Tài liệu: Hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nguyễn Ái Quốc, hồi nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi là Nguyễn Tất Thành, sinh ngày 19-5-1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc

Nội dung

Hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc, hồi nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi là Nguyễn Tất Thành, sinh ngày 19-5-1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha của Người là Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929) đỗ Phó bảng, bị ép ra làm quan, sau bị cách chức, chuyển sang làm nghề thày thuốc. Mẹ của Người là Hoàng Thị Loan (1868-1900), một phụ nữ có học, đảm đang, chăm lo chồng con hết mực.

Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, lớn lên từ một miền quê có truyền thống đấu tranh quật khởi, Nguyễn Ái Quốc từ rất sớm đã có “chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”[1]. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các chí sĩ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh..., nhưng không tán thành con đường cứu nước của các cụ.

Xuất phát từ lòng yêu nước và trên cơ sở rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng tiền bối, ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới hữu hiệu hơn. Nhưng khác với thế hệ thanh niên đầu thế kỉ hướng về Nhật Bản, Nguyễn Ái Quốc quyết định sang phương Tây, đến nước Pháp để tìm hiểu xem “nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi sẽ trở về giúp đồng bào mình”[2]. Trong nhiều năm sau đó, Người đã đi qua nhiều nước khác nhau ở các đại lục Á, Âu, Phi, Mĩ, đã phải làm nhiều nghề khác nhau từ rửa bát, dọn tàu, quét rác để sống và học tập. Nhờ đó, Người hiểu rằng ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị áp bức và bị bóc lột dã man.

Tàu Latusơ Tờrêvin (Latouche Tréville). Bác Hồ đã làm phụ bếp trên tàu này (Ảnh của VNTTX)

Vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, khoảng cuối năm 1917, Người từ nước Anh trở lại Pháp. Tại đây, hoạt động đầu tiên của Người là đấu tranh đòi cho binh lính và thợ thuyền Việt Nam được sớm hồi hương trở về với gia đình. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ chủ trương chống lại các chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở các thuộc địa. Tháng 6 năm 1919, nhân dịp các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp Hội nghị Vecxai (Versailles) ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam để tố cáo chính sách thực dân của Pháp và đòi chính phủ Pháp phải thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Bản yêu sách gồm 8 điểm như sau:

1- Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2- Cải cách nền pháp lí Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu. Xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam.

3- Tự do báo chí và tự do ngôn luận

4- Tự do Lập hội hội họp

5- Tự do trú ở nước ngoài tự do xuất dương.

6- Tự do học tập, thành lập các trường kĩ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ

7- Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật

8- Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ[3].

Vào giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp. Người cảm thấy vô cùng phấn khởi, tin tưởng và muốn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[4]. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Cũng từ đây, người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba.

Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua vào cuối tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Hành động bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế III là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Sự kiện đó cũng mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn phát triển mới, “giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin”[5].

Toàn cảnh Đại hội Tua. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc ngồi đầu bàn thứ hai phía bên trái Đoàn chủ tịch

Sau này, chính Người đã thừa nhận: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản đã làm tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lí luận Mác - Lênin vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[6].

Sách bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Paris

Sau khi đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, từ 1921 trở đi Nguyễn Ái Quốc tiếp tục học tập để bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước của mình, đồng thời tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước nhằm chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng tiên phong ở Việt Nam, nhân tố cơ bản đầu tiên bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Giữa năm 1921, tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng của Angiêri, Tuynidi, Marốc, Mađagaxca... thành lập Hội liên hiệp thuộc địa. Để tiến hành tuyên truyền đường lối và các hoạt động của Hội, Nguyễn Ái Quốc và những người lãnh đạo Hội quyết định sáng lập báo Le Paria (Người cùng khổ) vào ngày 14-1922.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm 30 tuổi ở Pháp

Tính đến năm 1926, báo Le Paria phát hành được 38 số, mỗi số in chừng từ 1000 đến 5000 bản, trong đó một nửa số báo được gửi đi các thuộc địa của Pháp ở châu Phi và Đông Dương.

Ngoài việc lập Hội liên hiệp thuộc địa và ra báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực tổ chức các buổi diễn thuyết, và đặc biệt là đã viết và đăng nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, tập san Thư tín quốc tế... Năm 1925, Người cho in tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp ở Pari.

Với tư cách trưởng tiểu ban Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cũng đã góp phần quan trọng vào việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa, đồng thời tiến hành tuyên truyền tư tưởng Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật từ Pari đến Mátxcơva (Liên Xô). Trong thời gian gần một năm rưởi ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc ra sức tìm hiểu tình hình mọi mặt của chế độ Xô viết, tích cực nghiên cứu các vấn đề về dân tộc và thuộc địa trong Quốc tế cộng sản. Bên cạnh đó, Người còn tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, như Đại hội Quốc tế nông dân, Đại hội Quốc tế công hội đỏ, Đại hội Quốc tế thanh niên... Đặc biệt, từ ngày 17 tháng 6 đến ngày 18 tháng 7 năm 1924, Người đã tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản. Tại Đại hội này, Người trình bày một bản báo cáo rất quan trọng về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Bằng nhiều số liệu và tư liệu cụ thể, bản báo cáo đã làm sáng tỏ và phát triển một số luận điểm của V.I.Lênin về bản chất của chủ nghĩa thực dân, về nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột và giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.

Như vậy, thời kì hoạt động ở Liên Xô là thời kì Nguyễn Ái Quốc tiếp tục phát triển và hoàn chỉnh thêm tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua nghiên cứu thực tiễn và học tập trong các sách báo mác xít. Nội dung tư tưởng chính trị của Người trong những năm 20 bao gồm những điểm sau đây:

1- Người chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân là “ăn cướp” và “giết người”. Vì vậy, chủ nghĩa thục dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

2- Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Cách mạng giải phóng dân tộc phải thực hiện đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế. Phải gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng nhân dân lao động và giai cấp công nhân. Người nói: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”[7].

Người cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ khăng khít biện chứng với nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc muốn nhấn mạnh tới vai trò tích cực chủ động của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.

3. Ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân lại là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành được thắng lợi cần phải thu phục, lôi cuốn được nông dân đi theo, cần phải xây dựng khối liên minh công nông làm động lực của cách mạng. Đồng thời, trên cơ sở liên minh công nông phải thu hút, tập hợp được sự tham gia rộng rãi của đông đảo các giai tầng xã hội khác vào trận tuyến đấu tranh của dân tộc.

4. Cách mạng muốn giành được thắng lợi, trước hết phải có đảng cách mạng nắm vai trò lãnh đạo. Đảng muốn vững, phải đi theo học thuyết Mác-Lênin. Đảng phải có đội ngũ cán bộ sẵn sàng hi sinh chiến đấu vì mục đích của Đảng, vì lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lí tưởng giải phóng giai cấp công nhân và nhân loại.

5. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chứ không phải việc của một vài người. Vì vậy cần phải tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao. Đây là quan điểm cơ bản đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về nghệ thuật vận động quần chúng và tiến hành đấu tranh cách mạng.

Những quan điểm, tư tưởng cách mạng trên đây của Nguyễn Ái Quốc được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu mác xít khác đã theo những đường dây bí mật của Đảng Cộng sản Pháp để truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo ra một xung lực mới, một chất men kích thích phong trào dân tộc phát triển và nhanh chóng chuyển mình theo xu hướng cách mạng mới của thời đại. Cũng từ đây, những người yêu nước Việt Nam bắt đầu hướng về Nguyễn Ái Quốc, một lãnh tụ cách mạng thiên tài đang như ngọn hải đăng chỉ đường dẫn lối đưa toàn thể dân tộc và nhân dân đi tới độc lập, tự do.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4647-02-633921698238903750/Buoc-phat-trien-moi-cua-phong-trao-dan-to...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận