Nhà Lý suy vong
1. Nhà Lý đến đời vua Nhân Tông (1072 - 1127) đã đạt đến đỉnh cao của sự thịnh trị. Sử cũ khen Nhân Tông “là người sáng suốt khôn ngoan, nhân hiền, hiếu nghĩa. Vua nghe lời can ngăn, cầu kẻ hiền tài, ít tạp dịch, thuế khóa nhẹ. Bấy giờ nước lớn, phải sợ; nước nhỏ phải mến, thần giúp người theo, dân thì đông giàu, mình thì thái bình. Thực là ông vua giỏi ở triều Lý!”.
Nhưng từ đời Anh Tông (1138 - 1175) về sau thì chính sự dần dần sút kém. Các vua lên ngôi đều nhỏ tuổi (Thần Tông 11 tuổi, Anh Tông 5 tuổi, Cao Tông 2 tuổi...) và đều chết yểu (Thần Tông chết năm 21 tuổi, Cao Tông chết năm 37 tuổi...) quyền hành nằm trong tay ngoại thích mà không ít là bọn mọt nước hại dân, lộng hành tham bạo. Đỗ Anh Vũ là em bà Đỗ Thái hậu (mẹ Thần Tông Dương Hoàn) làm phụ chính dưới triều Anh Tông cho vợ là Tô Thị vào hầu hạ Đỗ Thái hậu để lấy cớ đi lại tư thông với Lê Thái hậu (mẹ Anh Tông).
Các đại thần điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đới, phò mã Dương Tự Minh cùng Tú Minh Vương, Bảo Ninh hầu,.. đem quân xin vua bắt Anh Vũ. Nhưng Lê Thái hậu lại đem vàng bạc đút lót cho bọn Đới để Anh Vũ khỏi bị giết. Anh Vũ bị đầy làm cảo điền hoành. Thái hậu lo lót xin xá tội cho Anh Vũ. Dần dà Anh Vũ được làm phụ chính và càng lộng hành hơn trước. Anh Vũ tự lấy 100 người, lập đô phụng quốc vệ để chuyên đi bắt người, tìm cách báo thù Vũ Đới, Dương Tự Minh...
Năm 1158 vua theo lời Nguyễn Quốc, sai làm hòm gỗ lớn để trước triều đình, hệ lệnh ai muốn nói việc gì thì viết giấy bỏ vào. Chỉ trong vòng một tháng thư sớ đã đầy.
Có thư kể tội Anh Vũ. Anh Vũ bèn đày Quốc lên trại Quy Hóa và bắt uống thuốc độc chết. Phụ chính cho vua Cao Tông là Đỗ Yên Di (em trai thái hậu, mẹ Cao Tông) cũng là người bạo tàn. Yên Di cấm dân miền xuôi trao đổi muối, đồ sắt với đồng bào các dân tộc người thiểu số để trấn áp các cuộc khởi nghĩa của họ.
Quý tộc nhà chùa cũng xa xỉ không kém. Năm 1198, tể tướng Đàm Dĩ Mông phải tâu vua rằng: “Đương nay số tăng đồ và phu dịch ngang nhau. Chúng tự kết bè lũ, lập càn người chủ, tụ họp từng bọn làm nhiều điều ô uế. Hoặc ở chốn tăng phòng, tịnh viện mà riêng tư gian dâm. Ngày ẩn tối ra như đàn cáo chuột. Chúng bại tục thương giáo, dần dần thành thói quen. Nếu không cấm đi, để lâu ngày tất càng thêm tệ”. Vua y lời Đàm Dĩ Mông bắt nhiều tăng đồ phải hoàn tục. Đây là đòn đả kích vào đạo Phật.
- Cuối năm đó, Hồ Đỗ ở Diễn Châu nổi dậy bị Đàm Dĩ Mông đàn áp.
- Năm 1198, người hương Cao Xá ở Diễn Châu là Ngô Công Lý chiêu tập những người vong mệnh nổi lên.
- Năm 1203 ấp Lâm (?) ấp Đà Mỗ (?) nổi dậy.
Ngoài những cuộc khởi nghĩa trên, binh lính cũng gây phản biến. Năm 1163 “Lính bỏ trốn, tụ họp nhau cướp bóc cư dân trên Đường đi”. Phí Công Tín phải đem quân đi đàn áp.
Từ 1161 đến 1172 vua hoặc đại thần luôn đi tuần tiễu trong nước, dùng uy lực để trấn áp nhân dân. Năm 1207, Cao Tông phải xuống chiếu tạ lỗi. Sử cũ chép “Năm đó vua thấy giặc cướp nổi lên như ong, bèn hối lại lỗi xưa, nhân đó tự trách mình hèn kém ở tận nơi cửu trùng không biết cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới”.
Cao Tông chết, con là Sảm lên thay, hiệu là Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông cũng là một ông vua hèn kém. Suốt 14 năm trị vì của ông, đất nước luôn loạn lạc, giặc cướp tứ tung.
2. Cuộc nổi dậy Thân Lợi (1140)
Năm 1140, một người dòng dõi họ Thân ở Động Giáp là Thân Lợi, tự xưng là con vua Nhân Tông, giỏi thuật số, nổi lên ở châu Thượng Nguyên (miền Đồng Hỉ, Thái Nguyên). Thân Lợi xưng hiệu là Bình Vương, phong thê thiếp làm hoàng hậu, con cháu làm vương hầu. Ban đầu, Thân Lợi chỉ có hơn 1000 người, đi đâu cũng nói phao rằng Lợi giỏi binh thuật. Dân biên giới theo rất đông.
- Tháng 4, Thân Lợi đem quân ra đóng ở châu Tây Nông (Phú Bình, Thái Nguyên) cùng dân Thượng Nguyên, Tuyên Hóa, Cảm Hóa, Vĩnh Thông đánh phủ Phú Lương (Phú Lương, Thái Nguyên) lấy được phủ trị. Thân Lợi bàn mưu với quân chúng đánh kinh thành Thăng Long.
Triều đình sai thái úy Đỗ Anh Vũ đem binh tiến đánh. Tháng 5, quân Lợi kéo về Thăng Long, đến trạm Quảng Dịch (?) gặp quân của Anh Vũ, Thân Lợi chạy thoát về châu Lục Lệnh (Thái Nguyên), Anh Vũ dùng kế phủ dụ, chiêu họp đảng chúng Thân Lợi, phát muối cho bọn Dương Mục, Chu Ái.
Tháng 10, Anh Vũ tiến đánh Lục Lệnh bắt được 2.000 người. Thân Lợi trốn lên Lạng Châu (Lạng Sơn) bị Tô Hiến Thành bắt được. Thân Lợi và 20 người chỉ huy bị chém đầu, một số bị đi đày.
3. Cuộc nổi dậy ở Đại Hoàng
Năm 1152 người miền Đại Hoàng (Ninh Bình) cũng nổi dậy do Nùng Khả Lai chỉ huy.
Năm 1202, người Đại Hoàng bị bắt làm phu dịch xây cửa Đại Thành (kinh thành Thăng Long) khởi loạn rủ nhau về nổi dậy chống triều đình. Người chỉ huy là Phí Lang. Nhà Lý phải sai chi hậu phụng ngư Trần Hinh đi đàn áp dân Đại Hoàng, lại sai lại bộ thượng thư Từ Anh Nhĩ đem quân phủ Thanh Hóa ra phối hợp đàn áp. Đến sông Lộ Bố (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định) Phí Lang dẫn quân đánh và giết chết Anh Nhĩ.
Tháng 5 năm 1205 quan nội hầu là Đỗ Anh Doãn đi đánh Đại Hoàng cũng bị thua. Đến tháng 10 Đàm Dĩ Mông đem binh lính các đạo đắp một dải lũy để phòng ngự. Thanh thế của Phí Lang rất lớn. Năm 1205, sau khi đánh tan quân triều đình, Phí Lang thừa thắng đốt hành cung Ứng Phong (Nghĩa Hưng – Nam Định) phá các kho thóc, đốt nhà cửa. Tháng 8, Cao Tông phải dùng kế hoà hoãn, sai người đi dụ hòa. “Phí Lang và 170 hào trưởng ra hàng”. Song thực tế triều đình đã không kiểm soát được miền Tây nam Thăng Long nữa. Phí Lang vẫn giữ miền đó và năm 1207 lại nổi dậy.
4. Loạn Đoàn Thượng và Quách Bốc
Tháng 9 năm 1207, hảo trưởng lớn là Đoàn Thượng, Đoàn Chủ nổi dậy ở Hồng Châu (Hải Dương và Hải Phòng) xây đắp thành lũy, xưng vương hiệu. Cao Tông phái rất nhiều quân đi đánh Hồng Châu. Đàm Dĩ Mông đem quân đạo Đại Thông (miền Hà Đông cũ dọc sông Đáy), Phạm Bỉnh Di đem quân đạo Khả Liễu, Trần Hinh đem quân đạo Phù Đái (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Bảo Trinh hầu đem quân đạo Nam Sách (Nam Sách, Hải Dương), cùng họp nhau đánh Đoàn Thượng. Thấy thế lực quân triều đình quá mạnh, Đoàn Thượng liên ngầm sai người đem của cải đút lót cho Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, nguyện xin đem quân chúng theo Du. Cuộc liên minh giữa Thượng và Du bắt đầu từ đó. Phạm Du cố vì Thượng mà xin với Cao Tông tha cho.
Đầu năm 1209, Cao Tông sai Phạm Du coi việc quân ở châu Nghệ An. Bấy giờ miền này đang đói lớn, số người bị chết đói rất nhiều. Những người còn sống sót cũng bị phá sản, lưu vong. Nhân cơ hội ấy, Phạm Du nói với vua rằng: “Nay thiên hạ rối loạn, bọn gian tặc nổi lên khắp nơi... xin cho phép tôi được tuyển bọn trai tráng để tự đề phòng, mới song khỏi lo tai họa”. Phạm Du chiêu tập những người vong mệnh ngang nhiên đi khắp các nơi. Từ đó Đường đất bị cắt đứt, thuyền bè không đi lại được”. Cao Tông thấy tình hình nguy khốn liền sai Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di lấy quân ở Đằng Châu (thị xã Hưng Yên) để chống lại bọn Phạm Du. Phạm Du trở vê Cổ Miệt cùng với Đoàn Thượng, Đoàn Chủ ở Hồng Châu hợp binh đánh Đằng Châu. Bỉnh Di bị thua.
Tháng 2 năm 1209, Bỉnh Di lại đem binh ở Đằng Châu, Khoái Châu đi đánh Du. Phạm Du bỏ trốn. Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết. Tháng 4 năm này, Phạm Bỉnh Di đánh tan quân Đoàn Thượng. Đoàn Chủ bị giết chết.
Phạm Du ngầm sai người về kinh đút lót cho bọn quan lại trong triều, nói rằng Bỉnh Di tàn ác, giết hại người vô tội và kể lể tình oan, xin về kinh đợi tội. Cao Tông sai Trần Hinh triệu Phạm Du về kinh lại triệu cả Bỉnh Di về triều. Phạm Du về kinh trước hầu Cao Tông, được tin cẩn; Bỉnh Di đến kinh sau, vào triều phụng mệnh. Cao Tông sai bắt Bỉnh Di và con là Phụ giam ở Thủy Viên, toan làm tội. Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc nghe tin đó, đem binh lính hò reo phá cửa Đại Thanh kéo vào nội điện. Du cùng em là bọn Phạm Kinh giết Bỉnh Di và con là Phụ rồi cùng vua chạy trốn.
Quách Bốc nghe tin Bỉnh Di đã chết, sai quân sĩ đột nhập đến bệ đá mát, lấy xe của vua chở thây Bỉnh Di, lấy chiếu ngư bọc thây của Phụ rồi theo cửa Việt Thành mà ra bến Đông Bộ Đầu. Sau đó Quách Bốc lại vào cung rước hoàng tử Thầm và hoàng tử Sảm về Hải ấp. Trần Lý thống suất thủy quân đến rước hoàng tử Sảm cùng mẹ là nguyên phi Đàm Thị và hai em gái đưa về Hải Ấp (Lưu Xá, xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Trần Lý vốn làm nghề đánh cá, sau trở nên giàu có. Dựa vào thế lực họ Lưu (có lẽ là tướng quân Lưu Khánh Đàm) và họ Tô trong vùng, Trần Lý được làm chức quan nhỏ, trông coi hành cung Ngư Thiên (làng Quách Bố, Hưng Hà, Thái Bình) sát cạnh làng Lưu Xá. Nhân loạn lạc, Trần Lý chiếm cứ miền Hải Ấp. Họ Trần có binh lực liền nổi dậy, tạm về phe Quách Bốc.
5. Họ Trần hưng khởi
Trần Lý cùng Phạm Ngu rước hoàng tử Sảm về Mang Nhân, đưa Sảm lên ngôi, xưng là Thắng Vương, giáng Thầm xuống tước vương. Ít lâu sau, Sảm lại về Hải Ấp, ở tại nhà công quán Lưu Gia. Sảm lấy con thứ của Trần Lý làm nguyên phi, dùng Đàm Dĩ Mông làm Thái úy, Nguyễn Chính lại làm Tham tri chính sự, Trần Lý làm Minh tự, Phạm Bố là Thượng phẩm phụng ngự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy. Như vậy là ở miền ven biển Ngư Thiên đã hình thành một triều đình nhỏ, tuy người họ Lý làm vua, nhưng quyền hành thực tế vào tay anh em họ Trần. Họ Trần dần dần tổ chức thành một dòng quý tộc mới.
Trong khi đó, Cao Tông chạy lên miền Quy Hóa Giang nương nhờ nhà Hà Vạn, một thủ lĩnh miền thiểu số có thế lực. Cao Tông sai Phạm Du đi Hồng Lộ liên kết với Đoàn Thượng, huấn luyện quân lính để đánh họ Trần. Du bị giết chết.
Năm sau 1210, Tô Trung Từ đánh lại Quách Bốc ở Khoái Châu, rồi đến Hải Ấp bắt hoàng tử Sảm định đưa về kinh sư. Tháng 4, Cao Tông sai thượng phẩm phụng ngự Đỗ Quảng đến nhà Trung Từ đón hoàng tử Sảm về kinh. Con thứ Trần Lý là Trần Tự Khánh thay cha thống lĩnh binh chúng, được phong là Thuận Lưu Bá, đóng quân ở Thuận Lưu (miền Hải Ấp, Hưng Hà, Thái Bình) nhưng không đầu hàng Cao Tông.
Tháng 4-1210, Cao Tông mất, hoàng tử Sảm lên ngôi vua (tức là Huệ Tông).
Nghe tin vua Cao Tông mất, Trần Tự Khánh đem thủy quân đến bến Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên) xin với cậu là Tô Trung Từ cho cùng dự tang lễ Cao Tông, nhưng Trung Từ không cho. Tự Khánh phải đem quân về Thuận Lưu. Cũng tháng đó, Huệ Tông lập Trần thị làm nguyên phi, Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đỗ thuyền ở bến Đại Thông, đem quân giúp Trung Từ dẹp Đỗ Quảng rồi đưa Trấn thị vào triều. Tháng 7 năm 1211, Trung Từ đang đêm sang Gia Lâm tư thông với công chúa Thiên Cực, bị quan nội hầu Vương Thượng là chồng công chúa giết. Từ đó quyền hành chuyển gọn sang tay họ Trần. Nhân cơ hội đó, anh em họ Trần cũng từ Thiên Trường, Kiến Xương tiến lên đánh chiếm miền Khoái Châu. Vậy là từ năm 1211 đã hình thành ba thế lực phân cát lớn là:
- Họ Đoàn (Hải Dương và Hải Phòng).
- Họ Trần (Thái Bình, Nam Định và nam Hưng Yên).
- Họ Nguyễn (Quốc Oai, Hà Tây)
Triều đình nhà Lý chỉ kiểm soát vùng xung quanh Thăng Long.
Chính quyền trung ương của nhà Lý tuy được phục hồi, nhưng thế lực đã quá yếu. Phạm vi kiểm soát của triều đình dần dần bị thu hẹp lại đáng kể. Trước tình hình đó, triều đình phải dựa vào lực lượng địa phương, thực tế là các hào trưởng. Bấy giờ, thấy lực lượng của họ Trần đã khá mạnh, nhà Lý lại tìm cách đưa vào một lực lượng hào trưởng họ Đoàn để trừ diệt họ Trần. Họ Đoàn đem quân đánh anh em họ Trần ở ải Hoàng Điểm (?). Trần Tự Khánh sai Lại Linh cùng tướng Khoái Châu Nguyễn Đường ra chống cự. Nguyễn Đường bị bắt. Tự Khánh bị thua, giận dữ phá đê cho nước sông chảy tràn vào các ấp rồi về. Miền Khoái Châu mất tin tưởng ở họ Trần, theo về với họ Đoàn.
Trong khi đó, Tự Khánh vẫn tiếp tục đánh chiếm các miền ở hai bờ sông Hồng để phát triển thế lực. Hai lần Tự Khánh đánh bại được tướng của Đoàn Ma Lôi là Đinh Cẩm, đóng ở Đội Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Họ Trần kiểm soát được cả miền Lí Nhân (Hà Nam). Bấy giờ họ Trần đang tìm cách liên kết với hào trưởng Nguyễn Tự để tiêu diệt thế lực đối địch mạnh nhất của mình là họ Đoàn. Đầu năm 1212, Trần Tự Khánh và Nguyễn Tự họp nhau ở bến Triều Đông, thề làm bạn sống chết có nhau, “tận trung báo quốc, cùng bình họa loạn”. Hai người chia nhau phạm vi chiếm cứ, lấy sông Lô, sông Thiên Đức (sông Uống) làm giới hạn, mỗi người thống suất một bên. Từ Thượng Khối (Bắc Ninh) đến Na Ngạn (Lục Ngạn, Bắc Giang), các hương ấp dọc theo sông Đuống và Đường bộ là thuộc về Tự Khánh. Từ Kinh Ngạn (bờ sông Hồng, thuộc Kinh sư) đến Ô Diên (Hoài Đức, Hà Tây) là thuộc về Nguyễn Tự, hẹn đến tháng 3 năm Nhâm Thìn thì họp binh tấn công đất Hồng Châu của họ Đoàn.
Bấy giờ Huệ Tông truyền cho văn võ bá quan đều phải nghe mệnh lệnh Trần Tự Khánh. Mặt khác, Huệ Tông cùng với Thái hậu và một số cận thần vẫn ngầm mưu diệt họ Trần. Đầu năm 1218, Thái hậu sai người đi với bọn tướng sĩ ở đạo Phù Lạc (?), đạo Bắc Giang, hẹn ngày cùng phát binh đánh Tự Khánh. Đúng ngày đã định, bọn Phan Thế ở Phù Lạc, Ngô Mãi ở Bắc Giang tiến đến cửa Đại Hưng (cửa nam thành Thăng Long). Tự Khánh đang ở bến Đại Thông, nghe tin đó liền kéo quân lên kinh sư, vào cấm thành, đốt cầu Ngoạn Thiềm rồi lại trở về Đại Thông. Lúc này thế lực của Tự Khánh đã rất mạnh. Sau khi chiếm được đồng bảng hạ lưu sông Hồng và sông Đáy (trừ miền Đại Hoàng), Tự Khánh phát triển thế lực lên Quốc Oai. Miền này trước đây là thuộc phạm vi kiểm soát của Nguyễn Tự. Tự chết, phó tướng là Nguyễn Cuộc thay thế. Tự Khánh tiến quân lên Quốc Oai, dụ hàng được Nguyễn Cuộc.
Huệ Tông lại tự làm tướng đi đánh Tự Khánh, đến Mễ Sở gặp quân của Vương Lê, Nguyễn Cải. Hai bên chưa giao chiến, quân của Lê, Cải mới hò reo tiến lên, quân triều đình đã tự tan vỡ. Vương Lê, Nguyễn Cải bắt được thuyền rồng. Cánh quân đạo Bắc Giang do Đàm Dĩ Mông thống xuất tới bến An Diên (Thường Tín, Hà Tây) thì bị quân của Trần Thừa tiến đánh. Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm ở tả ngạn cũng tiến đánh thắng quân nhà vua. Bọn Phan Lân, Nguyễn Nộn từ Quốc Oai tiến đến chợ Dừa đánh thắng bọn tướng ở Hồng Lộ là Đoàn Cấm, Vũ Hốt. Lý Huệ Tông phải chạy lên Lạng Châu.
Tuy đã chiếm được Kinh đô, Tự Khánh vẫn chưa chiếm ngôi nhà Lý. Họ Trần vẫn lấy danh nghĩa phò nhà Lý để thu phục lòng dân, và dễ bề tiến đánh bọn Đoàn Thượng. Cho nên vài ngày sau, Tự Khánh sai người đem thư lên Lạng Châu gặp Huệ Tông và nói rõ ý mình rằng: “Dân tình uất ức, không thấu được lên trên. Cho nên, nhân lòng giận dữ của người trong nước, thần khởi binh dẹp lũ đó, cắt trừ gốc họa, để yên lòng dân mà thôi. Đến như thân phận vua tôi, thần không dám phạm đến một chút nào. Ngờ đâu, phải gánh lấy tội chuyên quyền đánh dẹp, để khiến cho xa giá phải long đong, tự xét tội của thần thật đáng vạn lần chết. Xin bệ hạ nguôi cơn giận dữ, quay xa giá về kinh sư để thỏa lòng người mong muốn”.
Không đón được Huệ Tông về kinh, Tự Khánh (bấy giờ lấy chức tước là Chương Thành hầu triệu tập các vương hầu, bá quan bàn việc cải lập, sai người đón con vua Anh Tông là Huệ Văn vương đến Hạc Kiều, lập làm vua. Tháng 3 năm Giáp Tuất (4-1214), Huệ Văn vương lên ngôi ở điện Đại An, cải nguyên là Càn Ninh, hiệu là Nguyên Vương.
Anh em họ Đoàn tấn công đất Bắc Giang, do tướng của Tự Khánh là Nguyễn Nộn đóng giữ. Đánh nhau ở núi Đông Cứu (Gia Lương, Bắc Ninh), Nguyễn Nộn giết chết được Đoàn Nguyễn. Bấy giờ nội bộ phe Tự Khánh xảy ra phản loạn lớn. Tướng ở Cam Giá (thị xã Sơn Tây) là Đỗ Bị lại nổi lên chống cự. Miền Cam Giá lại tách khỏi phạm vi thế lực của anh em họ Trần, hình thành một thế lực mới. Cùng lúc đó, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang cũng phản lại Tự Khánh, xây dựng một thế lực rất lớn. Do việc cát cứ của bọn Đỗ Bị, Nguyễn Nộn, kinh thành Thăng Long bị uy hiếp nặng. Tự Khánh lấy hết vàng bạc, của cải các kho và phóng hỏa đốt kinh đô rồi đón vua mới xuống hành cung Lí Nhân (Hà Nam).
Nguyễn Nộn đem binh đến Thăng Long chống nhau với Tự Khánh. Huệ Tông và thái hậu đang ở Nam Sách trở về Thăng Long, phong cho Nguyễn Nộn tước hầu. Thế là sau khi nương tựa thế lực cát cứ địa phương họ Trần, họ Đoàn không được, chính quyền trung ương của họ Lý lại liên minh với một thế lực cát cứ địa phương thứ ba là Nguyễn Nộn ở Bắc Giang. Cục diện trong nước lúc này đại thể hình thành ba thế lực: Phía bắc là Nguyễn Nộn, phía đông là Đoàn Thượng, phía nam là Trần Tự Khánh.
Ngoài mấy lực lượng phân cát trên, những thế lực nhỏ ở các địa phương cũng khá nhiều. Một thế lực cát cứ khá quan trọng là Nguyễn Bát, tước Ô Kim hấu ở đất Ô kim, (miền Hoài Đức, Hà Tây) tuy chống lại triều đình, nhưng không theo Tự Khánh. Ở Quy Hóa (miền Yên Bái, Tuyên Quang dọc sông Hồng) có họ Hà, cha truyền con nối cai trị đất trại này (cho đến đời Trần vẫn còn). Ngoài ra còn thế lực cát cứ ở miền Đại Hoàng (Ninh Bình), của họ Phạm ở Nam Sách. Khắp nơi trong nước ở vào trạng thái hỗn loạn.
Đầu năm 1214, Huệ Tông chạy đến hương Binh Hợp (xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ, Hà Tây). Trần Tự Khánh được hào trưởng địa phương Đỗ Năng Tế giúp đỡ lấy lại Binh Hợp, rồi đem quân bao vây Thăng Long, đốt cung điện, phá nhà cửa. Huệ Tông phải dựng lều tranh để ở.
Tháng 4-1216, Triều đình nhà Lý lại gặp một nguy nan mới: các tướng ở Cảo Xã (Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội) là Đỗ Át, Đỗ Nhuế (tước Liệt hầu) chống lại vua. Vua dựa vào Nguyễn Bát, sai Bát đánh lại, nhưng không thắng. Trước tình thế đó, Huệ Tông đành lại quay về nương nhờ anh em họ Trần. Năm ấy Huệ Tông lại lập Trần thị (trước bị giáng xuống làm ngự nữ) làm Thuận Trinh phu nhân.
Trần Tự Khánh sai Vương Lê đem thủy quân đến đón rước Huệ Tông sang Cứu Liên. Việt Sử lược chép rằng: “Tự Khánh trông thấy vua rất mừng, tướng sĩ đều vui vẽ hò reo. Từ đó, vua cùng Tự Khánh quyết ý đánh bọn Bắc Giang vương Nộn, Hiền Tín vương Bát, Hồng hầu Đoàn Văn Lôi, Hà Cao ở Quy Hóa”. Lúc này Nguyên vương bị phế xuống làm Huệ Văn vương (đến 1221 thì Huệ Văn vương chết).
Anh em, thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng: Tự Khánh làm thái úy, khi xướng lễ không phải gọi tên, Trần Thừa được phong tước Liệt hầu làm nội thị phán thủ, Trần Liễu (con cả Trần Thừa), Phùng Tá chu, Lại Linh được tước Quan nội hầu, con cả Tự Khánh là Hải được phong tước vương. Tập đoàn quý tộc mới này đã lấn át được quý tộc nhà Lý cũ và sẽ thu hút dần dần những quý tộc khác mà giành quyền thống trị. Chính sử có ghi: “Huệ Tông dần dần mắc chứng điên. Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần đã về tay kẻ khác”.
Tháng 6 năm 1217, Đoàn Thượng đem binh chúng ra hàng, được phong tước vương. Tháng 6 năm 1218, Trần Thừa và Trần Tự Khánh gả em gái là Trần Tam Nương cho Đoàn Văn Lôi (Hồng hầu) thu phục đất Hồng Châu. Thế là họ trần “trừ” được một thế lực chống đối quan trọng.
Tự Khánh tiến đánh thế lực cát cứ của Nguyễn Tự, Nguyễn Cuộc ở Quốc Oai, của Đỗ Bị ở Cam Giá... “Các thuộc ấp ở Phong Châu đều ra hàng”. Tự Khánh lại đánh Nguyễn Bát chiếm lại đất Từ Liêm. Nguyễn Bát phải chạy lên miền thiểu số ở sách An Lạc (Vĩnh Phúc).
Tháng 5-1220, anh em họ Trần tiến đánh Hà Cao ở Quy Hóa, chia quân làm hai đạo: Tự Khánh, Trần Thừa theo sông Quy Hóa (sông Hồng), Lại Linh, Phan Cụ theo Đường sông Tuyên Quang (sông Lô), hai đạo cùng tiến. Cao cùng vợ con thắt cổ chết. Từ đó cả miền Thượng Nguyên Lộ (Thái Nguyên), Tam Đái Giang (Vĩnh Phúc) đều bình yên.
Mười ba năm (1207-1220) loạn lạc, đất nước bị chia xẻ bởi các thế lực hào trưởng, chính quyền nhà Lý càng suy yếu, nay được thống nhất lại. Quyền lực chính quyền trung ương lại dần dần tập trung, củng cố dưới sự lãnh đạo của họ Trần.
Cuối năm 1223, Trần Tự Khánh - người có công nhiều nhất trong việc dọn Đường cho họ Trần nắm chính quyền, chết ở Phù Liệt (được truy phong là Kiến Quốc đại vương). Đầu năm 1224, Trần Thừa được cử làm phụ quốc thái úy, Phùng Tá Chu làm nội thị phán thủ, Trần Thủ Độ làm điện tiền chỉ huy sứ, thống lĩnh các quân hộ vệ cấm đình. Huệ Tông từ lâu đã phát cuồng, không có con trai, chỉ có hai con gái (con cả là công chúa Thuận Thiên, đã gả cho Trần Liễu (con cả Trần Thừa), con thứ là công chúa Chiêu Thánh, mới lên 7 tuổi. Tháng 7-1225, Huệ tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh - tức là Lý Chiêu Hoàng - tự mình làm Thái thượng hoàng. Quyền bính trong triều hoàn toàn nằm trong tay quan điện tiên Trần Thủ Độ.
Ngày 12 tháng chạp năm Ất Dậu tức ngày 11-1-1226, dưới sự điều khiển của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng chính thức nhường ngôi hoàng đế cho chồng là Trần Cảnh. Vương triều Lý đến đây chấm dứt sau 216 năm cầm quyền.