Phương hướng chiến lược của Nguyễn Chích: Tiến vào Nghệ An
Trước khi bước vào giai đoạn đấu tranh mới, một vấn đề lớn đặt ra cho những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như Lê Lợi đã nói, là: “Chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước?”. Điều đó có nghĩa là phải tìm ra một phương hướng chiến lược mới tạo nên những bước phát triển vượt bậc của cuộc khởi nghĩa.
Trước yêu cầu mới của cuộc khởi nghĩa, tướng quân Nguyễn Chích lúc bấy giờ giữ chức nhập nội thiếu úy trong bộ chỉ huy nghĩa quân, đề ra một kế hoạch có tầm chiến lược quan trọng. Trong một buổi họp bàn của các tướng, Nguyễn Chích nói: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông, tôi đã từng qua lại nên rất thông thuộc đất đấy. Nay hãy trước hết thu lấy Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm đất đứng chân, rồi dựa vào sức người và của cải đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.
Đứng về mặt địa hình, dân số, Nghệ An (lúc bấy giờ bao gồm cả Hà Tĩnh) không hơn gì Thanh Hóa. Điều quan trọng là ở Nghệ An, nhân dân có truyền thống quật cường và lực lượng của địch lại tương đối yếu. Chính quyền đô hộ của nhà Minh ở đây mới được xây dựng từ năm 1414, chưa được củng cố và luôn luôn bị uy hiếp bởi những cuộc khởi nghĩa của nhân dân, những cuộc binh biến của một số quan lại và binh sĩ yêu nước, trong hàng ngũ thổ quan, thổ binh. Thành Nghệ An khá kiên cố, nhưng lực lượng của địch cũng không tập trung nhiều như ở Thanh Hóa. Hơn nữa, trong sự bố trí lực lượng của địch, Nghệ An về mặt bắc, lại xa các sào huyệt như Đông Quan, Tây Đô, và về mặt nam, lực lượng của địch ở Tân Bình, Thuận Hóa rất mỏng.
Trong tình hình như vậy, nghĩa quân Lam Sơn có thể bất ngờ và nhanh chóng giải phóng toàn phủ Nghệ An. Nghĩa quân trước hết theo đường “thượng đạo” chiếm lĩnh miền núi rừng “hiểm yếu”, rồi tràn xuống vùng đồng bằng “đất rộng, người đông”, xây dựng “đất đứng chân” (lập cước chi địa) vững chãi để làm bàn đạp chiến lược tiến lên thu phục cả nước, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Từ Lam Sơn, ngày 12-10-1424, nghĩa quân bất ngờ tập kích đồn Đa Căng (Bất Căng, Thọ Xuân) để mở đường tiến vào giải phóng Nghệ An. Đồn này có hàng nghìn quân địch đóng giữ, do tên thổ quan tham chính Lương Nhữ Hốt chỉ huy. Trận ra quân thắng lợi giòn giã không những có tác dụng mở đường tiến quân, mà còn làm nức lòng nghĩa quân, nâng cao niềm tin tưởng vào phương hướng chiến lược mới của cuộc khởi nghĩa.
Nghĩa quân theo con đường “thượng đạo” tiến vào Nghệ An mà mục tiêu trước hết là hạ thành Trà Lập. Con đường núi này theo lưu vực sông Hiếu, sông Con và sông Lam.
Quân Minh hết sức bất ngờ và vội vàng đối phó một cách bị động. Tổng binh Trần Trí cùng với Phương Chính, Thái Phúc, Lý An điều quân từ thành Tây Đô đuổi theo phía sau. Tướng Minh ở Nghệ An là Sư Hựu cùng với bọn thổ quan là tri phủ Cầm Bành ở Trà Lân và tri phủ Cầm Lạn ở Quỳ Châu, được lệnh đem quân chặn phía trước. Quân địch âm mưu chặn đầu và đánh phía sau để tiêu diệt nghĩa quân trên đường vận động.
Nhưng nghĩa quân đã mưu trí bố trí một trận mai phục ở Bồ Đằng (hay Bồ Lạp, thuộc Quỳ Châu, Nghệ An) đánh bại cánh quân của Trần Trí. Trong trận này, nghĩa quân giết chết tướng giặc là đô ti Trần Trung, diệt trên 2.000 quân địch và thu được hơn 100 con ngựa. Trần Trí bị thua đau không dám bám sát theo sau nghĩa quân nữa. Cánh quân Sư Hựu cũng phải lui về lập đồn trại ở Trịnh Sơn để bảo vệ thành Trà Lân.
Hạ thành Trà Lân.
Châu Trà Lân (còn gọi là Trà Long) thời Lê, là một châu quan trọng của miền núi Nghệ An, tương đương với huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày nay. Thành Trà Lân, nơi Cầm Bành lập “sơn trại” chống lại nghĩa quân Lam Sơn, xây dựng trên một ngọn núi ở bờ Bắc sông Lam, gần ngã ba sông Con (nay thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông). Thành đắp theo thế núi, chu vi chừng 2 km, phía ngoài có hào và rào tre trúc dày. Cầm Bành và hơn 1.000 thổ binh rút lên “sơn trại” cố thủ, chờ quân cứu viện.
Chủ trương của nghĩa quân là phải chiếm được thành Trà Lân, và như Nguyễn Chích đã đề ra, “nếu thuận theo thì vỗ về, nếu chống lại thì đánh lấy!”. Nghĩa quân vừa vây hãm, vừa dụ Cầm Bành đấu hàng.
Sau hơn hai tháng bị vây hãm, không có cứu viện, ngụy quân Cầm Bành kiệt sức và tuyệt vọng, phải đầu hàng nghĩa quân. Một mục tiêu quan trọng trong kế hoạch Nguyễn Chích đã được thực hiện thắng lợi. Trong “trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay” (Bình Ngô đại cáo), nghĩa quân vận dụng lối đánh kết hợp tiến công quân sự với dụ hàng và thương lượng. Trận thắng thể hiện một bước lớn mạnh về lực lượng và một bước phát triển về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân.
Thành Trà Lân nằm bên bờ sông Lam nối liền miền núi rừng với vùng đồng bằng và trên con đường “thượng đại” chạy ngang qua miền Tây Nghệ An. Hạ được thành Trà Lân, nghĩa quân chiếm lĩnh được một vị trí then chốt có thể khống chế cả miền núi rừng phía tây Nghệ An và từ đây có thể uy hiếp thành Nghệ An cũng như tràn xuống vùng đồng bằng.
Lê Lợi đã dẫn lui quân theo sông Lam, tiến xuống đóng ở ải Khả Lưu (Vĩnh Sơn, Anh Sơn). Đây là một cửa ải hiểm yếu ở về tả ngạn sông Lam, cách thành Trà Lân khoảng 40km. Chiếm ải Khả Lưu, nghĩa quân khống chế con đường tiến quân của địch và chặn đầu quân địch.
Tại Khả Lưu, nghĩa quân làm kế nghi binh, “ban ngày thì phất cờ gióng trống, ban đêm thì đốt lửa”. Trong lúc đó, nghĩa quân đã bố trí một trận địa mai phục ở phía sau Khả Lưu và một cánh quân tinh nhuệ bí mật vượt sông, giấu quân ở Bãi Sở (Long Sơn, Anh Sơn) phía dưới doanh trại địch ở Phá Lũ.
Tướng giặc, Trần Trí đốc thúc đại quân vượt sông đánh vào Khả Lưu. Quân ta rút lui nhử địch vào trận địa mai phục rồi bất ngờ tung quân, ra đánh. Cùng lúc đó, cánh quân ở Bãi Sở đánh úp vào doanh trại địch ở Phá Lũ. Quân Minh bị tổn thất rất nặng, “bị chém và chết đuối kể đến hàng vạn người”.
Tuy nhiên, quân địch đông nên Trần Trí vẫn củng cố doanh trại, đắp thêm chiến lũy phòng vệ, để làm kế ngăn chặn lâu dài. Nghĩa quân lại dùng mưu điều địch ra khỏi doanh trại để đánh bại bằng lối đánh mai phục sở trường của mình. Lê Lợi ra lệnh đốt phá doanh trại ở Khả Lưu, rút quân về mạn thượng lưu. Nghĩa quân bố trí một trận địa mai phục ở Bồ Ải (Đức Sơn, Anh Sơn?) rồi khiêu chiến nhử địch lọt vào cạm bẫy. Trong trận này, quân ta bắt sống đô ti Chu Kiệt và hơn 1.000 tù binh, giết chết tướng tiên phong là đô ti Hoàng Thành và rất thiếu quân địch. Chiến thắng ở Khả Lưu - Bồ Ải, nghĩa quân đã đập tan được một cuộc phản công lớn của quân Minh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực của địch và đẩy chúng vào thế phòng ngự bị động.
Giải phóng các châu huyện, vây hãm thành Nghệ An
Những chiến thắng liên tiếp của nghĩa quân ở Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu - Bồ Ải làm cho bộ máy chính quyền của địch ở các châu, huyện bị rung chuyển dữ dội. Quân địch hết sức hoang mang, khiếp sợ. Nghĩa quân thừa thắng, tỏa về các nơi cùng với nhân dân nhanh chóng lật đổ ách thống trị của địch, giải phóng các châu, huyện.
Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, vùng này đang có những cuộc khởi nghĩa, những hoạt động vũ trang chống Minh của nhân dân địa phương.
Phan Liêu và Lộ Văn Luật vẫn chiếm giữ châu Ngọc Ma, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Minh.
Tại thôn Trang Niên (Yên Thành, Nghệ An), Nguyễn Vĩnh Lộc cùng với số nông dân khai hoang trong vùng đã tự vũ trang, xây dựng thành một “làng chiến đấu”. Nghĩa quân vừa bảo vệ xóm làng quê hương chống lại các cuộc càn quét của địch, có cơ hội lại tập kích trại giặc, đoạt lấy lương thực, của cải về chia cho dân. Nguyễn Vĩnh Lộc được mọi người suy tôn làm “Tôn trưởng”.
Phía nam phủ Nghệ An, Nguyễn Biên cũng cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Minh. Nguyễn Biên vốn là một nông dân nghèo ở Phù Lưu (Can Lộc) cùng với một số bà con thân thuộc vào khẩn hoang dưới chân núi Choác (Cẩm Xuyên). Nghĩa quân chiếm giữ Động Choác làm căn cứ khởi nghĩa. Một đồn trại giặc gần đây bị nghĩa quân tiêu diệt, vết tích còn lại hiện nay là một gò đất cao mang tên là Đống Khách hay Nền thằng Ngô (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên). Nghĩa quân Nguyễn Biên đã giải phóng được hai huyện Kì La (Cẩm Xuyên) và Hà Hoa (Kì Anh).
Sau khi nghĩa quân Lam Sơn hạ thành Trà Lân, Phan Liêu, Lộ Văn Luật và toàn bộ lực lượng xin theo Lê Lợi. Nguyễn Vĩnh Lộc và 19 người bạn chiến đấu hăng hái tìm đến yết kiến Bình Định vương, nguyện đứng trong đội ngũ chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Chính Nguyễn Vĩnh Lộc là người đã hiến mưu kế đánh thắng trận Khả Lưu.
Nguyễn Biên cùng đội nghĩa binh Động Choác cũng đem hai huyện giải phóng phía nam Nghệ An tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Từ đó, Nguyễn Biên giữ chức Bình Ngô thượng tướng quân chiến đấu dưới lá cờ Lam Sơn đại nghĩa.
Khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành nơi quy tụ của nhiều cuộc khởi nghĩa và nhiều lực lượng yêu nước. Hiện tượng đó đã có ở Thanh Hóa với sự tham gia của Nguyễn Chích, nay thành hiện tượng phổ biến và tiêu biểu cho một xu thế phát triển quan trọng của cuộc khởi nghĩa khi chuyển hướng vào Nghệ An.
Tại miền núi, các dân tộc ít người cùng với tù trưởng của họ, đều hăng hái tham gia khởi nghĩa, Lê Lợi đã “vỗ về an ủi các bộ lạc, khen thưởng các tù trưởng”. Hơn 5.000 trai tráng châu Trà Lân được tuyển vào đội ngũ nghĩa quân. Một tù trưởng người Thái là Cầm Quý trước đây giữ chức tri phủ châu Ngọc Ma của địch, cũng đem 8.000 quân và 10 voi chiến xin tham gia cuộc khởi nghĩa. Nhiều tù trưởng có công diệt giặc được Lê Lợi phong làm Khả Lam quốc công đến nay vẫn còn miếu thờ ở một số bản làng. Miếu Kẻ Trằng (Thọ Sơn, Anh Sơn) thờ Trương Hán là một tù trưởng đã giúp voi, ngựa, lương thực và dẫn đường cho nghĩa quân tiến về vây hãm thành Trà Lân. Miếu bản Phát (Lục Dã, Con Cuông) cũng thờ một Khả Lam quốc công có công giúp đỡ nghĩa quân.
Tiến xuống các châu, huyện vùng đồng bằng đông dân, nghĩa quân càng được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Sử cũ ghi chép hiện tượng đó một cách tổng quát: “Người già trẻ tranh nhau đem trâu rượu đến đón và khao quân, đều nói rằng: không ngờ ngày nay lại được trông thấy uy nghi của nước cũ”; hoặc “chia quân đi lấy các châu huyện, đi đến đâu người ta nghe tiếng là quy phụ, cùng hợp sức để vây thành Nghệ An” và “nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến như đi chợ”.
Đặc biệt có nơi, nhân dân còn vũ trang nổi dậy phối hợp với nghĩa quân giải phóng quê hương xứ sở, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuấn Thiện ở Đỗ Gia.
Nguyễn Tuấn Thiện là một nông dân nghèo ở thôn Phúc Đậu (Sơn Phúc, Hương Sơn). Ông cha đều sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và săn bắn. Nguyễn Tuấn Thiện và một số thanh niên cùng chí hướng trong làng lập thành một đội vũ trang gọi là “quân Cốc Sơn” (Cốc Sơn là ngọn núi trong làng) để bảo vệ thôn xóm. Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào vùng này, Nguyễn Tuấn Thiện và đội quân Cốc Sơn đã huy động nhân dân nổi dậy, phối hợp với nghĩa quân đánh tan các đồn giặc, giải phóng toàn bộ huyện Đỗ Gia.
Đến tháng 2 năm 1425, 20 châu huyện của phủ Nghệ An đã được giải phóng. Bộ máy chính quyền của địch từ cấp phủ đến các châu, huyện bị sụp đổ, các đồn trại của địch lần lượt bị tiêu diệt. Quân Minh chỉ còn giữ được thành Nghệ An, “giặc đóng chặt cửa thành, không dám ra: thế là đất Nghệ đều về ta hết”.
Từ sau trận Khả Lưu - Bồ Ải, nghĩa quân đã đuổi theo, áp sát chân thành, bắt đầu uy hiếp và vây hãm thành Nghệ An. Các châu, huyện được giải phóng càng dồn quân địch ở thành Nghệ An vào thế cô lập. Tuy vậy, quân Minh do tổng binh Trần Trí cầm đầu vẫn dựa vào hệ thống phòng vệ kiên cố và cao điểm lợi hại của thành để cố thủ chờ viện binh.
Sau mấy lần phản công bị đại bại, quân Minh ở thành Nghệ An bị tổn thất nặng nề và mất hết khả năng phản kích, chúng đắp thêm thành lũy, lo cố thủ lâu dài. Nghĩa quân nhiều lần khiêu chiến, nhưng quân địch không dám ra khỏi thành. Quân ta xiết chặt vòng vây, giam chân chúng ở trong thành và xây dựng đất Nghệ An thành một căn cứ địa cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.