Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ những năm 1936 - 1939
Những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước đã tác động đến phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam cuối những năm 30. Lúc này ở Việt Nam có một số đảng, nhóm chính trị đang hoạt động, trong đó có đảng cách mạng, đảng theo xu hướng cải lương, đảng phản động; có đảng hoạt động công khai hợp pháp và đảng hoạt động bí mật bất hợp pháp. Các đảng đều tận dụng cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Tuy nhiên, chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng mạnh nhất, có tổ chức chặt chẽ, có cơ sở quần chúng, có chủ trương đường lối rõ ràng. Tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong, ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, chủ trì đã họp tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị dựa trên những luận điểm cơ bản của Nghị quyết Đại hội lần thứ bảy Quốc tế cộng sản, căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh thích hợp. Nghị quyết Hội nghị đã đề cập tới một số vấn đề cơ bản sau đây:
- Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền là chống đế quốc và phong kiến. Nhưng để phù hợp với tình hình mới, Đảng xác định mục tiêu trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng.
- Về khẩu hiệu đấu tranh, tạm thời chưa nêu “Đánh đổ đế quốc Pháp” và “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, mà nêu “Tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình”.
- Về tổ chức, chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương bao gồm các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo khác nhau.
- Về phương pháp đấu tranh, kết hợp các hình thức công khai và bí mật hợp pháp và bất hợp pháp.
Những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 7-1936 được bổ sung, phát triển thêm trong các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 1937 và năm 1938. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 3-1938, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương đổi thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Phong trào đấu tranh công khai, rộng lớn đầu tiên trong năm 1936 là phong trào Đông Dương Đại hội. Được tin Quốc hội Pháp quyết định cử phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động và tổ chức các tầng lớp nhân dân thu thập nguyện vọng tự do, dân chủ trong cả nước gửi tới phái đoàn, Tháng 6-1936, Nguyễn Văn Tạo, đảng viên cộng sản hoạt động công khai đã viết cuốn: “Mặt trận bình dân Pháp với nguyện vọng của quần chúng Đông Dương” (Xã hội tùng thư của nhóm La Lutte xuất bản, số 1, 24 trang). Tác giả đánh giá vai trò của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp đối với thuộc địa: “Những dân tộc nào nhờ Chính phủ Mặt trận bình dân giải thoát cho mình là hi vọng một cách ngông cuồng lắm”. “Dân chúng Pháp mạnh, làm rung rinh nền móng của bọn đế quốc, ấy là một cơ hội cho dân thuộc địa để vận động tranh đấu đòi sự cải thiện sinh hoạt cho mình. Dân chúng Pháp bênh vực những phong trào tranh đấu ở thuộc địa là tiếp tay dân thuộc địa để xô cho mau ngã chế độ tư bản”.
Tác giả đã đề ra 5 yêu cầu:
- Đại xá phạm nhân.
- Cải cách tòa án.
- Xóa bỏ chế độ dân bản xứ.
- Đuổi bọn tham quan, ô lại ức hiếp dân;
- Thực hiện quyền tự do dân chủ, hội họp.
Để đấu tranh đòi những quyền nêu trên, cần phải tập hợp lực lượng đông đảo: “Những người lao khổ, thợ thuyền các công xưởng, nông dân các đồn điền và các đồng ruộng, những thương gia, những người trí thức thành thật yêu mến xứ sở và dân chúng xứ này, dầu là có tư tưởng chính trị nào, dầu là thờ một tôn giáo nào, cũng phải cùng nhau lập ra một mặt trận chung, để đưa nguyện vọng của mình cho chính phủ Pháp”.
Tháng 7-1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập. Sau đó nghị quyết của Hội nghị được phổ biến trong toàn Đảng.
Thời gian này, Đảng không có báo xuất bản công khai ở Nam Kì. Cán bộ Đảng đã vận động Nguyễn An Ninh đứng ra cổ động thành lập Đông Dương Đại hội. Ngày 29-7-1936, Nguyễn An Ninh đăng lời kêu gọi “Vers un Congrès Indochinois” (Tiến tới một Đại hội Đông Dương) trên báo La Lutte (Tranh đấu). Đó là lời kêu gọi công khai đầu tiên về cuộc vận động Đông Dương Đại hội được Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ, được nhiều tầng lớp xã hội và tổ chức chính trị hoan nghênh, hưởng ứng.
Các báo chí thực dân và tay sai ra sức công kích Đông Dương Đại hội như L’impartial (Vô tư), L’Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kì), Sông Hương, Công luận v.v...
Tháng 8-1936, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi bức thư ngỏ cho Việt Nam Quốc dân đảng, Đảng lập hiến, các đảng cách mạng, các nhóm cải lương dân chủ, các hội ái hữu, các tổ chức công nông binh, phụ nữ, sinh viên, người buôn bán, các báo chí, các tổ chức quần chúng và toàn thể nhân dân Đông Dương. Đây là văn bản tuyên bố công khai đầu tiên quan điểm và thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với Đông Dương Đại hội. Bức thư nêu 12 yêu cầu được coi như là nội dung chương trình hành động của Mặt trận nhân dân phản đế:
1. Đại xá tất cả tù chính trị. Các nhà cách mạng bị kết án được tự do.
2. Tự do ngôn luận, hội họp, đi lại, tự do tín ngưỡng, khai hóa.
3. Bỏ chế độ phân biệt người bản xứ, và các luật lệ tàn bạo.
4. Cải tổ hội đồng kinh tế lí tài Đông Dương, cải tổ các viện dân biểu.
5. Luật lao động, ngày làm 8 giờ, tuần lễ làm 40 giờ...
6. Định lương tối thiểu cho mỗi hạng lao động và cứu tế cho những người thất nghiệp.
7. Bình đẳng giữa người Pháp và người bản xứ trong công việc và hưởng thụ.
8. Bỏ thuế thân và các thứ thuế khác. Bỏ chế độ làm công ích.
9. Bãi bỏ các thứ độc quyền rượu, muối... cấm bán thuốc phiện.
10. Trục hồi các công chức Pháp và bản xứ tham nhũng, hối lộ.
11. Truyền bá giáo dục, cưỡng bức học tiếng mẹ đẻ trong các lớp dự bị.
12. Giải phóng phụ nữ. Nam nữ bình quyền.
Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi thành lập các ủy ban hành động ở khắp nơi để tập hợp lực lượng quần chúng thu thập dân nguyện, chuẩn bị cho Đông Dương Đại hội.
Phong trào bắt đầu từ ở Nam Kì. Ngày 13-8-1936, Ủy ban lâm thời (lâm ủy) Đông Dương Đại hội thành lập. Tối 21-8-1936, ủy ban lâm thời họp lần thứ hai, giới thiệu người vào Ban thường trực, định nội dung công tác của ủy ban hành động.
Trong một thời gian ngắn, các ủy ban hành động xuất hiện khắp nơi: Biên Hòa, Gia Định, Mĩ Tho, Thủ Dầu Một v.v...
Theo báo cáo của Sở mật thám Sài Gòn ngày 12-12-1936, trung bình mỗi tỉnh có trên 150 cuộc họp. Đông nhất là 300 người một cuộc họp.
Bọn phản động thuộc địa và tay sai ráo riết phá cuộc vận động như đóng cửa báo Dân Quyền (ngày 7-9-1936). Mật thám, chủ tỉnh, chủ quận theo dõi chặt chẽ các hoạt động ở địa phương, gửi báo cáo hằng ngày về văn phòng Thống đốc.
Ngày 15-9-1936, Mutê (Marius Moutet), Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương cho phép dùng mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn cuộc vận động. Sau khi có lệnh cấm Đông Dương Đại hội, các cuộc khám xét, bắt bớ càng được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, các ủy ban hành động vẫn tiếp tục thành lập. Từ ngày 18 đến 29-9 có 130 ủy ban hành động mới.
Từ tháng 2-1937, các ủy ban hành động hoạt động theo hướng ngày càng công khai hóa. Sau khi được tin ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp không sang Đông Dương, các ủy ban hành động lần lượt giải tán. Nhưng chẳng bao lâu, các lực lượng này đã nhân cơ hội đón đặc phái viên của chính phủ Pháp Gôđa (Justin Godart) và Toàn quyền Brêviê (Jules Brévié) sang nhậm chức ở Đông Dương, để tiếp tục động viên, tổ chức quần chúng đấu tranh.
Ở Bắc Kì, những người cộng sản ở Hà Nội đã sử dụng tờ báo Hồn trẻ làm công cụ tuyên truyền cho cuộc vận động Đông Dương Đại hội theo đường lối của Đảng. Ủy ban lâm thời chi nhánh Bắc Kì Đông Dương Đại hội được thành lập. Các ủy ban hành động xuất hiện nhiều nơi thuộc các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Phúc Yên, Thái Bình.
Sau khi có lệnh cấm, bọn phản động đã đàn áp phong trào. Các uỷ ban hành động phải ngừng hoạt động.
Trung Kì hưởng ứng Đông Dương Đại hội chậm hơn các nơi khác. Chính quyền thực dân và bọn phản động đã phá hoại, hạn chế phong trào. Nhưng ủy ban lâm thời chi nhánh Trung Kì Đông Dương Đại hội và nhiều ủy ban hành động vẫn được lập ra ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng v.v …
Ngày 21-9-1936 có lệnh cấm Đông Dương Đại hội toàn xứ Trung Kì. Phong trào quần chúng hoạt động hợp pháp chưa đầy một tháng đã bị bóp nghẹt.
Ngoài ra, Việt kiều ở Pháp, Trung Quốc cũng hưởng ứng Đông Dương Đại hội. Họ lập ủy ban hành động và thu thập dân nguyện.
Khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng buộc nhà cầm quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 11-10-1936, ban hành một số quyền lợi cho công nhân, như thời gian làm việc không được quá 10 giờ trong một ngày kể từ 1-11-1936; không được quá 9 giờ ngày kể từ 1-1-1937; không được quá 8 giờ/ngày kể từ 1-1-1938; công nhân được nghỉ chủ nhật và nghỉ phép năm, những ngày nghỉ được hưởng lương; cấm bắt phụ nữ, trẻ em làm việc ban đêm. Ngày 30-12-1936, Nhà nước quy định thêm một số chế độ lao động như tiền lương tối thiểu, chế độ học nghề, chế độ nghỉ đẻ và cho con bú của nữ công nhân trong thời gian làm việc.
Nhà cầm quyền phải “ân xá” tù chính trị. Ngày 5-11-1936, chúng phải trả tự do cho hai đại biểu cộng sản trong ủy ban lâm thời Đông Dương Đại hội. Đến tháng 10-1937 có 1532 tù chính trị - phần lớn là những chiến sĩ cộng sản – ra khỏi nhà tù đế quốc.
Cuộc vận động Đông Dương Đại hội là kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam, của sự tác động bởi hoàn cảnh quốc tế vào Việt Nam giữa những năm 30. Những điều kiện thuận lợi khách quan được tận dụng và phát huy qua yếu tố chủ quan là lực lượng cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đông Dương Đại hội sớm bị đàn áp, nhưng đã đạt được mục đích của mình. Những kết quả thu được do nhà cầm quyền thực dân nhượng bộ rất to lớn. Phong trào Đông Dương Đại hội đánh dấu bước phục hồi mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam.
Song song với cuộc vận động Đông Dương Đại hội, các tầng lớp nhân dân đã tổ chức những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi tại khắp các địa bàn trong cả nước. Công nhân bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt, đánh đập và đòi tự do nghiệp đoàn. Nông dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế, cải cách hương thôn. Tiểu thương, tiểu chủ bãi thị, đòi giảm thuế chợ, thuế hàng, công chức đòi tăng lương v.v...
Sáu tháng cuối năm 1936 có 861 cuộc đấu tranh, trong đó có 286 cuộc đấu tranh của công nhân. Tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân mỏ Tĩnh Túc (Cao Bằng) và cuộc tổng bãi công của công nhân Hồng Gai - Cẩm Phả tháng 11-1936. Ngày 28-11, trên 2 vạn công nhân mỏ Hồng Gai, Cẩm Phả, Mông Dương, Hà Tu, Hà Lầm, Cọc 5 bãi công đòi tăng 25% lương.
Bọn chủ đã phải nhượng bộ. Ngày 23-11 trở thành ngày hội truyền thống của công nhân mỏ.
Năm 1937 có khoảng 400 cuộc bãi công của công nhân ở khắp các ngành. Tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân Nhà máy tơ Hải Phòng, dệt Nam Định, xưởng Ba Son, mỏ than Uông Bí. Đặc biệt nhất là cuộc bãi công của công nhân xe lửa Nam Đông Dương ngày 3-7-1937 và cuộc bãi công của công nhân mỏ than Vàng Danh (Uông Bí) ngày 28-9-1937.
Trong năm này, có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia lại ruộng công, giảm tô, giảm tức, khất thuế v.v...
Tiểu thương ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và nhiều thị xã cũng bãi thị đòi giảm thuế chợ, thuế hàng.
Trong dịp Gôđa, phái viên của chính phủ Pháp, sang điều tra tình hình Đông Dương và Toàn quyền Brêviê sang nhậm chức ở Đông Dương, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lớn diễn ra suốt từ Nam tới Bắc. Đó là cuộc biểu dương lực lượng lớn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào.
Tháng 3 và tháng 9-1937, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp để bàn về công tác quần chúng. Qua thực tế, phong trào lộ rõ nhược điểm là các hình thức tổ chức chưa theo kịp phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân. Đảng quyết định thành lập Đoàn thanh niên phản đế Đông Dương thay Đoàn thanh niên cộng sản, Hội cứu tế bình dân thay Hội Cứu tế đỏ, Công hội thay Công hội đỏ v.v... ở nông thôn lập hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội chèo, nhóm học Quốc ngữ v.v… Những hình thức tổ chức mang tính chất kinh tế, văn hóa, xã hội, các hội quần chúng công khai, nửa công khai như hội ái hữu, tương tế, thể thao, âm nhạc đã tận dụng các khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia phong trào.
Năm 1938, tính từ mồng 1 tháng giêng đến 31 tháng 12 có 181 cuộc bãi công của thợ thuyền, trong đó có 47 cuộc không biết số người tham gia, còn những cuộc kia bao gồm 15.484 công nhân” Như vậy, số cuộc bãi công và số người tham gia trong năm 1938 chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng của năm trước. Tuy nhiên, trình độ giác ngộ của quần chúng cao hơn, trình độ tổ chức của các cơ sở Đảng vững vàng hơn, khẩu hiệu đấu tranh sát hợp hơn, sự phối hợp đấu tranh giữa các ngành, các địa phương chặt chẽ và sâu rộng hơn.

Mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động (1-5-1938) tại khu đấu xảo Hà Nội
Cuối năm 1938, miền Nam xảy ra nạn đói. Nông dân nhiều nơi biểu tình, tiêu biểu là cuộc biểu tình của hơn 1000 nông dân Cà Mau vào tháng 10. Phong trào đấu tranh của học sinh, tiểu thương cũng rộng khắp.
Đặc biệt trong ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938, các cuộc mít tinh công khai được tổ chức ở Hà Nội, Sài Gòn. Điều đó thể hiện rõ trình độ giác ngộ, ý thức tổ chức, đoàn kết đấu tranh của quần chúng, và chính sách mặt trận dân chủ đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sang năm 1939, phong trào đấu tranh gặp nhiều khó khăn do chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền thực dân Pháp. Nhưng nhờ có kinh nghiệm và được rèn luyện trong những năm trước, phong trào đấu tranh của công nhân vẫn diễn ra quyết liệt và liên tục. Trong 3 tháng đầu năm, phong trào bị giảm sút, nhưng từ tháng 4 phong trào lên dần và đạt tới đỉnh cao vào tháng 6. Các cuộc đấu tranh tập trung ở những trung tâm công nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn.
Trong thời kì 1936 - 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã triển khai một hình thức đấu tranh mới: đấu tranh trong nghị trường. Tháng 8-1937, Đảng quyết định tham gia cuộc vận động bầu cử vào Viện dân biểu Trung Kì. Cán bộ của Đảng vận động những người tiến bộ trong hàng ngũ trí thức, phong kiến, tư sản dân tộc, địa chủ cấp tiến ra ứng cử Do công tác tuyên truyền cổ động chu đáo, hầu hết ứng cử viên của Mặt trận dân chủ đều trúng cử. Các chức viện trưởng, phó viện trưởng và chánh thư kí đều là người của Mặt trận hoặc có cảm tình với Mặt trận. Trong kì họp của Viện tháng 9-1938, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, các nghị viên dân biểu đã bác bỏ dự án thuế đinh, thuế điền của Chính phủ.
Năm 1938, trong cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu Bắc Kì và Hội đồng thành phố Hà Nội, các ứng cử viên của Mặt trận dân chủ đã thu được nhiều phiếu nhất.
Tại Nam Kì, ngày 16-4-1939 diễn ra cuộc tranh cử Hội đồng quản hạt Nam Kì (Hội đồng thuộc địa). Lần này, Mặt trận dân chủ bị thất bại do thủ đoạn thâm độc của bọn phản động thuộc địa và do những sai lầm về phía Mặt trận.
Những người cộng sản quyết định tham gia đấu tranh công khai ở nghị trường nhằm mục đích mở rộng lực lượng của Mặt trận dân chủ. Xung quanh những cuộc bầu cử và thảo luận ở nghị trường, Đảng nắm thời cơ để vận động quần chúng, vạch trần chính sách phản động của kẻ địch, bênh vực quyền lợi của nhân dân. Từ Đông Dương Đại hội, qua những cuộc tuyển cử của Hội đồng thành phố Sài Gòn, của các Viện dân biểu Trung Kì, Bắc Kì, Mặt trận dân chủ dần dần hình thành. Hình thức kết hợp mặt trận mỗi nơi một khác. Ở Bắc Kì, nhóm Tin tức (cộng sản công khai), chi nhánh Đảng Xã hội Pháp ở Hà Nội, nhóm Ngày nay (trí thức tiểu tư sản, tư sản có khuynh hướng cải lương) liên hiệp thành mặt trận. Ở Nam Kì, nhóm Dân chúng (cộng sản công khai), chi nhánh Đảng Xã hội và một số phần tử tiến bộ liên kết với nhau. Ở Trung Kì, mặt trận chỉ biểu hiện ở danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào Viện dân biểu.
Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệt để sử dụng báo chí công khai làm vũ khí đấu tranh cách mạng, tuyên truyền đường lối quan điểm, tập hợp, hướng dẫn phong trào đấu tranh của quần chúng.
Những đảng viên cộng sản làm công tác báo chí được tổ chức làm hai nhóm bí mật và công khai. Họ tìm mọi cách để ra báo, như xuất bản báo chữ Pháp để tránh kiểm duyệt; thuê, mượn, mua lại báo của người có giấy phép xuất bản... Tờ báo này bị đóng cửa lại ra tiếp tờ sau, chỉ thay tên báo. Các nhà báo cộng sản đã vận động những nhà báo tiến bộ ngả theo quan điểm của Đảng. Từ năm 1937, báo chí công khai do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phát triển nhanh chóng.
Cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi nhất ở Bắc Kì. Nơi đây có nhiều đảng viên cộng sản mới ra tù tham gia hoạt động như Trần Huy Liệu, Hải Triều, Trường Chinh, Khuất Duy Tiến v.v.. Các tờ báo tiếng Việt được xuất bản là Hồn trẻ, Tân xã hội, Thời báo, Thời thế, Hà thành thời báo, Tin tức, Đời nay... Các báo tiếng Pháp gồm có Le Travail (Lao động), Rassemblement (Tập hợp), En avant (Tiến lên), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta)...
Ở Trung Kì có các tờ Nhành lúa, Dân, Sông Hương tục bản, Kinh tế tân văn. Nhành lúa là tờ báo chuyên ngành canh nông, nhưng toàn viết về chính trị, tuyên truyền cho phong trào đòi dân sinh, dân chủ.
Ở Nam Kì, từ năm 1933, những người cộng sản cộng tác với nhóm Tơrốtkít ra báo La Lutte (Tranh đấu). Báo này về sau bị nhóm Tơrốtkít thao túng. Mãi đến tháng 6-1937, những người cộng sản mới xuất bản các tờ báo L’Avant Garde (Tiền phong), Le Peuple (Nhân dân), Phổ thông, Dân chúng, Lao động, Mới v.v...
Báo chí cách mạng mang tính chiến đấu mạnh mẽ: tuyên truyền giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Đông Dương, Liên Xô, Quốc tế cộng sản, Mặt trận nhân dân Pháp, Mặt trận chống phát xít của nhân dân Tây Ban Nha, Trung Quốc v.v...
Báo chí cách mạng trở thành mũi xung kích sắc bén trong những phong trào lớn của cuộc vận động dân chủ, dân sinh thời kì 1936-1939. Trong thời gian này, nhiều sách chính trị, lí luận được xuất bản công khai ở trong nước hoặc đưa từ nước ngoài về. Những tác phẩm văn học hiện thực phê phán nô rộ. Tiêu biểu là các tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan; Tắt đèn, Lều chõng của Ngô Tất Tố; Dông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Thơ của Tố Hữu; các vở kịch Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang v.v...
Cuối năm 1937, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ nhằm giúp quần chúng lao động đọc sách báo, nâng cao hiểu biết về chính trị và cách mạng.
Cuộc vận động dân chủ thời kì 1936 - 1939 đề ra mục tiêu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo và hòa bình. Mặc dù khẩu hiệu đấu tranh chứa đựng nội dung cải cách dân chủ trong khuôn khổ chính sách cai trị của chính quyền thực dân, nhưng phong trào đấu tranh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo hoàn toàn không có tính chất cải lương. Đây là phong trào rộng lớn có tổ chức. Nó hoàn toàn khác với phong trào cải lương do một nhóm nhỏ tư sản, địa chủ khởi xướng với mục đích xin chính quyền thực dân ban cho một số quyền lợi hàng ngày và coi đó là mục đích cuối cùng. Phong trào dân chủ 1936 - 1939 bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng buộc chính quyền thực dân phải chấp nhận những yêu sách cụ thể trước mắt. Trên cơ sở đó, trong điều kiện thuận lợi mới, sẽ tiếp tục đẩy phong trào lên cao hơn, triệt để hơn, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Không nhất thiết khẩu hiệu kinh tế là cải lương, khẩu hiệu chính trị là cách mạng. Và cũng không cứ hoạt động bí mật, bất hợp pháp mới là cách mạng, còn hoạt động công khai, hợp pháp là cải lương. Phong trào dân chủ 1936-1939 là cách mạng. Trong điều kiện nước ta lúc này, dưới ách thống trị của chính quyền thực dân không có tự do, dân chủ, những cuộc đấu tranh của quần chúng đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình là một hình thức đấu tranh cách mạng trong một giai đoạn cụ thể để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta.
Đây là một phong trào quần chúng rộng rãi, diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Nó thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào lan rộng cả thành thị và nông thôn trong phạm vi cả nước. Hình thức đấu tranh phong phú, bao gồm hoạt động hợp pháp, bất hợp pháp, với những cuộc bãi công, biểu tình, đưa kiến nghị, đấu tranh trên lĩnh vực báo chí, nghị trường v.v…; với các tổ chức linh hoạt là các hội quần chúng, hội thể thao, hội học chữ, hội cấy, hội gặt v.v...
Phong trào dân chủ 1936 - 1939 thể hiện vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, trên cơ sở liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Những cuộc bãi công nổ ra từ nhỏ đến lớn, từ quy mô một xí nghiệp đến liên kết các xí nghiệp toàn khu vực, toàn ngành, đến tổng bãi công. Sự phát triển về quy mô phong trào cũng thể hiện sự trưởng thành về tổ chức, về ý thức giai cấp, tính kỉ luật của công nhân. Giai cấp công nhân đã liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân. Công nhân ở các khu công nghiệp đã hỗ trợ các cuộc đấu tranh của nông dân ở nông thôn và ngược lại. Hàng chục vạn nông dân được các đại biểu của giai cấp công nhân tổ chức và lãnh đạo đã từ nông thôn tuần hành vào thành phố, cùng với công nhân biểu tình, mít tinh đưa yêu sách. Khối liên minh công nông là cơ sở cho khối đoàn kết toàn dân theo cương lĩnh Mặt trận dân chủ.
Trong phong trào dân chủ 1936 - 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã liên minh với một số đảng, nhóm chính trị trong Mặt trận dân chủ. Khẩu hiệu đòi dân chủ, tự do, cơm áo, hòa bình do Đảng đưa ra trong một chừng mực nhất định phù hợp với yêu cầu của các tầng lớp trí thức tiến bộ, tiểu tư sản, trung, tiểu địa chủ và một bộ phận tư sản dân tộc. Tuy nhiên, Đảng đã xác định rõ sự liên minh ấy chỉ là tạm thời, ở một số sự việc nhất định, trong một thời gian nhất định. Đảng Cộng sản Đông Dương đã phân hóa, tranh thủ lực lượng trung gian dù tạm thời, bấp bênh để phục vụ cho mục tiêu cách mạng.
Phong trào dân chủ 1936 - 1939 là một bộ phận của phong trào vô sản thế giới đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh. Cùng với mục tiêu chung của nhân dân thế giới, Đảng Cộng sản Đông Dương tạm rút khẩu hiệu đánh đuổi đế quốc Pháp xâm lược, thay bằng khẩu hiệu đánh đổ bọn phản động thuộc địa Pháp ở Đông Dương; kết hợp đấu tranh giải quyết yêu cầu trước mắt của nhân dân Đông Dương với cuộc đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh của nhân dân thế giới, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp. Cách mạng Việt Nam được sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, sự giúp đỡ và ủng hộ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp.
Phong trào dân chủ 1936 - 1989 đã thu được những thắng lợi cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Chính quyền thực dân buộc phải thả nhiều chính trị phạm, ban hành luật báo chí, cải thiện một phần điều kiện lao động, lương bổng cho công nhân viên chức. Nhưng thắng lợi lớn hơn cả là qua phong trào đấu tranh, quần chúng đã được tổ chức, giác ngộ về chủ nghĩa Mác-Lênin, nhiều cán bộ mới đã được đào tạo. Cán bộ, đảng viên được tôi luyện kiên cường. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng sâu rộng trong quần chúng. Qua phong trào đấu tranh, đội quân chính trị quần chúng hàng triệu người được Đảng tập hợp, xây dựng, giáo dục. Đảng đã tích luỹ được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, cả những bài học thành công và những bài học thất bại. Đảng đã đề ra mục tiêu đấu tranh sát hợp, cương lĩnh Mặt trận đúng đắn, hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt. Qua đó đã phát huy được sức mạnh của quần chúng.
Đảng Cộng sản Đông Dương coi trọng công tác đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, đảm bảo sự thống nhất tư tưởng, đường lối chính sách, chống tả khuynh, hữu khuynh, đấu tranh kiên quyết với bọn Tơrốtkít, đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và những hành động phá hoại của bè lũ phản động.
Phong trào dân chủ 1936 - 1939 được Đảng ta đánh giá là cuộc diễn tập thứ hai cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.