Mở rộng khu vực giải phóng
Tháng 6 năm 1425, tướng Đinh Lễ được lệnh tiến ra giải phóng phủ Diễn Châu (gồm các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành). Sử cũ của ta chép: Đinh Lễ đem quân “đi tuần ở Diễn Châu”. Điều đó có nghĩa là, nhân dân các châu, huyện vùng này đã vùng dậy giải phóng quê hương của mình, đánh đổ từng mảng chính quyền của địch. Quân Minh phải co về giữ thành Diễn Châu.
Lúc bấy giờ, đô ti Trương Hùng đang đem 300 thuyền lương vào tiếp tế cho thành Diễn Châu, Đinh Lễ bí mật cho quân mai phục ngoài thành, đánh tan số quân địch ra đón thuyên lương và chiếm được nhiều lương thực, thuyền bè của địch. Trên 300 quân địch bỏ xác. Những tên đất Cồn Trận, Cồn Ngô, cánh đồng Xương... là di tích của chiến trận này.
Ngay sau đấy để một lực lượng ở lại vây hãm thành Diễn Châu, Đinh Lễ lấy thuyền địch vượt biển đuổi theo Trương Hùng đến tận Thanh Hóa, Lê Lợi cũng lập tức phái các tướng Lý Triện, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị đem 2.000 quân tinh nhuệ và 3 voi chiến, theo đường núi ra Thanh Hóa tiếp ứng cho Đinh Lễ.
Quân Minh ở Thanh Hóa đã phải điều một bộ phận quan trọng vào cứu viện cho Nghệ An. Lực lượng quân địch suy yếu hơn mấy năm trước nhiều. Hai cánh quân của Đinh Lễ và Lý Triện cùng phối hợp, đánh úp thành Tây Đô Nghĩa quân giết chết 500 quân địch và bắt sống được rất nhiều. Quân Minh phải bỏ các doanh trại ngoại vi, rút hết vào trong thành cố thủ.
Thành Tây Đô là thành lũy lớn nhất và kiên cố nhất của quân Minh kể từ Thanh Hóa trở vào. Nghĩa quân vây hãm thành Tây Đô, rồi chia về các châu, huyện cùng với nhân dân nhanh chóng giải phóng toàn phủ Thanh Hóa. Khắp nơi, nhân dân vô cùng phấn khởi, vùng dậy cùng với nghĩa quân tiêu diệt các đồn trại giặc, đánh sập chính quyền đô hộ: “người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc”.
Việc giải phóng Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa làm cho quân địch ở Tân Bình, Thuận Hóa hoàn toàn bị chia cắt và cô lập. Với chủ trương: “bỏ chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tránh chỗ vững đánh chỗ núng, thì dùng sức một nửa mà thành công gấp bội”, nghĩa quân gấp rút tiến vào giải phóng hai phủ phía nam.
Tháng 8 năm 1425, Lê Lợi phái các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem hơn 1.000 quân bộ và 1 voi chiến; các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi chỉ huy quân thủy gồm hơn 70 chiến thuyền, tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Nghĩa quân nhanh chóng đập tan sức kháng cự yếu ớt của địch, vây hãm hai thành Tân Bình, Thuận Hóa. Nhân dân hết lòng giúp đỡ nghĩa quân giải phóng các châu, huyện. Hàng vạn thanh niên hăng hái xin gia nhập nghĩa quân. Trần Nguyên Hãn tuyển chọn được vài vạn trai tráng bổ sung đội ngũ.
Như vậy là nghĩa quân đã giải phóng được một khu vực rộng lớn nối liền một dải từ Thanh Hóa vào đến đèo Hải Vân. Trên khu vực đó, quân Minh chỉ còn giữ được mấy thành lũy đã bị cô lập và hoàn toàn bị vây hãm, tê liệt mọi hoạt động. Từ tháng 10 năm 1424 đến tháng 8 năm 1425, chỉ trong 10 tháng, khởi nghĩa Lam Sơn đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn, làm thay đổi về cơ bản cục diện chiến tranh và so sánh lực lượng giữa ta và địch. Bước tiến nhảy vọt đó đang tạo ra thế và lực đưa cuộc chiến tranh cứu nước tiến lên giai đoạn toàn thắng.