Thời đại phong kiến dân tộc
Trải qua hơn 1000 năm dưới ách đô hộ của các triều đại phương Bắc, đất nước Âu Lạc của người Việt cổ đã có nhiều đổi thay. Mặc dầu luôn luôn bị kìm hãm, áp bức, bóc lột nặng nề, người dân Việt vẫn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lao động xây dựng làng xóm, vừa sáng tạo vừa học tập kinh nghiệm, nghề nghiệp của người nước ngoài để nâng cao và đa dạng hoá dần nền sản xuất. Ruộng đồng ngày càng được mở rộng. Nông nghiệp lúa nước với việc sử dụng lưỡi cày sắt và sức kéo của trâu bò ngày càng phổ biến. Thu hoạch mùa màng cũng từng bước gia tăng. Cùng với các cây lương thực, việc làm vườn, trồng cây ăn quả, trồng rau, trồng cà cũng phát triển. Ở các vùng ven sông, ven biển, nghề đánh cá, bắt tôm, làm muối thu hút đông đảo cư dân. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp và cuộc sống hàng ngày, các ngành nghề thủ công như rèn sắt, đúc đồng, kéo tơ dệt lụa, làm đồ gốm, đóng thuyền v.v... đều phát triển. Sự phát triển của nền kinh tế, một mặt đáp ứng những đòi hỏi ngày càng phức tạp của chính quyền đô hộ, mặt khác nâng cao dần cuộc sống chung của người Việt cũng như phục vụ tốt công cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ, giành độc lập cho Tổ quốc. Xã hội người Việt cũng bắt đầu phân hóa. Ở các vùng gần các trung tâm chính trị, xuất hiện một số trại chủ, địa chủ hoặc là người Hán, người Hán Việt hóa hoặc là tù trưởng người địa phương. Đồng thời cũng xuất hiện một tầng lớp nông dân phụ thuộc ở nhiều mức độ khác nhau, mặc dầu, phần lớn các làng vẫn giữ được trạng thái xã hội cổ truyền của mình với tuyệt đại đa số cư dân là người tự do.
Ở bên trên, chế độ đô hộ của các triều đại phương Bắc với những thiết chế, quan chức của nó ngày càng đầy đủ, đã dần dần trở nên quen thuộc. Ngay từ thế kỉ VI, nhà nước Vạn Xuân của họ Lý - họ Triệu đã được dựng lên theo mô hình đó. Chữ Hán, Nho giáo thấm dần vào một số người thuộc tầng lớp trên, nhất là khi xuất hiện lớp địa chủ người Việt v.v...
Tất cả hợp lại đã làm nên cơ sở kinh tế - xã hội cần thiết cho định hướng phát triển nước ta khi đã giành lại được độc lập hoàn toàn ở thế kỉ X. Phong kiến hoá đã trở thành một xu thế tất yếu.
Vào cuối thế kỉ IX, chính quyền đô hộ Đường ở phương Bắc lâm vào thế suy sụp, bùng lên một phong trào đấu tranh của các thế lực phong kiến địa phương nhằm tách khỏi sự khống chế của chính quyền trung ương, thành lập quốc gia độc lập. Đó là thời cơ cực kì thuận lợi cho công cuộc đấu tranh giành lại độc lập của người Việt ở An Nam. Tình thế càng khẩn thiết hơn khi quân Nam chiếu lại đánh xuống, vô hiệu hóa uy thế của lực lượng đô hộ. Đầu thế kỉ X, vị thổ hào đất Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ đã nhanh chóng khởi binh, đánh tan quân đô hộ, buộc triều đình nhà Đường trong thế sụp đổ đã phải cách chức tiết độ sứ Độc Cô Tổn, chấm dứt nền đô hộ của mình trên đất Tĩnh Hải (An Nam). Họ Khúc đã trở thành người chủ của An Nam và đầu năm 906, vua Đường buộc phải phong thêm “cho Tĩnh Hải quân tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng bình chương sự”.
Như vậy, từ năm 905, dù những người đứng đầu đất nước chưa thành lập vương triều và theo xu hướng chung của thời điểm đó, nhận chức tiết độ sứ, “kỉ nội thuộc Tùy - Đường” như cách nói của người xưa hay đầy đủ hơn là “thời Bắc thuộc” nói chung đã chấm dứt vĩnh viễn. Ý thức độc lập dân tộc càng thể hiện rõ hơn ở những việc làm của Khúc Hạo - người kế tục sự nghiệp của Khúc Thừa Dụ. Nói một cách khác, từ năm 905, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến.
Hơn 20 năm của buổi đầu độc lập, thời gian quả là quá ít trong bối cảnh của xã hội ở thế kỉ X, nhưng nhân dân ta đã tự tạo cho mình được một cái nền khá vững chắc để rồi hai lần đánh bại quân xâm lược Nam Hán, đặc biệt là ở lần thứ hai, với chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt năm 988, không chỉ khẳng định quyền làm chủ của người dân Việt trên đất nước mình mà còn từ đó tạo nên cái uy thế cần thiết cho Ngô Quyền - người chỉ đạo cuộc kháng chiến - xưng vương, xác lập chế độ quân chủ.
Thời đại phong kiến dân tộc diễn ra trong gần 10 thế kỉ, có thể chia thành 4 giai đoạn:
1. Thế kỉ X: Giai đoạn quá độ.
2. Thế kỉ XI - XV: Giai đoạn hình thành và xác lập chế độ phong kiến của một quốc gia thống nhất.
3. Thế kỉ XVI - giữa thế kỉ XVIII: Giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến trong bối cảnh đất nước bị chia cắt.
4. Nửa sau thế kỉ XVIII - giữa thế kỉ XIX: Giai đoạn khủng hoảng suy tàn của chế độ phong kiến.