Những tháng năm chiến đấu đầu tiên
Công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa đang được xúc tiến về mọi mặt thì bọn tay sai của địch đánh hơi thấy. Tên tham chính Lương Nhữ Hốt vốn quê ở Thanh Hóa, mật báo với quân Minh: “Chúa Lam Sơn chiêu vong nạp bạn, đãi ngộ quân lính rất hậu, chí nó không phải là nhỏ. Nếu giao long gặp được mây mưa thì tất không phải là con vật trong ao nữa đâu. Nên sớm trừ đi, chớ để lo về sau”. Quân địch âm mưu bóp chết cuộc khởi nghĩa từ trong trứng nước. Trên cơ sở công việc chuẩn bị đã đạt kết quả và trước tình hình đó, Lê Lợi và bộ tham mưu quyết định khởi nghĩa.
Ngày 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (ngày 7-2-1418), vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tại Lam Sơn, Lê Lợi cùng toàn thể nghĩa quân làm lễ tế cờ khởi nghĩa, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang chống quân Minh. Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân nổi dậy cứu nước.
Nghĩa quân Lam Sơn bước vào cuộc chiến đấu với quân thù trong một so sánh lực lượng hết sức chênh lệch về mặt số lượng. Toàn bộ lực lượng nghĩa quân không quá 2.000 người, trong đó lực lượng nòng cốt chỉ có 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ và 300 dũng sĩ. Lúc ấy, như Nguyễn Trãi nói: “cơm ăn chẳng nề hai bữa, áo mặc chẳng phân đông hè, quân lính chỉ độ vài nghìn, khí giới thì thật tay không”.
Bằng lối đánh mai phục lợi hại, nghĩa quân đã đánh thắng những trận lớn ở Lạc Thủy, ở Mường Một năm 1418 và ở Mường Chánh (Lang Chánh) năm 1419.
Tuy nhiên, trong hơn năm đấu của cuộc khởi nghĩa, những cuộc vây quét lớn của địch cũng gây cho nghĩa quân nhiều tổn thất. Trong một trận càn quét vùng Lam Sơn năm 1418, quân Minh được bọn Việt gian ở địa phương dẫn đường, đã đánh úp phía sau doanh trại nghĩa quân. Chúng quật mồ mả tổ tiên của Lê Lợi, lùng bắt những người thân thuộc của nghĩa quân trong đó có cả vợ và con gái của Lê Lợi. Cũng trong khoảng thời gian này, trước những cuộc tiến công lớn của địch, nghĩa quân phải hai lần rút lên núi Chí Linh (hay Linh Sơn) là một ngọn núi cao, hiểm yếu bậc nhất ở thượng du sông Chu (nay thuộc xã Giao An, giữa Lang Chánh và Thường Xuân).
Lần thứ nhất rút lên núi Chí Linh, nghĩa quân bị tuyệt lương đến gần hai tháng liền. Trong thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nhớ lại những ngày chiến đấu ác liệt đó, Nguyễn Mộng Tuân đã hết lời ngợi ca khí thế anh hùng và tinh thần đánh giặc ngoan cường, mưu trí của nghĩa quân Lam Sơn:
“Chín phần tử, một phần sinh, tuy ở chốn hiểm nghèo, mà ngất trời khí thế.
Bao nhiêu nghịch, bấy nhiêu thuận, khéo tùy cơ lợi dụng, thật tột bậc anh hùng”
(Phú núi Chí Linh)
Lần thứ hai rút lên núi Chí Linh, vào tháng 5-1419 quân địch đuổi theo bổ vây bốn mặt, quyết tiêu diệt cuộc khởi nghĩa. Trong tình thế hiểm nghèo đó, Lê Lai đã tự nguyện cải trang làm Lê Lợi, dẫn 500 quân ra phá vòng vây để đánh lừa quân địch. Lê Lai và đội quân cảm tử đã hi sinh anh dũng để cứu Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa khỏi một tai họa nguy hiểm.
Lê Lai là một phụ đạo sách Dựng Tú (Ngọc Lạc, Thanh Hóa), có mặt trong hội thề Lũng Nhai năm 1416. Cả nhà Lê Lai bao gồm người anh cả là Lê Lãn và ba con trai là Lê Lô, Lê Lộ, Lê Lâm đều tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, và bốn người (trừ Lê Lâm) đã hi sinh cho sự nghiệp cứu nước. Cái chết của Lê Lai là cái chết của người anh hùng xả thân vì nước.