Cuộc đấu tranh giành lại độc lập và bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền
Kể từ cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược bị thất bại đến cuộc khởi nghĩa thành công của Khúc Thừa Dụ (179 tr.C.N - 905) đất nước ta bị các triều đại phương Bắc kế tiếp nhau xâm lược và đô hộ[1]. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc đã có biết bao đau thương, tủi nhục mà nhân dân ta phải chịu đựng. Kẻ đô hộ đâu chỉ dừng lại ở vơ vét, cướp bóc, mà còn rắp tâm xóa bỏ độc lập, chủ quyền của nhân dân ta, ráo riết thực hiện chính sách đồng hóa nhằm Hán hóa Việt tộc. Những gì là cơ sở tồn tại, là sức mạnh tinh thần để phục hồi quốc gia, quốc thể từ lãnh thổ, tiếng nói, phong tục tập quán, lối sống, ý thức tư tưởng của dân tộc ta đều bị chúng dùng trăm phương nghìn kế để hủy diệt.
Nhưng, đâu chỉ có Bắc thuộc, hơn một thiên niên kỉ, nhân dân ta đã liên tục vùng lên đấu tranh vũ trang giành lại độc lập. Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc còn diễn ra liên tục trên mặt trận văn hóa tư tưởng để bảo tồn và phát triển những tinh hoa, giá trị của nền văn hóa cổ truyền. Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài giữa xâm lược, đô hộ, đồng hóa với chống xâm lược, chống đô hộ và chống đồng hóa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của nhân dân ta trong tiến trình lịch sử Bắc thuộc.