Cao trào yêu nước và đòi tự do dân chủ ở trong nước
Chịu tác động của trào lưu tư tưởng mới thông qua các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và đông đảo Việt kiều yêu nước ở Pháp và Trung Quốc, phong trào dân tộc Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu phát triển sôi nổi và nhanh chóng chuyển mình sang một giai đoạn mới. Phong trào bắt đầu dấy lên từ năm 1923, rồi phát triển lên tới đỉnh cao vào những năm 1925 - 1926.
Mở đầu cho phong trào đòi tự do dân chủ là các hoạt động tuyên truyền cách mạng của một số tờ báo tiến bộ ở trong Nam như tờ Chuông rạn (La cloche fêlée) của Nguyễn An Ninh, tờ Annam (L’Annam) của Phan Văn Trường được in bằng tiếng Pháp. Hai tờ báo Annam trẻ (Jeune Annam) và Người nhà quê (Le Nhaque) đã trực tiếp đả kích chế độ thực dân phong kiến, đồng thời bóc trần chủ nghĩa cải lương phản bội lợi ích dân tộc của tầng lớp địa chủ và tư sản thượng lưu. Thêm vào đó, ngay cả các tờ báo của một số người Pháp tiến bộ như tờ Đông Dương (L’Indochine) của luật sư Monin, tờ Tiếng nói tự do (La voi libre) của giáo sư Ganobsky cũng đã lên tiếng tố cáo những hành vi tàn bạo của bọn thực dân đồng thời.
Phong trào yêu nước bắt đầu từ trong Nam rồi lan nhanh ra ngoài Bắc và phát triển thành phong trào có tính chất toàn quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ trong phong trào yêu nước sôi nổi này đã xuất hiện các tổ chức chính trị của thanh niên trí thức, tiêu biểu là Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên. Được sự tuyên truyền, tổ chức của các đảng này, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân càng bùng lên mạnh mẽ, trong đó nổi bật nhất là phong trào đòi thả Phan Bội Châu và lễ tang Phan Châu Trinh.
1. Phòng trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925)
Sau khi bắt được Phan Bội Châu vào tháng 6-1925, thực dân Pháp đã đưa ông từ Trung Quốc về Hải Phòng, rồi bí mật đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), dưới một cái tên khác. Trên đường bị giải về nước, Phan Bội Châu đã tìm cách gửi thư cho một người quen là Lâm Lượng Sinh, chủ bút tờ Binh sự tạp chí tại Hàng Châu (Trung Quốc). Ít lâu sau, nhiều tờ báo ở Trung Quốc đã đăng tin Phan Bội Châu bị bắt và kịch liệt công kích hành động bắt người trắng trợn của thực dân Pháp, vi phạm quy chế ngoại giao giữa hai nước. Ở Việt Nam, một tờ báo của Pháp - tờ Tin tức Hải Phòng (Le courrier de Haiphong)- cũng đăng tải tin này. Chính vì vậy, mặc dù thực dân Pháp cố tình bưng bít, tin Phan Bội Châu bị bắt đã dần dần lan truyền rộng rãi trong nhân dân.
Việc Phan Bội Châu, một nhà yêu nước lớn của Việt Nam bị bắt đã làm chấn động dư luận ở trong và ngoài nước. Tại Bắc Kì, chi hội Phục Việt do Tôn Quang Phiệt đứng đầu đã rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Khi Phan Bội Châu được đưa ra xét xử công khai ở Tòa đại hình Hà Nội và bị kết án khổ sai, chung thân thì làn sóng phản đối lại bùng lên trong cả nước. Nhiều điện văn được gửi tới Toàn quyền Varen đòi phải trả lại tự do cho Phan Bội Châu. Khi Varen ra tới Hà Nội, hàng ngàn người, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh, đã xuống đường biểu tình, giương cao biểu ngữ, phận phát truyền đơn yêu cầu nhà đương cục phải thả Phan Bội Châu. Các tờ báo ở cả Việt Nam và Pháp đều đưa tin khá đầy đủ về vụ án Phan Bội Châu. Có những tờ đơn kháng cáo còn được gửi đến tận Hội Quốc Liên, Tòa án quốc tế La Hay (La Haye), Nghị viện Pháp đòi hủy bỏ bản án cho Phan Bội Châu.
Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, cuối cùng thực dân Pháp buộc phải “ân xá” cho cụ Phan, và đưa cụ về “an trí” tại Huế dưới sự kiểm soát ngày đêm của bọn mật thám. Từ đó, Phan Bội Châu phải sống những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời của người tù giam lỏng bị cách biệt với thực tiễn cách mạng bên ngoài. Cụ đã trút hơi thở cuối cùng tại đây vào ngày 29-10-1940 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào trong cả nước.
2. Đám tang Phan Châu Trinh (1926)
Từ sau hai cuộc nói chuyện với nhân dân thành phố Sài Gòn vào tháng 11-1925, Phan Châu Trinh lâm bệnh nặng. Bốn tháng sau, ngày 24-3-1926, ông mất tại Sài Gòn. Cũng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là một nhà yêu nước nhiệt thành. Ông là nhà dân chủ lớn và tiêu biểu nhất ở nước ta đầu thế kỉ XX. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với một giai đoạn sôi động của phong trào giải phóng dân tộc. Đồng bào, đồng chí vẫn luôn luôn kính trọng, khâm phục ý chí và tình cảm yêu nước của ông. Vì vậy, khi được tin Phan Châu Trinh qua đời, nhân dân cả nước ngậm ngùi thương tiếc, tổ chức lễ truy điệu ở khắp nơi.
Tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh được tổ chức trọng thể với các nghi lễ của một quốc tang. Một Hội đồng tang lễ 16 người được thành lập bao gồm đại diện của Đảng Lập hiến và Đảng Thanh niên. Đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức và lao động đã đến đưa tang vĩnh biệt nhà ái quốc. Đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn đã thu hút gần 14 vạn người tham gia.
Tại Huế, trong buổi lễ truy điệu Cụ Phan cũng có tới hàng trăm người tham dự, chủ tế là Phan Bội Châu. Trong bài văn tế, Phan Bội Châu đã viết với một tình cảm chân thành, thắm thiết nghĩa tình anh em đồng chí. Không chỉ ở Huế mà trên khắp mọi miền đất nước, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ trường học đến xưởng thợ, đâu đâu cũng tổ chức truy điệu và để tang Phan Châu Trinh. Hoảng sợ trước sự phát triển rầm rộ của phong trào, thực dân Pháp tìm cách phản công lại. Chúng ra lệnh cấm tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh trong các nhà trường. Học sinh liền bãi khóa bỏ học để phản đối. Nhiều cuộc bãi công, bãi thị cũng đã nổ ra. Rõ ràng, đám tang Phan Châu Trinh đã trở thành một dịp để quần chúng nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước và biểu dương lực lượng, đòi các quyền tự do dân chủ.
3. Đón tiếp Bùi quang Chiêu và đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh
Bùi Quang Chiêu, kĩ sư canh nông, là lãnh tụ của Đảng Lập hiến, một đảng đại diện cho quyền lợi và quan điểm chính trị của các tập đoàn đại địa chủ và tư sản mại bản ở Nam Kì. Năm 1925, ông sang Pháp để vận động chính giới Pháp ban hành các quyền tự do dân chủ cho Đông Dương.
Cuộc vận động không đạt được kết quả. Bùi Quang Chiêu về nước, cập bến cảng Sài Gòn vào chiều ngày 24-3-1926. Nhân dịp này, Đảng Thanh niên chủ trương tổ chức cuộc đón tiếp Bùi Quang Chiêu, rồi phát động thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng nhân dân đòi quyền tự do dân chủ, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phản động nhất lúc bấy giờ, đứng đầu là tên thực dân Utơrây (Outrey). Cuộc biểu tình đã thu hút hàng vạn người tham gia. Trước sức mạnh xuống đường của quần chúng, Đảng Lập hiến và Bùi Quang Chiêu rất hoảng sợ, đã thỏa hiệp với Pháp. Trong bữa tiệc chiêu đãi tối hôm đó, Bùi Quang Chiêu tuyên bố trung thành với chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề và phản đối bạo động. Biết rõ ý đồ phản bội của Bùi Quang Chiêu, quần chúng, nhất là thanh niên học sinh, đã chuyển sang đả đảo Bùi Quang Chiêu, đả đảo chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề của Đảng Lập hiến.
Cùng ngày Bùi Quang Chiêu về nước, lại xảy ra vụ bắt giam Nguyễn An Ninh, một nhà báo có uy tín lớn trong giới thanh niên và trí thức lúc bấy giờ Nguyễn An Ninh tốt nghiệp đại học ngành Luật ở Pháp, về nước năm 1925, nhưng không chịu hợp tác với chính quyền Pháp. Không những thế, ông còn dùng báo chí làm công cụ đả kích chế độ thực dân ở Đông Dương. Vì vậy, Nguyễn An Ninh đã bị thực dân Pháp bắt giam và kết án hai năm tù. Trước tình hình đó, Đảng Thanh niên đã phát truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh. Một cuộc tổng đình công đã được dự định tổ chức ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại một vài nơi như Ngân hàng Đông Dương, hãng cao su Lápbê (Labbé), công nhân và viên chức đã nghỉ việc để phản đối chính sách của Pháp. Để đối phó lại, Pháp ra tay đàn áp những người đấu tranh, ngăn ngừa cuộc tổng đình công và tiến hành bắt bớ nhiều đảng viên Thanh niên là lực lượng lãnh đạo và tổ chức các cuộc đấu tranh của quần chúng. Do bị đàn áp dữ dội, khí thế đấu tranh của quần chúng bị xẹp xuống, rồi lắng dần.
4. Phong trào văn hóa tiến bộ
Trong những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, cùng với sự mở mang, phát triển của các đô thị, thì các phương tiện, cơ sở in ấn, xuất bản cũng xuất hiện khá nhanh; các tầng lớp nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ngày càng đông đảo hơn so với trước.
Trong cao trào đòi tự do dân chủ, nhiều trí thức tiến bộ đã trở thành người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân. Họ dùng báo chí làm công cụ đấu tranh, đồng thời để bộc lộ các quan điểm chính trị của mình. Vì vậy, sau những năm 20, hoạt động báo chí, văn hóa đã diễn ra khá sôi nổi trên cả nước.
Ở Nam Kì, một số trí thức chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản đã lên tiếng phản đối những tên quan cai trị tàn ác và đòi nhà cầm quyền phải thi hành các cải cách dân chủ cho nhân dân. Họ đứng ra xuất bản một số tờ báo bằng tiếng Pháp, tiêu biểu như các tờ La Tribune indigène (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai, Bùi Quang Chiêu, tờ La Tribune indochinoise (Diễn đàn Đông Dương) và tờ L’ Écho annamite (Tiếng vang Annam) của Đảng Lập hiến.
Khác với tư tưởng quốc gia cải lương của các tờ báo trên, hai tờ báo Chuông rạn (La cloche fêlée) của Nguyễn An Ninh và Annam (L’ Annam) của Phan Văn Trường đã kịch liệt đả phá chế độ thực dân, công khai chống lại chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề. Ngoài ra, báo còn trích đăng một số bài trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, giới thiệu những tài liệu có liên quan tới Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội. Cùng với khuynh hướng này, còn có các tờ Jeune Annam (Annam trẻ) và tờ Le Nhaque (Người nhà quê) của Nguyễn Khánh Toàn.
Bên cạnh các tờ báo in bằng tiếng Pháp, còn xuất hiện nhiều tờ báo tiếng Việt, như các tờ Thực nghiệp dân báo, tờ Hữu Thanh của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ở Hà Nội, tờ Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế, tờ Pháp Việt nhất gia của Trần Huy Liệu, Lê Thanh Lực ở Sài Gòn.
Các tờ báo nói trên đều phản ánh các nguyện vọng về tự do dân chủ của quần chúng, tuyên truyền tư tưởng văn hóa tiến bộ, kịch liệt chống lại chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề.
Cùng với các hoạt động báo chí, một số trí thức trẻ còn thành lập các đại lí hoặc cơ sở xuất bản, mua bán các tài liệu, sách báo có tư tưởng yêu nước. Tiêu biểu như Nam Đồng thư xã của Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm ở Hà Nội, Quan Hải Tùng thư ở Huế của Đào Duy Anh, Cường học thư xã của Trần Huy Liệu ở Sài Gòn.
Các tác phẩm nổi tiếng như Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Tiếng quốc kêu của Việt Quyên, Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu... đã phần nào phản ánh được nguyện vọng tự do, dân chủ, nhân đạo, yêu nước của nhân dân ta, và đã được đông đảo thanh niên hâm mộ, tìm đọc.
Với những hoạt động nói trên, phong trào văn hóa tiến bộ đã trở thành một chất men, một động lực quan trọng của cao trào đấu tranh yêu nước, đòi tự do dân chủ những năm 1925-1926 ở nước ta.