với lòng tự tin, đã nói với các tướng: “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại được tin Kiểu Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quần ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Song, họ có lợi ở thuyền, nếu không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vót nhọn đầu và bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự, không kế gì hơn kế ấy cả”. Mọi người đều nhất trí tán thành. Rồi đó, theo sự chỉ huy chung, quân lính và nhân dân ngày đêm hăng hái vào rừng chặt cây, đẽo cọc rèn sắt làm mũi nhọn bịt ở đầu. Chẳng bao lâu sau, bãi cọc đã hình thành theo đúng dự định ở các vùng hiểm yếu trên sông Bạch Đằng.  Quyết tâm tiêu điệu giặc ở đây, Ngô Quyền đã huy động một lực lượng chiến đấu lớn với nhiều vị tướng giỏi như Đỗ Cảnh Thạc, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập... và cả nữ tướng Dương Phương Lan - người bạn đời thân thiết của ông.

Mùa đông năm 938, đạo binh thuyền của Vạn vương Hoằng Tháo nối đuôi nhau tiến vào cửa Bạch Đằng. Theo đúng kế hoạch đã định, một đội thuyền binh nhẹ do tướng Nguyễn Tất Tố chỉ huy tiến ra chặn địch rồi vờ rút lui, nhử thuyền giặc vào sâu bên trong. Thủy triều bắt đầu xuống; Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy đại quân của ta từ ba phía đánh ập vào hạm thuyền của giặc Quân Nam Hán bị tấn công bất ngờ và ồ ạt đã không kịp chống đỡ, phải quay thuyền đua nhau chạy tháo ra biển. Trong cảnh náo loạn, thuyền giặc bị đánh dạt về phía các bãi cọc. Nước sông rút nhanh, chảy xiết, những hàng cọc nhọn nhô lên. Quân Nam Hán nhìn thấy, hốt hoảng nhưng không làm thế nào tránh cho các thuyền lao vào bãi cọc, tan vỡ. Quân ta lại nhân đó tấn công dữ dội. Hầu như toàn bộ đạo binh thuyền của giặc đều thủng vỡ, tan tành. Hàng ngàn quân giặc rơi xuống sông chìm nghỉm hay bị sóng cuốn trôi. Vạn vương Hoằng Tháo chết trong đám loạn quân.

Thất bại nặng nề và bất ngờ của đạo thủy quân Hoằng Tháo đã làm cho vua Nam Hán kinh hoàng, chỉ biết thương khóc, hạ lệnh rút quân, hoàn toàn bỏ mộng xâm lược nước ta.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử dân tộc như một chiến công hiển hách “một vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu!” (Ngô Thời Sĩ). Chiến thắng Bạch Đằng đã thể hiện được tài năng quân sự và ý chí quyết thắng của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền; đồng thời cũng là thành quả của cuộc kháng chiến anh dũng và đầy sáng tạo của nhân dân ta sau hơn 30 năm miền đất của tổ tiên thời Văn Lang - Âu Lạc và tạo thêm một niềm tin, một niềm tự hào sâu sắc trên bước Đường xây dựng đất nước độc lập, tự

3. Tình hình đất nước dưới thời Ngô (939 -967)

Sau khi đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nam Hán, với uy danh của chiến thắng Bạch Đằng, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chế độ tiết độ sứ, xây dựng triều đình mới, lấy Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) làm kinh đô, dựng cung điện.

Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm (Ba Vì – Hà Tây)

Sử cũ không cho biết gì thêm về tổ chức nhà nước trung ương đương thời. Ở địa phương, các châu huyện được giữ nguyên. Các thứ sử như Đinh Công Trứ tiếp tục cai quản châu của mình. Giáp, làng vẫn là những đơn vị hành chính cơ sở. Bên cạnh các xóm làng cổ truyền có một số làng mới hình thành và một vài trang trại. Những chủ trang trại có thể là quan chức cũ của chính quyền đô hộ, ở lại lập nghiệp lâu dài trên đất nước ta như họ Hồ ở trang Bàu Đột (Quỳnh Lưu - Nghệ An), họ Lã ở Tiên Du (Bắc Ninh)... hoặc các thổ hào địa phương như họ Dương ở Dương Xá (Đông Sơn – Thanh Hóa), họ Lê ở Đông Sơn (Thanh Hóa) v.v...

Tuy đã trải qua hơn 30 năm độc lập với hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng những tàn dư của chế độ đô hộ cũ vẫn còn nhiều, tình hình xã hội còn phức tạp. Sự thành lập của nhà Ngô với người đứng đầu là Ngô Quyền chưa đủ điều kiện để giữ vững sự ổn định lâu dài.

Năm 944, Ngô Quyền chết. Người em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi và xưng là Bình Vương. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập sợ liên lụy đã phải bỏ trốn khỏi kinh thành lên đất Trà Hương (Kim Thành - Hải Dương) nương nhờ hào trường Phạm Lệnh Công. Mâu thuẫn trong dòng họ thống trị nảy sinh. Năm 950, Ngô Xương Văn (em của Xương Ngập) được sự ủng hộ của các chỉ huy sứ Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đã nhân việc cầm quân đi đàn áp cuộc nổi dậy của các thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình (Quốc Oai - Hà Tây), quay về kinh đô bắt Dương Tam Kha, giành lại chính quyền. Xương Văn tự xưng là Nam tấn vương và cho người lên Trà Hương mời anh mình về cùng coi việc nước. Xương Ngập về, tự xưng là Thiên sách vương, nắm hết quyền hành. Mâu thuẫn nội bộ nhà Ngô đã tạo điều kiện cho các thổ hào, thứ sử địa phương nổi dậy, mộ quân, làm chủ vùng mình trấn trị, tách khỏi chính quyền trung ương.

4. Loạn 12 sứ quân - Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước

Từ những năm 60, đất nước càng rối loạn. Ngô Xương Văn (Xương Ngập chết vào năm 954) nhiều lần đem quân đi đàn áp các cuộc nổi loạn nhưng không có kết quả. Năm 965, Xương Văn chết. Đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu mà sử cũ gọi là 12 sứ quân:

1. Kiểu Công Hãn tự xưng là Kiểu Tam Chế chiếm giữ Phong Châu (Phú Thọ)

2. Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình chiếm giữ Tam Đái (Phú Thọ), Yên Lạc (Vĩnh Phúc)

3. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công chiếm giữ Đường Lâm (Hà Tây)

4. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ vùng Bảo Đà (Thanh Oai - Hà Tây)

5. Ngô Xương Xí - con của Ngô Xương Ngập - chiếm giữ Bình Kiều (Thanh Hóa)

6. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công giữ đất Siêu Loại (Bắc Ninh)

7. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công chiếm giữ Tiên Du (Bắc Ninh)

8. Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công chiếm giữ Tế Giang (Văn Giang - Hưng Yên)

9. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công chiếm giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì - Hà Nội)

10. Kiểu Thuận tự xưng là Kiểu Lệnh Công chiếm giữ vùng Cẩm Khê (Hà Tây)

11. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át chiếm giữ Đằng Châu (Hưng Yên)

12. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Thái Bình).

Ngoài ra còn một số thế lực khác như Ngô Xử Bình, Dương Huy và đặc biệt là Đinh Bộ Lĩnh mà sử cũ không xếp vào hàng ngũ các sứ quân. Có thể thấy, trong số sứ quân này có một số vốn là tướng lĩnh của họ Ngô, một số là con cháu của các quan chức nhà Đường cũ.

Cùng thời gian này, từ năm 960, ở Trung Quốc nhà Tống thành lập, chấm dứt thời kì “ngũ đại thập quốc” và bắt đầu mở rộng thế lực xuống phía nam. Nguy cơ ngoại xâm lại xuất hiện và đe dọa.

Đất nước đứng trước một thử thách lớn. Từ đất Hoa Lư (Ninh Bình) nổi lên người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh.

Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu (huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình) là con trai của thứ sử Đinh Công Trứ. Thủa nhỏ sống với mẹ ở Đàm Gia, thường cùng lũ trẻ chăn trâu trong vùng chơi trò đánh nhau, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy, lại có chí lớn nên được bạn bè kính phục. Lớn lên vào lúc nhà Ngô suy, ông đã cùng các bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc tổ chức lực lượng, rèn vũ khí và chiếm giữ vùng đất Hoa Lư. Nhân dân địa phương cũng suy tôn và ủng hộ ông nhiệt liệt.

Từ đầu những năm 50, thanh thế của quân ông đã nổi, khiến Nam Tấn vương lo sợ, đem quân đến đánh. Nhờ sức chiến đấu quyết liệt và sự ủng hộ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh đã buộc Nam Tấn vương phải rút quân. Nhà Ngô đổ. Tình hình đất nước rối loạn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định tiến quân đánh các sứ quân. Để tăng thêm lực lượng, ông đã liên kết với sứ quân Trần Lãm, sau đó chiêu dụ được sứ quân Phạm Phòng Át, rồi tiến ra Giao Châu. Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Đến cuối năm 967, đất nước trở lại yên bình trong thống nhất.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4630-02-633921648974372500/The-ky-X-Buoc-dau-xay-dung-va-bao-ve-quoc...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận