Tài liệu: Việt Nam trong thời kì khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tháng 10-1929, khủng hoảng nổ ra ở Mĩ rồi lan sang các nước tư bản. khác. Mức sản xuất của toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa giảm 42%, trong đó về tư liệu sản xuất giảm 53% .
Việt Nam trong thời kì khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933)

Nội dung

Việt Nam trong thời kì khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933)

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và sâu sắc nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản. Nó đã chấm dứt thời kì ổn định tạm thời của chủ nghĩa tư bản trong những năm 20.

Tháng 10-1929, khủng hoảng nổ ra ở Mĩ rồi lan sang các nước tư bản. khác. Mức sản xuất của toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa giảm 42%, trong đó về tư liệu sản xuất giảm 53%[1].

Khủng hoảng diễn ra ở tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp và tài chính. Tuy nhiên ở các nước khác nhau, mức độ và thời gian diễn ra khủng hoảng cũng khác nhau, tiêu biểu là ở các nước tư bản phát triển như Mĩ, Anh, Đức, Pháp...

Cuộc khủng hoảng 1929-1933 chẳng những tàn phá nền kinh tế, mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về chính trị, xã hội cho thế giới tư bản chủ nghĩa.  Số công nhân thất nghiệp lên tới 50 triệu. Nhiều nước không có bảo hiểm xã hội, thất nghiệp không được trợ cấp. Các chủ xí nghiệp ra sức bóc lột công nhân bằng cách tăng cường độ lao động, giảm tiền lương và kéo dài thời gian làm việc trong ngày. Hàng triệu nông dân bị mất ruộng đất phải sống trong cảnh nghèo đói. Các tầng lớp khác trong xã hội như tiểu tư sản, thợ thủ công, công chức, những người làm dịch vụ... mức sống bị hạ thấp. Phong trào đấu tranh của nhân dân lao động đòi cải thiện đời sống lên cao. Mâu thuẫn giai cấp ở các nước ngày càng gay gắt. Trong thời gian từ năm 1928 đến cuối năm 1933, số người tham gia bãi công ở các nước tư bản chủ nghĩa đã lên tới 17 triệu, số ngày bãi công là 267 triệu[2].

Cuộc khủng hoảng ở các nước tư bản chủ nghĩa đã lan sang các xứ thuộc địa. Nhân dân các nơi này phải chịu gánh nặng khủng hoảng của “chính quốc”. Tình hình đó làm cho nền kinh tế thuộc địa vốn đã lạc hậu, phụ thuộc lại càng suy sụp, tiêu điều hơn. Cuộc sống của nhân dân các nước thuộc địa ngày càng điêu đứng. Chính vì thế, những cuộc nổi dậy đấu tranh nổ ra. Trước tình hình đó, giới cầm quyền các nước tư bản đã tìm mọi cách để đối phó. Về đối nội, chúng xóa bỏ các quyền tự do, dân chủ tư sản, tăng cường các phương pháp quản lí kiểu cảnh sát, thiết lập chế độ độc tài, ủng hộ hoạt động của các tổ chức phát xít và quân phiệt. Về đối ngoại, chúng chuẩn bị tiến hành chiến tranh xâm lược để chia lại thị trường và khu vực ảnh hưởng. Điển hình cho xu hướng này là Đức, Italia, Nhật Bản.

Trong khi đó các nước như Mĩ, Anh, Pháp... tìm lối thoát khỏi khủng hoàng bằng những cải cách kinh tế - xã hội ôn hòa, chủ trương tiếp tục duy trì nền dân chủ đại nghị, duy trì nguyên trạng hệ thống Vécxai – Oasinhtơn (Versailles - Washington). Vai trò của nhà nước được tăng cường. Nhà nước kết hợp chặt chẽ với các công ti lũng đoạn chi phối toàn bộ đời sống kinh tế của đất nước. Thời kì chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nhà nước đã bắt đầu.

Quan hệ giữa các cường quốc tư bản chủ nghĩa vào đầu những năm 30 chuyển biến ngày càng phức tạp, dần dần hình thành hai khối đối lập, một bên là Đức, Italia, Nhật Bản và một bên là Anh, Pháp, Mĩ. Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai khối đó đã báo hiệu chiến tranh đang tới gần.

Tại Pháp, cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra muộn hơn so với các nước khác, nhưng lại hết sức mạnh và sâu sắc. Khủng hoảng công nghiệp xen kẽ khủng hoảng nông nghiệp và khủng hoảng tài chính.

Sản lượng công nghiệp của Pháp giảm sút 1/3, nông nghiệp giảm 2/5, ngoại thương giảm 3/5, thu nhập quốc dân giảm 1/3. Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến ngành công nghiệp nhẹ: 130 xí nghiệp dệt vải bị phá sản trong thời kì 1929 - 1935. Sản lượng tơ lụa và len năm 1934 giảm một nửa so với năm 1929. Sản xuất bị thu hẹp đã dẫn đến nạn thất nghiệp. Năm 1935 có trên nửa triệu người thất nghiệp. Những người có việc làm thì tiền lương thực tế của họ bị giảm 30 đến 40%. Không chỉ công nhân, các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội cũng bị tác động của cuộc khủng hoảng. Một vạn chủ xí nghiệp nhỏ, 10 vạn tiểu thương bị phá sản; thu nhập của nông dân giảm 2,7 lần[3].

Lúc này, những tổ chức phát xít ở Pháp cũng xuất hiện và tăng cường hoạt động, như tổ chức “Thập tự lửa”, “Đảng đoàn kết nước Pháp”, “Liên minh những nhà tài chính”, “Đảng hành động” và “Đội chữ thập chiến đấu”.

Từ năm 1929 đến năm 1932, các đảng cánh hữu liên tiếp cầm quyền. Chúng đã dung túng cho các phần tử phát xít tự do hoành hành. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Pháp kêu gọi nhân dân đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh và đã được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng.

Trong cuộc tuyển cử năm 1932, các chính đảng phái hữu đã thất bại. Các đảng “khối tả” giành được đa số phiếu và đưa Eriô (Herriot) lên làm Thủ tướng. Chính phủ này kí hiệp ước không xâm phạm với Liên Xô tháng 11 - 1932. Nhưng chính phủ Eriô chỉ tồn tại được 3 tháng. Nước Pháp lại bước vào thời kì mất ổn định trong suốt những năm 1933-1934. Các chính phủ nối tiếp nhau bị đổ.

Ngày 6 - 2 - 1934, trên hai vạn phần tử vũ trang trong các tổ chức phát xít biểu tình đòi giải tán Quốc hội. Ngay lập tức, 2 vạn rưởi công nhân Pari xuống đường chống lại bọn phiến loạn. Binh lính cũng tỏ tình đoàn kết với công nhân để bảo vệ chế độ cộng hòa. Cuộc bạo động phát xít bị dẹp tan. Sau đó, những cuộc đấu tranh chống phát xít nổ ra khắp các địa phương trong cả nước. Đồng thời, Đảng Cộng sản phối hợp với Đảng Xã hội tổ chức bãi công. Tháng 7 - 1934, hai đảng đã kí kết hiệp nghị về thống nhất hành động chống nguy cơ chủ nghĩa phát xít.

Giới cầm quyền nước Pháp đã trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế lên lưng giai cấp công nhân, nhân dân lao động Pháp và nhân dân các nước thuộc địa.

Kinh tế Việt Nam vốn đã bị phụ thuộc nặng nề vào kinh tế nước Pháp, nay phải gánh chịu hậu quả khủng hoảng ở “chính quốc” lại càng suy sụp hơn. Chính quyền thực dân Đông Dương đã thi hành một loạt biện pháp kinh tế - tài chính. Chúng rút vốn đầu tư về các ngân hàng Pháp (năm 1930 rút 50 triệu phơrăng, 1981 rút hơn 100 triệu); dùng tiền của ngân sách Đông Dương trợ cấp cho các công ti tư bản đang có nguy cơ phá sản. Chúng tăng mức các thứ thuế đã có và đặt thêm nhiều thứ thuế mới v.v...


Về nông nghiệp, lúa gạo là sản phẩm chính của Việt Nam bị sụt giá ghê gớm. Năm 1929, giá 1 tạ gạo hơn 11 đồng, năm 1933 còn hơn 8 đồng. Ruộng đất bỏ hoàng ngày càng nhiều, năm 1933 diện tích bỏ hoang tới 370.000 ha[4].

Công nghiệp khai khoáng cũng bị đình đốn. Vì thế số than xuất khẩu giảm mạnh.

Số lượng than xuất đi các nước[5] (ngàn tấn):

Nước nhập than

1929

1930

1931

1982

1933

Trung Quốc

 

 

504

503

253

Hương Cảng

782

797

138

167

252

Nhật

504

406

436

345

254

Các nước khác

19

49

49

15

23

Về tài chính, chính quyền thực dân bắt đồng bạc Đông Dương phá giá. Ngân sách Đông Dương phải chi cho bộ máy thống trị và góp vào quỹ nước Pháp, năm 1931 chi 77% và trả tiền vay nợ 8,5%.

Hậu quả của khủng hoảng kinh tế đã tác động đến tình hình xã hội Việt Nam. Một phần ba số công nhân bị thất nghiệp. Riêng miền Bắc, 25.000 công nhân bị sa thải, trong đó có 12.000 công nhân ngành mỏ. Những công nhân có việc làm bị giảm lương từ 30% đến 50%.

Trong dịp sang Đông Dương tháng 9 - 1931, nhà báo nữ người Pháp Viôlít (André Viollis) viết: “Lương công nhân không bao giờ vượt quá từ 2 đến 2,5 phơrăng mỗi ngày. Trong các xưởng dệt, ngày làm việc bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối. Đàn ông, lương từ 1,75 phơrăng đến 2 phơrăng, đàn bà từ 1,25 đến 1,5 phơrăng, trẻ em từ 8 đến 10 tuổi được lĩnh 0,75 phơrăng. Tôi được biết ở các đồn điền, và nói riêng là ở các đồn điền trồng cây cao su tại các vùng khí hậu rất xấu, công nhân phải làm việc từ 15 đến 16 giờ mỗi ngày, và được trả từ 1,2 đến 2,2 phơrăng mỗi ngày”[6].

Nông dân phải chịu sưu cao, thuế nặng và nạn cho vay nặng lãi. Một suất sưu năm 1929 bằng giá 50 kg gạo, thì năm 1932 là 100kg, năm 1933 là 300 kg.

Theo số liệu điều tra của Phòng canh nông Bắc Kì trong tháng 5-1934, đời sống của nông dân ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình rất thấp. Mức thu nhập là 12 xu cho 6 người trong một ngày. Người nông dân phải vay của địa chủ với bất cứ tỉ lệ lãi nào để sống và  sau đó phải bán mọi thứ tài sản nghèo nàn của mình, thậm chí phải bán cả con để nộp sưu thuế và trả nợ.

Trong tác phẩm Nông dân đồng bằng Bắc Kì, Guru (P. Gourou) viết: “Người ta có thể cầm chắc là nông dân sống ở mức cùng cực của đói kém và nghèo khổ”[7].

Các tầng lớp lao động khác như tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, viên chức, trí thức cũng sống điêu đứng. Địa chủ nhỏ cũng bị sa sút. Một số tư sản dân tộc bị phá sản, vỡ nợ. Chính vì thế, mâu thuẫn trong xã hội nhất là mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam với bọn thực dân Pháp thống trị ngày càng gay gắt.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4649-02-633921705330466250/Phong-trao-cach-mang-sau-khi-Dang-Cong-sa...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận