Tài liệu: Những phát súng đầu tiền báo hiệu thời kì đấu tranh mới

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Lợi dụng cơ hội nước Pháp bị Đức chiếm đóng, Nhật Bản tăng sức ép với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, từng bước thực hiện ý đồ xâm chiếm Đông Dương.
Những phát súng đầu tiền báo hiệu thời kì đấu tranh mới

Nội dung

Những phát súng đầu tiền báo hiệu thời kì đấu tranh mới

Lợi dụng cơ hội nước Pháp bị Đức chiếm đóng, Nhật Bản tăng sức ép với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, từng bước thực hiện ý đồ xâm chiếm Đông Dương.

Chỉ 4 ngày sau khi Pari thất thủ, ngày 18-6-1940, Nhật gửi thư cho Toàn quyền Catơru yêu cầu Pháp đóng cửa biên giới Việt - Trung, đình chỉ việc vận tải tiếp tế xăng dầu, phương tiện chiến tranh cho Tưởng Giới Thạch theo đường Hải Phòng - Vân Nam.

Ngày 2-8-1940, Nhật yêu cầu Pháp cho quân đội Nhật vào Đông Dương, sử dụng các sân bay để tiến công miền Nam Trung Quốc, và đặt nền kinh tế Đông Dương phục vụ cho guồng máy chiến tranh của Nhật. Ngày 30-8-1940, Pháp và Nhật Bản kí Hiệp định chính trị Tôkiô, trong đó Pháp chấp nhận hầu hết các yêu sách của Nhật.

Ngày 22-9-1940, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chấp nhận thực hiện các điều khoản đã kí kết, nhưng ngày 23-9-1940 quân Nhật vẫn vượt qua biên giới Bắc Kì, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn.

Tuy Pháp bố trí lực lượng ở Lạng Sơn khá mạnh, nhưng chỉ trong 3 ngày, từ đêm 22 đến ngày 25-9-1940, quân Pháp đã thất bại nặng nề. Một số lớn đầu hàng, số còn lại tháo chạy về Thái Nguyên qua đường Bắc Sơn. Chính quyền địch ở những vùng này bị tan rã. Các tri châu Thất Khê, Điềm He, Tràng Định, Bắc Sơn đều chạy trốn. Tri châu Na Sầm bị dân bắt. Tên đôn trưởng Pháp ở Bình Gia vứt súng bỏ chạy.

Không bỏ lở thời cơ, đêm 27 tháng 9, nhân dân Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương đã nổi dậy, chặn đánh tàn quân Pháp, tước Vũ khí của chúng để trang bị cho mình, vận động binh lính người Việt bỏ hàng ngũ địch, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Viên tri châu Bắc Sơn bỏ trốn. Ngụy quyền ở Bắc Sơn tan rã. Nhân dân hoàn toàn làm chủ châu lị và các vùng trong châu. Đội du kích Bắc Sơn được thành lập. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn giành được thắng lợi nhanh chóng.

Cả Pháp và Nhật đều hoảng sợ trước lực lượng cách mạng, nên chúng đã cấu kết với nhau. Nhật trả tù binh và cho Pháp đem quân trở lại đóng các đồn bốt ở Lạng Sơn. Thực dân Pháp tiến hành khủng bố phong trào cách mạng Bắc Sơn. Chúng đốt phá làng bản, đồn làng, tập trung dân, bắn giết những người tham gia khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Bắc Sơn chỉ tồn tại trong vòng một tháng, chỉ diễn ra trên phạm vi một huyện, nhưng có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Khởi nghĩa Bắc Sơn mở đầu phong trào giải phóng của các dân tộc Đông Dương trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi có nghị quyết chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng; mở đầu thời kì cách mạng nước ta sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng. Tiếng súng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước, chứng tỏ nhân dân ta đứng vào hàng ngũ các dân tộc trên thế giới chống bọn phát xít, chống chiến tranh xâm lược. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã giúp cho Đảng Cộng sản Đông Dương rút ra những bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang: chọn thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi và liên tục tiến công.

Sau khi quân đội Nhật vào chiếm đóng Đông Dương 2 tháng, cuộc xung đột Pháp - Thái nổ ra (11-1940). Thực dân Pháp đẩy nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia ra làm bia đỡ đạn cho chúng. Hưởng ứng khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Đông Dương “Không một tên lính, không một đồng xu cho chiến tranh đế quốc”, nhân dân nhiều tỉnh ở Nam Kì và binh lính sôi nổi đấu tranh chống bắt lính, chống đưa lính ra mặt trận.

Xứ ủy Nam Kì họp nhiều lần bàn về khởi nghĩa. Cuối cùng kế hoạch khởi nghĩa dự định vào đêm 22-11-1940, và ngay sau đó Xứ ủy cử đại biểu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương.

Trong thời gian này, Nhật và Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ban chấp hành Trung ương Đảng bị sa vào tay giặc. Một vấn đề cấp bách đặt ra là nhanh chóng lập lại cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ban chấp hành trung ương lâm thời được thành lập do Trường Chinh làm quyền Bí thư.

Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương được triệu tập từ ngày 6 đến 9-11-1940 tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã đề ra chủ trương của Đảng trong tình hình mới. Hội nghị nhận định: do ách áp bức bóc lột của Pháp - Nhật, mâu thuẫn giữa chúng và nhân dân Đông Dương càng trở nên sâu sắc. “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”[1]. Về tính chất cuộc cách mạng lúc này, Hội nghị khẳng định: “Tình thế hiện tại không thay đổi gì tính chất cơ bản của cuộc cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương”[2]. Kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là đế quốc Pháp - Nhật. Chiến thuật của Đảng là tập trung mọi lực lượng phản đế, phản phong ở Đông Dương thành một Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế đánh đổ bọn đế quốc và các hạng tay sai của chúng. “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế là sự liên minh giữa các lực lượng  cách mạng phản đế không phân biệt giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, mục đích là thực hiện việc thống nhất hành động giữa các lực lượng ấy đặng tranh đấu tiến lên vũ trang bạo động đánh đổ đế quốc Pháp - Nhật và các lực lượng phản động ngoại xâm, diệt trừ phong kiến và các hạng phản bội quyền lợi dân tộc, làm cho Đông Dương được hoàn toàn giải phóng”[3].

Hội nghị đã quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, dùng hình thức vũ trang công tác, xây dựng cơ sở cách mạng, khi cần thiết thì chiến đấu chống địch khủng bố, tiến tới thành lập căn cứ du kích, lấy vùng Bắc Sơn, Võ Nhai làm trung tâm, do Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Hội nghị quyết định đình chỉ khi nghĩa vũ trang ở Nam Kì vì điều kiện chủ quan và khách quan đảm bảo cho khôi nghĩa thắng lợi chưa chín muồi.

Nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu, ủy viên Trung ương Đảng trở về Sài Gòn để truyền đạt chỉ thị hoãn khởi nghĩa thì bị bắt và lệnh khởi nghĩa của Xứ uỷ Nam Kì đã về đến các địa phương, không hoãn lại được. Cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra đúng thời gian quy định là đêm 22 rạng ngày 23-11-1940. Khởi nghĩa đã nổ ra ở nhiều vùng từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định), Cai Lậy (Mĩ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Chính quyền cách mạng đã lập nên ở nhiều nơi. Ở một sổ địa phương, chính quyền mới đã tịch thu ruộng đất của địa chủ, phản động chia cho dân nghèo, trừng trị những tên phản cách mạng.

Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp đã kịp thời đối phó. Không quân Pháp ném bom tàn sát nhân dân những vùng nổi dậy như Năm Thôn, Cai Lậy, Chợ Giữa, Càng Long ở Mĩ Tho. Nhiều người bị bắt. Trong thời gian từ 22-11-1940 đến 31-12-1940, ở các tỉnh Gia Định, Mĩ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp bắt 5.848 người. Hàng ngàn người bị đày ra Côn Đảo và đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá. Một số cán bộ lãnh đạo của Đảng bị thực dân Pháp tử hình.

Lực lượng nghĩa quân ít ỏi còn lại đã rút về Truông Mít (Thủ Dầu Một), Bình Hòa, Bình Thành nằm trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố lực lượng.

Trong khi bọn thực dân đang khủng bố dữ dội những người tham gia khởi nghĩa Nam Kì, tại miền Trung những binh lính người Việt trong quân đội Pháp đã đứng lên làm binh biến. Họ chống lại việc đưa binh lính người Việt sang Lào đánh nhau với quân Thái Lan.

Ngày 13-1-1941, binh lính đồn chợ Rạng (Đô Lương, Nghệ An) dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Văn Cung đã nổi dậy. Họ đánh chiếm các đồn Chợ Rạng, Đô Lương, rồi lên ô tô tiến về Vinh định phối hợp với binh lính ở đây chiếm thành. Cuộc binh biến không có sự tham gia của đông đảo quần chúng đã bị dập tắt nhanh chóng.

Trong hơn 3 tháng, ba cuộc nổi dậy đã diễn ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và đều bị thất bại. Nguyên nhân chính là thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, kẻ thù còn mạnh, lực lượng khởi nghĩa chưa được tổ chức và chuẩn bị đầy đủ. Nhưng các cuộc khởi nghĩa đã nêu cao tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, giáng một đòn phủ đầu vào bọn thực dân Pháp, đồng thời cảnh cáo phát xít Nhật.

Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì và binh biến Đô Lương, “đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”[4].

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4651-02-633921707673278750/Cao-trao-van-dong-giai-phong-dan-toc-1939...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận