Tài liệu: Ba tổ chức cộng sản ra đời và việc thành lập Đảng cộng sản Việt nam

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vào cuối những năm 20, Bắc Kì là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh hơn cả so với các vùng khác trong cả nước.
Ba tổ chức cộng sản ra đời và việc thành lập Đảng cộng sản Việt nam

Nội dung

Ba tổ chức cộng sản ra đời và việc thành lập Đảng cộng sản Việt nam

1. Sự xuất hiện các tổ chức cộng sản ở Việt Nam

Vào cuối những năm 20, Bắc Kì là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh hơn cả so với các vùng khác trong cả nước. Tại đây, hai tổ chức HVNCMTN và VNQDĐ đang ra sức hoạt động nhằm lôi kéo và tranh giành quần chúng. Trong khi VNQDĐ đang ngày càng tỏ ra lúng túng về phương thức hoạt động thì tổ chức HVNCMTN hoạt động ngày càng có hiệu quả cao. Số hội viên HVNCMTN ở Bắc Kì đã phát triển khá đông (chiếm 900/1600[1] hội viên trong cả nước). Hơn thế nữa, thông qua phong trào “vô sản hóa”, và nhất là chịu tác động trực tiếp của phong trào cộng sản qua con đường Trung Quốc dội vào, nhiều hội viên Thanh niên tiên tiến - là những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nắm bắt được các yêu cầu của thời cuộc và nhanh chóng nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản để thay thế HVNCMTN lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Để xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản, tháng 3 năm 1929, những hội viên tích cực nhất của HVNCMTN Bắc Kì đã nhóm họp tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), quyết định lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên gồm 7 người là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản, cuối tháng 3 năm 1929, Kì bộ HVNCMTN đã họp đại hội tại Sơn Tây. Đại hội đã trao đổi thào luận nhiều ý kiến và đi tới thống nhất chủ trương thành lập Đảng Cộng sản của những người lãnh đạo Kì bộ, đồng thời quyết định cử một đoàn đại biểu gồm 4 người do Trần Văn Cung (Bí thư Kì bộ) phụ trách đi dự Đại hội lần thứ nhất của HVNCMTN sẽ tổ chức ở Hương Cảng.

Đầu tháng 5 năm 1929, tại Đại hội I của HVNCMTN, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản. Nhưng đề nghị đó không được chấp nhận nên Đoàn đại biểu bộ Bắc Kì đã bỏ Đại hội ra về.

Sau khi trở về nước, vào ngày 1-6-1929, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã ra Tuyên ngôn giải thích lí do vì sao họ lại dời bỏ Đại hội, và chỉ rõ những điều kiện để thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Tuyên ngôn viết:

“1- Ở Việt Nam tư bản đã rất phát đạt và đã bắt đầu nhóm vào một số ít người (tư bản tập trung).

2- Vô sản giai cấp ở Việt Nam càng ngày càng đông và càng giác ngộ, nông dân nghèo cũng một ngày một nhiều.

3- Hiện nay ở Việt Nam chưa có đảng nào là đảng đại biểu cho vô sản giai cấp”.

Từ sự phân tích đó, bản Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”.

Tuyên ngôn của Đoàn đại biểu Kì bộ đã có sức thu hút mạnh đối với các hội viên HVNCMTN, nhiều hội viên đã hăng hái xin gia nhập Chi bộ cộng sản. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngày 17-6-1929 Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), với sự tham dự của 20 đại biểu ưu tú của Kì bộ Thanh niên. Sau khi ra đời, ĐDCSĐ cho công bố Tuyên ngôn, Điều lệ và phát hành báo Búa Liềm làm cơ quan tuyên truyền của Đảng. Bản Tuyên ngôn nêu rõ ĐDCSĐ là Đảng đại biểu cho giai cấp vô sản, bao gồm những người giác ngộ và tiên tiến hơn cả. Đảng bênh vực quyền lợi cho “toàn thể vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả những người làm lụng bị bóc lột và đè nén”[2].

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ĐDCSĐ còn cử người vào Nam Kì và đi về các địa phương để xây dựng và phát triển cơ sở Đảng. Do đó, đến tháng 8 năm 1929, nhiều cơ sở Đảng, nhất là ở Bắc Kì đã được thành lập.

Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng cửa ĐDCSĐ, Tổng bộ Thanh niên và Kì bộ Nam Kì đã quyết định thành lập An Nam Cộng sản đảng vào tháng 7-1929. ANCSĐ xuất bản báo “Đỏ” ở Hương Cảng, rồi gửi về nước để truyền bá trong nhân dân.

Cùng với quá trình phân hóa trong HVNCMTN dẫn tới sự ra đời của hai tổ chức cộng sản, xu hướng XHCN ngày càng lôi cuốn và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số đảng viên Tân Việt. Các đại biểu Tân Việt chân chính họp tại Sài Gòn (9-1929), đã ra “Tuyên đạt” chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Ngày 31-12-1929, một số đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng đảng như Trần Hữu Chương, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Khoa Văn, Trần Đại Quả, Ngô Đức Đệ, đã họp mặt trên một con thuyền trên sông Đò Trai (Đức Thọ) để thảo luận và thông qua các văn kiện của ĐDCSLĐ[3]. Cuộc họp bị lộ, tất cả các đại biểu tham dự họp đều bị bắt, rồi đưa về giam tại nhà lao Vinh. Đến đây, quá trình phần hóa trong nội bộ TVCMĐ coi như kết thúc.

Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản vào nửa sau năm 1929 khẳng định bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ hệ tư tưởng cộng sản đã giành được ưu thế trong phong trào dân tộc. Sự kiện đó cũng chỉ ra rằng những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản đã hoàn toàn chín muồi trong phạm vi cả nước.

2. Thống nhất phong trào cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi ra đời, ba tổ chức cộng sản đều tuyên bố ủng hộ Quốc tế Cộng sản và đều tự nhận mình là đảng cách mạng chân chính. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng, các tổ chức cộng sản không tránh khỏi tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau. Đông Dương Cộng sản đảng cho An Nam Cộng sản đảng là “hoạt đầu, giả cách mạng”; An Nam Cộng sản đảng lại cho Đông Dương Cộng sản đảng chưa “thật sự là cộng sản”, “chưa thật là Bônsêvích”.

Tình hình đó gây tổn hại lớn cho sự phát triển của phong trào cách mạng, vừa gây nên tâm trạng nghi ngờ hoang mang trong quần chúng.

Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người cộng sản Đông Dương một bức thư, trong đó yêu cầu các tổ chức cộng sản phải chấm dứt sự chia rẽ công kích lẫn nhau, đồng thời xúc tiến hợp nhất thành một chính đảng duy nhất ở Đông Dương. Thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, ĐDCSĐ đã cử đại diện sang Hương Cảng tiếp xúc và bàn việc hợp nhất với ANCSĐ. Trong các cuộc gặp gỡ, mỗi bên đã đưa ra những yêu cầu mà bên kia không thể chấp nhận được. Kế hoạch hợp nhất do hai đảng chủ động đề ra do đó đã không đạt kết quả.

Đúng vào thời điểm khó khăn, phức tạp ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện như một vị cứu tinh của cách mạng và phong trào cộng sản Việt Nam. Sau vụ phản loạn của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, từ tháng 4-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu sang Liên Xô và tiếp tục hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1927, Người qua Đức, Pháp, rồi trở về Xiêm. Tại đây, Người ra sức tuyên truyền, giác ngộ và xây dựng các cơ sở HVNCMTN trong kiều bào Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (năm 1930)

Đầu tháng Giêng năm 1930, trước nhu cầu cấp bách của phong trào cộng sản trong nước, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng để triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Hội nghị gồm có 5 đại biểu, hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh) và hai đại biểu của An Nam Cộng sản đảng (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại phiên họp ngày 3-2-1930[4], các đại biểu đã nhất trí hợp nhất ĐDCSĐ và ANCSĐ thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng.

Bản Chính cương vắn tắt Sách lược vắn tắt của Đảng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam “là đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Đảng chủ trương tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[5].

Nhiệm vụ của cuộc cách mạng đó là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, thành lập chính phủ công nông binh. Chính phủ đó sẽ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc phong kiến để chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hóa các sản nghiệp, mở mang phát triển công nông nghiệp, thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng nam nữ, thi hành luật ngày làm 8 giờ...

Để hoàn thành được mục tiêu trên, “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo”. Đồng thời lại “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, tri thức, trung nông... để lôi kéo họ về phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít nữa là làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ[6].

Chính cương vắn tắt Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị đã vạch ra phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng XHCN. Đường lối đó là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữa tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sau hội nghị hợp nhất đảng, ngày 24-2-1930, theo đế nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn[7], Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp thuận kết nạp tổ chức cộng sản này vào Đảng. Như vậy, phải tính đến ngày 24-2-1930, việc hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản thành một chính đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam mới được hoàn tất trên thực tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng chứng tỏ giai cấp công nhân nước ta đã trưởng thành và đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, giai cấp công nhân thật sự trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất trong cả nước. Thông qua chính đảng của mình, giai cấp công nhân có sứ mệnh lãnh đạo toàn thể dân tộc và nhân dân vượt qua mọi thác ghềnh hiểm trở để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang. Sự ra đời của Đảng ngày 3-2-1930 đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm qua. Đây là khâu chuẩn bị quan trọng đầu tiên cho một thời kì vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Với sự ra đời của Đảng, cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, và dân tộc Việt Nam từ đây sẽ từng bước tiến lên hội nhập vào phong trào cách mạng thế giới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4648-02-633921700314997500/Phong-trao-dan-toc-Viet-Nam-tu-1925---193...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận