Tài liệu: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hội thể lũng nhai và công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) lúc bấy giờ được gọi theo tên Nôm là làng Cham, là hương thuộc huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa.
Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hội thể lũng nhai và công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa

Nội dung

Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hội thể lũng nhai và công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa

Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) lúc bấy giờ được gọi theo tên Nôm là làng Cham, là hương thuộc huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa. Đó là một vùng đồi núi thấp xen kẽ những dải rừng thưa và cánh đồng hẹp. Phía trên, Lam Sơn tiếp giáp với những núi rừng trùng điệp của thượng du sông Chu, sông Mã, phía dưới liền với vùng đồng bằng rộng lớn của Thanh Hóa. Về mặt giao thông, Lam Sơn nằm bên tả ngạn sông Chu, một mạch máu giao thông quan trọng giữa miền núi và miền biển.

Lam Sơn là quê hương của người anh hùng Lê Lợi và là căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo.

Lê Lợi (1385 - 1433) vốn là một hào trưởng có uy tín và ảnh hưởng lớn ở vùng Lam Sơn. Bài văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn, cho biết rõ ông tổ ba đời của Lê Lợi là Lê Hối đã tổ chức khẩn hoang, lập nên một trang trại ở vùng này. Từ đó “đời đời làm quân trưởng một phương”. Nhân dân địa phương quen gọi Lê Lợi là Đạo Cham.

Bia Vĩnh Lăng ghi: “Tuy gặp thời loạn lớn mà chí càng bền, ẩn náu trong núi rừng, chăm nghề cày cấy. Vì giận quân giặc tàn bạo lẫn hiếp nên càng chuyên tâm về sách thao lược, dốc hết cửa nhà, hậu đãi tân khách”. Theo dõi cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng, Lê Lợi “biết rõ thời thế, cho là tất không thành công, bởi thế không dự và hết sức ẩn kín hình tích, không lộ tiếng tăm”[1]. Lê Lợi bí mật chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa mới và dùng trang trại Lam Sơn cùng với toàn bộ tài sản của mình để lo toan nghiệp lớn.

Đến năm 1416, tại Lũng Nhai, một địa điểm gần Lam Sơn, Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu thân cận nhất làm lễ thề kết nghĩa anh em, nguyện một lòng đánh giặc cứu nước. Trong lễ thề có ý nghĩa thiêng liêng đó, 19 người anh hùng đầu tiên của khởi nghĩa Lam Sơn đã chích máu ăn thề với lời thề có đoạn như sau:

“Nay ở nước chúng tôi, phụ đạo chính là Lê Lợi cùng với bọn Lê Lai đến Trương Chiến, mười tám người, họ hàng quê quán tuy khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như cùng một tổ liền cành, phận giàu sang dù khác nhau, nhưng nguyện coi tình như chung một họ không khác.

Nay giặc Ngô xâm chiếm, lùng nhà Trần, bắt họ Hồ, qua cửa quan mà làm hại, nên Lê Lợi cùng với bọn Lê Lai đến Trương Chiến, mười tám người, chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước để trong cõi được sống yên lành, nguyện sống chết có nhau không quên lời thề sắt son”[2].

Hội thề Lũng Nhai đặt cơ sở cho sự hình thành hạt nhân đầu tiên của bộ tham mưu khởi nghĩa. Trong số những người dự hội hội thề lịch sử sáng lập ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đặc biệt có Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) sinh tại kinh thành Thăng Long. Cha là Nguyễn Ứng Long sau đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, đã từng đi dạy học rồi thi đỗ tiến sĩ đời Trần và làm quan dưới triều Hồ. Ông ngoại là tư đồ Trần Nguyên Đán, một quý tộc nhà Trần. Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh năm 1400 và cùng tham dự chính quyền nhà Hồ. Khi nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đầy sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi phải tạm ẩn náu một thời để che mắt quân thù.

Khi gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi dâng tập Bình Ngô sách. Đó là cả một kế sách lớn nhằm diệt giặc cứu nước mà Nguyễn Trãi đã nghiên cứu và ôm ấp từ nhiều năm, nay mới tìm thấy người minh chủ xứng đáng để cống hiến. Rất tiếc là tập Bình Ngô sách bị thất lạc từ lâu. Theo Lê Quý Đôn thì trong tác phẩm đó, Nguyễn Trãi nêu lên “ba kế sách dẹp giặc Ngô”. Và theo Nguyễn Năng Tĩnh thì Nguyễn Trãi “không nói đến việc đánh thành mà lại khéo nói việc đánh vào lòng người”. “Đánh vào lòng người” (công tâm) có nghĩa là phải dựa vào dân, phải phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, quyết tâm đánh giặc của toàn dân. Đó là một tư tưởng lớn vạch ra đường lối chính trị và đường lối quân sự nhằm tổ chức một cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm.

Sau hội thề Lũng Nhai, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành một cách khẩn trương. Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của anh hùng hào kiệt bốn phương, của những người yêu nước từ khắp nơi tìm về cùng mưu đồ sự nghiệp cứu nước. Đó là những người dân của các bàn làng xung quanh Lam Sơn và các châu, huyện vùng Thanh Hóa, bao gồm cả miền xuôi và miền núi, dân tộc đa số và dân tộc thiểu số. Đó là những người con ưu tú của dân tộc từ nhiều nơi xa xôi, vượt qua mọi trở ngại tìm đến tụ nghĩa. Trong số những người này có Phạm Văn Xảo, Trần Trại của đất kinh thành, Lưu Nhân Chú cùng với cha là Lưu Trung và em rể là Phạm Cuống từ miền núi Đại Từ (Thái Nguyên), Trần Nguyên Hãn ở Sơn Đông (Anh Phúc), Nguyễn Xí từ vùng ven biển Thượng Xá (Nghệ An), có cả gia nô của Lê Lợi như Ngô Kinh, Ngô Từ... tất cả những người yêu nước ấy, khác nhau về thành phần xã hội và dân tộc, về quê quán và cuộc sống, nhưng đều cùng một mối thù không đội trời chung với quân giặc và cùng một lí tưởng quyết tâm đuổi giặc cứu nước.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4634-02-633921655407497500/Phong-trao-khang-chien-chong-Minh-va-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận