Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương
Khi chiến tranh thế giới sắp bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chỉ thị cho cán bộ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp phải nhanh chóng rút vào bí mật và giữ vững liên hệ với quần chúng; phải chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, xây dựng nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng; đồng thời duy trì cơ sở ở thành thị; kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị với phong trào nông thôn.
Sau khi chiến tranh bùng nổ không lâu, ngày 29-9-1939, Trung ương Đảng gửi thông cáo cho các cấp bộ Đảng, nêu một số phương hướng và biện pháp cần kíp trước mắt nhằm chuyển hướng các mặt hoạt động của Đảng. Thông cáo xác định một vấn đề quan trọng trong sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”.
Trung ương Đảng chỉ thị cho các cấp ủy, đảng viên và tổ chức quần chúng phải rút vào bí mật, tạm đình chỉ các cuộc biểu tình, chuẩn bị đội ngũ cán bộ đảng.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, thông cáo của Đảng đã được các cơ sở Đảng thực hiện có kết quả.
Ngày 6-11-1939, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Hội nghị do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì.
Hội nghị phân tích tính chất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai; vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh đó; những chính sách của đế quốc Pháp; thái độ của các giai cấp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Đông Dương trước tình hình mới.

Nguyễn Văn Cừ (Tổng bí thư Đảng năm 1938 đến năm 1940)
Về tình hình thế giới. Hội nghị nhận định cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là sự bùng nổ tất yếu của mâu thuẫn sâu sắc giữa các tập đoàn đế quốc. Chiến tranh sẽ gây nhiều tai họa cho nhân loại, nhưng cuối cùng sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít.
Về tình hình Đông Dương, Hội nghị nhận định Đông Dương sẽ bị lôi kéo vào guồng máy chiến tranh; Nhật xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật; chế độ cai trị ở Đông Dương đã trở thành chế độ phát xít tàn bạo.
Các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Đông Dương đều bị chính sách của chính quyền thực dân làm điêu đứng. Tinh thần chống đế quốc, giải phóng dân tộc càng phát triển mạnh. “Những thảm trạng do đế quốc chiến tranh gây nên sẽ làm cho trình tự cấp tiến hóa và cách mệnh hóa của quần chúng hết sức mau chóng... Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc Chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mệnh Đông Dương nổ bùng...”
Từ sự phân tích như trên, Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. “Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền: Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại, không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa - Cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc”.
Đây là sự chuyển hướng quan trọng nhất về chỉ đạo chiến lược. Để phù hợp với sự chuyển hướng đó, khẩu hiệu cách mạng cũng thay đổi. Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, chống lãi nặng. Khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công, nông, binh được thay thế bằng khẩu hiệu lập chính quyền dần chủ cộng hòa.
Về phương pháp cách mạng, chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp, “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”.
Hội nghị nhấn mạnh việc củng cố Đảng về mọi mặt, quyết định những chủ trương và biện pháp cụ thể như việc lựa chọn cán bộ, kiểm soát việc thực hiện nghị quyết, liên hệ với quần chúng, thực hiện tự phê bình v.v..
Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn phù hợp trong tình hình và nhiệm vụ mới.
Lực lượng tham gia mặt trận bao gồm tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng dân tộc, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập với quyền dân tộc tự quyết. Lực lượng đó bao gồm công nhân nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, trung, tiểu địa chủ.
Hội nghị nhấn mạnh hai nhân tố cơ bản của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương: công nông là lực lượng chính và giai cấp công nhân lãnh đạo. “Sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mệnh”. “Trong cuộc cách mệnh giải phóng dân tộc, giai cấp vô sản cầm quyền lãnh đạo thì vấn đề điền địa mới giải quyết được một cách đúng đắn và thích hợp..., mà vấn đề điền địa có giải quyết được rành mạch thỏa mãn và hợp thời thì cuộc cách mệnh phản đế mới thắng lợi”. Nếu giai cấp vô sản không cầm được bá quyền trong mặt trận, lực lượng chỉ huy của mặt trận yếu thì cách mệnh tư sản dân quyền không giải quyết được nhiệm vụ theo phương pháp vô sản”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng, đánh dấu sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của Đảng. Nghị quyết này góp phần làm phong phú kho tàng lí luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.