Tài liệu: Các hoạt động của giai cấp tư sản

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời muộn hơn giai cấp công nhân Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, tư sản Việt Nam luôn bị tư sản nước ngoài cạnh tranh, chèn ép.
Các hoạt động của giai cấp tư sản

Nội dung

Các hoạt động của giai cấp tư sản

Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời muộn hơn giai cấp công nhân Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, tư sản Việt Nam luôn bị tư sản nước ngoài cạnh tranh, chèn ép. Do hoàn cảnh lịch sử đó nên giai cấp tư sản vừa non yếu về kinh tế, vừa bạc nhược về chính trị.

Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư sản Việt Nam chưa phải là một giai cấp, do đó chưa có hoạt động gì nổi bật. Phải đến thời kì sau chiến tranh, tư sản mới bước lên vũ đài chính trị, và mới tiến hành một số hoạt động mang đặc điểm giai cấp rõ rệt.

1. Phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều (1919)

Bên cạnh sự kìm hãm của tư bản Pháp, tư sản Việt Nam còn phải đối phó với sự cạnh tranh của tư bản người Hoa. Tư sản Hoa kiều là lực lượng giữ vị trí thứ hai sau tư bản Pháp trong các ngành kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu, thầu khoán, mộ phu... ở Việt Nam.

Để chống lại thế lực kinh tế của tư sản Hoa kiều, năm 1919 tư sản Việt Nam đã dấy lên phong trào “tẩy chay các chú” ở một số thành phố, thị xã như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Tại Hà Nội, người ta khuyên nhau không mua hàng của “các chú”, tức của người Hoa. Tham gia phong trào này, ngoài các nhà tư sản, còn có một số con em các gia đình địa chủ tư sản, học sinh. Họ nêu ra khẩu hiệu: “Người Annam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “người Annam mua bán với người Annam”...

Trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp lo sợ đã vội vàng tìm cách ngăn cản. Sau vài vụ bắt bớ của chính quyền Pháp, phong trào xẹp dần rồi tắt hẳn.

Phong trào tẩy chay “các chú” hay “Khách trú” về thực chất chỉ là cuộc đấu tranh vì quyền lợi giai cấp giữa tư sản Việt Nam và tư sản Hoa kiều. Cuộc đấu tranh này chứng tỏ mối mâu thuẫn giữa tư sản Việt Nam và tư sản nước ngoài đã trở nên gay gắt. Tuy nhiên, mũi nhọn đấu tranh của tư sản Việt Nam mới nhằm vào tư sản Hoa kiều, mà chưa dám trực tiếp hướng vào địch thủ chính là tư bản Pháp.

2. Đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn (1923)

Tiến thêm một bước so với phong trào “tẩy chay các chú”, lần này tư sản Việt Nam đã chĩa mũi nhọn đấu tranh vào tư bản Pháp.

Nhằm thực hiện mục đích độc chiếm thị trường, năm 1923 thực dân Pháp đã mở một cuộc vận động tại Hội đồng thuộc địa chính thức trao độc quyền kinh doanh ở cảng Sài Gòn cho một công ti Pháp. Trước quyết định này, giới tư sản và địa chủ Nam Kì đã kịch liệt phản đối. Phong trào chống độc quyền cảng Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi, lôi cuốn được sự tham gia ủng hộ của đông đảo thanh niên trí thức tư sản và tiểu tư sản ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kì. Một số cuộc mít tinh được tổ chức, nhiều tờ báo còn công khai phản đối quyết định của Hội đồng thuộc địa. Cuộc đấu tranh đã có tiếng vang sang tận nước Pháp, tranh thủ được sự đồng tình của các lực lượng tiến bộ ở Pháp.

Do sức ép của phong trào quần chúng cùng dư luận ở Việt Nam và Pháp, chính quyền Đông Dương buộc phải tạm hoãn thi hành nghị quyết của Hội đồng thuộc địa Nam Kì.

Như vậy, cuộc đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn đã phản ánh những mâu thuẫn về quyền lợi giữa tư sản Việt Nam và tư bản Pháp. Nhưng cuộc đấu tranh này chỉ chống lại một công ti tư bản, chứ chưa phải chống lại toàn bộ ách cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta.

3. Hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng

Đi đôi với các cuộc đấu tranh kinh tế, giai cấp tư sản Việt Nam còn xuất bản báo chí làm cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng cải lương chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh đòi một số quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ chế độ thuộc địa. Hai tờ báo đóng vai trò cơ quan phát ngôn của giai cấp tư sản là Diễn đàn Đông Dương (La Tribune indochinoise) và Tiếng vang Annam (L’ Echo annamite). Đứng trên lập trường quốc gia cải lương, các tờ báo này tuyên truyền rùm beng cho chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề, và tư tưởng trực trị. Trên tờ Tiếng vang Annam vào tháng 8 năm 1920 đã đăng bài viết “Má ơi đến cứu chúng con”, chủ trương dựa vào Pháp để chống lại tư sản Hoa kiều. Hay trong một bài báo khác vào năm 1921, tờ Tiếng vang Annam đặt thẳng vấn đề “quyền làm chính trị” cho các nhà tư sản bản xứ.

Tuy nhiên, tổ chức đại diện đầy đủ nhất cho các quan điểm quốc gia cải lương của giai cấp tư sản là Đảng Lập hiến được lập ra ở Nam Kì vào năm 1923. Gọi là đảng, nhưng thực ra nó không có hệ thống tổ chức, không có điều lệ và cán bộ. Những người cầm đầu Đảng chủ yếu xuất thân từ các trí thức tư sản, địa chủ và công chức cao cấp, như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền... Với tư cách là lãnh tụ của Đảng, Bùi Quang Chiêu nêu ra 3 yêu cầu về chính trị là tự do tư tưởng, tự do viết báo bằng tiếng mẹ đẻ, tự do đi lại và hội họp. Hoạt động của Đảng Lập hiến thường hướng vào việc đòi tham gia vào bộ máy chính quyền (Hội đồng thuộc địa, Hội đồng thành phố...), xin nhập quốc tịch Pháp... Năm 1925, Đảng Lập hiến đưa tập Dân nguyện cho Toàn quyền Varen nhằm đòi các quyền tự do dân chủ. Nhưng bọn thực dân xảo quyệt một mặt bố thí một ít quyền lợi để mua chuộc họ, mặt khác vẫn cử người theo dõi để tìm cách đả phá chia rẽ họ với đông đảo nhân dân.

Ngoài Đảng Lập hiến trong Nam, còn có các nhóm Nam phong của Phạm Quỳnh, nhóm Trung Bắc tân văn của Nguyễn Văn Vĩnh ở ngoài Bắc. Nhóm Phạm Quỳnh nêu lên thuyết “quân chủ lập hiến”, còn nhóm Nguyễn Văn Vĩnh lại đề cao tư tưởng “trực trị” như kiểu Canada trong đế quốc Anh...

Nói chung, giai cấp tư sản Việt Nam sau chiến tranh đã có những cố gắng nhất định trong cuộc đấu tranh chống sự cạnh tranh chèn ép của tư bản nước ngoài. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh này chủ yếu nhằm thỏa mãn các yêu cầu tối thiểu về quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng trong kinh tế và hoạt động chính trị với tư bản Pháp.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4647-02-633921698702028750/Buoc-phat-trien-moi-cua-phong-trao-dan-to...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận