Tài liệu: Hơn một năm tạm hòa hoãn với địch

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cũng như hai lần rút lên núi Chí Linh trước, núi rừng che chở nghĩa quân, nhưng vùng hẻo lánh, xa xôi này lại làm cho nghĩa quân không phát triển được lực lượng và có khi lâm vào cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng.
Hơn một năm tạm hòa hoãn với địch

Nội dung

Hơn một năm tạm hòa hoãn với địch

Cũng như hai lần rút lên núi Chí Linh trước, núi rừng che chở nghĩa quân, nhưng vùng hẻo lánh, xa xôi này lại làm cho nghĩa quân không phát triển được lực lượng và có khi lâm vào cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng. Đã hơn hai tháng, nghĩa quân phải sống bằng rau rừng, quả dại, măng tre và phải giết cả voi, ngựa để ăn.

Tuy nhiên về phía quân Minh, tháng 3 năm 1422 Lý Bân chết, tham tướng Trần Trí được cử lên làm tổng binh. Trần Trí cũng như Lý Bân, đã tập trung những binh lực lớn nhất, mở những cuộc đàn áp liên tiếp mà không sao tiêu diệt được khởi nghĩa Lam Sơn. Vì vậy, chúng muốn dùng những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ để làm tan rã hàng ngũ nghĩa quân.

Ở Trung Quốc, những năm cuối đời Minh Thành Tổ, cuộc chiến tranh với Mông Cổ lại bột phát dữ dội. Trong ba năm từ 1422 đến 1424, nhà Minh ba lần đánh nhau với Mông Cổ, mỗi lần huy động đến hàng chục vạn quân cùng với hàng chục vạn phu và tiêu phí không biết bao nhiêu tiền của. Tháng 8 năm 1424, Minh Thành Tổ chết, Minh Nhân Tông (1424 - 1425) lên nối ngôi muốn tạm thời hòa hoãn tình hình ở Giao Chỉ. Vua Minh ra lệnh cho Trần Trí phải tìm cách “chiêu dụ” Lê Lợi.

Trong tình hình như vậy, công cuộc đàm phán để tạm thời đình chiến với địch đã nhanh chóng đạt kết quả. Tháng 5 năm 1423, Lê Lợi và nghĩa quân trở về Lam Sơn. Từ đây, cuộc khởi nghĩa chuyển sang một hình thức đấu tranh mới, vừa tranh thủ thời gian hòa hoãn để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho bước phát triển cao hơn của cuộc chiến đấu giành độc lập, vừa tiến hành đấu tranh về chính trị và ngoại giao làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Nguyễn Trãi là người thay mặt Lê Lợi, đảm nhiệm cuộc đấu tranh phức tạp và không kém phần gay go này.

Tạm hòa hoãn chỉ là kế như Nguyễn Trãi nói trong phú Núi Chí Linh “bên ngoài giả thác hòa thân” để “bên trong lo rèn chiến cụ”, “quyên tiền mộ lính”... Nghĩa quân đã tranh thủ thời gian hòa hoãn ngắn ngủi để tăng cường lực lượng về mọi mặt, đồng thời tổ chức khẩn hoang sản xuất để tích trữ lương thực. Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ tham mưu không phải chỉ “luyện binh, chọn tướng”, mà còn phải “nắm phần thắng, ra mưu lạ” (Nguyễn Trãi, phú Núi Chí Linh) nghĩa là nghiên cứu một phương hướng mới đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi.

Sau hơn một năm, thấy không thể khuất phục được Lê Lợi và phá Hoại được cuộc khởi nghĩa, quân Minh bắt giam sứ giả nghĩa quân, chuẩn bị đàn áp. Đối với nghĩa quân, mục đích của sách lược “giả thác hòa thân” cũng đã đạt được Lê Lợi quyết định tuyệt giao với địch, chủ động tiến công, tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang đến thắng lợi cuối cùng. Từ tháng 10 năm 1424, khởi nghĩa Lam Sơn chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4634-02-633921656137028750/Phong-trao-khang-chien-chong-Minh-va-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận