Phong trào công nhân
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp công nhân Việt Nam vẫn hết sức thấp kém. Cuộc khai thác thuộc địa lần hai chỉ chú ý mở rộng vốn và quy mô sản xuất, nhưng không tăng cường các phương tiện máy móc và không cải thiện các điều kiện làm việc cho công nhân. Tình trạng ăn, ở của công nhân, nhất là ở các đồn điền và hầm mỏ, rất thấp kém. Thêm vào đó, thời gian làm việc thường phải kéo dài từ 9 đến 10 giờ trong một ngày. Có nơi như khu dệt Nam Định, ngày công của công nhân trong năm 1924 được quy định bình quân là 12 giờ. Công nhân không được hưởng bất kì một chế độ bảo hiểm thân thể nào. Tiền lương của công nhân rất thấp. Chẳng hạn, lương công nhật của công nhân dệt ở Nam Định từ 0,25 đến 0,35 đồng; ở mỏ than Hồng Gai từ 0,30 đến 0,40 đồng. Bình quân thu nhập hằng tháng của một công nhân vào khoảng 10 đồng. Trong khi đó, lương tháng của một công chức (thư kí, kế toán) từ 30 đến 40 đồng. Ngoài đồng lương rẻ mạt, điều kiện làm việc cực khổ, công nhân còn bị đánh đập, ngược đãi như nô lệ. Tình hình đó dẫn tới cuộc sống cùng quẫn, thậm chí dẫn đến cái chết của nhiều công nhân. Chính cảnh sống cùng cực ấy đã thúc đẩy công nhân hăng hái đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột và cường quyền.
Sau chiến tranh, thông qua hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều người Việt Nam yêu nước khác, các sách báo cách mạng đã bắt đầu được truyền bá vào trong nước. Các tờ báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn... cũng như các tác phẩm của chủ nghĩa Mác - Lênin đã lọt qua lưới sắt của thực dân Pháp đến với giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Cũng vào thời kì sau chiến tranh, nhiều thủy thủ, lính thợ Việt Nam được hồi hương, mang theo các hiểu biết mới, tư tưởng mới và cả các kinh nghiệm đấu tranh của những người anh em đồng chí ở châu Âu về nước. Nhờ vậy, giai cấp công nhân Việt Nam mới bắt đầu biết tới Cách mạng tháng Mười, biết đến Lênin - lãnh tụ của cách mạng thế giới, trên cơ sở đó dần dần tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản. Ánh sáng cách mạng ấy đã thôi thúc, lôi cuốn công nhân Việt Nam vùng dậy đấu tranh, trước hết là chĩa mũi nhọn vào bọn tư bản thực dân Pháp.
Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam phát triển ngày càng rầm rộ, sôi nổi. Hình thức đấu tranh thấp nhất của công nhân là bỏ việc và phá giao kèo. Trong khoảng thời gian từ 1919 đến 1925, số công nhân bỏ trốn hoặc phá giao kèo với chủ đã lên tới 4877 người. Càng ngày, công nhân càng sử dụng các hình thức đấu tranh đặc thù của mình là bãi công, mặc dù hình thức đấu tranh này bị ghép vào tội “phá rối trị an” và bị kết án tù. Theo thống kê của chính quyền Pháp, từ 1920-1925 đã nổ ra 25 cuộc bãi công, đó là chưa kể những cuộc lãn công, đưa yêu sách cho chủ, hò reo chống đánh đập...
Năm 1919 nổ ra cuộc bãi công của công nhân thủy thủ tàu Sácnô (Sharnhort) đậu ở cảng Hải Phòng đòi tăng lương, và chống việc thực dân Pháp đưa binh lính Việt Nam sang đàn áp cách mạng Xiri. Năm 1920, trên 200 thủy thủ của 5 chiếc tàu Pháp ở cảng Sài Gòn đã bãi công đòi phụ cấp đắt đỏ.
Một sự kiện có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, đó là vào năm 1921 Liên đoàn công nhân tàu biển ở Viễn Đông đã được thành lập, và phát triển các cơ sở ở Ma Cao, Thượng Hải (Trung Quốc). Một số công nhân, thủy thủ Việt Nam làm việc trên các hãng tàu của Pháp đã gia nhập Liên đoàn này. Họ đã có nhiều đóng góp trong việc đưa đón cán bộ, vận chuyển các sách báo cách mạng từ Pháp về trong nước.
Từ năm 1922, phong trào công nhân bắt đầu có nét khởi sắc mới. Đáng chú ý nhất là cuộc bãi công của 600 công nhân thợ nhuộm ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Nguyễn Ái Quốc đánh giá cuộc bãi công đó như là “dấu hiệu của thời đại” mới, “lần đầu tiên một phong trào như thế đã nhóm lên ở thuộc địa”. Nét mới đó còn được lộ rõ hơn trong cuộc bãi công của 250 công nhân nhà máy sợi Nam Định tháng 9-1924. Trong bản báo cáo của Đờ Mayna (De Maynard) gửi cấp trên, y đã viết: “không còn nghi ngờ gì nữa, bọn cai và thợ chuyên môn… biết rằng bãi công là một vũ khí dũng mãnh trong tay những người làm công”.
Năm 1925, phong trào công nhân đã có sự phát triển nhảy vọt với việc xuất hiện nhiều cuộc bãi công có quy mô lớn, có tổ chức và lãnh đạo ở một mức độ nhất định. Trong đó điển hình nhất là cuộc bãi công của một nghìn công nhân Ba Son (Sài Gòn) vào tháng 8 năm 1925.
Gắn liền với cuộc bãi công này là vai trò tổ chức của Tôn Đức Thắng. Sau khi tham gia cuộc binh biến ở Hắc Hải, năm 1920 Tôn Đức Thắng về nước và xin vào làm công nhân ở Sài Gòn. Chính trong năm này, ông đã bí mật thành lập tổ chức Công hội đầu tiên ở thành phố Sài Gòn. Năm 1925, Tôn Đức Thắng đã cùng một số công nhân khác đứng ra tổ chức cuộc bãi công ở Ba Son.
Xưởng Ba Son được thành lập từ năm 1864, là cơ sở chuyên đóng và sửa chữa tàu thủy vào loại lớn nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam. Tại đây, công nhân được hưởng một số chế độ ưu đãi hơn các nơi khác, như được hưởng ngày làm 8 giờ, lương cao, công việc cũng ít vất vả hơn; vào tháng lĩnh lương hằng tháng, công nhân được nghỉ việc trước 30 phút. Nhưng từ khi viên đốc công mới tên là Cuốcxian (Courtial) sang làm việc, lệ nghỉ trước giờ vào ngày lĩnh lương bị bãi bỏ. Đây là cái cớ để những người lãnh đạo vận động công nhân đứng dậy đấu tranh.
Mục đích của cuộc bãi công Ba Son là nhằm giữ lại chiến tàu Misơlê (Michelet) được đưa đến sửa chữa ở xưởng Ba Son, không cho Pháp chuyên chở binh lính sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Ngày 4-8-1925, cuộc bãi công bùng nổ với yêu sách “đòi tăng lương 20%, đòi thợ bị đuổi trở lại làm việc và giữ lệ nghỉ trước nửa giờ vào ngày lĩnh lương”. Để đảm bảo thắng lợi, ban lãnh đạo Công hội đã vận động công nhân viên chức các nhà máy, công sở trong thành phố ủng hộ công nhân Ba Son. Sau 8 ngày đấu tranh và nghỉ việc, cuộc bãi công Ba Son đã giành được thắng lợi. Kết quả là các nhà chức trách Pháp đã phải chấp nhận tăng lương 10% cho công nhân, thỏa mãn các yêu sách khác, đồng thời trả lương cả những ngày bãi công. Ngày 12-8, công nhân trở lại làm việc, nhưng văn tiếp tục lãn công, khiến cho việc sửa chữa chiếc tàu Misơlê đến mãi ngày 28-11-1925 mới hoàn thành, và khi nó lên đường sang Trung Quốc thì cuộc đấu tranh của công nhân và thủy thủ bên đó đã kết thúc thắng lợi.
Rõ ràng, cuộc bãi công Ba Son năm 1925 là cuộc đấu tranh đầu tiên có tổ chức và có lãnh đạo. Cuộc bãi công này không chỉ nhằm vào mục tiêu kinh tế, mà cao hơn nữa còn nhằm vào mục đích chính trị, thể hiện tình đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của công nhân Việt Nam với những người anh em Trung Quốc. Bằng các việc làm của mình, cuộc bãi công Ba Son đã cắm một mốc rất quan trọng trong phong trào công nhân – giai đoạn công nhân Việt Nam bắt đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng.