Tài liệu: Khởi nghĩa Lam Sơn mở rộng hoạt động khắp miền núi Thanh Hóa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khởi nghĩa Lam Sơn lúc đầu chưa đủ khả năng thống nhất tổ chức và lãnh đạo phong trào cả nước.
Khởi nghĩa Lam Sơn mở rộng hoạt động khắp miền núi Thanh Hóa

Nội dung

Khởi nghĩa Lam Sơn mở rộng hoạt động khắp miền núi Thanh Hóa

Khởi nghĩa Lam Sơn lúc đầu chưa đủ khả năng thống nhất tổ chức và lãnh đạo phong trào cả nước. Nhưng so với các cuộc khởi nghĩa khác, khởi nghĩa Lam Sơn đã biểu thị rõ tính ngoan cường, bền bỉ, dẻo dai của nó và đang có xu hướng mở rộng ảnh hưởng ra các nơi. Tại Thanh Hóa, Nguyễn Chích đã hưởng ứng đem toàn bộ lực lượng gia nhập cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo. Một số người yêu nước tìm đến Lam Sơn đã được Lê Lợi giao nhiệm vụ trở về quê gây dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng. Cuộc khởi nghĩa Phạm Luận ở Giáp Sơn năm 1419 có thể coi là một bộ phận của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Trước đó, Phạm Luận đã vào Thanh Hóa, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và được Lê Lợi cử về quê hoạt động. Phạm Luận cùng với sáu em và dân làng Ngư Uyển nổi dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân đã đánh thắng quân Minh một trận lớn ở núi Hiệp Thạch (Kinh Môn, Hải Dương).

Giữa năm 1419, quân Minh dựng đồn Khả Lam ngay ở Lam Sơn để chiếm đóng khu căn cứ của cuộc khởi nghĩa và giam hãm nghĩa quân ở miền núi rừng hẻo lánh của vùng thượng du sông Chu. Từ đó, nghĩa quân Lam Sơn chuyển hoạt động lên vùng thượng du sông Mã, xây dựng căn cứ mới ở Mường Thôi (tây bắc Thanh Hóa giáp Lào). Tại đây, nghĩa quân được người Lào giúp đỡ về lương thực, vũ khí và voi ngựa, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đẹp đẽ giữa hai dân tộc Việt - Lào. Từ Mường Thôi, nghĩa quân theo lưu vực sông Mã, nhiều lần tiến xuống hoạt động ở vùng Lỗi Giang (Cẩm Thủy, Bá Thước).

Tháng 11 năm 1420, tổng binh Lý Bân điều động đại quân - sử ta chép trên 10 vạn quân - mở một cuộc tiến công lớn lên Mường Thôi. Quân địch, một bộ phận từ thành Tây Đô tiến lên, một bộ phận do thổ quan Cầm Lạn dẫn đường từ Quỳ Châu theo đường núi tiến lên. Nghĩa quân bố trí mai phục sẵn trên đường tiến quân của địch, đánh thắng ba trận lớn ở Bến Bổng, Bồ Mộng và Thi Lang, bẻ gãy cuộc tiến công lớn của chúng.

Sau những thất bại trên, quân Minh phải rút bớt một số đồn trại ở miền núi về giữ trại Quan Du để ngăn chặn nghĩa quân và bảo vệ thành Tây Đô. Cuối năm 1420, nghĩa quân tập kích, đánh chiếm trại Quan Du, tiêu diệt trên 1.000 địch. Đấy là trận tập kích tương đối lớn, chứng tỏ sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn. Từ đó, quân Minh phải rút về cố thủ ở thành Tây Đô và các đồn lũy xung quanh để chờ tiếp viện.

Đầu năm 1423, quân địch lại mở cuộc tiến công mới, từ hai phía đánh lên Quan Du. Lúc bấy giờ sở chỉ huy của nghĩa quân chuyển lên đây. Lê Lợi và nghĩa quân phải tạm rút ra huyện Khôi (Nho Quan, Ninh Bình) để tránh thế vây hãm của địch. Quân Minh dốc toàn bộ lực lượng đuổi theo rất gấp và từ bốn mặt bao vây nghĩa quân. Nhận định tình hình nghĩa quân lúc ấy, Lê Lợi nói: “Quân giặc bốn mặt bao vây... Đây chính là nơi mà binh pháp gọi là “đất chết” (tử địa), đánh nhanh thì còn, không đánh nhanh thì chết”[1]. Nghĩa quân đã giành được thắng lợi oanh liệt, giết chết tướng giặc là Phùng Quý và hơn 1.000 quân địch, bắt được hơn 100 con ngựa. Nhưng trong trận đánh, lực lượng nghĩa quân cũng bị hi sinh nhiều. Mặt khác, huyện Khôi ở giữa hai thành Đông Quan và Tây Đô của địch, không phải là căn cứ an toàn. Lê Lợi quyết định đưa nghĩa quân trở về núi Chí Linh lần thứ ba để củng cố lực lượng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4634-02-633921655905310000/Phong-trao-khang-chien-chong-Minh-va-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận