Tài liệu: Tình hình kinh tế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Bộ phận do nhà nước trực tiếp quản lí: Ruộng đất này tồn tại như tài sản của bản thân nhà vua và hoàng cung, một loại “tư hữu” đặc biệt mà những hoa lợi bóc lột là của riêng của chính hoàng đế.
Tình hình kinh tế

Nội dung

Tình hình kinh tế

1. Các hình thức sở hữu ruộng đất

a. Ruộng đất thuộc sô hữu nhà nước

Sự thống trị của chính quyền nhà Trần trong phạm vi cả nước và uy quyền chuyên chế của hoàng đế đã tạo thành một quan niệm “đất của vua, chùa của bụt”, một quan niệm đã xác nhận sự tồn tại tự nhiên: chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất rất phổ biến:

Có hai bộ phận cấu thành ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước:

- Ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lí.

- Ruộng đất công của thôn làng.

+ Bộ phận do nhà nước trực tiếp quản lí: Ruộng đất này tồn tại như tài sản của bản thân nhà vua và hoàng cung, một loại “tư hữu” đặc biệt mà những hoa lợi bóc lột là của riêng của chính hoàng đế.

Bộ phận ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lí có sơn lăng, tịch điền và quốc khố.

- Sơn lăng, đã có dưới thời Lý, tập trung ở hương Cổ Pháp (Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh), vẫn tồn tại qua thời Trần. Năm Hoằng Định thứ 5 (1604), Bình An vương Trịnh Tùng còn ra lệnh chỉ giữ 284 mẫu 1 sào ruộng sơn lăng để phụng thờ tám vua nhà Lý.

Ở thời Trần, các vua được chôn cất nhiều nơi, nên ruộng sơn lăng cũng rải rác. Các làng Thái Đường, Thâm Động (đều thuộc Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định) Yên Sinh (Quảng Ninh) đều có ruộng sơn lăng. Riêng ở Thâm Đông có lăng vua Trần Minh Tông, ruộng sơn lăng đến thế kỉ XVIII cũng có đến vài chục mẫu.

Một số quý tộc nhà Trần cũng có ruộng sơn lăng. Trần Thủ Độ sau khi chết chôn ở địa phận xã Phù Ngự (làng Ngự, Hưng Hà, Thái Bình), có ruộng sơn lăng duy trì đến cuối thế kỉ XVIII vẫn còn 20 mẫu. “Đầu niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) dân địa phương lấy cớ là phải võng cáng, cung đốn khổ sở, cùng nhau làm tờ khai bỏ tự điền, chỉ lấy hoa lợi 9 mẫu điền nguyên trước cấp cho.

Hoài Đức vương Trần Bà Liệt, con Trần Thừa, khi chết chôn tại quê mẹ ở Trang Liệt (Tiên Sơn, Bắc Ninh) cũng có một khu ruộng mà đầu thế kỉ XX nhân dân địa phương còn gọi là “Trần Triều sơn lăng”. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ruộng sơn lăng của Hoài Đức vương vẫn còn 41 mẫu liền một khoảnh có ghi trong địa bạ làng này. Làng dành riêng chỉ trồng cây. Một văn bản tại địa phương đề ngày 2 tháng 11 năm Thành Thái 13 (1901) ghi rõ “khu sơn lăng của xã, nhất thiết nghiêm cấm chặt cây đốn gỗ. Gỗ chỉ dùng vào việc xây dựng hay sửa chữa đình, miếu, các công trình công cộng”.

Không rõ hoa lợi thu được trên loại ruộng sơn lăng các vương hầu là thuộc triều đình hay của gia đình riêng. Về sau, trong các thời Lê - Nguyễn đều chuyển thành ruộng công do làng xã quản lí, có lẽ bởi nó vốn là ruộng công của triều đình.

Tuy nhiên, tổng diện tích của ruộng sơn lăng rất nhỏ hẹp, không có tác dụng gì đáng kể trong chế độ sở hữu ruộng đất nói chung.

Tịch điền đã có từ các triều đại trước. Các vua Tiên Lê, Lý đều có cày ruộng tịch điền.

Tịch điền là loại ruộng riêng của cung đình. Sử cũ không cho biết các vua Trần đặt ở vùng nào, mà chỉ ghi đơn giản “mùa đông tháng 11 năm Bính Thìn (1316) sai tể thần, tôn thất cùng các quan gặt ruộng tịch điền”. Như vậy là phần lớn các hoa lợi trên ruộng này đều vào kho riêng của vua. Rất tiếc, sử cũ không cho biết thân phận người cày cấy ruộng tịch điền là nô tì, nông nô hay nông dân làng xã. Tổng diện tích ruộng tịch điền cũng rất nhỏ hẹp, không có ảnh hưởng gì quan trọng trong sự phát triển của sản xuất nông nghiệp.

Ruộng quốc khố. Thư tịch cổ như An Nam chí nguyên cho biết thời Trần công điền là quốc khố điền. Các nguồn sử liệu xưa của nước ta hầu như không ghi chép đến quốc khố điền. Chúng tôi vẫn dùng thuật ngữ này để chỉ một loại ruộng do nhà nước trực tiếp quản lí khác với sơn lăng và tịch điền.

Thời Trần, ruộng quốc khố đặt ở Cảo Xã (Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội). Những người cày ruộng quốc khố ở Cảo Xã gọi là Cảo điền hoành. Sử cũ ghi “năm 1230 những người bị tội đồ làm Cảo điền hoành bị thích vào mặt sáu chữ, cho ở Cảo Xã cày ruộng công, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm thu 300 thăng thóc”. Như vậy, phần đáng kể ruộng làng Cảo là quốc khố do những người bị tù tội cày cấy, thân phận của họ rất thấp hèn.

Ruộng đất do nhà nước quản lí không chiếm một số lượng lớn, nhưng cũng là nguồn thu nhập đáng kể của triều đình. Ở đây nhà vua là chủ sở hữu thực sự. Vài ba chữ mà sử cũ ghi là hoành nhi để chỉ người cày ruộng tịch điền, có nguồn gốc tù tội cho ta một ý niệm về sự phụ thuộc thân phận vào chủ ruộng. Đồng thời chi tiết: mỗi người cày 3 mẫu, mỗi năm nộp 300 thăng thóc thể hiện mức bóc lột khá nặng nề dưới hình thức như là tô hiện vật. Có thể cho rằng đây là hình thức bóc lột theo kiểu loại nửa nông nô nửa tá điền. Sự kết hợp phức tạp này cũng là hiện tượng phổ biến đương thời.

+ Ruộng đất công làng xã. Hương là đơn vị hành chính cấp cơ sở của chính quyền nhà Trần cho đến giữa thế kỉ XIV. Do yêu cầu thu tô thuế, điều động nhân lực phục dịch và tuyển lính nên nhà nước thường kiểm kê dân số. Năm 1228, triều đình phái đại thần đi duyệt số đinh phủ Thanh Hóa, quy định “hàng năm, đầu mùa xuân, xã quan khai báo số nhân khẩu gọi là đơn số, rồi sau căn cứ theo số mà định, kê rõ các hạng tôn thất, quan văn giai, quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân tạp lưu, hoàng nam, già yếu, bất cụ, phụ tịch, xiêu tán v.v… Phan Huy Chú cũng ghi “buổi đầu nhà Trần làm sổ hộ tịch, cứ hàng năm lại làm kế tiếp, phép làm rất rõ ràng và kĩ vì là noi theo phép cũ của nhà Lý”.

Việc điều tra dân số chặt chẽ của triều đình (chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng và Thanh Nghệ) ngoài yêu cầu tuyển lính bắt phu còn do việc phân chia ruộng đất công các làng xã để trên cơ sở đó triều đình thu tô và thuế.

Ruộng công các làng xã thời bấy giờ được gọi là quan điền hay “quan điền bản xã”. Năm 1254, triều đình “bán ruộng công, mỗi một diện là 5 quan” đã xác nhận quyền sở hữu ruộng đất công làng xã là thuộc về nhà nước như quan niệm dân gian: “đất của vua”.

Loại ruộng công trên, từ thời Lý, triều đình đã thu mỗi mẫu là 3 thăng, đến thời Trận thì không có ghi chép nào cụ thể. Một thư tịch đương thời ghi đơn giàn “cày ruộng công điền hàng năm phải nộp thóc”. Tuy nhiên dựa vào một số tư liệu ít ỏi và đối chiếu với tình hình của các thế kỉ sau cũng có thể nêu lên mấy suy nghĩ sau đây:

- Hương xã thời bấy giờ có nhiều ruộng công song ý thức bảo vệ bộ phận ruộng đất này cũng như sự chi phối của nhà nước đối với nó còn chưa chặt chẽ. Năm 1254, triều đình ra lệnh công khai bán ruộng công làm ruộng tư và hình như trong một thời gian dài suốt thế kỉ XIII không lặp điền bạ. Có thể cho rằng ruộng công làng xã cũng là một cơ sở kinh tế của nhà nước.

- Tập tục phân chia ruộng đất làng xã và điều kiện cá nhân được nhận phần ruộng như thế nào, không có tài liệu nói rõ. Có lẽ vào thế kỉ XIII - XIV, nhà nước chưa có biện pháp bảo vệ cũng như dân đinh làng xã, chưa cần đề ra biện pháp phân chia theo định kì.

- Một điều rõ ràng là dưới thời Trần không phải số lượng ruộng đất công làng nào cũng bằng nhau và không phải nhân đinh nào cũng được chia đều ruộng đất như nhau, có người không có ruộng đất công cày cấy. Năm 1242, nhà Trần quy định “nhân đinh có ruộng thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn tất cả”. Vậy là trong nông thôn thời bấy giờ có một bộ phận dân cư không được nhận ruộng đất công.

- Nhà Trần cũng đã có chế độ tô thuế cho loại ruộng công của làng xã. Theo sử cũ thì phép định tô thuế đầu tiên được ban bố là năm 1242: “nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc. Có 1 - 2 mẫu thì nộp tiền 1 quan, có 3 - 4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc”.

Ghi chép trên tuy có phần cụ thể, nhưng vẫn chưa đầy đủ, chính xác. Chúng ta cũng chưa thể thông qua đây mà cho rằng những con số trên là tô thuế ruộng công hay thuế ruộng tư. Nguồn sử liệu ở thế kỉ XIX là Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính sử của nhà Nguyễn) thì cho rằng đây là thuế ruộng công, còn ruộng tư thì mỗi mẫu thuế là 3 thăng thóc. Sách An Nam chí nguyên ghi “Thời Lý - Trần công điền có hai loại và chia làm 3 hạng để đánh thuế... Ruộng Thác đao nộp thuế mỗi mẫu 1 thạch thóc, trung đẳng mỗi năm nộp thuế 3 mẫu 1 thạch thóc, hạ đẳng mỗi năm nộp thuế 4 mẫu 1 thạch thóc. Còn đối với ruộng của dân thì mỗi mẫu thu 3 thăng thóc[1].

Nhận xét của tác giả sách Cương mục tuy dựa trên các tư liệu hiếm hoi trên là có thể chấp nhận được. Và như vậy, tô thuế ruộng đất vào thời này chủ yếu là đánh vào ruộng công. Nhân đinh cày ruộng công làng xã phải nộp bằng thóc theo diện tích chia và phải thêm một số tiền nhất định. Cũng rõ ràng là số tiền và thóc mà nông dân làng xã đóng cho nhà nước đã mang một ý nghĩa tổng hợp: vừa là thuế vừa là địa tô.

Mốc tô thuế quy định năm 1242 như trên xem ra rất nặng. Theo thời giá ruộng đất thì một mẫu giá từ 5 đến 10 quan. Như vậy là hàng năm người nông dân phải nộp số tiền bằng từ 1110 đến 115 mẫu ruộng (đối với loại chỉ có 1 mẫu) hoặc từ 1/10 đến 1/20 mẫu ruộng (đối với loại có 2 mẫu)[2].

b. Ruộng đất tư nhân

- Thái ấp - đất phong của quý tộc Trần

Thời Lý “các quan trong, quan ngoài đều không được cấp bổng”, đến thời Trần mới định lệ cấp bổng cho các quan văn võ trong ngoài. Đây là nét khác biệt rất cơ bản về tổ chức nhà nước của hai triều đại. Có thể thấy thêm chính sách ban cấp ruộng đất và bổng lộc của nhà Trần dưới một hình thức tiêu biểu nhất là thái ấp.

Ban cấp thái ấp là chính sách kinh tế quan trọng nhằm tạo ra cơ sở xã hội cho chính quyền Trần. Từ “thái ấp” trong sử cũ không nhiều. Các nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú không dùng từ này. Ngô Sĩ Liên ghi “chế độ nhà Trần các vương hầu đều ở phủ đệ ở hương của mình, khi chầu hầu thì mới đến kinh sư, xong lại về. Như Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chân ở Chí Linh đều thế cả”[3]. Phan Huy Chú viết” xét: những vương hầu triều Trần được mở phủ đệ đều có trại riêng ở hương. Khi có lễ vào chầu thì mới tới kinh, xong việc lại về phủ đệ (như Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Quốc Chân ở Chí Linh, Chiêu Văn ở Thanh Hóa, Quốc Khang ở Diễn Châu). Người nào được triệu làm tể tướng mới ở kinh sư, khi ấy đất ở không định hạn”[4].

Mặc dầu vậy, một văn bản chính thức đương thời được chép khá nguyên vẹn trong các sử cũ là bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng hai lần nhắc đến từ thái ấp: “chẳng những thái ấp của ta bị tước” (bất duy dư chi thái ấp bị tước), “chẳng những là thái ấp của ta mãi mãi lưu truyền” (bất duy dư chi thái ấp vĩnh vi thanh chiên) thì rõ ràng thái ấp là sự thực khách quan, và là của quý tộc họ Trần.

Sau đây là một số thái ấp tiêu biểu trong thế kỉ XIII có chép trong sử cũ mà các tài liệu địa phương ghi nhận.

- Trần Thủ Độ ở Quắc Hương (Bình Lục, Hà Nam).

- Trần Quốc Khang mấy thôn ở phủ Diễn Châu (Nghệ An).

+ Quốc Hương còn gọi là Quắc Thị[5], thái ấp của thái sư tướng quốc Trần Thủ Độ nay là làng Thành Thị, tên nôm là làng Vọc, thuộc huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Vào thời Lê - Nguyễn, Thành Thị thuộc tổng Ngọc Lũ phủ Lý Nhân. Thành Thị cách thành phố Nam Ninh (Tức Mặc xưa) 7km về phía đông nam; cách thị xã Phủ Lý 15 km về phía bắc.

Khi nhà Trần thay thế nhà Lý, Trần Thừa vẫn ở Tĩnh Cương (Hưng Hà, Thái Bình) thì Trần Thủ Độ về Quắc Hương lập thái ấp, vừa để khống chế và tiêu diệt thế lực quan lại nhà Lý trong vùng, vừa bảo vệ mặt bắc hành cung Tức Mặc (sau là phủ Thiên Trường). Thái ấp Quắc Hương rộng bao nhiêu, ruộng đất và cư dân phân bố như thế nào không rõ, nhưng những địa danh và di tích của Quắc Hương thời Trần còn lại rải trên một vùng đất khoảng 3km2, hơi hẹp về đông - tây mà dài về nam - bắc.

Phía đông Quắc Hương là sông Ninh Giang chảy ra sông Hồng, phía tây nay là làng Vũ Bị. Phần bắc Quắc Hương có sông Cụt, một sông nhân tạo đào từ giữa làng chếch theo hướng bắc ra sông Ninh Giang, dài khoảng 150m. Sông Cụt nay đã bị lấp gần hết, vết tích còn lại là một số ao hồ rãi rác và một đoạn sông phía nam xóm Đông Thành đổ vào Ninh Giang. Qua đoạn sông này có một cấu nhỏ mang tên là Cầu Nhà Vua. Sở dĩ gọi là Cầu Nhà Vua bởi lẽ, theo dân gian kể, buổi khởi thủy cầu này do “vua” Trần Thủ Độ cho xây dựng để qua lại từ bên dinh thự sang xóm Đồng Thành. Sông Cụt hợp vào sông Ninh Giang là Đường giao thông thủy chuyên chở nguyên vật liệu để xây dựng phủ đệ, thóc gạo về thái ấp và ngược lại.

Gần cầu nhà Vua, về phía nam là khu ruộng có tên là Nền nhà Vua hay Dinh Vua. Nền nhà Vua là nơi ở của chủ thái ấp Trần Thủ Độ và con cháu. Nền nhà Vua nay chỉ còn là địa danh, cả nền nhà đá bị san bằng làm khu ruộng thấp cấy lúa mang địa danh mới là Ruộng Vua.

Phía nam Nền nhà Vua, khoảng giữa làng có một di tích kiến trúc là Đình Cả. Theo cách nói của dân gian thì đây là nơi làm việc của quan “Thượng phụ” hay của “Trần hoàng thúc”. Đình được xây dựng trên một khoảng đất cao hơn mặt đất xung quanh đến 5m. Sau khi Trần Thủ Độ mất thì đến thời Lê nơi này thành nơi thờ ông[6].

Sát cạnh Đình Cả là nhà Giảng Võ. Nhà đã bị triệt hạ từ rất lâu, nay chỉ còn là ruộng lúa. Phía nam, cách Đình Cả 100m là khu Cột Cờ. Khu Cột Cờ là khoảng đất rộng 3 sào Bắc bộ, cao hơn mặt ruộng xung quanh 0,50m. Chính giữa nổi cao một gò đất rộng gần 1 sào, có tên gọi là Chân Cột Cờ Tại khu Cột Cờ này, khảo cổ học đã tìm thấy một số con giống bằng đá như chó đá, nghê đá, rùa đá. Cách cột cờ hơn 50 m về phía tây nam là một đám đất vuông 40m2 có tên là Lá cờ.

Gần khu Cột Cờ về phía đông là nền nhà Cương, có người gọi là Khu cột ngựa. Nhà Cương bị phá từ rất lâu, nhưng nền nhà còn lại với diện tích 2 sào Bắc bộ, cao hơn mặt ruộng 0,40m. Đây là dãy nhà nuôi ngựa, kho binh khí của hoàng thúc Trần Thủ Độ.

Khoảng giữa khu Cột Cờ và nền nhà Cương là Gò Con Quy. Gò cao 1m, rộng gần 1 mẫu Bắc bộ. Trên gò hiện còn một rùa đá cụt đầu. Tục truyền đây là “rùa thần” của Trần hoàng thúc. Rùa đá bị giặc phương Bắc khoét mắt chặt đầu. Phía bắc khu Cột Cờ là khu Gò rẻ quạt. Gò rẻ quạt có 5 gò nhỏ tỏa ra như cánh quạt. Các gò này hiện còn dấu tích. Theo nhân dân địa phương thì đây là khu luyện tập binh lính và võ thuật.

Khu Vườn Hoa ở phía nam làng. Cũng có người gọi là Vườn dược bởi vì vườn này có nhiều cây thuốc.

Phía tây nam khu Vườn Hoa là khu Gác Chuông, rộng khoảng 3 sào, cao hơn mặt đất nằm sát chân thành Ngoại. Nhiều người cho rằng đây là trạm canh gác ngày xưa.

Đình Cả, khu Cột Cờ, nền nhà Cương và vườn Hoa ... đều nằm trong một diện tích khoảng 20 mẫu.

Về phía tây, làng có mộ táng nằm sát chân thành Nội. Mộ táng xếp hình cũi lợn, giữa là tro than.

Quắc Hương còn có di tích 2 thành đất mang địa danh là thành Nội và thành Ngoại. Từ phía bắc khu Nền nhà Vua, thành Nội chạy dọc theo phía tây làng mà vết tích là con Đường nhỏ dài khoảng 800m. Chân thành Nội phía bắc còn lại là một gò đất cao hơn mặt ruộng 1m có chiều dài 20m, mặt trên rộng 5 đến 6m (nay nằm trong khu nghĩa địa làng). Chân thành Nội phía nam nằm bên tây Đình Cả là một gò đất dài 15m, cao hơn mặt ruộng 1m, cách sông Ninh Giang về phía đông hơn 350m.

Thành Ngoại cách thành Nội 100m về phía tây. Theo các cụ già địa phương thì thành Ngoại là Đường ngăn giới 2 làng Vũ Bị và Thành Thị ở phía bắc, đến cánh đồng trắng phía tây làng. Hiện nay dấu vết còn lại của thành Ngoại là một gò đất cao hơn mặt ruộng 1,5m, rộng 20m, chân gò có nhiều sỏi và đá cuội mà nhân dân địa phương vẫn gọi là Chân thành Ngoại ở khoảng giữa phía tây làng.

Ngoài ra trên đồng làng Thành Thị còn có địa danh Vườn Quan hay đồng Thượng Phu. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy mô hình nhà 4 mái bằng đất nung.

Như vậy Quắc Hương có nhiều nét như một địa điểm quân sự, mà chủ thái ấp có uy quyền như một ông vua nhỏ. Rất tiếc các tư liệu về hoạt động kinh tế ở đây lại quá ít.

Một số thái ấp khác cũng có kiểu dáng gần giống như trên. Thái ấp của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, con vua Thái Tông Trần Cảnh ở châu Diễn. Sử cũ ghi cụ thể “Quốc Khang từng trông coi châu Diễn, chọn con gái trong châu người nào có sắc đẹp lấy làm nàng hầu vợ lẽ, cho nên các con thứ như Huệ Nghĩa, Quốc Trinh đều do người châu Diễn sinh ra. Về sau, chức tri châu Diễn Châu đều là con cháu của Quốc Khang làm cả; đến khi dòng giống không có con trai mới dùng người bán châu làm tri châu”. Theo tư liệu địa phương thì khu thái ấp của Trần Quốc Khang là làng Công Trung (Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An)

Thái ấp của thượng tướng Trần Quang Khải nay thuộc vùng đất của hai làng Cao Đài và Lương Mĩ ở sát nhau (đều thuộc xã Mĩ Thành, Bình Lục, Hà Nam). Trên vùng đất này còn có vết tích của thành hào và tấm bia Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tịnh tự (do Lê Củng Viên soạn).

Nguồn đất ban đầu của thái ấp thuộc quyền sở hữu Nhà nước, nhưng khi ban cấp thành thái ấp thì thái ấp thuộc chiếm hữu tư nhân các quý tộc. Thái ấp là vùng đất riêng của các quý tộc Trần. Theo những tài liệu còn lại như Quắc Hương, Tinh Cương (Hưng Hà, Thái Bình), Linh Giang, Công Trung thì quy mô thái ấp khoảng bằng một hai làng mà thôi.

Thái ấp thời Trần cũng là nơi ở thường xuyên của quý tộc và “mãi mãi được lưu truyền!” (lời Trần Hưng Đạo). Tuy nhiên, thái ấp rất phân tán. Sự phân bố thái ấp thời Trần hoàn toàn không giống như bộ phận lãnh địa các nước phương Tây trung cổ “không có đất nào là không có chúa đất”. Ở Đại Việt, thái ấp chỉ có phạm vi hẹp, tỉ lệ nhỏ so với ruộng đất và dân cư trong cả nước. Trên bản đồ đất nước bấy giờ, thái ấp chỉ là những điểm nhỏ bé và thưa thớt ở vùng đồng bằng, không đủ khả năng tạo ra một mối liên kết kinh tế - xã hội riêng biệt đối lập với triều đình, mà ngược lại sự tồn tại của nó phải gắn chặt với triều đình, với dòng họ Trần.

Điền trang

Năm 1266, do nhu cầu khẩn trương mở rộng thêm diện tích canh tác và thực hiện chủ trương xây dựng củng cố thêm thế lực của quý tộc Trần, “cho các vương hầu công chúa, phò mã cung tần chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang lập điền trang. Vương hầu có điền trang thực bắt đầu từ đấy”.

Sự thực thì điền trang có từ trước, song còn lẻ tẻ, rời rạc, chưa thành một lực lượng kinh tế to lớn của cả tầng lớp quý tộc. Có thể nói rằng trang An Lạc là điền trang được hình thành vào loại sớm nhất. Một tài liệu địa phương ghi “xã An Lạc trước là do đất bồi. Vương phụ của Quốc Tuấn là An Sinh vương mộ dân khai khẩn lập ấp. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn có công lớn bình Nguyên nên cho lập sinh từ ở đấy”. An Lạc là nơi chôn cất tro xương hỏa táng của Trần Quốc Tuấn.

Điền trang An Lạc nay là làng Bảo Lộc (Bình Lục, Hà Nam) cách Tức Mặc hơn 3 km về phía bắc. Hiện nay ở đền Bảo Lộc nơi thờ Trần Liễu và Trần Quốc Tuấn còn một quả chuông khắc dòng chữ “An Lạc từ chung” (chuông đền An Lạc) . Theo nhân dân địa phương thì trang An Lạc xưa có gần 500 mẫu, sau bị lở xuống sông Châu nay chỉ còn mấy sào. Thần tích các đến thờ An Sinh vương Trần Liễu ở các làng Thọ Lão, Tiến Thịnh (Mê Linh, Vĩnh Phúc) cũng cho biết ông đã chiêu dân lập trang trại trên vùng đất này.

Nhiều tư liệu địa phương cũng cho biết bản thân vua Trần cũng lập vùng đất tương tự như điền trang. Vào khoảng sau cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất, Trần Thái Tông về lộ Trường Yên lập hành cung Vũ Lâm. Đây là vùng đất rộng lớn (ngày nay bao gồm các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Ninh Vân huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Những di tích và địa danh còn lại như Hành Cung (nơi vua ở) làng Tuân Cáo (kiểm soát người qua lại) bến Hạ Trạo (hạ mái chèo) vườn kho đã nói lên hoạt động của vùng đất này vào thời đó. Trong khu vực hành cung có thôn Văn Lâm là do Thái Tông lập ra ruộng đất khai hoang được 155 mẫu[7].

Di tích còn lại của xóm nhỏ Viên Thôn, xã Cổ Nhuế (ngoại thành Hà Nội) cũng giúp ta có thể hình dung một trang viên đời Trần. Viên Thôn xưa là một phần điền trang của công chúa Trần Khắc Hãn, có tên nôm là bà chúa Móc. Ở đây có ngôi miếu nhỏ mang tên là Viên Thôn linh từ và cánh đồng 81 mẫu gọi là đồng Móc.

Ghi nhớ trên cho biết bà công chúa Trần Khắc Hãn đã theo lệnh khẩn hoang năm 1266 lập điền trang ở vùng Cổ Nhuế. Điền trang này có khoảng 250 mẫu ruộng có chùa Thánh Quang.

Vùng Tô Xuyên (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng là điền trang thời Trần. Sau năm 1266, phò mã Hưng Mĩ hầu họ Vũ chiêu tập dân nghèo về vùng lưu vực sông Hóa khai khẩn ruộng đất. Đây là vùng đất phù sa, trồng lúa thuận lợi. Vào lúc nhân dân ta tiến hành chống quân Nguyên (1285, 1288) thì điền trang này đã phát triển “là đồn trú quân, xây dựng kho lương”. Đến cuối thời Trần thì “con cháu Hưng Mĩ hầu đã chiêu mộ binh sĩ lập đồn để khôi phục quốc tộc chống lại họ Hồ, chứ không thành binh sĩ trở về làm dân thường”.

Tư liệu địa phương thôn Phất Lộc (xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình) cho biết bà công chúa Bảo Hoa con vua Duệ Tông chính là người lập ra điền trang Phất Lộc. Nơi bà Bảo Hoa ở nay chính là mảnh đất có tên là “Miễn hoàn điền” về sau có ngôi đền thôn Phất Lộc thờ Bà cũng vào khoảng thời gian này. Điền trang Vô Hoạn phủ Thiên Trường (nay thuộc Nam Ninh, Nam Định) do quý tộc Trần Chiêu Đức thành lập. Như vậy đến nửa sau thế kỉ XIV điền trang vẫn tiếp tục được thành lập ở vùng ven biển thuộc châu thổ sông Hồng.

Điền trang được thành lập là điểm dân cư tiêu biểu cho hình thái kinh tế xã hội thời Trần. Trong những điểm dân cư trên, ruộng đất được chia thành từng phần nhỏ lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất. Bài văn Trần triều công chúa nghi của Viên Thôn linh từ có chép:

“Thổ điền quân cấp mỗi nhà

Đội công đức chúa biết là đến đâu”.

Những nô ở đây có nhiều thân phận khác nhau, có người là nô tì, có người là nông dân lệ thuộc hoặc là “nô tì hai ba năm sau khi khẩn thành ruộng cho họ lấy nhau mà ở ngay đấy”. Mối liên kết cư dân ở đây vẫn lấy họ hàng, xóm “giáp” làm cơ sở, hình thức bóc lột người lao động ở đây chủ yếu vẫn là địa chủ - tá điền có xen lẫn lối bóc lột nông nô - nô tì đa dạng phức tạp.

Điều lệ lập điền trang năm 1266 đã đẩy mạnh sự phát triển sở hữu lớn của các quý tộc Trần, tạo thêm một bước chuyển biến mạnh mẽ mở rộng cho hình thái kinh tế phong kiến.

Tuy thuộc vào loại hình sở hữu lớn, nhưng diện tích điền trang cũng không nhiều lắm. An Lạc, Văn Lâm, Viên Thôn, Tô Xuyên v.v. đến ngày nay cũng chỉ là thôn làng. Ruộng đất An Lạc khoảng 500 mẫu là nhiều nhất. Văn Lâm và Viên Thôn thì từ 150 mẫu đến 250 mẫu. Điền trang thế kỉ XIII – XIV của các quý tộc Trần không hoàn toàn như lãnh địa theo kiểu phương Tây: có khu đất riêng của chúa đất (domaine) tách biệt với phần ruộng của nông dân. Điền trang thời Trần là khu vực kinh tế hỗn hợp của những hình thức bóc lột nông nô, nô tì và nông dân lệ thuộc. Tuy nhiên, về mặt nào đó cũng như thái ấp, kinh tế điền trang không hoàn toàn phân tán, bóc lột tô lao dịch (có mặt gần giống trang viên châu Âu đương thời).

Từ năm 1266 trở đi, bản thân tầng lớp quý tộc đã dựa vào hai tổ chức kinh tế cơ bản: thái ấp và điền trang mà phát triển vững vàng đến giữa thế kỉ XIV. Điền trang và thái ấp là hai bộ phận quan trọng có ý nghĩ quyết định tính chất loại hình sở hữu ruộng đất phong kiến quý tộc thời bấy giờ.

Ruộng đất tư hữu của địa chủ

Năm 1254, một thời điểm quan trọng đánh dấu sự phát triển của ruộng đất tư hữu, triều đình ra điều lệnh “bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền cho nhân dân làm của tư”. Hẳn đây là đòi hỏi của tư hữu ruộng đất, nhưng việc làm của triều đình đã mở rộng cửa cho ruộng đất tư hữu và sự thay đổi của các chủ sở hữu.

Tiền tệ, đã thâm nhập mạnh mẽ vào ruộng đất. Ruộng đất đã trở thành hàng hóa mua bán trao đổi, tạo ra cho xã hội một tầng lớp đặc biệt địa chủ thường hay địa chỉ thứ dân và một tầng lớp tiểu nông tư hữu nhỏ phổ biến trong xã hội.

Vào đầu thời Trần, chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân đã mở rộng. Việc mua bán và tranh chấp ruộng đất đã có ở nhiều nơi, nên năm 1227, triều đình phải quy định việc điểm chỉ lên các giấy tờ, văn khế mua bán ruộng đất ít lâu sau, triều đình lại ra lệnh: “phàm làm giấy tờ về chúc thư, văn khế ruộng đất và vay mượn tiền bạc thì người làm chứng in tay ở ba dòng trước, người bán in tay ở bốn dòng sau”.

Năm 1248, nhà Trần tiến hành đắp đê trong cả nước. Để bảo vệ quyền tư hữu ruộng đất của dân, chính quyền đã hạ lệnh cho các quan địa phương nếu đắp vào ruộng dân thì phải đo đạc mà đền bù bằng tiền.

Vào đầu những năm 80 của thế kỉ XIII, thì điền chủ nhiều ruộng đất có ở khắp nơi. Nhiều lần triều đình kêu gọi bỏ thóc lúa giúp quân lương. Trong chiến tranh chống Mông - Nguyên lần thứ hai và ba, nhà vua đã ban chức “giả lang tướng” cho nhà giàu nộp nhiều thóc cho triều đình.

Tuy nhiên, sự giàu có cũng như sự bóc lột của tầng lớp địa chủ này không tạo nên địa vị thống trị cao sang được ưu đãi. Họ cũng chỉ được Nhà nước coi là dân thường như một số tầng lớp lao động thấp kém khác. Luật nhà Trần năm 1228 quy định rõ: “Người có quan tước, con cháu được tập ấm mới được ra làm quan, người giàu có khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân đời đời làm lính”. Chính vì vậy mà chúng tôi dùng thuật ngữ địa chủ thường hay địa chủ, thứ dân.

Việc mua bán ruộng đất công khai, hợp pháp lại được Nhà nước ủng hộ bằng pháp lệnh năm 1254 làm cho sở hữu địa chủ phát triển mạnh thêm. Nhưng chính sự mua bán ruộng đất cũng làm cho tính chất sở hữu trong thành phần kinh tế này luôn luôn dao động, không tập trung, không ổn định như thái ấp, điền trang. Sở hữu của địa chủ tuy lớn, nhưng lại phân tán. Đồng thời, giữa sở hữu địa chủ và sở hữu tiểu nông không có hàng rào cách biệt: tiền tệ và các điều kiện khác như gặp khó khăn sa sút có thể tạo ra sự chuyển hóa hai hình thái sở hữu và hai thành phần xã hội này.

Tiểu nông tư hữu

Kinh tế hàng hóa - tiên tệ cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sở hữu ruộng đất tiểu nông. Lệnh bán ruộng công làm ruộng tư năm 1254 cũng là điều kiện cho gia đình tiểu nông mua thêm ruộng đất, quyền lực tiên tệ đã làm chuyển đổi quyền sở hữu ruộng đất. Văn bia Sùng Hưng tự, khắc năm 1293 (xã Tiểu Liên, Mỹ Lộc, Nam Định) ghi hàng loạt các cư sĩ cúng vào chùa vài ba sào đến lớn nhất là 5 sào.

Vậy là đến thế kỉ XIII, việc mua bán ruộng đất đã tương đối phổ biến. Những năm mất mùa đói kém là lúc mà ruộng đất chuyển từ dân nghèo vào địa chủ. Tháng 4 năm 1290 có đói lớn “ba thăng gạo giá 1 quan, nhân dân nhiều nơi phải bán ruộng đất và bán con trai con gái làm nô tì cho người khác, một người giá 1 quan tiền”. Cuối mùa xuân năm 1292, tình trạng mua bán ruộng đất lại dồn dập hơn. Triều đình lại phải ra lệnh quy định thể thức làm văn tự bán đoạn hay đợ ruộng đất, lại “xuống chiếu rằng những người mua dân lương thiện làm nô tì thì cho chuộc lại, ruộng đất và nhà ở thì không theo luật này”.

Sử cũ ghi chép rất ít về sở hữu nhỏ của tiểu nông, tư liệu còn lại về tầng lớp này cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng bên cạnh những nô tì, nông nô, nông dân cày ruộng làng xã cũng đã có nhiều tiểu nông tư hữu có ít ruộng đất. Ruộng đất tư hữu của họ không ổn định. Gặp năm mất mùa đói kém họ lại phải bán con cái, bán ruộng đất cho địa chủ, không ít người lâm vào cảnh làm nô tì, đặc biệt trong hai năm Canh Dần, Tân Mão (1290, 1291) “ngoài Đường nhiều người chết đói”.

Sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất nhỏ thuộc bất cứ hình thái sở hữu nào tiền chủ nghĩa tư bản cũng đều lấy tiểu nông làm đơn vị sản xuất cơ sở. Dù là nông dân cày ruộng làng, cày ruộng tư hữu của quý tộc, địa chủ, cả đến những nông nô thì công việc làm ăn vẫn tiến hành trong gia đình cá thể là chủ yếu. Ruộng của Nhà nước, thái ấp và điền trang của quý tộc, quan lại thì người lao động đều sử dụng hình thức kinh doanh nhỏ dưới dạng tiểu nông.

Sản xuất tiểu nông đã cộng sinh với các loại hình quan hệ sản xuất khác nhau. Các thành phần kinh tế điền trang thái ấp, địa chủ v.v... đều dựa trên sản xuất tiểu nông dưới những hình thức và mức độ bóc lột khác nhau. Và trên một hàm nghĩa rộng lớn hơn: nông dân “tự do”, nông dân tá điền, nông nô (mà trong đó không loại trừ một bộ phận gọi là nô) đã hòa vào nhau lập thành một thành phần kinh tế - xã hội rộng lớn. Nó sẽ góp phần rất lớn cùng với sở hữu ruộng đất Nhà nước, hạn chế sự phát triển của điền trang thái ấp, hạn chế con Đường phong kiến theo kiểu lãnh địa bóc lột nông nô trong thế kỉ XIII và các thế kỉ sau.

2. Công cuộc trị thủy

Đê đỉnh nhí và dòng kênh tiêu úng

Ở thời Lý công việc trị thủy vẫn do các địa phương tự lo liệu, tự góp tiền của, nhà nước chỉ đóng vai trò chỉ đạo và quản lí một số đê, chủ yếu là xung quanh Thăng Long. Mấy chục năm đầu thế kỉ XIII thì hầu như việc trị thủy bị bỏ bê trễ, không được lưu tâm thích đáng.

Nhà Trần vừa nắm chính quyền đã có biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, mở rộng thêm diện tích canh tác. Triều đình đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích nông nghiệp, trong đó có tổ chức làm thủy lợi trong phạm vi cả nước.

Những “đê vùng” thời Lý trong đó có đê Cơ Xá bảo vệ kinh thành vốn có nhiều hạn chế từ trước. Đến những năm 20 của thế kỉ XI, nhiều khi nước sông Hồng ngập tràn đến thành Đại La, nhà Lý phải cho đắp chân thành bằng gạch để chống nước lụt xói lở. Những đê vùng có nhược điểm là không chống lụt được toàn diện, ngược lại có khi còn sinh ra mâu thuẫn gây bất lợi cho vùng khác. Ngay trong thời Trần Thái Tông, có lần nước lụt vào cung điện như tháng tám năm 1238, nước to tràn vào vở cung Thường Xuân, tháng 9 năm 1243 nước to phá vở thành Đại La, tràn vào thôn xóm, cung điện.

Nhà Trần ý thức được rằng muốn bảo vệ mùa màng, nhà cửa, tính mạng một cách ổn định lâu dài phải có quy hoạch đắp đê quy mô theo cả dòng sông. Năm 1248, Thái Tông đặt cơ quan hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách việc đê điều ở các lộ phủ lại xuống chiếu đắp đê. Sử cũ ghi: “Đắp đê để giữ nước sông gọi là đê quai vạc, đắp suốt từ đầu nguồn cho tới bờ biển để ngăn nước lũ tràn ngập. Đắp đê quai vạc bắt đầu từ đấy”.

Đây là một công việc quan trọng, một bước ngoặt to lớn trong lịch sử thủy lợi nước ta. Nhà nước trực tiếp tổ chức đắp đê trên các triền sông và có cơ quan chuyên trách chỉ đạo và quản lí đê điều. Triều đình đã bỏ ra một số tiền không ít chi tiêu cho công trình vĩ đại này. Đoạn đê nào lấn vào ruộng đất tư nhân đều được đền bù “đo xem đắp vào bao nhiêu ruộng của dân thì theo giá trả tiền”. Cho đến ngày nay, nhiều địa phương ở vùng sông Hồng vẫn còn đê quai vạc, hay đỉnh nhĩ. Tại làng Quang, xã Thọ Vinh (Kim Thi, Hưng Yên) hiện có một cống gạch xây cuốn, dài khoảng 15m tại đầu đình làng xuyên qua đê sông Hồng cũ, nhân dân địa phương vẫn gọi cống này là cống Đinh nhĩ.

Việc đắp đê đỉnh nhĩ không chỉ dành riêng cho vùng đồng bằng sông Hồng mà còn thực hiện cả ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Năm 1255, triều đình cử Lưu Miễn tổ chức bồi đắp đê ở Thanh Hóa. Đê đỉnh nhĩ không phải là công trình mới hoàn toàn và cũng không phải chỉ đắp một lần là xong. Ở một số nơi, trên cơ sở những đoạn đê “vùng” cũ nhà Trần đã cho đắp nối lại, hợp nhất thành tuyến từ đầu nguồn đến biển. Công việc ở đây chủ yếu là đắp thêm các đoạn nối, tôn cao hơn cho to vững.

Thư tịch cũ mô tả đê sông Hồng “ở bên kia sông Phú Lương đều có đê ngăn nước. Một con đê chạy từ sông Đáy đến vùng Hải Triều (Hưng Yên), một con đê chạy từ sông Bạch Hạc đến các sông Lô, sông Đại Lũng, đến cửa Mạch, cửa Ninh (Ninh Cơ) thì đứt. Mỗi bên cao ba thước, rộng năm trượng”.

Đê đỉnh nhĩ ra đời thể hiện một bước tiến toàn diện về sức mạnh nhà nước, về tổ chức xã hội. Nó có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Rõ ràng các địa phương cục bộ không thể tự liên kết để cùng tiến hành xây đắp đê điều. Ngược lại, có khi vì quyền lợi cục bộ lại làm cho họ xa rời hay mâu thuẫn với nhau. Hoàn thành việc đắp đê đỉnh nhĩ chính là sự thành công trong việc tạo ra mối liên kết chặt chẽ để huy động nhân lực và của cải nhằm giải quyết khó khăn trong cả nước. Kể từ năm 1248 trở đi “năm nào cũng vậy, cứ đầu năm các quan coi đê phải lo đốc thúc nhân dân phụ cận, không kể sang hèn, già trẻ đều phải đi đắp. Chỗ nào đê thấp thì tôn cao lên, chỗ lở thì bồi đắp lại. Đến mùa hè thì tất công. Đây là công việc làm hàng năm”.

Đắp đê ngăn nước mặn cũng là công cuộc mới mẻ ở thời Trần. Các nhà quý tộc thường cho nô tì đắp đê ở bãi biển lập điền trang.

Hộ trúc đê điều vào mùa lụt hàng năm cũng là công việc rất khẩn trương. Triều đình quy định khi có lụt cần hộ đê thì phải lo chung, kể cả học sinh Quốc tử giám, con em các quý tộc đại thần. Sử cũ có ghi sự kiện hộ đê năm 1313 khá sinh động. Năm ấy nước sông lên to, Trần Minh Tông thân đi hộ đê. Một quan ngự sử can ngăn “Bệ hạ nên chăm lo sửa sang đức chính, đắp đê là việc nhỏ, đi xem làm gì”. Hành khiển Trần Khắc Chung đáp lại: “Phàm dân gặp nạn lụt, người làm vua phải lo cấp cứu cho, sửa sang đức chính cũng không gì to bằng việc ấy, cần gì phải ngồi yên lặng mới gọi là sửa sang đức chính”.

Công cuộc xây dựng thủy nông cũng được nhà Trần chú ý. Ở những vùng Thanh Hóa và Nghệ An là nơi có nhiều công trình thủy nông. Năm 1281 nhiều dòng sông bị tắc, vua Thái Tông sai hoạn quan Nguyễn Bang Cốc đem quân bản phủ đào kênh Trầm, kênh Hào từ Thanh Hóa đến Diễn Châu. Công việc nặng nhọc, khó làm; xong việc, Nguyễn Bang Cốc được phong là Phụ Quốc thái úy.

Năm 1248, Nhân Tông lại cho đào sông Mã, sông Lễ và đục núi Chiếu Bạch ở Thanh Hóa. Đây cũng là công việc tốn sức, tốn của. Riêng đục núi Chiếu Bạch tạo thành một con kênh chạy theo hướng bắc nam, dài hơn 8km từ sông Hoạt (chỗ sát Cầu Cừ) đến sông Lèn (tại làng Bình Lâm) mà dân địa phương gọi là sông Đá Bạch nhằm tiêu nước vùng Tống Giang (Hà Trung, Thanh Hóa) là công trình lớn.

Năm 1256, triều đình lại cho khơi lại sông Tô Lịch nhằm bảo đảm giao thông đồng thời để tưới tiêu cho các vùng xung quanh kinh thành. Sang thế kỉ XIV nhiều công trình thủy nông vẫn được tiếp tục xây dựng. Năm 1355 và 1357 Dụ Tông cho đào sông ở Thanh Hóa và Nghệ An. Năm 1374, triều đình còn cho nạo vét những sông đào từ Thanh Hóa đến cửa biển Hà Hoa (Kì La, Kì Anh, Hà Tĩnh). Đến năm 1582, triều đình cho đào tiếp sông ở Tân Bình và Thuận Hóa.

Trên đây là những công trình trị thủy và thủy nông do nhà nước tổ chức xây dựng. Chắc chắn còn nhiều đê đập, kênh ngòi mà nhân dân tự làm lấy để bảo vệ thành quả sản xuất của mình.

3. Mấy nét về kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp

a. Thủ công nghiệp.

- Thủ công nghiệp Nhà nước.

Nhà Trần vẫn tiếp tục xây dựng quan xưởng thủ công nghiệp nhà nước. Thủ công nghiệp nhà nước gồm có nhiều ngành nghề khác nhau, là thành phần kinh tế quan trọng. Có thể kể đến những ngành nghề sau:

+Nghề sản xuất các đồ gốm là bộ phận trong quan xưởng. Khảo cổ học không tìm thấy nhiều di tích sản xuất gốm ở Thăng Long, nhưng ở Thiên Trường thì rất phong phú. Tại đây, phế tích gạch ngói mang chữ “Vĩnh Ninh trường” hay “Thiên Trường phủ chế” rất nhiều. Trên Địa phận thôn Bối xã Mỹ Thịnh (ngoại thành Nam Định) xưa thuộc hương Tức Mặc, khảo cổ học tìm thấy nhiều chồng bát đĩa phế phẩm, nhiều bao nung và vết tích lò gốm. Lò gốm trong các quan xưởng này sản xuất các đồ dùng gia đình: chén bát, đồ thờ cúng và các vật liệu xây dựng như gạch, ngói...

+ Nghề dệt cũng được nhà nước chú ý, đặt ngay trong cung đình. Đồ dệt của nhà Vua chủ yếu vẫn là tơ tằm. Tiếng động của khung cửi thường vang đến cung vua. Trần Nhân Tông có viết:

“Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ”.

(Thức dậy, tiếng chày đập vải tơ đã vắng ngắt.

Bóng trăng vừa hé gọi trên chùm hoa mộc”.

+ Xưởng chế tạo vũ khí.

Một tài liệu địa phương ở Nho Lâm (Diễn Châu, Nghệ An) có ghi chức nghiệp của ông tổ họ Cao là “Trần triều vũ khố tượng cục Cao tướng công”[8] thì rõ ràng ông thợ rèn họ Cao này làm việc trong xưởng rèn vũ khí của nhà nước. Nho Lâm từ xưa đã là làng chuyên rèn sắt, có nhiều thợ thủ công làm việc trong các quan xưởng của các triều đại.

Quan xưởng nhà nước có từ thời Lý - Trần và tồn tại đến thời Lê - Nguyễn. Thợ làm việc trong quan xưởng đều có thân phận thấp kém, được gọi chung là quan nô. Với phương thức lao động cường bức, người thợ bị trói buộc vào chính quyền. Sản phẩm làm ra nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng cho cung đình và quan lại không phải là thương phẩm. Sự tồn tại của nó không có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hóa.

Triều đình còn tập trung thợ giỏi trong nước để tạo ra một số công trình lớn. Sự mở rộng của phương thức này càng tăng thêm tính chất tự cấp tự túc trong nền kinh tế nói chung. Hoàng cung giống như một hộ gia đình lớn có ruộng đất riêng lại có quan xưởng riêng.

Thủ công nghiệp nhân dân

Đây là bộ phận quan trọng và phổ biến của tiểu thủ công, của tiểu nông. Chợ, phố, lị sở, các phủ lộ và kinh đô Thăng Long là địa điểm trao đổi sản phẩm.

Từ những tư liệu địa phương rất ít ỏi, có thể nêu mấy nét phác họa về thủ công nghiệp nhân dân trong vài nghề thiết yếu như:

- Gốm: sản phẩm đồ gốm bao gồm các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, các vật liệu xây dựng không thể thiếu được trong đời sống, phải kể đến Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là trung tâm làm gốm nổi tiếng nhất cả nước. Có thể khẳng định rằng vào thời Trần, gốm Bát Tràng đã lưu thông rộng lớn trên thị trường. Nghề gốm Bát Tràng chính do dân Bồ Bát (Tam Điệp, Ninh Bình) di cư ra lập nghiệp. Phường gốm này đầu tiên gọi là Bạch Thổ, sau mới đổi là Bát Tràng. Dân Bát Tràng vào thời ấy phần lớn làm gốm. Gốm Bát Tràng là đồ sành men trắng ngà, men nâu, những đố đàn và gạch ngói. Hàng Bát Tràng tinh vi, đẹp, được làm đồ cống phẩm bang giao và buôn bán với nước ngoài.

Thổ Hà và Phù Lãng (Bắc Ninh) cũng là những làng gốm.

- Nghề rèn sắt. Vào thời Trần, nghề rèn sắt đã phát triển mạnh, hình thành nhiều làng chuyên nghiệp. Ở các phủ Diễn Châu, Nghệ An có hai làng Tùng Lâm và Hoa Chàng. Tùng Lâm nay là Nho Lâm (Diễn Châu, Nghệ An)[9] nơi có nghề rèn sắt từ thời xa xưa. Người thợ rèn ở đây vừa làm ruộng, vừa rèn sắt. Lò rèn được đặt ở nơi cư trú và quặng sắt lấy ở núi thuộc khu vực Trường Sắt cách Nho Lâm về phía nam hơn 10 km.

Vào cuối thế kỉ XIV nghề luyện sắt từ Hoa Chàng (nay là Trung Lương, Hà Tĩnh) truyền ra phía bắc lập làng rèn Hoa Chàng mới (nay là Vân Chàng, Nam Định).

- Nghề đúc đồng cũng có một vị trí to lớn, Trung tâm đúc đồng cổ truyền thời bấy giờ ở làng Bưởi (làng Đại Bát, Gia Long, Bắc Ninh). Từ làng Bưởi, những người thợ đúc đồng đã đi khắp nơi, đến các chùa chiền, các thôn xóm đúc tượng Phật và làm đồ dùng gia đình v.v…

- Nghề làm giấy và khắc bản in. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và yêu cầu của văn thư hành chính đòi hỏi nghề làm giấy và khắc bản in phải ngày càng mở rộng. Vua Anh Tông khi làm thái thượng hoàng đã tặng chùa Siêu Loại 500 hòm kinh Đại Tạng.

- Nghề mộcxây dựng ở thời Trần cũng rất phát triển.

Nghề mộc và xây dựng đã tạo ra được nhà ở, dụng cụ gia đình và đồ thờ cúng. Nó đã làm nên đô thành Thăng Long, hoàng cung Tức Mặc, các phủ đệ Vạn Kiếp, Quắc Hương, An Sinh... các lăng mộ vua chúa. Những công trình kiến trúc tiêu biểu này đã tô điểm cho đất nước thêm tươi đẹp.

Tiếc rằng không có tài liệu nào ghi chép về nhà ở dân gian thời bấy giờ, có lẽ là đa số nhà ở của dân thường vẫn là tranh, tre nứa lá và tường đất đơn sơ,

- Nghề khai khoáng: Khai thác tài nguyên trong lòng đất đã được các triều đại Lý - Trần đặc biệt lưu ý. Hầu hết các mỏ được khai thác trong thời này đều ở miền núi phía tây và phía bắc. Thư tịch cổ cho biết các phủ châu Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Oai có các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, diêm tiêu.

Tài liệu về khai khoáng thời kì này hiếm hoi, không thể hình dung cụ thể hơn. Qua vài chi tiết có thể cho rằng phương thức khai mỏ đương thời là bằng thủ công và chủ yếu là do dân địa phương khai thác. Sản phẩm làm ra một phần nộp cho nhà nước là “cống nạp” hay dưới dạng thuế và phần còn lại bán trên thị trường.

b. Mạng lưới thương nghiệp và thành thị

Kiến tạo một hệ thống giao thông thủy bộ trong cả nước là điều quan tâm ngay từ đầu của nhà Trần. Năm 1244, Thái Tông lập ti thủy lộ đề hình với mục đích là mở rộng các Đường sông và Đường bộ từ Thăng Long về các phủ lộ, chủ yếu là ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Thanh - Nghệ.

Hệ thống giao thông sông, biển và trên bộ thời Trần phục vụ cho yêu cầu quân sự nhưng cũng có nhiều tác dụng tốt cho thương nghiệp. Đường bộ, Đường thủy không còn do các địa phương và nhân dân tự phát xây dựng mà là công tác của chính quyền địa phương, của triều đình trực tiếp tổ chức, xây dựng. Đây là bước tiến lớn so với thời Lý. Đường bộ hẳn là có Đường thiên lí, phủ lộ và đường hàng huyện, hàng hương.

Sông ngòi vốn là mạch giao thông quan trọng. Truyền thống giao thông vận tải của người Việt là vận chuyển bằng thuyền. Biển, sông, kênh đào, đều dùng thuyền đi lại và chuyên chở. Trần Phu, một sứ già nhà Nguyên đến nước ta vào đầu năm 1293 có chép “thuyền thì nhẹ và dài, ván (thuyền) rất mỏng, đuôi (thuyền) giống như cánh uyên ương, hai bên mạn (thuyền) thì cao hẳn lên. (Mỗi chiếc) có đến ba mươi người chèo, nhiều thì có tới hàng trăm người, thuyền đi như bay vậy”[10].

Tuyến Đường biển thời Trần cũng góp phần tích cực thúc đẩy thương nghiệp. Thuyền các nước Diệp Điều (Gia Va), Thiện (Miến Điện), Thiên Trúc (Ấn Độ) từng cập bến trên các hải cảng ở nước ta.

Tiền là phương tiện lưu thông hàng hóa. Các vua Đại Việt thời Lý - Trần đều có đúc tiền. Ngoài ra, trên thị trường còn sử dụng nhiều tiền Trung Quốc. Nhà Trần đã mở rộng việc mua bán đất bằng tiền, nộp tiền để lấy quan chức. Việc đúc tiền do quan xưởng đảm nhiệm. Mỗi quan tiền bằng 10 tiền, mỗi tiền là 70 đồng. Như vậy mỗi quan tiền có 700 đồng. Năm 1226, nhà Trần quy định các khoản tiền nhân dân nộp cho nhà nước gọi là tiền thượng cung và cứ 70 đồng là 1 tiền, nhưng trong sự chi dùng hàng ngày thì mỗi tiền là 69 đồng.

Quan hệ tiền tệ đã thâm nhập vào đời sống chính trị và tín ngưỡng. Đời Trần, hàng năm có tổ chức hội thề vào ngày 4 tháng 4 âm lịch tại đền Đồng Cổ theo nghi thức cổ truyền có từ đời Lý. Ngày hôm ấy “tể tướng và trăm quan đến chực ngoài cửa thành hồi gà gáy, mờ mờ sáng tiến vào triều. Đến đền thờ núi Đồng Cổ họp nhau thề và uống máu “Làm tôi hết sức trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết”. Ai vắng mặt trong hội thề lớn này phải nộp 5 quan tiền”.

Hiện tượng nhà nước thu tô thuế bằng tiền năm 1242: “1-2 mẫu thu một quan; 3-4 mẫu thu hai quan v.v.. “thể hiện chức năng thanh toán của tiền tệ thời Trần đã phát triển rộng lớn. Di vật khảo cổ học cho biết đồng tiền là vật tùy táng phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Ngôi mộ ở Thành Thị (Quắc Hương xưa) có tiền Thiên Thánh nguyên bảo (1034 - 1038). Mộ Tam Đường (Tĩnh Cương xưa) có tiền Khai Nguyên thông bảo (713 - 741). Mộ Dưỡng Phú (Kim Thi, Hưng Yên có tiền Đại Quan thông bảo (1107 -1110) và tiền Thuần Hi thông bảo (1174 - 1185).

-Tiêu biểu nhất cho mạng lưới nội thương là hệ thống chợ ở đồng bằng sông Hồng. Số lượng chợ tương đối nhiều, có lẽ mỗi huyện cũng có vài chợ, phiên chợ này họp lệch phiên chợ kia. Sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu có viết: “Trong các xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cứ năm dặm thì dựng một ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ”[11]. Ghi chép này không phải là phổ biến, chỉ là nơi mà sứ giả đi qua, song cũng phản ánh cảnh tượng buôn bán ở vùng đồng bằng xung quanh Thăng Long.

Ngoài chợ ra còn có phố. Các trung tâm phủ lị bên sông lớn, đầu mối giao thông thủy bộ đều có phố cả. Phố Luỵ Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) bên bờ sông Dâu là nơi buôn bán cố định. Tư liệu địa phương còn cho biết bên bờ sông Nghĩa Trụ (Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên) còn có phố Lố cũng được hình thành vào thời này.

Chợ và phố kết hợp là thị trường địa phương của hương, phủ nhằm giải quyết nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trong vùng. Không có tư liệu nào nói về cấu trúc chợ, phố và các mặt hàng buôn bán, nhưng chắc chắn mạng lưới chợ và phố sẽ là nơi giải quyết các nhu cầu của tiểu nông và các tầng lớp khác là chính.

Cảng Vân Đồn. Vân Đồn nay là các vùng đảo Vân Hải, Ngọc Vừng, Cống Đông thuộc Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là quân cảng và thương cảng có dáng vẻ quốc tế của nước Đại Việt thời Lý - Trần.

Biển cả vốn là con Đường giao thông quốc tế quan trọng nhất của nước ta, là mạch nối giữa Đại Việt và các nước xung quanh. Các cửa biển Hội Thống, Cần Hải (đều thuộc Nghệ - Tĩnh) Hội Triều (Thanh Hóa) và đặc biệt là Vân Đồn là những trung tâm buôn bán lớn với người nước ngoài, là những điểm quy tụ Đường biển thời Lý Trần.

Bấy giờ phần lớn các thuyền buôn nước ngoài không được vào sâu nội địa, chỉ được phép cập bến tại một số cảng quy định sau khi đã nộp đủ một số phương vật quý cho nhà nước. Sử cũ cho biết: thuyền buôn nước Tống (Trung Quốc) nộp tấm vải cho vua Thái Tông gọi là vải hòa cán giá 300 quan tiền một thước.

Tại các cảng trên, hàng hóa khá nhiều, thương nhân tấp nập. Sứ giả Trần Phu có viết “Phủ Tinh Hoa (Thanh Hóa) cách thành Giao Châu (chỉ Thăng Long) 200 dặm. Thuyền bè nước ngoài đến tụ hội ở đây (chỉ cửa Hội Triều) mở chợ ngay trên thuyền. Cảnh buôn bán thật là thịnh vượng”[12].

Riêng cảng Vân Đồn, do vị trí thuận lợi, là thương cảng lớn nhất. Vào thời kì kháng chiến chống Mông - Nguyên, buôn bán ở đây có hạn chế. Sau đó vì nhu cầu quốc phòng, nhà Trần chuyển trang Vân Đồn thành trấn Vân Đồn, đưa các tướng tin cẩn làm trấn thủ. Tuy nhiên, các thuyền buôn nước ngoài vẫn thường xuyên ra vào.

Những hiện vật khảo cổ đào được trên đất Vân Đồn xưa có nhiều tiền đời Tống. Sành sứ là hàng xuất khẩu quan trọng.

Đô thành Thăng Long. Thăng Long là trung tâm chính trị, văn hóa đồng thời cũng là một trung tâm kinh tế lớn nhất của Đại Việt bấy giờ.

Thăng Long đến đời Trần căn bản vẫn giữ cấu trúc như đời Lý, cả La thành, Hoàng thành, Cấm thành và nhiều cung điện vẫn giữ nguyên. Sự chuyển triều đại từ Lý sang Trần một cách hòa bình không làm cho Thăng Long thay đổi nhiều. Nhà Trần tận dụng những cơ sở đã được xây dựng từ trước có tu bổ và mở rộng thêm.

Năm 1230, nhà Trần tu sửa thành Đại La, Thành có 4 cửa: cửa Tây Dương (Cầu Giấy), cửa Chợ Dừa, cửa Cầu Dền và cửa Vạn Xuân (Đống Mác). Đoạn thành phía đông đồng thời cũng là đê sông Hồng có 2 cửa mở thông ra 2 cảng sông: Giang Khẩu (cửa sông Tô) và Đông Bộ Đầu.

Năm 1243, nhà Trần cho đắp lại thành trong và gọi là thành Long Phượng hay Phượng Thành. Các cửa của Hoàng Thành và Phượng Thành xây dựng kiên cố, gồm một cổng chính và 2 cổng phụ theo lối cửa Tam Quan. Trên cổng chính có lầu gác. Cửa nam của Hoàng Thành gọi là cửa Đại Hưng (khoảng chợ Cửa Nam bây giờ). Còn cửa nam của Phượng Thành gọi là cửa Đại Dương Minh. Sứ giả nhà Nguyên, Trần Phu khi đến Thăng Long mô tả một khu thành như sau “nơi tù trưởng (chỉ vua Trần) ở đó có cửa gọi là “Dương Minh môn”; trên cửa có gác gọi là “Triều thiên các”; cửa nhỏ bên trái gọi là “Nhật Tân môn”, cửa nhỏ bên phải gọi là “Vân Hội môn”. Bên trong cửa có một khoảng “thiên tình” ngang dọc độ vài mươi trượng. Từ bậc thêm bước lên thấy dưới gác có một tấm biển đề là: “Tập Hiền điện”, bên trên có gác lớn gọi là “Minh Linh các”. Từ chái bên phải đi tới, gặp một điện lớn gọi là “Đức Huy Điện”, cửa bên trái gọi là “Đồng Lạc môn”, cửa bên phải gọi là “Kiều Ưng môn”. Các biển đề đều bằng vàng cả”.

Các lâu đài cung điện trong Hoàng Thành và Phượng Thành cũng được sửa chữa và xây dựng thêm. Nơi vua ở gọi là cung Quan Triều, nơi thượng hoàng ở gọi là cung Thánh Từ. Trong quần thể kiến trúc hoàng cung có điện Thiên An, điện Bát Giác, điện Diên Hiền là những nơi vua làm việc và yến đãi các quan. Các điện Tập Hiền, Thọ Quang là nơi tiếp sứ thần nước ngoài. Điện Diên Hồng là nơi đã diễn ra hội nghị các bô lão trong kháng chiến chống Nguyên. Các cung Lệ Thiên, Thường Xuân dành cho các cung nữ.

Phía ngoài Hoàng Thành, nhà Trần không xây dựng nhiều lắm, mà chủ yếu là trùng tu những công trình có sẵn. Điện Linh Quang được dời về Đông Bộ Đầu gọi là điện Phong Thủy (gió nước). Dân gọi là điện Trà vì đấy là nơi dâng chè, trầu cau mỗi khi vua từ Hoàng Thành đi ra dừng chân tại đây.

Ngoài trạm Hoài Viễn ở Gia Lâm, bên kia sông Hồng, Thăng Long còn có khu “sứ quán” (cạnh chùa Quán Sứ ngày nay) để tiếp sứ phương Bắc. Năm 1253 Quốc Tử Giám được tu sửa lại và gọi là Viện Quốc học. Đây là trường quốc học cao cấp dành cho con em các quý tộc và các nho sĩ trong nước. Cùng với việc lập Viện Quốc học, nhà Trần lập thêm Giảng Võ Đường để đào tạo võ quan.

Về kinh tế xã hội, đô thành Thăng Long có nhiều bước phát triển cao. Năm 1280, nhà Trần hoạch định các phường làng. Cả Thăng Long vẫn chia làm 61 phường. Phía bắc và phía tây có nhiều phường thủ công nổi tiếng như Yên Hòa, Yên Thái làm giấy, Nghĩa Đô, Nghi Tàm trồng dâu dệt lụa. Phía đông có cả cảng Giang Khẩu, Đông Bộ Đầu và các phường Cơ Xá, Phục Cổ, Nhai Tuân.

Sự phát triển kinh tế của Thăng Long cũng gây ảnh hưởng đến vùng ven. Khu gốm Bát Tràng hoạt động nhộn nhịp hơn. Tư liệu địa phương cho biết thì làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây) đã phát triển nghề tiện mộc.

Người buôn bán và sản xuất chủ yếu cũng là người trong các phường ở Thăng Long. Họ là thợ thủ công kiêm buôn bán, là thương nhân chuyên nghiệp và không ít là nông dân mua và bán những sản phẩm. Ngoài ra còn có thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Tống. Những người này có thể cư trú lâu dài. Năm 1274, ba mươi thuyền buôn bên Tống đến xin cư trú, được vua Trần cho ở phường Nhai Tuân lập phố họp chợ. Thăng Long còn có người Hồi Hột (ugur ở Trung Á theo đạo Hồi). Họ mang hàng hóa, lập cửa hiệu bày hàng buôn bán riêng[13]. Sự mở rộng buôn bán với người nước ngoài cũng khiến cho Thăng Long thời Trần cũng có vẻ quốc tế của một đô thành.

Số người tiêu thụ hàng hóa đáng kể là thuộc các tầng lớp thủ công, thương nhân, nông dân, sĩ phu, tăng lữ và quan lại. Sản phẩm của các quan xưởng đã cung cấp một số đồ dùng thiết yếu như: vải, lụa, giấy, gạo, vũ khí.  Những sản phẩm này lấy từ cục bách tác, từ các địa phương cống tặng.

Kết cấu cư dân và nghề nghiệp của Thăng Long là công, thương, nông, sĩ và quan chức. Các phường Thăng Long không hoàn toàn đơn thuần là của thợ thủ công và thương nhân mà có nhiều nông dân (hoặc nông dân kiêm thủ công hay thương nhân). Kết cấu này là sự phát triển của Thăng Long từ một trung tâm chính trị mở rộng thành một trung tâm kinh tế - văn hóa.

Thăng Long trước hết là một đô thành phong kiến, do nhà nước xây dựng và quản lí. Người đứng đầu bộ máy cai trị Thăng Long là đại an phủ sứ hay gọi là Kinh sư An phủ sứ do triều đình trực tiếp bổ nhiệm, dưới có các chức thông phán, phán thủ. Vào đầu thế kỉ XIV đại An phủ sứ Thăng Long là Trần Thì Kiến - là một người có đức độ và tài năng. Ngoài ra, Thăng Long còn có cơ quan tòa án xét xử riêng là ti bình bạc. Nhà Trần còn tăng cường chi phối đến các đơn vị hành chính cơ sở; đổi giai ra phường và đổi tên một số phường như Hồng Tâm thành Yên Thái, Yên Hòa thành Yên Phụ.

Phường ở Kinh đô Thăng Long không phải là “công xã tự do” của thợ thủ công và thương nhân. 61 phường có lẽ là 61 đơn vị hành chính của nhà nước. Như vậy từ quy hoạch đô thị, kết cấu kinh tế và cư dân đến tổ chức chính quyền, cho thấy Thăng Long là một thành thị trung cổ.

Sự hoạt động cũng như công cuộc xây dựng kinh đô Thăng Long lại gặp nhiều hạn chế vì chiến tranh xâm lược của Mông - Nguyên. Ba lần chúng tiến quân sang nước ta là cả ba lần chúng tàn phá kinh thành, cư dân phải xiêu tán, nhà cửa, cung điện bị hủy hoại nghiêm trọng, sách vở bị đốt cháy. Mặt khác nhà Trần cũng không tập trung xây dựng nhiều. Các vua Trần đều rất chú ý xây dựng khu Tức Mặc và lập thêm nhiều hành cung ở nơi khác, các vương hầu tôn thất lại lập phủ đệ tại các địa phương cũng làm cho Thăng Long bị hạn chế.

Khu Tức Mặc - Thiên Trường

Khởi đầu cho việc xây dựng Tức Mặc, nâng vị trí của quê hương họ Trần thành một trung tâm chính trị - kinh tế là từ năm 1289. Triều đình sai nhập nội thái phó Phùng Tá Chu tổ chức xây dựng cung điện. Rồi đến năm 1262, hương Tức Mặc thành trung tâm của cả phủ Thiên Trường. Vào thời Trần, an phủ sứ Thiên Trường cũng gần ngang với đại an phủ sứ Thăng Long.

Khu Tức Mặc, theo di tích còn lại, trải rộng 4 xã Lộc Vượng, Lộc Hạ (thuộc thành phố Nam Định) Mỹ Phúc, Mỹ Trung (thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam), cách Thăng Long về phía đông nam hơn 75 km. Tức Mặc có đất tốt, dân đông, một vùng nông nghiệp trù phú và giao thông thủy bộ thuận lợi. Phía đông Tức Mặc là sông Hồng rộng lớn, trục chính của Đường thủy; bắc và nam là sông Châu Giang và sông Đào chảy vào sông Hồng; xuyên qua Tức Mặc từ tây sang đông và sông Vĩnh. Hệ thống sông ngòi chằng chịt giúp cư dân có Đường thủy thuận lợi, đưa nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đồng thời cũng làm cho cảnh trị ở đây thêm đẹp đẽ: “Mười hai cõi tiên (có lẽ là chỉ 12 lộ) thì chốn này là thứ nhất” như người đương thời là vua Trần Thánh Tông ca ngợi trong bài “Hạnh Thiên Trường hành cung”.

Tức Mặc là vùng nông nghiệp, thủ công nghiệp nhưng quan trọng hơn là một trung tâm chính trị. Cung điện chùa miếu đều phục vụ cho nhu cầu của quý tộc ở đây. Các vua Trần sau khi đã nhường ngôi cho thái tử đều về Tức Mặc làm thái thượng hoàng.

Về các di tích xưa, chúng ta có thể hình dung được khu kiến trúc của nhà Trần trên đất Tức Mặc như sau:

Các khu cư trú:

- Cung Trùng Quang (đền Trần, ngoại thành Nam Định) nơi ở của các thái thượng hoàng.

- Cung Trùng Hoa (không còn vết tích).

- Cung Đệ Nhất (thôn Đệ Nhất, Mỹ Trung, Bình Lục, Hà Nam) còn vườn Đình, vườn Quan, cống thoát nước và gạch có hoa văn.

- Cung Đệ Nhị (xã Mỹ Trung, Bình Lục, Hà Nam).

- Cung Đệ Tam (thôn Đệ Tam, xã Mỹ Phúc, Bình Lục, Hà Nam).

Các khu vực kinh tế:

- Kho Nhi: khu chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

- Cồn cũi: khu vực chăn nuôi bò lợn.

- Khu làm đồ gốm (thôn Bối, xã Mỹ Thịnh, ngoại thành Nam Định). Đồ gốm sản xuất ở đây có chữ “Thiên Trường phủ chế” hay “Vĩnh Ninh Trường”.

Ngày nay các công trình kiến trúc trên không còn nữa, nhưng dấu tích và địa danh cũng thể hiện cảnh nhộn nhịp đô hội bấy giờ. Những tên Đệ Nhất, Đệ Nhi, Đệ Tam, Đệ Tứ, Phương Đông, Liễu Nha, Cửa Triều, vườn Văn Chỉ, Đường Chúc Ngư cùng với hệ thống giao thông sông nước cũng giúp cho chúng ta hiểu thêm bộ mặt và tính chất của Tức Mặc.

Trước hết đây là một vùng nông thôn nông nghiệp, chính vua Nhân Tông cũng nói rõ trong bài Thiên Trường vạn vọng:

“Thôn hữu, thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu, tịch dương biên

Mục đồng địch lí quy ngưu tận.

Bạch lồ song song phi hạ điền...”

(Thôn trước, thôn sau mờ như khói phủ,

Nửa có nửa không, trong bóng chiều hôm.

Mục đồng thổi sáo đuổi trâu về hết

Từng đôi cò trắng lượn xuống đồng ruộng...).

Tức Mặc căn bản là một khu tiêu thụ mà không phải là khu vực sản xuất hàng hóa. Đây là nơi tập trung tô thuế, cống phẩm của các địa phương. Như vậy, Tức Mặc là khu vực kinh tế xã hội đặc biệt. Tầng lớp thống trị ở đây phải sống dựa vào nông thôn cả nước. Các thành phần với nhiều nghề nghiệp khác nhau: sư tăng, học trò, thợ thủ công, thương nhân đều sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp và nông dân. Thể chế chính trị phường, hương ở đây là những đơn vị hành chính của chính quyền phong kiến. Những hoạt động quân sự, chính trị, văn hóa giáo dục, kinh tế của Thăng Long và cả Tức Mặc đã góp phần thúc đẩy xã hội Đại Việt phát triển là tiêu biểu cho cả nền văn hóa chung ở thời này.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4632-02-633921651586247500/Dai-Viet-o-the-ky-XIII-dau-the-ky-XV-Thoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận