Tài liệu: Những chuyển biến mới của phong trào công nhân

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ 1925 trở đi, nhờ sự xuất hiện và tăng cường hoạt động của tổ chức cách mạng HVNCMTN
Những chuyển biến mới của phong trào công nhân

Nội dung

Những chuyển biến mới của phong trào công nhân

Từ 1925 trở đi, nhờ sự xuất hiện và tăng cường hoạt động của tổ chức cách mạng HVNCMTN, các tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa cộng sản đã được truyền bá rộng rãi trong công nhân và nhân dân lao động. Nhờ vậy, phong trào công nhân ngày càng phát triển và chuyển biến nhanh chóng về chất. Các cuộc đình công, bãi công liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi. Trong hai năm 1926-1927 đã nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân. Tiêu biểu là bãi công của công nhân Bưu điện Sài Gòn, công nhân dệt Nam Định, công nhân đồn điền Cam Tiêm (1926); đấu tranh của công nhân đồn điền ở Đà Lạt, ở Thái Nguyên (1927)... Các cuộc đấu tranh này đều nhằm vào hai mục tiêu chung là đòi tăng lương từ 20%-40% và đòi thực hiện ngày làm 8 giờ như công nhân bên Pháp. Điều này chứng tỏ công nhân không còn bị chi phối, lệ thuộc nặng nề vào các yêu cầu và lợi ích cục bộ, địa phương mà đã biết chú ý tới lợi ích chung của giai cấp, bằng cách đề ra các yêu sách phù hợp về cơ bản với nguyện vọng của đông đảo công nhân.

Từ năm 1928, phong trào “vô sản hóa” của HVNCMTN và TVCMĐ đã có tác dụng thúc đẩy và nâng cao nhanh chóng ý thức giác ngộ và lập trường tách mạng của giai cấp công nhân. Vì vậy, phong trào công nhân đã nổ ra mạnh mẽ, sôi nổi, đều khắp ba kì. Số lượng các cuộc đấu tranh của công nhân trong các năm 1928-1929 đã lên tới 40 cuộc, tăng gấp 2,5 lần so với hai năm 1926-1927[1]. Trong số đó, tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh), nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy cưa Bến Thủy (Vinh), công nhân đồn điền Lộc Ninh (1928); đấu tranh của công nhân hãng xe tay Hải phòng, dệt Nam Định, nhà máy xe lửa Tràng Thi (Vinh), nhà máy Avia (Hà Nội), đồn điền cao su Phú Riềng, hãng dầu Hải Phòng, nhà máy gang Hưng Kí (Bắc Ninh), đồn điền cao su Cam Tiêm (1929)...

Đặc biệt, trong cuộc bãi công của 200 công nhân xưởng sửa chữa ô tô Avia (Hà Nội) tháng 5-1929 đã có sự lãnh đạo của Kì bộ HVNCMTN và chi bộ cộng sản đầu tiên, mà người đóng vai trò chỉ đạo trực tiếp là đồng chí Ngô Gia Tự. Để chỉ đạo công nhân đấu tranh, một ủy ban bãi công đã được thành lập. Ủy ban bãi công đã phát truyền đơn kêu gọi công nhân và lao động Hà Nội hưởng ứng và ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Avia. Nhờ vậy, cuộc bãi công đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của công nhân nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh xung quanh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định.

Tháng 7 năm 1929, Tổng công hội đỏ Bắc Kì được thành lập. Tổng công hội đỏ đã đề ra chương trình, điều lệ và quyết định xuất bản tờ Lao động làm cơ quan ngôn luận. Sự kiện đó vừa thể hiện bước trưởng thành của phong trào công nhân, vừa tạo điều kiện thúc đẩy giai cấp công nhân đi dần vào đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo thống nhất.

Nhìn chung, trong thời kì từ 1926-1929, phong trào công nhân Việt Nam đã có những bước tiến bộ mới so với trước. Các cuộc bãi công nổ ra rầm rộ, sôi nổi và quyết liệt hơn. Những cuộc đấu tranh tự phát đã giảm đi và thay vào đó là những cuộc đấu tranh có ý thức, có tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Công nhân đấu tranh không chỉ nhằm đòi các quyền lợi kinh tế (như tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt), mà còn nhằm cả mục đích chính trị (chống lại các chính sách áp bức bóc lột của bọn chủ tư bản và chính quyền thực dân phong kiến). Họ cũng đã biết đoàn kết nhau lại để đấu tranh có phương pháp, có tổ chức và kế hoạch. Chính bọn thực dân đã phải thừa nhận: “Từ đây, hành động tập thể của những người lao động đã thay thế cho những vụ âm mưu của các hội kín”.[2]

Cùng với các cuộc đấu tranh ngày càng trở nên quyết liệt, giai cấp công nhân còn có nhiều hoạt động biểu lộ tinh thần cách mạng, ý thức quốc tế của mình. Trong các dịp kỉ niệm ngày Quốc tế lao động (1-5-1929) và Cách mạng tháng Mười nga (7-11-1929), công nhân nhiều nơi đã tổ chức mít tinh, treo cờ đỏ, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân ngày càng có sức thu hút, lôi cuốn mạnh mẽ đối với nhiều tầng lớp nhân dân khái, nhất là nông dân, đi vào cuộc đấu tranh chống đế quốc phong kiến. Từ 1927 đến 1929 đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống các thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất của bọn cường hào ác bá. Điển hình là các cuộc đấu tranh của nông dân Bình Giang, Thanh Hà, Vĩnh Bảo, Tứ Kỳ (Hải Dương); Tú Đôi, Kiến Thụy (Kiến An), Tam Sơn (Bắc Ninh). Ở các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, bên cạnh các cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, nông dân còn lập ra các Hội tương tế, Hội hát, Hội lợp nhà, Hội hiếu hỉ để đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, đồng thời vận động bài trừ các hủ tục trong cưới xin, ma chay...

Phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của nông dân và các tầng lớp thị dân càng phát triển sôi nổi thì càng đòi hỏi phải có người tổ chức và lãnh đạo. Nhu cầu thành lập một chính đảng cách mạng có đủ khả năng tập hợp lực lượng dân tộc và gánh vác vai trò lãnh đạo sự nghiệp giải phóng đất nước được đặt ra, và ngày càng trở nên bức xúc đối với cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4648-02-633921700119528750/Phong-trao-dan-toc-Viet-Nam-tu-1925---193...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận