Sự phục hồi lực lượng cách mạng sau khủng bố trắng của Đế quốc Pháp (1931-1935)
Cuối năm 1931, phong trào cách mạng ở Việt Nam tạm thời lắng xuống. Chính quyền thực dân Pháp vẫn tiếp tục chính sách khủng bố nhằm tiêu diệt tận gốc Đảng cộng sản và lực lượng yêu nước.
Hàng vạn người bị bắt. Các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn), nhà tù Côn Đảo, các nhà ngục Công Tum, Lao Bảo, Sơn La và trại giam ở nhiều nơi khác đầy chật tù chính trị.
Theo Niên biểu thống kê Đông Dương, từ năm 1930 đến 1933 thực dân Pháp bắt giam 246.532 người. Riêng nhà tù Côn Đảo, trong những năm 1930-1935, 833 tù chính trị bị tra tấn đến chết ở ngục Công Tum, 300 người bị thủ tiêu.
Ở Bắc Kì, trong 2 năm 1930-1931, thực dân Pháp mở 21 phiên tòa đại hình, xử 1094 vụ, trong đó có 164 án tử hình, 114 án khổ sai chung thân, 420 án đày biệt xứ.
Từ năm 1930 đến đầu năm 1933, Hội đồng đề hình và tòa án phong kiến bù nhìn đã xử 6.902 vụ, trong đó 188 người bị kết án tử hình.
Ở Nam Kì, Tòa án đại hình Sài Gòn tháng 5-1933 kết án 8 người tử hình, 19 người tù chung thân, 79 người bị án tù từ 5-20 năm
Thực dân Pháp còn cấu kết với bọn đế quốc và các thế lực phản động quốc tế (như bọn đế quốc Anh, Hà Lan, Nhật, bọn phản động cầm quyền ở Trung Quốc, Thái Lan) để săn lùng các nhà cách mạng Việt Nam.
Đi đôi với chính sách khủng bố, tàn sát, thực dân Pháp thực hiện thủ đoạn mị dân, lừa bịp.
Tháng 6-1931, chúng lập ra cái gọi là “ủy ban điều tra” để nghiên cứu tình hình Đông Dương. Tháng 10-1931, Rây ô (Paul Reynaud), Bộ trưởng bộ Thuộc địa sang Đông Dương nghiên cứu tình hình và đề ra dự kiến cải cách chế độ thuộc địa.
Năm 1932, vua bù nhìn Bảo Đái được đưa về nước với một “chương trình cải cách”: lập nội các mới; cải tổ nền giáo dục sơ học; cải tổ ngành tư pháp bản xứ...
Trong khi củng cố bộ máy chính quyền bù nhìn, thực dân Pháp thực hiện một số cải cách nhằm lôi kéo các tầng lớp quan lại, địa chủ, tư sản, trí thức cao cấp. Như Nam Kì được cử một đại biểu người Việt Nam vào Thượng Hội đồng thuộc địa Pháp; tăng số nghị viện người Việt vào các Viện dân biểu Bắc Kì, Trung Kì, phòng canh nông, thương mại; mở các kì thi tuyển quan lại; cho người bản xứ “vào làng Tây” rộng rãi hơn.
Về kinh tế, chính quyền thực dân Pháp lập một số công ti kinh doanh công nghiệp không quan trọng, cho đấu thầu một số công trình thủy lợi, cầu đường, kiến trúc với số vốn nhỏ để tư bản bản xứ có thể tham gia.
Về giáo dục, chúng tổ chức lại trường Cao đẳng Đông Dương và Trường Luật; đặt thêm ngạch học quan ở Bắc Kì như đốc học, kiểm học, giáo thụ, huấn đạo. Chúng cấp thêm học bổng cho con cháu quan lại và những người, thuộc tầng lớp trên sang Pháp du học.
Về xã hội, thực dân Pháp tranh thủ, lợi dụng các tôn giáo. Chúng lập các xứ hội, tỉnh hội Phật học ở Bắc Kì và Trung Kì, tổ chức các chi phái Phật giáo ở Nam Kì, tạo điều kiện phát triển đạo Cao Đài.
Các loại sách bói toán, tướng số, kiếm hiệp được bày bán khắp nơi. Các sòng bạc, tiệm hút, nhà chứa mở ra nhan nhản ở các thành phố để lôi kéo thanh niên vào cuộc sống trụy lạc.
Chính sách khủng bố và mị dân của thực dân Pháp đã có tác động tới thái độ chính trị của các giai cấp trong xã hội Việt Nam ở những mức độ khác nhau.
Tư sản mại bản và đại địa chủ quyền lợi gắn liền với thực dân Pháp. Trong cao trào 1930-1931, chúng tích cực cộng tác với Pháp đàn áp quân chúng. Sau cao trào, chúng càng ra mặt phản động, giúp Pháp đàn áp đồng bào và tiếp tay cho địch đưa ra những cải cách lừa bịp. Đại diện cho bọn này là phái “Bảo hoàng” của Phạm Quỳnh, phái “Lập hiến” của Bùi Quang Chiêu, phái “Trực trị” của Nguyễn Văn Vĩnh...
Tư sản dân tộc và trung, tiểu địa chủ bị sa sút trong cuộc khủng hoảng kinh tế bị tư bản Pháp chèn ép nên một mặt họ có tinh thần dân tộc, chống đế quốc ở mức độ nhất định. Mặt khác, họ sợ cách mạng, không dám trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh của quần chúng.
Giai cấp tiểu tư sản nói chung cấp tinh thần dân tộc, có thái độ ủng hộ phong trào đấu tranh cách mạng. Nhưng sau cuộc khủng bổ của thực dân Pháp, một số dao động, nằm im; một số chán nản hoài nghi, co mình lại với chủ nghĩa cá nhân.
Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo tham gia phong trào 1930-1931. Trước sự khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp, một số nông dân hoang mang tiêu cực, nhưng phần lớn vẫn giữ vững tinh thần, tin tưởng vào cách mạng.
Giai cấp công nhân trưởng thành trong đấu tranh cách mạng. Cuộc khủng bố của thực dân Pháp khiến cho phong trào đấu tranh của công nhân tạm lắng xuống, nhưng nó vẫn tiềm ẩn sức mạnh, sẵn sàng bùng lên khi thời cơ đến.
Trong bối cảnh đó, những người cộng sản vẫn kiên cường chiến đấu trên vị trí của mình. Những đảng viên bị giam cầm trong nhà tù thực dân, mặc dù bị tra tấn dã man, hoặc bị kết án tử hình, vẫn đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Với khẩu hiệu biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, những cán bộ của Đảng đã tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo phong trào, hoặc biên soạn tài liệu lí luận, chính trị để giảng dạy, tổ chức các lớp học văn hóa, ra báo tường...
Những đảng viên cộng sản trong tù còn đấu tranh chống quan điểm sai lầm của tù nhân Việt Nam quốc dân đảng và bọn tơrốtkít. Cuộc đấu tranh đó đã nâng cao trình độ lí luận, đường lối cách mạng cho đảng viên, đã phân hóa hàng ngũ Việt Nam quốc dân đảng, và giác ngộ nhiều người yêu nước trở thành người cộng sản.
Ở những nơi có điều kiện, chi bộ Đảng trong tù đã tổ chức cho đảng viên vượt ngục để ra gây dựng cơ sở Đảng và quần chúng ở bên ngoài. Trong thời gian này, một số đảng viên cộng sản hoạt động ở Trung Quốc và Xiêm (Thái Lan) tìm cách trở về nước hoạt động. Tại các tỉnh biên giới Việt Trung như Cao Bằng - Lạng Sơn và biên giới Lào - Thái như Thà Khẹt Savanakhẹt, các cơ sở cách mạng dần dần được phục hồi.
Về phía quốc tế, trước sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng Việt Nam, ngày 27-2- 1932 Quốc tế Cộng sản gửi thư cho Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Trung Quốc văn Đảng Cộng sản Ấn Độ yêu cầu các đảng này phát động quần chúng nước mình đấu tranh ủng hộ và cổ vũ công nông Đông Dương; lên án cuộc khủng bố của thực dân Pháp.
Ngày 9 – 3 - 1933, Đảng Cộng sản Pháp có sáng kiến thành lập ủy ban vận động tòa án xá tội tù chính trị Đông Dương. Sau đó, một phái đoàn do Pêri (Gabriel Péri), nghị sĩ cộng sản trong Quốc hội Pháp dẫn đầu sang Đông Dương điều tra tình hình. Phái đoàn đã đòi chính quyền thực dân giải quyết nhiều yêu sách về quyền chính trị và đời sống của các tầng lớp nhân dân Đông Dương.

Lê Hồng Phong - Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, người chủ trì công việc của Đảng từ năm 1932 đến năm 1937
Năm 1932, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong văn một số đồng chí thành lập Ban lãnh đạo trung ương của Đảng. Tháng 6 - 1932, chương trình hành động của Đảng được soạn thảo. Nội dung đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng, như đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động, đòi trả tự do cho tất cả tù chính trị, bỏ các thứ thuế bất công vô lí, các độc quyền rượu, muối; củng cố và phát triển các đoàn thể cách mạng của quần chúng; tăng cường xây dựng Đảng. Chương trình hành động còn đề ra những yêu sách cụ thể riêng cho từng giai cấp, tầng lớp nhân dân như công nhân, nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, thanh niên, phụ nữ, cho các dân tộc thiểu số v.v...
Dựa vào chương trình này, quần chúng công nông đã sáng tạo ra các hình thức tổ chức và đấu tranh thích hợp. Nhiều đoàn thể sơ khai như hội cấy, hội cày, hội gặt lúa, hội hiếu hỉ, hội đọc sách báo... đã được lập ra. Phong trào đấu tranh của quần chúng được nhen nhóm trở lại.
Năm 1932 có 230 vụ đấu tranh của công nhân. Năm 1938 có 244 vụ. Ở Bắc Kì từ năm 1931 đến năm 1935 có 551 vụ. Tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân làm đường xe lửa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi (từ năm 1932 đến năm 1933), công nhân nhà máy in Ácđanh (Ardin), Textơlanh (Testelin), Ôpiniông (Opinion) ở Sài Gòn, công nhân xe kéo ở Gia Định, công nhân đồn điền Phú Quốc, Dầu Tiếng, công nhân 12 nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn (5-1934), phong trào đấu tranh của nông dân ở Gia Định, Long Xuyên, Trà Vinh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cao Bằng, Lạng Sơn...
Ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương,- Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định bắt đầu có những cuộc bãi chợ, bãi khóa.
Trong thời kì này, đã xuất hiện hình thức đấu tranh mới là vận động bầu cử. Trong cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn, đại biểu cộng sản giành được thắng lợi, chính quyền thực dân đã tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử và giải tán Hội đồng. Năm 1935, đại biểu lao động lại trúng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn, chính quyền thực dân hủy bỏ kết quả bầu cử.
Năm 1935, nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Đảng, ngày Quốc tế Lao động, tại các nơi như Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Bến Tre, Cà Mau, Nghệ An, Bắc Ninh, Cao Bằng... xuất hiện cờ đỏ, truyền đơn, với những khẩu hiệu đòi tăng lương, - bớt giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, ủng hộ Liên Xô, đánh đổ đế quốc Pháp v.v...
Từ năm 1932 đến năm 1935, những đảng viên hoạt động hợp pháp sử dụng báo chí công khai đấu tranh chống các quan điểm chính trị, triết học, văn học và nghệ thuật tư sản, bảo vệ và tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chủ trương của Đảng. Các cuộc tranh luận về “Duy vật hay duy tâm”, “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” diễn ra trên các báo Phụ nữ thời đàm, Đời mới, Ánh sáng, Tiến bộ... kéo dài suốt từ tháng 8-1933 đến năm 1935.
Đến cuối năm 1933, các tổ chức của Đảng dần dần được xây dựng và củng cố lại. Đầu năm 1934, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, do Lê Hồng Phong đứng đầu. Trên thực tế, Ban lãnh đạo hải ngoại làm chức năng của Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng. Cuối năm 1934 đầu năm 1935, các xứ ủy Nam Kì, Trung Kì, Bắc Kì lần lượt được lập lại. Xứ ủy Lào thành lập tháng 9-1934. Để thuận tiện cho việc liên lạc, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng đã lập ra Ban chấp ủy Nam Đông Dương và Ban chấp ủy Bắc Đông Dương. Tạp chí Bônsêvích của Ban lãnh đạo hải ngoại và Tạp chí Cộng sản của Ban chấp ủy Nam Đông Dương đã được phát hành tới cơ sở.
Đầu năm 1935, khi hệ thống tổ chức của Đảng được xây dựng và chắp nối lại, Ban lãnh đạo hải ngoại quyết định triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất. Đại hội tiến hành trong các ngày từ 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao (Áo Môn, Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 18 đại biểu thay mặt cho 600 đảng viên thuộc các đảng bộ ở trong nước và các tổ chức của Đảng đang hoạt động ở nước ngoài.
Sau khi phân tích, đánh giá tình hình thế giới và trong nước, kiểm điểm phong trào cách mạng, công tác tổ chức và lãnh đạo của các cấp bộ Đảng trong những năm 1932 - 1935, ..Đại hội nêu rõ ba nhiệm vụ chủ yếu của Đảng trong thời gian trước mắt là: củng cố và phát triển Đảng; tranh thủ quần chúng rộng rãi; chống chiến tranh đế quốc.
Đại hội thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ; về công tác liên minh phản đế, về công tác trong các dân tộc thiểu số; về đội tự vệ và Cứu tế đỏ.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm 18 người. Ban chấp hành Trung ương Đảng nhất trí cử Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế cộng sản.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng đã khôi phục được hệ thống tổ chức Đảng từ trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước, đã thống nhất được phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương.
Tháng 7-1935, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong dẫn đầu đã tham dự Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế cộng sản ở Matxcơva.
Tại Đại hội, thành tích đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đông Dương được đánh giá cao. Đảng Cộng sản Đông Dương được công nhận là đội ngũ kiên cường trong phong trào cộng sản quốc tế. Lê Hồng Phong được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Quốc tế cộng sản, vận dụng sát với tình hình cách mạng Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định phương hướng, mục tiêu đấu tranh, chủ động chuẩn bị đón một cao trào cách mạng mới.