Nhà Trần xây dựng và củng cố chính quyền
1. Những năm đầu
Cuộc thay đổi triều đại, chuyển chính quyền từ dòng họ Lý sang họ Trần diễn ra trong hoàng cung và triều đình mà hầu như không có tác động gì xáo trộn xã hội, không một ảnh hưởng gì lan xa. Tập đoàn quý tộc họ Trần rất khôn khéo, dần dần từng bước vững chắc và cuối cùng nắm giữ chính quyền nhanh gọn. Cả họ Lý bị suy yếu, tê liệt, không một phản ứng gì đáng kể.
Trần Thủ Độ, người trực tiếp chỉ đạo, điều hành công việc truyền ngôi của Lý Chiêu Hoàng còn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, diệt trừ thế lực còn lại của nhà Lý. Mùa xuân năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ giữ chức thái sư thống quốc nắm tất cả các quyền chính trị, quân sự. Việc đầu tiên là truất bỏ ngôi thượng hoàng của Lý Huệ Tông, giáng làm thiền sư Huệ Quang rồi đưa ra tu ở chùa Chân Giáo. Huệ Hậu bị giáng làm công chúa Thiên Cực lấy Trần Thủ Độ, lấy châu Lạng làm thang mộc ấp. Các cung nhân của Huệ Tông và con gái họ Lý đều gả cho các tù trưởng miền núi. Sau đó, những người họ Lý còn lại phải đổi sang họ Nguyễn, lấy cớ là kiêng tên húy Trần Lý. Một số hoàng thân tìm cách di cư ra nước ngoài như Lý Long Tường chạy sang Cao Ly (sau là anh hùng chống Nguyên Mông của đất nước này).
Trong những tháng năm Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, Trần Thủ Độ quán xuyến mọi công việc. Sử cũ ghi: “Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nước nhà phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”. Có lần, bà Linh Từ quốc mẫu, vợ ông, cứ ngang nhiên ngồi kiệu qua chỗ cấm, người quân hiệu ngăn cản không cho đi. Về đến nhà, bà khóc với chồng: “Mụ này là vợ của ông mà lũ quân hiệu khinh nhờn như thế”. Thủ Độ không những không phạt người quân hiệu mà còn khen ngợi: “Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì”. Rồi còn thưởng cho vàng, bạc. Trần Thủ Độ thường đi về các địa phương kiểm tra tình hình, chọn người làm câu đương trong hương xã. Một lần, bà Linh Từ muốn xin riêng cho một người thân quen giữ chức vụ này. Thủ Độ gật đầu, ghi tên họ và quê quán người ấy. Khi đi xét duyệt đến hương này, ông tìm và nói: “Người vì có công chúa (chỉ vợ ông) xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với kẻ khác”. Người quen thuộc của bà Linh Từ phải van xin mãi mới được tha. “Từ đấy, không ai dám đến thăm nhà riêng nữa”.
Thủ Độ là người có công trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258). Bấy giờ, thái úy Trần Nhật Hiệu chỉ huy đạo quân Tinh Cương khiếp sợ trước sự xâm lược của quân Mông Cổ thì thái sư Trần Thủ Độ lại khẳng khái trả lời với vua Trần là: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Lời nói này xác lập quyết tâm kháng chiến, tiêu biểu cho hào khí Đông A.
2. Một chính quyền của quý tộc
Nhà Trần thay nhà Lý mở ra một thời kì tiếp tục phát triển cao hơn của xã hội Đại Việt. Chính quyền nhà Trần trong thế kỉ XIII vững vàng, mà năng động, đã tạo ra một nền thống nhất và ổn định đất nước cho đến giữa thế kỉ XIV.
Triều đình Thăng Long trong thời gian này trước hết là tổ chức chính quyền của dòng họ Trần. Vua Trần tự mình đề cao vị trí bản thân, đồng nhất ngôi vua với đất nước. Năm 1250 Thái Tông “xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quốc gia” nâng cao hơn tính chuyên chế và tập trung của triều đình.
Người kế nghiệp Thái Tông Trần Cảnh là Thánh Tông Trần Hoảng (1258 - 1278) từng nói với họ hàng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý. Tuy bên ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người, nhưng bên trong ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên. Thế là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc vậy”.
Để đảm bảo vững chắc vị trí và khả năng nắm chính quyền trong tay vua, tránh những vụ tranh ngôi trong nội bộ hoàng tộc và cũng để cho vua trẻ điều khiển chính quyền vững vàng, nhà Trần áp dụng chế độ thái thượng hoàng. Vua cha chỉ làm việc một số năm rồi truyền ngôi cho con, còn bản thân lui về Tức Mặc (thuộc thành phố Nam Định) giữ tư cách cố vấn. Chế độ này được thực hiện trong suốt triều Trần. Họ Trần xây dựng Tức Mặc như kinh đô thứ hai, cũng có một số cơ quan văn phòng, giáo dục và kinh tế. Quyền hành của thái thượng hoàng rất lớn, không chỉ có quyền chỉ định người con kế vị mà khi cần có thể truất bỏ ngôi vua. Sử cũ ghi: một hôm vào tháng 6 năm 1299, thượng hoàng Nhân Tông từ Thiên Trường lên kinh sư. Hôm đó, vua Anh Tông uống rượu xương bố say quá không hay biết, cung nhân vào nội điện đánh thức cũng không tỉnh. Thượng hoàng rất giận, liền có mặt ở Tức Mặc ngay ngày hôm sau đều mở triều hội, ai trái lệnh sẽ bị xử tội. Vua Anh Tông lo sợ phải nhờ một nho thần trẻ tuổi là Đoàn Như Hải thay mình làm bài trần tình tạ tội. Nhận bài biểu của Anh Tông, thượng hoàng Nhân Tông còn nói:
“Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống chi sau này”. Chế độ thái thượng hoàng góp phần hạn chế sự độc đoán của vua đương quyền, góp phần củng cố chính quyền quý tộc Trần.
Sự liên kết dòng họ nắm chính quyền như một nguyên tắc mà các vua Trần cố gắng thực hiện. Hầu hết các chức vụ quan trọng trong triều đình và ở các địa phương lộ, phủ đều do tôn thất nắm giữ. Nhà Trần đặt phủ tông nhân để quản lí họ hàng. Thánh Tông cử Nhân Túc Vương giữ chức nhập nội phán đại tông chính trông coi các công việc biên soạn gia phả và theo dõi, giúp đỡ người trong họ. Theo quy chế quý tộc hóa, hoàng tử cả được phong tước vương. Họ hàng xa được phong là thượng vị hầu. Con các thân vương, công chúa được gọi là “Kim chi, ngọc diệp” (Cành vàng lá ngọc). Cháu ba đời của những người này được phong là quận vương. Cháu bốn đời được phong là minh tự và năm đời được phong tước thượng phẩm. Nhà Trần còn thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm uy tín dòng họ. Trong chiến tranh quý tộc nào đầu hàng giặc, trốn chạy sang Trung Quốc đều bị kết án vắng mặt, xử tội lưu hay tử, điền sản bị tịch thu, xóa bỏ “quốc tính”. Bọn Việt gian Trần Kiện, Trần Lộng đầu hàng giặc Nguyên Mông đều phải đổi là họ Mai. Trần ích Tắc là em ruột vua chỉ gọi là Ả Trần.
Quan chức lớn ở triều đình như thái sư, thái úy, bình chương sự, thái phó, thái bảo, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo, tả hữu bộc xạ, tham tri chính sự và các chức võ quan cao cấp như đô nguyên soái, phó đô nguyên soái, tiết độ sứ, phó tiết độ sứ, đại tướng quân thì chỉ các tôn thất mới được nắm giữ. Chức phiêu kị tướng quân chỉ dành riêng cho hoàng tử.
Các vương hầu nhà Trần ngoài việc nắm giữ chức vụ quan trọng trong triều đình còn được phải đi trấn trị các lộ phủ quan trọng. Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang coi giữ Diễn Châu và Nghệ An. Chiêu Văn vương Trần Nhật Quật và con cháu ông coi giữ Thanh Hóa. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư coi giữ trấn Vân Đốn. Mãi đến cuối những năm 60 của thế kỉ XIV về sau mới có nhiều người thuộc tầng lớp khác được làm chức vụ quan trọng trong triều.
Để quyền lợi dòng họ thêm vững vàng, lâu bền, ngoài chế độ kế thừa quyền lợi và quan chức theo họ, nhà Trần còn áp dụng lối kết hôn đồng tộc. Quan hệ hôn nhân trong một dòng họ thời bấy giờ có lẽ vẫn còn được duy trì trong xã hội, song ý đồ của các vua Trần là muốn khép kín, không muốn tạo dựng một tập đoàn quý tộc khác ngoài dòng họ của mình. Nhưng sự khép kín này không tương ứng cũng không đáp ứng được nhu cầu quản lí xã hội, bảo vệ đất nước đang đặt ra trực tiếp, khẩn trương trong thế kỉ XIII. Mặt khác cơ chế tông tộc (theo kiểu phụ hệ gia trưởng) trong xã hội mới chỉ được duy trì trong tầng lớp quý tộc và quan lại, còn trong dân gian thì cơ chế tông tộc chưa sâu đậm.
3. Bộ máy hành chính theo xu hướng quan liêu
Họ Trần tuy đã nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong triều đình và một số phủ lộ quan trọng, nhưng số lượng người và năng lực có hạn, vẫn phải xây dựng một bộ máy hành chính từ trung ương đến các cấp địa phương, thu nhận người thuộc các tầng lớp (là thổ hào, sĩ phu v.v...). Nhà nước này là khối liên kết của dòng họ Trần với bộ phận quan liêu ở các cấp chính quyền khác nhau và ngày càng mở rộng. Về phương thức tổ chức và cơ chế vận hành của Nhà nước này có mặt phỏng theo mô hình nhà Tống. Những năm đầu, nhà Trần duy trì bộ máy chính quyền cũ. Nhiều quan chức nhà Lý vẫn được giữ làm trọng thần như Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân. Năm 1230, nhà Trần ra bộ Quốc triều thông chế “xét các lệ của triều trước, định làm thông chế của quốc triều” quy định bộ máy nhà nước cố kỉ cương hơn, hoàn chỉnh hơn, phù hợp với tình hình mới.
a. Triều đình
+ Bộ phận trung khu: Tại triều đình có bộ phận trung khu gồm các tể tướng, tri mật viện sự và hành khiển ở các sảnh có nhiệm vụ chỉ đạo các quan văn võ (gần giống như hai ngạch quan hành chính và quân sự). Đứng đầu trung khu là quan chức mang danh hiệu Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo); Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo) và Tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không). Các danh hiệu Tam thái, Tam thiếu như là một hàm bậc thường kết hợp với chức danh kèm theo (có chức năng cụ thể) như Thống quốc, Tá thánh, Phụ quốc. Thủ Độ là Thống quốc thái sư, Quang Khải sau chống Nguyên - Mông lần thứ hai làm Thượng tướng thái sư, Văn Bích làm Phụ quốc thái bảo, Nguyên Trác làm Tả tướng quốc, Nguyên Đán làm Bình chương sự quốc thượng hầu tư đồ, Khiêm Ngô làm Nhập nội kiểm hiệu tư mã. Chức vụ Tể tướng thời Trần phải là thân vương với chức danh là Tả, Hữu tướng quốc hay Nhập nội kiểm hiệu, đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti bình chương sự. Chức vụ bên dưới thường là Tham tri chính sự hay là Tri mật viện sự và nhiều khi mang chức danh là Tả, Hữu bộc xạ kèm thêm hai chữ “Nhập nội”.
Chức vụ Hành khiển chia làm hai ban tả và hữu ở kinh đô Thăng Long và hoàng cung Tức Mặc. Danh hiệu cao nhất của quan chức Hành khiển là Nhập nội hành khiển đồng trung thư môn hạ bình chương sự. Cơ quan này lúc đầu chỉ dùng hoạn quan. Sang thế kỉ XIV dùng các nho thần như Nguyễn Trung Ngạn, Lê Cư Nhân.
Việc phân chia bộ phận trung khu gồm Tể tướng, các quan chức ở khu Mặt viện, Hành khiển môn hạ sảnh tách khỏi và đứng trên các cơ quan chức năng, là buộc phát triển trong kết cấu và cơ chế của bộ máy nhà nước thời Trần.
+ Các cơ quan chức năng
Ở triều đình có Thượng thư sảnh gồm sáu bộ: Lại, Lễ, Hộ, Bình, Hình, Công. Trong Thượng thư sảnh quản lí các công việc: tổ chức bộ máy hành chính, ngoại giao, tín ngưỡng, kinh tế, quân sự, pháp luật và xây dựng cơ bản.
Đứng đầu sảnh là Thượng thư hành khiển và Thượng thư hữu bật. Các cơ quan ở bộ càng về sau càng được tăng cường và phần lớn sử dụng các nho thần như Doãn Bang Hiến làm Thượng thư bộ Lại thời Đại Khánh (1314 - 1324), Đỗ Nhân Giám làm Thượng thư bộ Binh, Trần Chiêu Ngạn làm Thượng thư bộ Hành. Dưới thượng thư là các chức thị lang, lang trung.
Cơ quan văn phòng của triều đình (chủ yếu soạn thảo các văn bản, chỉ dụ v.v...) gọi là Hàn lâm viện với các chức học sĩ khác nhau. Quan chức cao cấp của cơ quan này thường do người trong Nội mật viện kiêm nhiệm như Đinh Củng Viên thời Trần Nhân Tông làm Hàn lâm phụng chỉ.
Nhà Trần cũng rất chú ý tăng cường các cơ quan thanh tra, giám sát và tòa án. Thăng Long có Ngự sử đài gồm các chức: thị ngư sử, giám sát ngư sử, ngự sử trung tán, ngự sử trung thừa, ngự sử đại phu với chức năng “giữ gìn phong hóa, pháp độ”. Cạnh cơ quan Ngự sử đài còn có Đăng văn kiểm sát viện và các quan gián nghị đại phu, tả, hữu nạp ngôn. Sau chiến tranh chống Mông Nguyên, nhà Trần lại tăng cường thêm bộ phận thanh tra kiểm soát ở các địa phương phủ, lộ, đặt thêm các ti liêm phóng.
Ngoài các cơ quan trên, nhà Trần còn đặt các cơ quan phụ trách riêng một số công việc như Quốc sử viện biên soạn quốc sử (người phụ trách đầu tiên là bảng nhãn Lê Văn Hưu), Quốc tử viện (còn gọi là Quốc tử giám) giảng dạy các hoàng tử, ở Thăng Long và Tức Mặc, Thái y viện trông coi thuốc men, chữa bệnh trong hoàng cung và tông nhân phủ theo dõi các hoàng tộc.
b. Các địa phương
Ở các địa phương, nhà Trần tổ chức chính quyền ba cấp: phủ lộ, huyện châu, hương xã. Nhà Trần đổi 24 lộ thời Lý thành 12 lộ sau đây:
- Thiên Trường (Nam Hà)
- Long Hưng (Thái Bình)
- Quốc Oai (Hà Tây)
- Bắc Giang (Bắc Ninh, Bắc Giang)
- Hải Đông (Quảng Ninh và một phần Hải Dương)
- Trường Yên (Ninh Bình)
- Kiến Xương (Đông Thái Bình)
- Hồng (phần Hải Dương)
- Khoái (phần Hưng Yên)
- Thanh Hóa (Thanh Hóa)
- Hoàng Giang (phần đất Hà Nam)
- Diễn Châu (Bắc Nghệ An)
Vào thế kỉ XIV, nhà Trần còn đặt các phủ:
- Lâm Bình (Quảng Bình và Quảng Trị)
- Thái Nguyên (Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng)
- Lạng Giang (Bắc Giang, Lạng Sơn)
Chính quyền cấp lộ (hay phủ, trấn) có chức an phủ chánh sứ và phó sứ, thông phán, trấn phủ (còn gọi là tri phủ). Ngoài ra, ở lộ còn có các cơ quan phụ trách một số công việc như:
- Hà đê: trông coi đê điều, có hà đê chánh sứ và phó sứ.
- Thủy lộ đề hình: trông coi công việc giao thông thủy và bộ. Năm 1344, nhà Trần tăng cường thêm cơ quan chính quyền địa phương, đặt đồn điền sứ và phó sứ ở ti khuyến nông.
Nhà Trần rất coi trọng chính quyến cấp lộ phủ. Thái Tông (1226-1258) đã từng cử thái sư Trần Thủ Độ trông coi chính sự ở phủ Thanh Hóa, Thái phó Phùng Tá Chu trông coi chính sự ở phủ Nghệ An, có quyền tự tiện phong tước cho người khác. Các đời: Thánh Tông (1258-1278), Nhân Tông (1279-1293), Anh Tông (1293-1314) cũng đều dùng các thân vương (và con cháu của họ) trấn trị các phủ lộ quan trọng như Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An.
Dưới phủ lộ là các châu, huyện và vào cuối thế kỉ XIV có thêm cấp xã. Châu ở vùng miền núi, có các chức chuyển vận sứ, thông phán. Huyện có các chức tri huyện (còn gọi là lệnh úy) và chủ bạ. Một vài tài liệu còn cho biết dưới phủ lộ là hương rồi đến xã.
Năm 1297, Nhân Tông đổi giáp làm hương ở trung du và miền núi thì gọi là sách, động. Chính quyền hương, sách là cấp cuối cùng trong hệ thống đơn vị hành chính ở địa phương, trong đó có xã quan. Xã quan gồm đại tư xã (hoặc tiểu tư xã), xã trưởng, xã giám có nhiệm vụ quản lí hương xã, làm hộ tịch v.v... Chức đại tư xã hay gọi là đại toát có hàm từ ngũ phẩm trở lên; tiểu tư xã hay gọi là tiểu toát có hàm từ lục phẩm trở xuống.
Nhà Trần chia kinh đô Thăng Long thành 61 phường. Ở phủ lộ có hương. Hương có đại toát hoặc tiểu toát cai quản; sách thì do phụ đạo hay quan lang quản lí. Sử cũ không cho biết phạm vi rộng hẹp của các đơn vị hành chính này nhưng theo tư liệu địa phương thì hương sách vào thời này bao gồm nhiều thôn. Hương Tức Mặc có các thôn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Phương Bông, Liễu Nha, Hậu Bối. Hương Văn Trinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) có các thôn Hội Triều, Linh Lộ, Bích Khê, Cầm Giang, Phương Trì, Trịnh Xá, Văn Đoài, Văn Đông. Sách Khả Lam (quê hương của Lê Lợi, người đứng đầu khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỉ XV) gồm các thôn Như Áng, Thụ Mệnh, Hướng Dương, Giao Xá, Bỉ Ngu, Đức Trai, Nguyễn Xá, Lũng Nhai (vùng đất nằm trong các huyện Thọ Xuân và Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa). Vậy dưới hương có nhiều làng (có nơi gọi là trang hay thôn) nhưng làng không phải là cấp chính quyền.
Xem thế thì sách hay hương thời Trần khá lớn (tương đương với tổng thời Nguyễn sau này). Bấy giờ chính quyền Trần chưa thật sự quản lí chặt chẽ đến tất cả thôn trang. Điểm dân cư thôn làng vẫn nằm dưới quyền của các xã quan: đại toát hay tiểu toát. Triều đình đã nhiều lần kiểm soát nhân đinh hộ khẩu, nhưng hình như chưa lần nào có biện pháp lập điền bạ hay điều tra ruộng đất. Có thể cho rằng: thôn; trang với các mối quan hệ dân cư, họ hàng, nghề nghiệp v.v... cũng chưa chặt chẽ như những thời kì sau khi chính quyền xã chuyển xuống là thôn, làng.
Dần đinh ở các hương được ghi vào sổ hộ tịch, phân làm ba hạng theo tuổi:
- 17 tuổi là tiểu hoàng nam.
- 20 tuổi trở lên là đại hoàng nam.
- 60 tuổi trở lên là lão hạng.
Hàng năm, vào mùa xuân, chính quyền hương, xã kiểm tra nhân khẩu để báo lên trên.
4. Tổ chức quân đội
Nhà Trần thay nhà Lý, một sức bật mới nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, sắp xếp chính quyền, đồng thời tăng cường lực lượng quân sự đủ sức đưa đất nước vượt qua các trở ngại bảo vệ nền độc lập dân tộc. Quân đội nhà Trần được phát triển và hoàn thiện theo mấy hướng sau:
a) Về tổ chức, phiên chế. Quân chủ lực gồm cấm quân và quân các lộ. Quan các lộ ở đồng bằng gọi là chính binh, ở miền núi gọi là phiên binh.
Năm 1239, Trần Thái Tông hạ chiếu tuyển trai tráng làm binh lính, chia làm ba bậc thượng, trung, hạ. Nhà Trần đặc biệt chú ý cấm quân, gọi là quân túc vệ.
Năm 1246, thời điểm quan trọng đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc xây dựng quân đội, đặc biệt là cầm quân. Đầu năm nay, Thái Tông đặt các vệ tứ thiên, tứ thánh, tứ thần:
- Quân các lộ Thiên Trường, Long Hưng nhập vào quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần.
- Quân các lộ Hồng Châu, Khoái Châu nhập vào các quân tả hữu Thánh Dực.
- Quân các lộ Trường yên, Kiến Xương nhập vào các quân Thánh Dực, Thần Sách.
Năm 1267, Thánh Tông lập thêm Toàn Kim Cương đô, Chân Thượng đô, Cấm Vệ Thủy dạ xoa đô, Chân Kim đô.
Sang thế kỉ XIV, cấm quân được tăng cường và phiên chế chặt chẽ:
Năm 1311, Anh Tông lập thêm quân Vũ Tiệp. Duệ Tông (1373-1377) lập thêm các quận Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Tiệp, Long Dực, Tả Ban, Hữu Ban.
Năm 1378, Phế Đế lập thêm các quân Thần Dực, Thiên Uy, Hoa Ngạch, Thị Vệ, Thần Vũ, Thiên Thương, Thiết Giáp, Thiết Liêm, Thiết Hồ, Ô Đồ.
Như vậy, bộ phận cấm quân của nhà Trần ngày càng được tăng thêm, phiên chế càng phức tạp và chặt chẽ hơn. Bộ phận này có tám quân, đứng đầu mỗi quân là một đại tướng quân. Mỗi quân có ba mươi đô, chỉ huy mỗi đô có chánh phó đại đội. Mỗi đô lại có năm ngũ, chỉ huy mỗi ngũ là đầu ngũ. Nếu theo cách tính này thì số cầm quân ngày thường có khoảng gần 20.000 (đóng ở Thăng Long, Tức Mặc và một số địa phương quan trọng). Đây là quân chuyên nghiệp.
Cấm quân ở kinh thành có thích chữ “thiên tử quần” vào trán, là do tôn thất hoặc là người được đặc biệt tin tưởng như Phạm Ngũ Lão chỉ huy gọi là điện tiền chỉ huy sứ (gọi tắt là điện súy). Chức phiêu kị tướng quân phải do chính hoàng tử nắm giữ. Trong chiến tranh chống Mông Nguyên thì toàn quân đặt dưới quyền của một vị tiết chế do quý tộc Trần Quốc Tuấn phụ trách. Cấm quân là nòng cốt cho các binh lính khác.
Ở Phủ Lộ có lộ quân. Lộ quân có khoảng 20 phong đoàn. Giữa thế kỉ XIV, Dụ Tông (1341-1369) đặt thêm binh hải quân ở Hải Đông. Sang đời Duệ Tông (1373-1377) lại tăng thêm số quan ở các lộ Thiên Trường, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lãm Bình, Thuận Hóa.
b) Lực lượng vũ trang của các quý tộc. Cấm quân là chủ lực bảo vệ Thăng Long, Tức Mặc, nòng cốt trong chiến tranh chống ngoại xâm. Cấm quân có thể được điều động đi các địa phương hoặc phối hợp với các lộ quân tổ chức tác chiến. Lộ quân có nhiệm vụ phòng giữ địa phương trong lộ.
Ngoài cấm quân và lộ quân là bộ phận do nhà nước tổ chức, và chỉ huy, các vương hầu được phép chiêu mộ quan riêng khi có lệnh vua. Trong chiến tranh chống Mông Nguyên lần thứ hai (1285), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mới 15 tuổi cũng có thể tổ chức một đội quân đông hàng ngàn người. Lực lượng vũ trang của các quý tộc này thường được gọi là “vương hầu gia đồng”, chủ yếu là gia nhân, gia nô. Bộ phận này cũng phiên chế thành đô như Toàn Hầu đô, Sơn Lão đô, Dược Đồng đô v.v...
Khi giặc Mông Nguyên kéo sang, quân vương hầu gia đồng cũng là lực lượng đáng kể. Cuộc hội quân lớn năm 1284 ở Vạn Kiếp có đến hơn 20 vạn người trong đó có quân của nhiều vương hầu như Minh Hiến vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Nghiễn v.v... Nhà sử học Ngô Thì Sĩ ghi: “Lúc nhà Trần đương thịnh, đánh giặc Nguyên nhờ sức các gia nô của vương hầu nhiều lắm”.
Trong chiến tranh, nhà Trần có thể tập hợp được lực lượng quân đội lớn mạnh, đông đảo chủ yếu còn do thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự theo chính sách ngụ binh ư nông. Thư tịch bấy giờ có viết: Việc lấy quân bấy giờ không có số nhất định, chỉ chọn dân binh nào khỏe mạnh thì lấy. Cứ năm người một ngũ, mười người một đô. Khi có việc điều động thì gọi ra; không có việc thì trở về nhà làm ruộng”.
Quân số thời bình, theo Phan Huy Chú thì cả “cấm vệ và các lộ khoảng mười vạn người”. So với dân số đương thời thì số quân trên không phải là ít nhưng quân thường trực tại ngũ theo chính sách ngụ binh ư nông lại ít hơn. Cũng theo Phan Huy Chú thì chính sách này chỉ thực hiện cho các chính binh (quân các lộ): “Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh túc vệ đều cấp bổng hàng năm, số bổng bao nhiêu không rõ. Còn binh các đạo đều chia phiên về làm ruộng cho đỡ tốn lương”. Có thể xem đây là sự kết hợp giữa xây dựng kinh tế và quốc phòng, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và tổ chức vũ trang của thời đại đó.
c) Nâng cao chất lượng binh lính bằng các biện pháp tuyển quân, tuyển tướng, huân luyện binh pháp và rèn luyện tư tưởng. Coi trọng vũ thuật là lối sống của trai tráng các tầng lớp xã hội từ quý tộc đến nô tì. Sử cũ ghi “bây giờ các vương hầu đánh nhau bằng tay không và một mình đi “ăn cướp” thì cho là dũng cảm”. Thượng hoàng Nhân Tông thường nói với các tướng lĩnh “nhà ta vốn là người hạ bạn, đời đời ưa chuộng hùng dũng, thường trổ hình rồng vào đùi, nếp nhà theo nghề võ nên trổ rồng vào đùi là tỏ ra không quên gốc.
Nhà Trần rất coi trọng binh pháp và kĩ thuật quân sự. Năm 1253, Trần Thái Tông lập Giảng Võ Đường để cho các võ quan tập trung học hỏi binh pháp rèn luyện võ nghệ. Giảng Võ Đường là trường cao cấp quân sự đào tạo võ quan.
Lịch sử giữ nước của nhân dân ta đến thời Trần đã có những công trình tổng kết chiến tranh do vị danh tướng thiên tài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tiến hành. Trần Quốc Tuấn là con An Sinh vương Trần Liễu, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258), là tư lệnh tối cao trong hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và thứ ba (1285, 1288) được nhân dân ta đời đời tôn sùng, biết ơn. Trần Quốc Tuấn, soạn hai bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Binh thư diệu lí yếu lược. Tuy văn bản gốc không còn nhưng dựa vào bài hịch viết năm 1284 của ông và lời tựa của Trần Khánh Dư thì rõ ràng Trần Quốc Tuấn đã tìm hiểu và tổng kết kinh nghiệm chiến tranh của Trung Quốc cổ đại từ Xuân Thu đến tận thời Tống, Nguyên. Hai tập sách trên ra đời là bộ giáo khoa quân sự với mục đích mà như ông đã nói với tướng sĩ: “Các ngươi, ai biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy thế là thầy trò đời đời. Ai mà trái lời ta dạy thế là nghịch thủ đời đời”.
Lí luận quân sự của Trần Quốc Tuấn được tổng kết từ bản thân của lịch sử nước nhà từ thời chống Bắc thuộc đến Đinh, Lê, Lý có tham khảo lí luận của Trung Quốc cổ đại được thể hiện trong tư tưởng nổi bật: “Giặc cậy trường trận, ta có đoản binh, lấy ngắn đánh dài là việc thường trong binh pháp. Nếu thấy quân giặc kéo đến ồ ạt như lửa cháy gió thổi thì dễ bề chế ngự. Nếu nó đi chậm như tằm ăn lá, không cần được chống thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm, có thu được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”.
Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên đã thể hiện tổ chức quân đội và chính sách xây dựng lực lượng vũ trang của nhà Trần trong thế kỉ XIII là đúng đắn, sáng tạo. Đó là quân đội có số lượng đông khi cần thiết, có chất lượng tinh vào loại mạnh trên thế giới đương thời. Hàng loạt các chiến thắng Đông Bộ Đầu (1258), Hàm Tử, Tây Kết (1285) và đặc biệt là Bạch Đằng (1288) là hình ảnh tiêu biểu của quân đội Đại Việt thời Trần trong thời kì hưng thịnh.
5. Phương thức tuyển chọn quan lại
Khác với thời Lý, quan lại thời Trần có lương bổng. Năm 1236, Thái Tông quy định lương cho các quan văn võ ở triều đình đến các địa phương, kể cả quan giữ lăng miếu. Đây là bước ngoặt trong tổ chức chính quyền. Năm 1244, Nhà nước lại điều chỉnh lương bổng một lần nữa.
Việc khảo công. Xét thành tích quan lại để thăng thưởng cũng được quy định cụ thể. Cứ 15 năm xét duyệt một lần, 10 năm thăng tước một cấp và 15 năm thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết thì người chánh kiêm chức người phó. Nếu chánh phó đều khuyết thì viên chức trên quản lí luôn chờ khi đủ niên hạn sẽ bổ sung.
Các quan chức ở quán, sảnh, cục thì 15 năm có thể được thăng chức hay thuyên chuyển. An phủ sứ một số lộ đủ niên hạn được xét duyệt làm đại an phủ sứ Thiên Trường. Đại an phủ sứ Thiên Trường đủ niên hạn qua khảo công có thể làm ở thẩm hình viện hay đại an phủ sứ kinh đô Thăng Long.
Nhà nước Trần được xây dựng chủ yếu trên hai cơ sở xã hội là quý tộc họ Trần và sĩ phu. Phương thức tuyển chọn quan trọng là nhiệm tử. Người nắm chính quyền được bổ nhiệm theo họ hàng (mà trước hết là nội tộc). Đây là nguyên tắc chi phối trong triều đại này. Đồng thời nhà Trần còn lựa chọn quan lại qua Khoa cử, qua công lao, thủ sĩ và mua bán bằng tiền. Trừ trường hợp hoạn quan và thầy thuốc thì khác. Trong một số cơ quan đặc biệt như thái y viện dùng thầy thuốc giỏi. Làm việc trong hoàng cung là các hoạn quan. Đôi khi có hoạn quan dốt, không biết chữ như Lê Tông Giáo, làm hành khiển, nhưng không phổ biến.
Phương thức tuyển lựa bằng nhiệm tử, khoa cử và thủ sĩ như trên đã góp phần quy định bản chất thành phần của chính quyền nhà Trần, một chính quyền mà chủ yếu và chủ chốt là của quý tộc họ Trần và sĩ phu Nho học tham gia. Ở các cấp chính quyền địa phương lại có thổ hào và các tầng lớp khác. Chính quyền đa thành phần xã hội trên đã vận động trong sự đấu tranh và dung hòa trong sự chuyển biến đa dạng, phức tạp.
Ở thời Trần, tầng lớp quý tộc đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên cái thế như Trần Thánh Tông thường nói: “Thiên hạ là của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông cùng anh em trong họ hưởng phú quý” làm điểm tựa vững chắc, đáng tin cậy để xây dựng chính quyền. Nhà nước họ Trần đứng trước mâu thuẫn có hai khuynh hướng chủ yếu: một mặt là ra sức tăng cường, bảo vệ quyền lợi dòng họ và mặt khác gặp sự đấu tranh của các tầng lớp xã hội; đồng thời công cuộc quản lí đất nước ngày càng rộng lớn phải mở rộng thành phần. Để giải quyết vấn đề này, từ đầu nhà Trần đã áp dụng chế độ khoa cử và bổ sung bằng phương thức lựa chọn người có tài năng trong giới nho sĩ. Sau lại thêm hình thức nộp tiền tuyển quan. Nhờ vậy đáp ứng được yêu cầu quản lí và điều hành công việc. Thời Lý đã có khoa cử, nhưng đến thời Trần mới có quy củ và mở rộng hơn nhiều. Năm 1236 mở Viện Quốc tử. Năm 1253, Thái Tông xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Viện Quốc tử giảng học ngũ kinh. Năm 1281 lập thêm nhà học phủ Thiên Trường. Sử cũ ghi rõ nhà Trần “định rõ 7 năm một khoa, đặt ra Tam khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy rẫy, so với nhà Lý trước thịnh hơn nhiều”.
Lúc đầu nhà Trần cố duy trì khuynh hướng thứ nhất bằng cách sử dụng thêm hoạn quan ở bậc á tướng mà không dùng sĩ phu. Nhưng quá trình vận động của nhà nước này là kết hợp hai phương thức chủ yếu tuyển lựa quan lại tạo ra một dạng chính quyền có hình thức tổ chức quý tộc quan liêu. Sang thế kỉ XIV thì bộ phận nho sĩ tham gia chính quyền ngày càng nhiều, tiêu biểu như Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Mạc Đĩnh Chi, Thiếu phó Trương Hán Siêu được thờ trong Văn miếu. Phan Huy Chú có nhận xét: “Các bậc tể phụ thời Anh Tông thường thường là nhiều danh thần, về dòng tôn thất có người do công lao danh vọng vào làm tướng; về phái nho học, có người do văn chương học vấn làm chức tể; chỉ có tài là được cất đặt không câu nệ về tư cách [xuất thân]”.
6. Pháp luật
Năm 1230, Trần Thái Tông ban hành bộ Quốc triều thông chế (20 quyển) quy định về tổ chức chính quyền. Sau đó, qua vài lần sửa chữa và bổ sung, nhà Trần lại ban hành bộ Quốc triều hình luật.
Cơ quan luật pháp thời Trần cũng được tăng cường và hoàn thiện hơn. Ở triều đình có thẩm hình viện chuyên xét xử ngục tụng. Năm 1332, Nguyễn Trung Ngạn phụ trách thẩm hình viện lại lập thêm nhà bình doãn xử án. Cuối thế kỉ XIII, nhà Trần lại ban hành bộ Quốc triều hình luật và lập viện đăng văn kiểm pháp (gọi tắt là viện kiểm pháp) lấy các đại thần phụ trách.
Việc tuyển chọn quan chức phụ trách hình án lấy tiêu chuẩn thanh liêm, thẳng thắn. Trần Thì Kiến giữ chức quan kiểm pháp được khen ngợi là: “cương trực, thanh liêm, không ăn hối lộ”. Vua Anh Tông cho cái hốt có khắc bài minh “Núi Thái rất cao, hốt ngà rất cứng, sừng con dê thần làm hốt khó gãy”. Phạm Mai làm quan ở Viện thẩm hình cũng nổi tiếng là “thẳng thắn, bạo nói, có vẻ là gián thần, có trách nhiệm can vua”.
Pháp luật và tổ chức tư pháp thời Trần có mấy đặc điểm sau:
+ Trước hết pháp luật đời Trần khẳng định và củng cố sự phân chia đẳng cấp. Đại quý tộc trước hết là vua và hoàng gia được pháp luật bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi. Riêng với họ hàng nhà Trần nếu phạm tội thì bị xử nhẹ hơn. Ví như đầu năm 1283, thượng vị hầu Trần Lão viết thư nặc danh phỉ báng triều đình bị phát hiện được chuộc bằng 1.000 quan tiền. Gia nô tên là Khoáng đồng mưu thì bị tội lăng trì.
Luật bắt buộc các nô tì phải thích chữ vào trán. Nhà Trần lại xuống chiếu bắt gia nô của các vương hầu, công chúa phải thích chữ mang hàm hiệu của chủ, nếu không bị coi là giặc cướp, nhẹ thì sung làm quan nô mà nặng thì tù. Nô tì không có quyền kết hôn với quý tộc. Năm 1315, Minh Tông còn ra lệnh cấm cha con vợ chồng gia nô trong nhà không được tố cáo nhau. Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên đến nước ta vào đầu năm 1293, có viết trong An Nam tức sự: “Trong nước có một cái lầu, trong đặt quả chuông lớn, dân chúng có ai kêu ca, tố cáo việc gì thì đến đánh vào chuông”. Biện pháp này chắc là chỉ áp dụng cho một số người, một tầng lớp nhất định. Đáng lưu ý là trong xã hội, Phật giáo rất sâu đậm, lề giáo đẳng cấp Nho học - Nho giáo trong nông thôn chưa sâu sắc lắm, ý thức về tông tộc tông pháp trong dân gian hãy còn nông nhạt, phong tục tập quán (ma chay, tang tế) vẫn giữ tính bản địa.
+ Pháp luật thời Trần xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu tài sản, đặc biệt là ruộng đất. Năm 1237, triều đình quy định cụ thể “chúc thư văn khế, nếu là giấy tờ về ruộng đất, vay mượn thì người làm chứng in tay ở ba dòng trước, người bán in tay ở bốn dòng sau”.
Các tội trộm cắp bị xử rất nặng. Lần đầu bị tội đánh 80 trượng, thích chàm vào mặt hai chữ “Phạm đạo” và phải đền cho chủ, cứ 1 phải đền 9. Nếu không đền đủ, phải đem gán vợ con làm nô tì. Tái phạm thì bị chặt chân tay. Tái phạm lần thứ ba thì bị giết.
Ở thời Trận, quan hệ tiền tệ đã công khai thâm nhập vào pháp luật. Lệ thuộc tội bằng tiền được quy định cụ thể: quan xét xử có quyền lấy tiền “cước lực”, (sức chân) tùy đi xa hay gần và tiên “bình bạc” (án phí khi xét xử). Sách cũ có chép “Giết người thì phải đền mạng. Ai bắt được kẻ gian dâm thì có quyền giết chết. Gần đây gian phu lại được quyền nộp 300 quan tiền, dâm phụ về nhà chồng làm nô tì”.
Việc mua bán, chuyển nhượng và gán vợ con làm nô tì là công khai và hợp pháp. Tầng lớp nô, nô tì đông đảo là tầng lớp thấp hèn trong xã hội, bị coi như một “vật” sở hữu.
+ Pháp luật thời Trần chú trọng bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục xu hướng pháp luật thời Lý, pháp luật thời Trần cũng có những điều luật bảo vệ trâu bò và các công trình thủy lợi. Luật nhà nước coi việc xây dựng và sửa chữa đê điều là công việc của toàn dân kể cả triều đình. Vào tháng 6 tháng 7 hàng năm các quan hà đê sứ phải trông coi cẩn thận “nếu biếng nhác không làm tròn nhiệm vụ để đến nỗi dân cư trôi dạt, lúa má bị ngặt sẽ tùy tội nặng nhẹ mà khiếu phạt”.
Rất tiếc bộ hình luật và các văn bản pháp luật khác của nhà Trần không còn nữa. Chúng ta cũng không rõ hiệu lực pháp luật của nhà nước phát huy đến đâu. Chắc chắn vẫn có những hạn chế nhất định, chính Minh Tông cũng nói: “Tử cái luật nan thi” (pháp luật khó thi hành đến lớp người có lọng tía).