Tài liệu: Tình hình Việt Nam trong những năm đầu chiến tranh thế giới thứ hai

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ giữa những năm 30, các thế lực phát xít quốc tế tăng cường các hoạt động bành trướng và xâm lược.
Tình hình Việt Nam trong những năm đầu chiến tranh thế giới thứ hai

Nội dung

Tình hình Việt Nam trong những năm đầu chiến tranh thế giới thứ hai

Từ giữa những năm 30, các thế lực phát xít quốc tế tăng cường các hoạt động bành trướng và xâm lược. Năm 1935, Đức chiếm đóng vùng Xarơ (Sarre) do Hội Quốc Liên quản trị. Tháng 10-1985, Italia xâm lược Êtiôpi. Mùa hè 1936, Đức và Italia can thiệp quân sự vào Tây Ban Nhai giúp bọn phát xít Phơrancô (Franco) chống chính quyền cộng hòa. Cũng trong năm 1936, Đức chiếm đóng vùng Rênani (Rhénanie) do Hội Quốc Liên quản trị.

Năm 1937, Nhật gây ra sự kiện Lư Cầu Kiều và mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

Năm 1938, Nhật Bản khiêu khích ở khu vực hồ Khátxan (Mông Cổ). Tháng 3-1938, Đức chiếm đóng áo.

Ngày 15-3-1939, Đức chiếm Praha, sau đó cả Tiệp Khắc. Tháng 4-1939, Italia chiếm đóng Anbani. Hè năm 1939, quân Nhật tiến công vùng Khankhingôn của Mông Cổ.

Trong thời gian này, các hoạt động ngoại giao diễn ra sôi động, các “hiệp ước tay đôi”, “hiệp ước tay tư” được kí kết. Nhưng nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới càng đến gần.

Cuối cùng, ngày 1-9-1939, Đức tấn công Ba Lan mở đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 3-9-1939, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Lợi dụng tình thế chiến tranh, chính phủ Đalađiê (Daladier) mạnh tay thi hành hàng loạt biện pháp đàn áp lực lượng dân chủ ở trong nước và phong trào cách mạng ở thuộc địa. Mặt trận nhân dân Pháp bị tan vỡ. Đảng Cộng sản Pháp bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Tháng 7- 1939, Catơru (Georges. Catroux) được cử làm Toàn quyền Đông Dương. Ngày 4-1-1940, y tuyên bố tại Hội đồng chính phủ Đông Dương: “Chúng ta đánh toàn diện và mau chóng vào các tổ chức cộng sản trong cuộc đấu tranh này, phải tiêu diệt cộng sản thì Đông Dương mới được yên ổn và trung thành với nước Pháp. Chúng ta không có quyền không thắng. Tình thế chiến tranh bắt buộc chúng ta hành động không chút thương tiếc”[1].

Bộ máy đàn áp được tăng cường. Lệnh thiết quân luật được ban bố. Những quyền lợi mà nhân dân Đông Dương đấu tranh đạt được trong thời kì Mặt trận dân chủ bị thủ tiêu.

Ngày 28-9-1939, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cấm tuyên truyền cộng sản, cấm lưu hành tàng trữ tài liệu cộng sản. Chúng giải tán các hội ái hữu, nghiệp đoàn, tịch thu tài sản của các tổ chức đó. Chúng đóng cửa hàng loạt báo chí cách mạng và tiến bộ. Hàng ngàn đảng viên cộng sản và những người yêu nước bị bắt giam tại các trại tập trung và các nhà tù như Bắc Mê, Bá Vân, Nghĩa Lộ (Bắc Kì), Lao Bảo, Trà Khê, Đắc Lay, Đắc Tô (Trung Kì), Tà Lài, Bà Rá (Nam Kì), Côn Đảo hoặc đày đi Mađagaxca.

Chúng vơ vét, bóc lột Đông Dương để phục vụ cho cuộc chiến tranh của nước Pháp. Tháng 9-1939, Catơru ra lệnh tổng động viên nhằm “cung cấp cho mẫu quốc tiềm lực tối đa của Đông Dương về quân đội, nhân lực, các sản phẩm và nguyên liệu”[2].

Tháng 11-1939, trong diễn văn khai mạc Đại hội đồng kinh tế và tài chính Đông Dương, Catơru nói: “Dù có tham gia trực tiếp hay không vào, cuộc chiến Đông Dương, cũng không được tự do có phương hướng riêng của nền kình tế và tài chính của mình mà phải quy tụ nó vào những mục đích do mẫu quốc chỉ định. Đông Dương phải sáp nhập hệ thống mậu dịch của mình vào hệ thống của “mẫu quốc”, phát triển sản xuất của mình vì lợi ích của mẫu quốc, cung cấp những sản phẩm của đất đai và trong lòng đất mà nước Pháp đòi hỏi.

Đồng thời, Đông Dương phải để cho nước Pháp sử dụng nguồn nhân lực của mình, hoặc làm trong các công binh xưởng, hoặc cung cấp những quân số quan trọng được tổ chức và biên chế để điều đến các chiến trường ở phương Tây”[3].

Kết quả của chính sách đó là 8 vạn lính Việt Nam bị đưa sang Pháp. Thực hiện cái gọi là “Kinh tế chỉ huy”, chính quyền thực dân vơ vét vàng bạc; tăng cường phát hành bạc giấy, kiểm soát chặt chẽ sản xuất và phân phối, ấn định giá cả; tăng thuế cũ, đặt thêm thuế mới; tổ chức lạc quyền, công trái, xổ số; sa thải bớt công nhân, viên chức; giảm tiền lương, tăng giờ làm...

Từ tháng 4-1940, Đức tập trung lực lượng đánh chiếm các nước Tây Âu: Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Lúcxembua.

Tiếp đó, quân Đức vượt qua “chiến lũy Maginô” (Maginot) tiến đánh Pháp.

Ngày 14-6-1940, Pari bị chiếm đóng.

Ngày 22-6-1940, quân đội Pháp đầu hàng. Chính phủ Pêtanh (Philippe Pétain) rút về Visi (Vichy) ở miền Nam nước Pháp trở thành chính phủ bù nhìn. Một bộ phận do tướng Đờ Gôn (De Gaulle) cầm đầu, ra nước ngoài tiến hành cuộc kháng chiến chống Đức.

Ở Đông Dương, Đờcu (Jean Decoux) được cử làm toàn quyền thay Catơru (theo phái Đờ Gôn). Đờcu tiến hành cải cách bộ máy cai trị, tăng cường lực lượng cảnh sát, mật thám... nhằm phát xít hóa bộ máy thống trị, đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4651-02-633921707231560000/Cao-trao-van-dong-giai-phong-dan-toc-1939...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận