Tài liệu: Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài chống Bắc thuộc, vấn đề đặt ra đối với dân tộc Việt Nam đâu chỉ là độc lập cho đất nước mà còn là bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền.
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền

Nội dung

Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền

Trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài chống Bắc thuộc, vấn đề đặt ra đối với dân tộc Việt Nam đâu chỉ là độc lập cho đất nước mà còn là bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền.

Từ thời Văn Lang - Âu Lạc, người Việt cổ đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được định hình. Trong thời Bắc thuộc, mặc dù kẻ đô hộ dùng nhiều chính sách và thủ đoạn thâm độc để đồng hóa dân tộc nhằm Hán hoá Việt tộc và nền văn hóa Việt. Song, từ trong các xóm làng Việt cổ, nhân dân ta vẫn bảo tồn và không ngừng phát triển nền văn hóa bản địa, nội sinh đã tích lũy được qua hàng ngàn năm trước đó. Bởi vậy, mặc dù chữ Hán và tiếng Hán được du nhập ồ ạt vào Việt Nam, nhưng không thể tiêu diệt được tiếng nói của dân tộc, tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ vẫn được bảo tồn, nhân dân ta vẫn sống theo cách sống riêng của mình - cuộc sống và tâm hồn Việt Nam.

Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của thời kì Văn Lang - Âu Lạc vẫn được giữ gìn như tục nhuộm răng, ăn trầu, bơi chải, đấu vật, chọi trâu, đá cầu, đánh đu, đánh phết, ném còn, đề cao các anh hùng dân tộc, người già, phụ nữ. Trong các lễ hội hàng năm như hội làng, hội mùa xuân, mặc dù có biến đổi ít nhiều trong các nghi lễ, nhưng tính chất cơ bản của nó vốn có từ thời Văn Lang, Âu Lạc vẫn được bảo lưu như tập quán mở hội thường kì, mọi thành viên trong làng đều tham gia.

Trong các gia đình Việt Nam từ xa xưa đã định hình một quan hệ ứng xử đẹp đẽ như thờ cúng tổ tiên, kỉnh trọng ông bà, cha mẹ, anh em nhường nhịn nhau và thuận hòa. Nho giáo và văn hóa Hán truyền bá vào Việt Nam với chủ định của kẻ thống trị nhưng vẫn không thể nào làm thay đổi truyền thống văn hóa đó của dân tộc. Người Việt vẫn từ chối tư tưởng gia trưởng nặng nề, xem khinh phụ nữ của người Hán. Nhìn chung, dưới thời Bắc thuộc, chữ Hán và Nho giáo cùng với toàn bộ hệ tư tưởng của phong kiến Trung Hoa không xâm nhập và không có ảnh hưởng nhiều đến các làng xóm người Việt cổ.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp để bảo vệ di sản văn hóa truyền thống thời Bắc thuộc, nhân dân ta đã biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa ngoại nhập phù hợp với đặc tính, tâm hồn Việt Nam để làm phong phú nên văn hóa truyền thống.

Hơn một nghìn năm bị đô hộ, tiếng nói của dân tộc Việt Nam đã trải qua một quá trình đơn âm tiết hóa và thanh điệu hóa. Bởi vậy, bên cạnh những âm tiết thuần Việt còn có nhiều âm tiết Hán - Việt. Dù vậy, tiếng Việt tuyệt nhiên không bị biến chất thành tiếng Hán cổ.

 Trên cơ sở ý thức dần tộc và tinh thần tự cường nhưng không bảo thủ, đóng kín, nhân dân ta đã biết kết hợp giữa truyền thống và cách tân cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đã tiếp thu một số cái hay, cái đẹp của văn hóa ngoại nhập. Một sự tiếp nhận có chọn lọc, có ý thức, có sự dung hợp. Điều đó được thể hiện ở nhiều lĩnh vực như từ tập quán giã gạo bằng chày tay đã chuyển sang lối giã gạo bằng cối đạp từ đầu công nguyên.

Từ tập tục ở nhà sàn, dần dần người Việt chuyển sang ở nhà nên đất nện. Trong trang phục, y phục, nghệ thuật cũng phong phú, đa dạng và phát triển cao hơn trên cái căn bản của nền văn hóa cổ truyền.

Cũng trong thời Bắc thuộc, nhân dân ta đã tiếp thu mặt tích cực của Phật giáo để đấu tranh chống Hán hóa, góp phần bảo vệ di sản văn hóa cổ truyền khác với văn hóa Hán, ngăn cản Hán hóa.

Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng để bảo vệ di sản văn hóa cổ truyền vừa là một bộ phận của sự nghiệp đấu tranh chống Bắc thuộc vừa là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn vào đầu thế kỉ X.

Trong hơn một nghìn năm xâm lược và đô hộ nước ta, các triều đại phong kiến phương Bắc đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp nhằm đồng hóa nhân dân ta, biến nước ta thành một bộ phận đất đai của Trung Quốc, như một số bộ tộc khác ở vùng Hoa Nam. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng đó bao trùm nhiều thế hệ, thế hệ trước ngã xuống thì thế hệ sau đứng lên tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập, tự chủ, bất chấp sự đàn áp dã man của kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh trường kì và vô cùng gian khổ, quyết liệt đó, đã nhiều lần, nhân dân ta giành được thắng lợi, đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi, xây dựng được chính quyền tự chủ, tự định đoạt công việc của mình như các cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng v.v. lãnh đạo. Những năm tháng độc lập quý giá đó, đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập về sau càng quyết liệt, rộng lớn hơn.

Công cuộc đấu tranh đó cũng là cơ sở cho nhân dân ta đấu tranh giữ gìn và phát triển sản xuất, phát triển nền kinh tế. Mặc dù, từ Triệu đến Đường, chính quyền đô hộ ra sức tăng cường ách cai trị, tổ chức ngày càng chặt chẽ hơn bộ máy quản lí từ quận, châu, huyện, đến hương, xã; nhưng, trong thực tế, không có một triều đại phương Bắc nào khuất phục được các làng xã của người Việt.

Những yếu tố trên đây là những thành phần và điều kiện hết sức cơ bản và quan trọng cho sự thắng lợi trong cuộc dựng lại nền tự chủ của nhân dân ta ở đầu thế kỉ X.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4629-02-633921644786716250/Cong-cuoc-dau-tranh-gianh-lai-doc-lap-va-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận