Chiến thắng tốt động – chúc động (11-1426)
Sau trận Ninh Kiều, Trần Trí đã cho người mang thư lẻn vào thành Nghệ An, yêu cầu Lý An và Phương Chính “bỏ thành Nghệ An, về cứu căn bản”. Lý An, Phương Chính giao thành Nghệ An lại cho Thái Phúc cố thủ, rồi đem đại bộ phận quân lính về cứu Đông Quan. Ngày 17-10-1426, chúng dùng thuyền, nhân lúc ban đêm, vượt biển ra Bắc.
Lê Lợi nhận định tình hình: “thế giặc ngày một yếu, quân ta ngày một mạnh, thời cơ đã đến mà không hành động ngay, sợ lỡ mất cơ hội”. Thành Nghệ An không còn là mục tiêu quan trọng nữa. Quân địch đang cố gắng tập trung về Đông Quan để phối hợp với viện binh mở những cuộc phản công lớn. Mặt trận chính rõ ràng đã chuyển ra Bắc, vùng quanh Đông Quan và các trục đường tiếp viện của quân Minh, Lê Lợi quyết định để một bộ phận nghĩa quân ở lại vây hãm thành Nghệ An, rồi cùng với bộ chỉ huy thống lĩnh đại quân, theo hai đường thủy, bộ đuổi theo Lý An, Phương Chính. Nhưng quân địch có nhiều thuyền lớn, đã phóng ra biển khơi, chạy thoát về Đông Quan.
Đại quân Lam Sơn dừng lại ở Thanh Hóa một thời gian. Tại đại bản doanh đặt ở Lỗi Giang, Lê Lợi sai tăng cường thêm lực lượng vây hãm thành Tây Đô, không cho chúng rút về Đông Quan và củng cố vững chắc khu vực giải phóng từ Thanh Hóa trở vào, để chuẩn bị đưa đại quân ra Bắc.
Tại Đông Quan, khoảng cuối tháng 10 năm 1426, quân địch đã tập trung được một lực lượng khá lớn. Đội binh thuyền của Lý An, Phương Chính đã vượt qua được lực lượng ngăn chặn của nghĩa quân ở vùng hạ lưu sông Nhị, kéo về hội quân với Trần Trí. Năm vạn viện binh của Vương Thông cũng đã tiến tới Đông Quan. Toàn bộ quân địch có khoảng trên 10 vạn bao gồm bộ binh, kị binh và thủy binh, trong đó lực lượng nòng cốt là viện binh của Vương Thông. Theo lệnh vua Minh, Vương Thông giữ chức tổng binh nắm quyền chỉ huy cao nhất, bên cạnh đó tham tướng Mã Anh và tham tán quân vụ Trần Hiệp, Trần Trí và Phương Chính bị cách chức, nhưng vẫn lưu lại trong quân để “lập công chuộc tội”.
Đầu tháng 11 năm 1426, để lại một bộ phận giữ thành Đông Quan, Vương Thông huy động ngót 10 vạn quân vào cuộc phản công đầy tham vọng của hắn. Từ Đông Quan, quân địch chia làm ba đạo tiến ra chiếm lĩnh những vị trí bàn đạp của cuộc phản công.
- Đạo quân thứ nhất do Vương Thông trực tiếp chỉ huy, đóng ở bến Cổ Sở trên sông Đáy và con đường bộ từ phía tây đến Đông Quan.
- Đạo quân thứ hai do Phương Chính, Lý An chỉ huy đóng ở cầu Sa Đôi trên sông Nhuệ.
- Đạo quân thứ ba do Sơn Thọ, Mã Kì chỉ huy đóng ở cầu Thanh Oai trên sông Đỗ Động và con đường bộ từ phía tây nam đến Đông Quan.
Quân địch đã triển khai đội hình, chiếm lĩnh ba vị trí cơ động ở đầu mối các đường giao thông thủy bộ phía tây và tây nam Đông Quan. Từ những vị trí đó, ba đạo quân Minh hình thành ba mũi tiến công nhằm vây quét một vùng rộng lớn, mà mục tiêu chủ yếu là căn cứ Ninh Kiều (Chương Mỹ Hà Tây) của đạo quân Phạm Văn Xảo, Lý Triện.
Đạo quân Phạm Văn Xảo, Lý Triện đóng ở Ninh Kiều là đối tượng vây diệt của địch và cũng là đạo quân đảm đương những trận đánh đầu tiên chống lại cuộc phản công lớn của Vương Thông.
Trong ba đạo quân địch, nghĩa quân chọn đạo quân ở cầu Thanh Oai làm mục tiêu tấn công. Đạo quân này nằm hơi tách ra về phía tây nam, binh lực không nhiều, là khâu yếu nhất trong ba mũi tiến công của địch. Ngày 5-11-1426, nghĩa quân bố trí mai phục sẵn ở cánh đồng Cổ Lâm (Thanh Oai, Hà Tây) rồi khiêu chiến nhử địch ra khỏi doanh trại để tiêu diệt. Sơn Thọ, Mã Kì tung quân ra đuổi đánh, đã bị dẫn vào trận địa mai phục và bị đại bại. Hơn 1.000 quân địch bị chết tại trận. Sơn Thọ, Mã Kì tháo chạy về Đông Quan. Nghĩa quân truy kích đến tận cầu Nhân Mục, giết thêm nhiều quân địch và bắt sống hơn 500. Đạo quân Phương Chính, Lý An đóng ở cầu Sa Đôi thấy bị đe dọa trực tiếp, cũng vội vàng rút quân về Đông Quan để tránh đòn tiến công của quân ta.
Số quân địch bị tiêu diệt chưa nhiều, nhưng thế trận ba mũi vây diệt của Vương Thông đã bị phá sản. Cuộc phản công chiến lược quy mô lớn của địch vừa mới thực hiện đã bị những đòn giáng trả quyết liệt.
Ngay tối ngày 5-11-1426, Vương Thông ra lệnh điều số bại binh mới chạy về Đông Quan lên Cổ Sở. Vương Thông đã phải thay đổi kế hoạch hành quân. Hắn tập trung tất cả binh lực lại thành một khối lớn để từ Cổ Sở đánh thẳng xuống Ninh Kiều, bao vây càn quét khu căn cứ của nghĩa quân.
Ngay hôm sau, ngày 6-11-1426, một bộ phận nghĩa quân do Lý Triện chỉ huy từ Ninh Kiều tiến lên tập kích doanh trại ngoại vi của địch ở Cổ Sở. Trận đánh nhằm quấy rối, tiêu hao và khiêu khích quân địch.
Vương Thông liền huy động đại quân đánh xuống Ninh Kiều. Nhưng đến nơi thì thấy nghĩa quân đã huỷ bỏ doanh trại, rút về Cao Bộ (Chương Mỹ, Hà Tây). Tại đây, đạo quân Lam Sơn thứ ba do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, từ Thanh Đàm (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã bí mật kéo đến hội quân. Hai đạo quân phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị một thế trận lợi hại để quyết giành thắng lợi quyết định, đập tan cuộc phản công của Vương Thông.
Từ Ninh Kiều đến Cao Bộ có hai con đường.
+ Con đường cái là đường “Thượng đạo” từ Ninh Kiều qua Chúc Động, Tốt Động lên Cao Bộ.
+ Con đường tắt từ Ninh Kiều qua Chúc Động rồi vòng về phía bắc Cao Bộ.
Vương Thông từ Ninh Kiều đánh lên Cao Bộ nhất thiết phải hành quân theo những con đường đó. Nghĩa quân đã khẩn trương bố trí hai trận địa mai phục lớn ở Tốt Động và Chúc Động để chờ địch.
Từ Ninh Kiều, Vương Thông chia quân làm hai đạo tiến đánh Cao Bộ. Đạo chính binh do Vương Thông chỉ huy, theo đường cái đánh thẳng vào phía trước Cao Bộ. Đạo kì binh theo đường tắt, lén đánh úp vào phía sau quân ta. Nhưng chưa kịp thực hiện ý đồ thì cả hai đạo quân địch đã bị rơi vào cạm bẫy và bị đánh cho tan tác ở Tốt Động và Chúc Động.
Quan ta đã giết chết tại trận trên 5 vạn quân địch và bắt sống trên 1 vạn. Đó là chưa kể số tàn quân địch tháo chạy qua Ninh Giang bị chết đuối rất nhiều, đến nỗi “nước Ninh Kiều vì thế không chảy được” và “làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang”. Trong số tướng Minh bị giết tại trận có thượng thư bộ binh Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng và chỉ huy Lý Đằng. Tổng binh Vương Thông cũng bị thương. Quân ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm gồm: ngựa, xe, vàng bạc, quân trang, vũ khí...
Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (hay Ninh Kiều) đã đi vào thơ văn của Nguyễn Trãi với những hình tượng hào hùng.
“Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm.
Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu”.
Bình Ngô đại cáo
Mở đầu bằng trận Cổ Lãm và kết thúc bằng trận Tốt Động – Chúc Động, chỉ trong mấy ngày, quân đội Lam Sơn kết hợp với lực lượng vũ trang của các làng xã và được nhân dân hết lòng ủng hộ, đã đánh bại hoàn toàn cuộc phản công ngót 10 vạn quân của Vương Thông. Quân dân ta đã tiêu diệt một bộ phận rất quan trọng sinh lực địch trong đó có phần lớn đạo viện binh của nhà Minh mới sang, đánh sập ý đồ của Vương Thông muốn xoay chuyển cục diện, giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường. Sau trận đại bại này, Vương Thông tháo chạy về Đông Quan, lo cố thủ. Quân địch càng bị lún sâu vào thế phòng ngự bị động trong các thành lũy trơ trọi.