Tài liệu: Các hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trung Quốc là một nước láng giêng, đã trở thành nơi tụ họp và địa bàn hoạt động của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Các hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài

Nội dung

Các hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài

1. Phan Bội Châu và các hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở Trung quốc.

Trung Quốc là một nước láng giêng, đã trở thành nơi tụ họp và địa bàn hoạt động của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước. Năm 1912, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã nhóm họp ở Quảng Đông và quyết định thủ tiêu Duy tân hội, thành lập tổ chức Việt Nam Quang phục hội với đường lối đánh đuổi giặc Pháp “khôi phục nước Việt Nam, thành lập nền Cộng hòa dân quốc Việt Nam. Nhưng rồi Việt Nam Quang phục hội cũng dần dần tan rã trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù.

Mùa hè năm 1913, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam tại Quảng Châu. Bốn năm sau, vào cuối năm 1917, sau khi được thả khỏi nhà tù, Phan Bội Châu dự định trở về nước phát động cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang. Nhưng nghe tin Đức bị thua ở châu Âu, ông chán nản, bi quan. Trong tình cảnh ấy, Phan Bội Châu đã viết Pháp - Việt đề huề luận (1918). Sự dao động của ông còn được thể hiện tiếp tục trong các tác phẩm Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa (1920), Thiên hồ, Đế hồ (1928). Tuy nhiên, ông quan niệm đề huề chỉ là sách lược. Phan Bội Châu trước sau vẫn là người thực tâm yêu nước, thương dân. Tháng 5 năm 1919, Toàn quyền Xarô tìm cách dụ dỗ mua chuộc ông bằng tiền bạc và chức tước, nhưng ông đã kiên quyết chối từ. Năm 1920, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng tháng Mười Nga, Phan Bội Châu bắt đầu hướng đến một hệ tư tưởng mới - tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông đánh giá cao và có cảm tình lớn với Cách mạng tháng Mười. Ông viết: “May thay! Đương lúc khói độc mây mù, thình lình có một trận gió xuân thổi tới. Đương giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình có một tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy[1]. Cuối năm 1920, Phan Bội Châu đã dịch ra chữ Hán cuốn “Điều tra chân tướng Nga-la-tư” của một tác giả người Nhật, rồi đưa đến giới thiệu với Đại sứ Nga ở Bắc Kinh. Trong cuộc tiếp xúc này, ông đã ngỏ ý muốn gửi người Việt Nam sang Nga du học[2]. Nhưng những tình cảm và việc làm của ông đối với Cách mạng tháng Mười mới dừng lại ở bề ngoài, chưa phải bắt nguồn từ những thay đổi căn bản trong nhận thức tư tưởng của ông. Năm 1923, ở Trung Quốc diễn ra sự kiện Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản hợp tác. Trước tình hình đó, Phan Bội Châu đã bàn bạc với các đồng chí của mình cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng phỏng theo tổ chức Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn.

Ngày 18-6-1924, tại tô giới Sa Diện của Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã xảy ra cuộc mưu sát Toàn quyền Méclanh (Merlin) của Phạm Hồng Thái. Khâm phục tinh thần yêu nước của người thanh niên họ Phạm, Phan Bội Châu đã viết Truyện Phạm Hồng Thái để ca ngợi hành động hi sinh anh hùng của anh. Tháng 12 năm 1924, được sự góp ý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu quyết định sẽ cải tổ Việt Nam quốc dân đảng thành một tổ chức yêu nước tiến bộ. Sự kiện này chứng tỏ Phan Bội Châu vẫn luôn luôn là một người yêu nước chân thành, thực sự cầu thị, sẵn sàng thay đối phương châm đường hướng, miễn là đạt được mục đích cuối cùng. Nhưng tiếc thay, ý định tốt đẹp đó chưa kịp thực hiện thì Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp bắt vào một ngày tháng 6-1925 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Cuối năm đó, ông bị Pháp kết án tù, rồi đưa về an trí ở Huế. Từ đó trở đi, trong cuộc đời của một người tù giam lỏng, bị cách biệt với thực tế cuộc sống bên ngoài, Phan Bội Châu không thể vươn tới một tư tưởng mới, một trào lưu cách mạng mới nữa, tình cảm của ông đối với Cách mạng tháng Mười và Lênin vĩ đại chỉ còn được thể hiện qua việc treo ảnh của Lênin ở giữa nhà, hay viết sách hội chủ nghĩa. Bản thân ông rốt cuộc không tránh khỏi tâm trạng cô quạnh, u buồn, thất vọng của một con người đã bị thời đại vượt qua và cảm thấy mình bất lực, nhưng vẫn ngày đêm đau đáu một nỗi niềm yêu nước thương dân.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiều thanh niên Việt Nam đã sang Trung Quốc mong tìm kiếm con đường cứu nước cứu dân. Tiêu biểu cho lớp thanh niên ấy là Đặng Xung Hồng, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu... Mùa xuân năm 1923, nhóm thanh niên này đã lập ra tổ chức Tâm tâm xã tại Quảng Châu. Lúc đầu, tổ chức này gồm 7 người là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh, Đặng Xung Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu, Nguyễn Công Viễn. Đầu năm 1924, Tâm tâm xã kết nạp thêm Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong. Về tôn chỉ mục đích, Tâm tâm xã chủ trương “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới đảng phái; miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”[3]. Đường lối chung chung trên đây chứng tỏ Tâm tâm xã chưa có lập trường tư tưởng rõ ràng. Mục tiêu chủ yếu nhất của tổ chức này là đoàn kết tất cả những người yêu nước Việt Nam chống Pháp, lập trường chính trị còn non nớt, mơ hồ, nặng về khủng bố ám sát cá nhân.

Để phát huy thanh thế, Tâm tâm xã đã đưa người về nước liên lạc với các sĩ phu yêu nước, trong số đó có Lương Văn Can, đồng thời tiến hành phân phát tài liệu ở một số nơi, nhằm gây tiếng vang thức tỉnh đồng bào trong nước. Tâm tâm xã cử Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn giết Toàn quyền Meclanh ở Sa Diện (Quảng Châu). Sự việc không thành, Phạm Hồng Thái hi sinh anh dũng trên dòng Châu Giang; còn Lê Hồng Sơn trốn thoát và tiếp tục hoạt động. Sau này, Lê Hồng Sơn gia nhập Việt Nam cách mạng thanh niên hội, rồi vào Đảng Cộng sản và được phân công làm việc trong Chi hội Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tháng 9 năm 1932, Lê Hồng Sơn bị bắt giam ở nhà lao Vinh, rồi đưa về xử tử hình tại quê nhà (làng Xuân Hồ, Nam Đàn, Nghệ An).

Cuộc mưu sát Toàn quyền Méclanh của Tâm tâm xã không đạt kết quả, nhưng nó đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. “Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu, nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”[4].

2. Phan Châu Trinh và hoạt dộng yêu nước của người Việt Nam ở Pháp

Trong ba thập kỉ đầu của thế kỉ XX, Trung Quốc và Pháp là hai nước có quan hệ chặt chẽ nhất và có tác động mạnh mẽ nhất đối với quá trình vận động và chuyển biến của phong trào dân tộc ở Việt Nam. Nếu Phan Bội Châu đã trải qua hơn chục năm hoạt động cách mạng ở Trung Quốc thì Phan Châu Trinh cũng gắn bó cuộc đời chính trị của mình trên đất Pháp tới 14 năm.

Sau 3 năm bị đày ra đảo Côn Lôn vì bị nghi có liên quan tới cuộc vận động chống thuế ở Trung Kì, năm 1911 Phan Châu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp, mong vận động chính giới Pháp thả các chính trị gia Việt Nam bị bắt giữ năm 1908. Năm 1912, ông cùng luật sư Phan Văn Trường thành lập Hội đồng bào thân ái tại Pháp. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Phan Châu Trinh bị vu cáo làm gián điệp cho Đức nên bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam tại ngục La Xăngtê. Sau khi ra tù (7-1915), ông tham gia thanh lập Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp. Cuối năm 1917, khi Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp, Phan Châu Trinh đã cùng Phan Văn Trường giúp đỡ Người từ nơi ăn chốn ở đến tìm kiếm việc làm. Từ đó hai nhà yêu nước họ Phan luôn gần gũi, gắn bó và hỗ trợ Nguyễn Ái Quốc rất nhiều trong những năm tháng hoạt động của Người trên đất Pháp.

Đầu năm 1922, Phan Châu Trinh đến Mácxây. Cũng trong năm này, vua Khải Định được đưa sang dự cuộc “triển lãm thuộc địa” tại Mácxây do thực dân Pháp tổ chức nhằm khuếch trương công lao “Khai hóa” của chúng. Trước tình hình ấy, Phan Châu Trinh đã viết “Thất điều thư” kể 7 tội đáng chém của Khải Định. Bảy tội đó gồm:

1- Tôn bậy quyền vua

2- Thưởng phạt không đúng

3- Thích quỳ lạy

4- Ăn tiêu xa xỉ

5- Ăn mặc lố lăng

6- Ăn chơi vô độ

7- Đi Pháp với mục đích không minh bạch[5].

Bức thư đã gây được tiếng vang lớn trong nhân dân, đồng thời làm cho Khải Định một phen mất mặt.

Ngoài Thất điều thư, Phan Châu Trinh còn tổ chức diễn thuyết để phản đối Khải Định, phản đối chế độ quân chủ và quan trường ở Việt Nam. Trong thời gian sống ở Pháp, Phan Châu Trinh còn làm hàng trăm bài thơ để bộc bạch tâm trạng và lập trường chính trị của mình. Ông vẫn chủ trương đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như hồi còn ở trong nước. Trong một bức thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc đề ngày 18-2-1922, ông khuyên Nguyễn “trở về nơi thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế. Ông ví mình như “cây già”, “hoa sắp tàn”; còn Nguyễn Ái Quốc như “cây đương lộc”, “nghị lực có thừa, dầy công học hỏi, lí thuyết tinh thông”[6].

Tháng 6-1925, Phan Châu Trinh được giới cầm quyền Pháp cho về nước theo yêu cầu của ông. Cùng về với ông còn có Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh. Hàng ngàn người bao gồm đủ mọi tầng lớp, đông nhất là học sinh, thanh niên đã ra đón các ông tận cảng Sài Gòn.

Về nước được ít lâu, vào tháng 11-1925, Phan Châu Trinh mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng vẫn tổ chức nói chuyện với các tầng lớp nhân dân thành phố Sài Gòn. Trong bài nói đầu tiên nhan đề “Đạo đức và luân lí Đông, Tây”, và bài thứ hai là “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, Phan Châu Trinh tiếp tục đả phá đạo Khổng nho và chế độ quân chủ, đề cao dân quyền, dân chủ phương Tây. Những tư tưởng đó đặt trong bối cảnh những năm 20 vẫn được coi là mới mẻ, do đó đã được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên nhiệt tình hưởng ứng và ngưỡng mộ.

3. Các hoạt động yêu nước của công nhân và trí thức Việt Nam tại Pháp

Cùng với các hoạt động của nhà ái quốc lớn Phan Châu Trinh, đông đảo Việt kiều tại Pháp đã hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước, đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu sách báo cách mạng về nước để tuyên truyền, giác ngộ các tầng lớp nhân dân. Trong số hàng vạn công nhân, thủy thủ người Việt bị thực dân Pháp đưa sang tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhờ sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, nhiều người đã dần dần được giác ngộ cách mạng, có người còn được đứng trong hàng ngũ cộng sản. Một số thủy thủ Việt Nam đã được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào hoạt động trong Hội liên hiệp thuộc địa. Họ đã tích cực tham gia đưa các báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn đến các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng.

Do được tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và các kinh nghiệm đấu tranh ở châu Âu, nhiều trí thức và lao động Việt Nam ở Pháp đã dần dần đoàn kết lại trong các tổ chức yêu nước. Năm 1925, “Hội những người lao động trí óc Đông Dương” ra đời. Cuối năm 1927, ở Mácxây lại xuất hiện “Hội bênh vực lao động Annam”; ít lâu sau đổi tên thành “Hội liên hiệp lao động Đông Dương”.

Bên cạnh bộ phận Việt kiều hoạt động thiên về khuynh hướng tả, còn có một nhóm thanh niên sinh viên xuất thân trong các gia đình địa chủ, tư sản vẫn tiếp tục chủ trương yêu nước trên lập trường dân tộc. Họ lập ra một tổ chức chính trị mang tên Đảng Việt Nam độc lập, đồng thời xuất bản báo Tái sinh làm cơ quan phát ngôn của Đảng. Đảng Việt Nam độc lập xây dựng được một vài chi bộ ở Pari và các tỉnh xung quanh, còn ở trong nước không có chỗ đứng trong nhân dân.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4647-02-633921698478903750/Buoc-phat-trien-moi-cua-phong-trao-dan-to...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận