Chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang ( 8-10 đến 3-11-1427)
1. Nhà Minh tăng viện
Tháng 1 năm 1427, nhà Minh quyết định điêu hai đạo viện binh sang cứu nguy cho Vương Thông.
Đạo viện binh thứ nhất do An Viễn hầu Liễu Thăng làm tổng binh với chức Chinh lỗ phó tướng quân, từ Quảng Tây tiến sang. Trong bộ chỉ huy của Liễu Thăng, có Bảo Định bá Lương Minh làm tả phó tổng binh, đô đốc Thôi Tụ làm hữu tham tướng.
Đạo viện binh thứ hai do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh làm tổng binh với chức Chinh Nam tướng quân, tiến sang theo đường Vân Nam. Trong bộ chỉ huy của Mộc Thạnh, có An Hưng bá Từ Hạnh làm tả phó tổng binh, Tân Ninh bá Đàm Trung làm hữu phó tổng binh.
Tổng số quân của hai đạo viện binh, theo sử ta, là 15 vạn quân và 3 vạn ngựa. Đạo quân Liễu Thăng gồm 10 vạn quân và 2 vạn ngựa. Đạo quân Mộc Thạnh gồm 5 vạn quân và 1 vạn ngựa.
Trong bộ chỉ huy viện binh, vua Minh còn đặc biệt cử hai thượng thư đi theo làm tư vấn cho Liễu Thăng. Đó là thượng thư bộ binh Lý Khánh giữ chức tham tán quân vụ, người mà vua Minh đã khen ngợi là “lão thành và lịch luyện”, và thượng thư bộ công Hoàng Phúc, tên quan đô hộ cáo già đã từng sống lâu năm ở nước ta.
Một lúc điều 15 vạn viện binh, lần tiếp viện lớn nhất trong 25 năm đô hộ của chúng, là một cố gắng chiến tranh rất lớn của nhà Minh. Cuộc chiến đấu tiêu diệt viện binh, đập tan cố gắng chiến tranh đó sẽ có ý định đoạt đối với sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta.
Khi nghe tin viện binh của địch sắp sang, một số tướng yêu cầu Lê Lợi cho họ đánh gấp thành Đông Quan “để tuyệt nội ứng”, rồi tập trung lực lượng tiêu diệt viện binh. Một vấn đề có tầm quan trọng đến sự chỉ đạo chiến lược được đặt ra là: hạ thành trước hay diệt viện trước.
Bộ chỉ huy nghĩa quân không chấp nhận đề nghị hạ thành trước, mà vẫn khẳng định chủ trương “vây thành diệt viện”. Lê Lợi đã phân tích tình hình một cách sâu sắc và giải thích chủ trương đó như sau: “Đánh thành là hạ sách. Ta đánh vào thành vững, hàng năm hàng tháng không hạ được, quân ta sức mỏi, khí nhụt. Nếu viện binh giặc lại đến trước mặt, sau lưng đều có giặc. Đó là con đường nguy! Sao bằng dưỡng sức chứa uy để đợi viện binh giặc. Viện binh bị phá thì thành tất phải hàng. Thế là làm một mà được hai. Đấy là kế vạn toàn vậy”.
Như vậy là bộ chỉ huy tối cao kiên quyết giữ những chủ trương tiếp tục vây hãm thành Đông Quan; đồng thời tập trung một lực lượng cần thiết để chặn đánh tiêu diệt viện binh của địch. Sau khi viện binh đã bị diệt thì quân địch trong các thành tất nhiên phải đầu hàng, và dù cho có thành nào đó chúng ngoan cố chống cự thì quân ta cũng thừa sức để hạ thành.
2. Kế hoạch diệt viện
Để chuẩn bị diệt viện, trước hết quân ta khép chặt hơn nữa vòng vây thành Đông Quan. Một vài cứ điểm quân sự của địch ở phía ngoài thành đều bị đánh chiếm. Quân ta đắp thêm thành Cơ Xá ở phía đông, chiến lũy Vạn Xuân ở phía nam để khống chế mọi hoạt động của địch. Lê Lợi hạ lệnh cho lực lượng nghĩa quân làm nhiệm vụ vây hãm Đông Quan “canh giữ cho nghiêm, ngày đêm tuần xét”.
Với chủ trương “vây thành diệt viện” thì chiến trường chủ yếu là miền núi rừng trên hai trục đường tiếp viện của quân Minh từ Quảng Tây và Vân Nam sang. Ở đây, công việc chuẩn bị diệt viện cũng đã được xúc tiến khẩn trương.
Nhưng đến nay, 15 vạn viện binh của địch chia làm hai đạo, theo hai đường tiến sang, thì một vấn đề cụ thể có ý nghĩa chiến lược quan trọng được đặt ra là chọn hướng chiến lược, xác định đối tượng quyết chiến chủ yếu như thế nào?
Về đạo quân Mộc Thạnh, Lê Lợi đã đánh giá: “Mộc Thạnh tuổi già, trải việc đã nhiều, vốn đã nghe tiếng ta, tất ngồi xem Liễu Thăng thành bại chứ không dám khinh động”. Mộc Thạnh trước đây đã cầm quân cùng với Trương Phụ sang xâm lược nước ta và sau đó, hai lần đem quân sang tiếp viện, một lần bị đại bại ở Bô Cô năm 1408. Về chức và tước, Mộc Thạnh cao hơn Liễu Thăng, nhưng chỉ thống lĩnh 5 vạn quân sang phối hợp với Liễu Thăng. Là một tướng già đã từng trải, Mộc Thạnh tỏ ra dè dặt và luôn luôn nghe ngóng, chờ xem đạo quân Liễu Thăng tiến quân thế nào rồi mới hành động.
Đánh giá đúng vị trí của đạo quân Mộc Thạnh và nắm vững thái độ, tư tưởng của viên tướng chỉ huy, bộ chỉ huy nghĩa quân chỉ sử dụng một lực lượng cần thiết để kìm giữ chúng ở ải Lê Hoa. Tại đây, Lê Lợi phái các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Khuyển, Lê Trung đem quân lên tổ chức trận địa phòng ngự, làm nhiệm vụ kiềm chế. Quân ta được mật chỉ đặt phục binh để đợi, chớ vội giao chiến) nghĩa là không tiến công, tránh giao tranh lớn, kiên trì mai phục và kiếm chế, chờ dịp đánh địch.
Trên cơ sở nhận định trên, Lê Lợi đã bố trí lực lượng và chuẩn bị sản một thế trận đánh thắng hoàn toàn và tiêu diệt gọn quân Liễu Thăng trên đoạn đường tiến quân của địch từ Pha Lũy đến Xương Giang.
Tại Pha Lũy, tướng Trần Lựu được lệnh tổ chức những trận đánh nhử địch nhằm kích động tính chủ quan của Liễu Thăng và dẫn dắt chúng vào trận địa mai phục ở Chi Lăng.
Các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lãnh, Đinh Liệt, Lê Thụ, Phạm Văn Liêu đem 1 vạn quân tinh nhuệ và 5 voi chiến lên bố trí mai phục sẵn ở ải Chi Lăng.
Các tướng Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An đem 3 vạn quân lên tiếp ứng và bố trí những trận đánh phía dưới Chi Lăng.
Tại Xương Giang, tướng Trần Nguyên Hãn gấp rút biến thành lũy thành một chiến lũy kiên cố chặn đứng đường tiến quân của địch về Đông Quan.
Một khối lượng lương thực lớn đã được tích trữ sẵn ở đây. Số quân địch còn lại sẽ bị vây hãm và tiêu diệt trước thành Xương Giang. Đó là điểm cuối cùng của chiến trường diệt viện.
Ngoài quân đội Lam Sơn, lực lượng vũ trang của các làng xã cũng được huy động vào các trận đánh diệt viện.
Tại dinh Bồ Đề, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy vừa chỉ đạo việc vây hãm thành Đông Quan. Vừa chỉ đạo toàn bộ chiến dịch tiêu diệt viện binh. Một lực lượng dự bị mạnh có mặt ở đây để sẵn sàng tiếp ứng cho các mặt trận khi cần thiết.
Khi viện binh của địch tiến vào biên giới nước ta cũng là lúc một thế trận đã bày sẵn để đợi chúng và quân dân ta đã đứng ở vị trí chiến đấu tương tự thế quyết chiến quyết thắng.
3. Những trận nhử địch
Ngày 8-10-1427, đạo quân Liễu Thăng tiến đến cửa ải Pha Lũy ở vùng biên giới.
Tướng Trần Lưu giữ cửa ải Pha Lũy, theo kế hoạch đã định, vừa đánh vừa giả thua, rút về Khâu Ôn (Lạng Sơn). Liễu Thăng tung quân đuổi theo chiếm lấy Khâu Ôn. Tại đây, Liễu Thăng nhận được bức thư của Nguyễn Trãi. Trong thư, Nguyễn Trãi nhân danh Trần Cảo, dùng lời lẽ mềm mỏng xin Liễu Thăng đóng đại quân ở biên giới để “xét rõ sự tình thời thế” rồi làm sớ tâu rõ công việc về triều đình” để “có thể ngồi yên mà hưởng thành công”. Liễu Thăng càng kiêu căng, không thèm đọc thư, gửi thẳng về triều, rồi lặp tức tiến quân.
Trần Lựu lui về giữ Ải Lưu (Chi Lăng, Lạng Sơn). Quân địch tiến đánh Ải Lưu, Trần Lựu lại rút về ải Chi Lăng.
Những trận đánh nhử địch tài giỏi cửa Trần Lựu kết hợp với những bức thư “đánh vào lòng người” hết sức mưu trí của Nguyễn Trãi, đã làm cho Liễu Thăng và đạo quân 10 vạn của hắn tưởng là “đắc thắng” nhưng thực ra đã “thua kế” quân ta.
4. Trận Chi Lăng
Ải Chi Lăng là cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan, cách Pha Lũy khoảng 60 km.
Toàn bộ ải Chi Lăng như một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, dài khoảng 4 km theo hướng bắc-nam, chỗ rộng nhất ở giữa khoảng hơn 1km theo hướng đông tây. Phía tây, vách núi đá vôi dựng đứng bên dòng sông Thương. Phía đông là dãy núi Thái Hòa và Bảo Đài trùng trùng điệp điệp. Lòng ải đã hẹp, lại có 5 ngọn núi đá nhỏ: Hàm Quỷ, Nà Nông, Nà Sản, Kì Lân, Mã Yên. Hai phía bắc và nam, mạch núi khép lại, tạo thành hai cửa ải hiểm trở. Ải Chi Lăng, với vị trí và địa thế của nó, đã bao lần là mồ chôn quân cướp nước từ phương Bắc xuống. Trong kháng chiến chống Tống đời Lý và chống Mông - Nguyên đời Trần, quân dân ta đã từng lợi dụng nơi đây để chặn đánh và tiêu diệt quân xâm lược.
Bộ chỉ huy quân đội Lam Sơn đã chọn ải Chi Lăng làm trận địa đánh đòn phủ đấu hết sức bất ngờ vào đạo viện binh Liễu Thăng. Một vạn quân tinh nhuệ trong đó có 5 voi chiến, 100 ngựa, đã chiếm giữ các vị trí lợi hại, mai phục sẵn sẵng đợi địch. Đó là thế trận “phục binh giữ hiểm, đập gãy tiên phong” (Bình Ngô đại cáo).
Tại Ải Lưu, Liễu Thăng “thừa thắng” đuổi theo quân ta chiếm luôn ải Chi Lăng. Trong hàng ngũ tướng giặc, nhiều người lo ngại, sợ trúng kế quân ta, hết lời khuyên Liễu Thăng nên thận trọng. Tham tán quân vụ Lý Khánh đang ốm, cũng nương dậy can gián Liễu Thăng không nên khinh địch. Nhưng với tính chủ quan, kiêu ngạo đã bị kích động cao độ, Liễu Thăng gạt bỏ mọi lời khuyên can, hạ lệnh tiếp tục tiến quân.
Ngày 10-10-1427 (ngày 20-9 năm Đinh Mùi) Liễu Thăng đích thân dẫn hơn 100 quân kị mã xông lên trước đội quân tiên phong, hung hăng mở đường tiến vào Chi Lăng. Tướng Trần Lựu đã rút về Chi Lăng, lại đem quân ra đón đánh, rồi “giả cách thua chạy”. Trên đoạn đường dài từ Pha Lũy đến Chi Lăng, Liễu Thăng chỉ thấy đội quân Trần Lựu vừa đánh vừa chạy. Hắn càng tức tối, thúc quân đuổi sát theo Trần Lựu, lao thằng vào trận địa mai phục của ta.
Phía nam ải Chi Lăng có ngọn núi Mã Yên. Dưới chân núi là một cánh đồng lầy lội, có cầu bắc qua, Liễu Thăng và hơn 100 kị binh vừa qua cầu thì cầu bị sập. Đội quân tiên phong theo chủ tướng, chưa kịp qua cầu. Đội hình của địch bị chia cắt.
Đúng lúc đó, phục binh của ta bốn bề nổi dậy, bất ngờ xông lên diệt địch. Hơn 100 kị binh của địch bị diệt gọn. Liễu Thăng bị trúng lao chết bên sườn núi Mã Yên. Tin chủ soái bị giết làm cho quân địch càng thêm hoảng loạn. Quân ta thừa thắng, chia cắt đội hình của địch ra tiêu diệt. Các đội dân binh của nhân dân địa phương cùng phối hợp chiến đấu có hiệu quả. Đặc biệt “Đội tuần đinh tuần tráng” của Lý Huề ở Đồng Mỏ đã đánh giặc rất dũng cảm và lập nhiều chiến công.
Kết quả, tại Chi Lăng quân và dân ta dưới quyền chỉ huy của các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Trần Lựu... đã tiêu diệt hơn 1 vạn quân tiên phong của địch.
5. Trận Cần Trạm
Sau khi Liễu Thăng bị giết, phó tổng binh là Bảo Định Bá Lương Minh lên thay, cầm quyền chủ soái. Nguyễn Trãi lại viết thư cho Lương Minh khuyên nên lui quân. Nhưng còn 9 vạn quân trong tay, bọn tướng giặc vẫn còn ngoan cố, tiếp tục thực hiện mưu đồ xâm lược. Lương Minh cố gắng chấn chỉnh lại đội ngũ và ra lệnh tiến quân.
Phía dưới Chi Lăng, các tướng Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An đã đem 3 vạn quân lên bày sẵn một trận địa mai phục thứ hai ở Cần Trạm để đợi giặc.
Cần Trạm (Lạng Giang, Bắc Giang) ở vào cuối dãy núi Bảo Đài, nơi tiếp giáp giữa vùng thượng du và trung du. Đây là một dịch trạm trên con đường Đông Quan - Pha Lũy. Sau khi chiếm nước ta, quân Minh lập lên ở đây một đồn trại để bảo vệ dịch trạm và án ngự con đường giao thông huyết mạch nối liền với Trung Quốc. Di tích thành Cần Trạm hiện nay vẫn còn.
Sau trận Chi Lăng, các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú... rút quân ra khỏi ải làm nhiệm vụ mới: bám sát địch, chờ thời cơ công kích vào phía sau đội hình quân địch.
Ngày 15-10-1427 (ngày 25-9 năm Đinh Mùi), quân địch lọt vào trận địa mai phục ở Cần Trạm. Ba vạn phục binh của ta do tướng Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An, chỉ huy, từ nhiều ngả xông lên đánh tạt ngang vào đội hình hành quân của địch. Cùng lúc đó, hơn 1 vạn quân của Lê Sát, Lưu Nhân Chú v.v... đánh mạnh vào hậu quân địch.
Chiến dịch xảy ra trên một quãng đường dài khoảng 5 km, dấu vết còn bảo tồn đến nay là những tên đất như Bãi Chiến, ở đông bắc thành Cần Trạm, Nghè Trận ở gần Kép... Phó tổng binh Lương Minh mới lên nắm quyền chỉ huy được 5 ngày, lại bị trúng lao chết ngay tại trận. Khoảng hơn 1 vạn quân địch bị tiêu diệt. Quân ta thu được rất nhiều lương thực, vũ khí...
6. Trận Phố Cát
Sau trận Cần Trạm, quân ta lại nhanh chóng, theo đường tắt, vận động về phía sau để tổ chức những trận đánh mới.
Quân địch bị bồi thêm một đòn thất bại nặng nề. Lực lượng bị diệt chưa thật nhiều nhưng thế của địch bắt đầu suy sụp, chuyển sang chống đỡ một cách bị động. Đô đốc Thôi Tụ giữ chức hữu tham tướng, lên nắm quyền chỉ huy. Thôi Tụ cùng với thượng thư bộ binh Lý Khánh và thượng thư bộ công Hoàng Phúc, thu thập quân lính, cố gượng tiến về phía thành Xương Giang mà chúng tưởng đang ở trong tay quân Minh.
Phía nam Cần Trạm là buộc vào địa hình trung du, đồi núi thoai thoải và thưa dần. Đường hành quân của địch xuyên qua các thung lũng hẹp và dài, hai bên là đồi thấp và rừng thưa. Quân ta lợi dụng địa thế và đội hình hành quân kéo dài của 7-8 vạn quân địch, tổ chức những trận đánh vào cạnh sườn, nhất là vào đội quân lương đi sau của địch. Đó là lối đánh “dùng kì binh chặn đường, cắt ngang lương thực” (Bình Ngô đại cáo).
Ngày 18 tháng 10 (ngày 28-9 năm Đinh Mùi), quân ta đánh một trận lớn ở Phổ Cát (gần Phố Tráng, Lạng Giang, Bắc Giang). Đối Mả Ngô còn như lưu lại dấu tích của trận đánh này.
Những trân đánh liên tiếp như vậy làm cho quân địch bị tiêu diệt thêm khoảng 1 vạn quân và đặc biệt nguy hiểm là bị mất nhiều quân lương, vũ khí. Quân ta “bắt được lừa, ngựa, trâu, quân nhu, khí giới không biết bao nhiêu mà kể”.
Sau trận Phố Cát, thượng thư bộ binh giữ chức tham tán quân vụ là Lý Khánh, phần vì ốm nặng, phần vì lo sợ và tuyệt vọng đã “kế cùng phải thắt cổ” Lại thêm một chủ tướng nữa bị chết.
Chỉ sau 10 ngày (8 đến 18-10-1427) đặt chân lên đất nước ta, đạo viện binh chủ yếu của nhà Minh đã bị những tổn thất hết sức nặng nề. Nguyễn Trãi mô tả thế trận và những thắng lợi của ta trong Bình Ngô đại cáo như sau:
“Ta đã chọn phục binh giữ hiểm, đập gãy tiền phong,
Sau lại dùng kì binh chặn đường, cắt ngang lương đạo,
Ngày mười tám, Liều Thăng bị đánh, Chi Lăng trúng kế
Ngày hai mươi, Liễu Thăng bị bại, Mã Yến phơi thây.
Ngày hai mươi lăm, bá tước Lương Minh trận hãm phải bỏ mình.
Ngày hai mươi tám, thượng thư Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ”.
Quân địch đã bị tiêu diệt khoảng 3 vạn quân, các tướng chủ chốt lần lượt bị chết. Số quận còn khoảng 7 vạn, nhưng thế và lực đã hoàn toàn suy sụp. Từ tướng đến quân, đều hoang mang, tuyệt vọng.
Nhưng đến gần Xương Giang, quân địch mới biết rằng thành này đã trở thành pháo đài sừng sững của quân ta, chắn ngang đường tiến quân của chúng. Phía sau, quân ta tiếp tục đuổi đánh. Tiến, thoái hết đường. Quân địch hết sức mệt mỏi, hoang mang, Thôi Tụ, Hoàng Phúc đành phải đóng quân giữa một cánh đồng trống trải cách thành Xương Giang khoảng 3 km về phía bắc. Đấy là một vùng địa hình bằng phẳng với những quả đối thấp và phần lớn là đồng ruộng, xóm làng của dân, nằm giữa sông Thương và sông Lục Nam. Quân địch phá nhà cửa của dân làm doanh trại và gấp rút đào hào, đắp lũy, tổ chức phòng ngự để lo đối phó với những cuộc tiến công của quân ta.
7. Đánh tan quân Mộc Thạnh
Theo hướng kiềm chế, Mộc Thạnh đang đóng quân ở vùng biên giới để chờ tin tức của Liễu Thăng. Tại ải Lê Hoa, quân ta do các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Trung, chỉ huy, chiếm lĩnh những nơi yếu hại, bố trí mai phục để làm nhiệm vụ ngăn chặn địch và sẵn sàng tiến công khi thời cơ đến. Biết rõ thái độ dè dặt của Mộc Thạnh, Nguyễn Trãi gửi thư vạch rõ những thất bại, tổn hại nặng nề của quân Minh ở nước ta và dùng lời lẽ ôn tồn khuyên Mộc Thạnh xin triều đình bãi binh.
Sau khi đã giam chặt số quân của Thôi Tụ, Hoàng Phúc ở Xương Giang, bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương phải kịp thời tổ chức tiến công đánh tan đạo quân Mộc Thạnh.
Lê Lợi sai một tên chỉ huy, ba tên thiên hộ bắt được trong đạo quân Liễu Thăng, mang sắc thư, ấn tín của Liễu Thăng cùng một bức thư của Nguyễn Trãi, chuyển cho Mộc Thạnh. Trong thư, Nguyễn Trãi chủ yếu báo tin cho Mộc Thạnh biết sự thất bại thảm hại của Liễu Thăng vì “mạo hiểm tiến quân vào sâu, chuyên việc chém giết, định diệt hết không để sót người nào” nên “bị chết tại trận tiền, không biết lẫn lộn vào đâu” và “Bảo định bá, Thôi đô đốc, Lý thượng thư cũng nối nhau chết nốt”.
Đòn tiến công “đánh vào lòng người” đã có tác dụng lớn. Đọc thư, lại tận mắt nhìn thấy những chứng tích thất bại của Liễu Thăng, tướng Mộc Thạnh vô cùng khiếp sợ. Đang đêm, Mộc Thạnh vội vàng đem quân tháo chạy.
Quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng lập tức tung quân ra đuổi đánh. Mộc Thạnh dù tháo chạy, nhưng cũng phải đánh cho tan nát thì mới đè bẹp được ý chí xâm lược của quân thù.
Quân ta thắng lớn ở Lãnh Câu và Đan Xá, giết chết hơn 1 vạn: bắt sống hơn 1.000 quân địch và thu được hơn 1.000 ngựa cùng rất nhiều vũ khí, lương thực, của báu.
Nguyễn Trãi mô tả chiến thắng này trong Bình Ngô đại cáo:
“Bị quân ta chẹn ở Lê Hoa, quân Văn Nam kinh sợ mà trước đã vỡ mặt.
Nghe quân Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
Lãnh Câu máu chảy thắm dòng, nước sông ấm ức.
Đan Xá thây chồng thành núi, cỏ nội thẫm hồng”.
8. Trận Xương Giang kết thúc
Tại mặt trận chính ở Xương Giang, vòng vây quân ta ngày càng khép chặt. Nguyễn Trãi tiếp tục viết thư dụ hàng, khuyên Thôi Tụ, Hoàng Phúc nên “lui quân ra ngoài bờ cõi”. Như thế ngọn các ông có thể không mất tiếng tốt, mà Nam, Bắc từ nay vô sự. Đó không những là sự may cho nước An Nam tôi, cũng là sự may lớn cho cả bàn dân thiên hạ”.

Quân địch tuy khốn quẫn, nhưng với khối lượng 7 vạn quân, chúng vẫn cố kéo dài thời gian cầm cự, nuôi hi vọng quân Đông Quan hay quân Vân Nam sẽ đến cứu nguy. Nguyễn Trải biết rõ điều đó: “Chắc các ông sở dĩ ở chậm lại, có ý trông mong vào quân ở thành Đông Quan sang tiếp ứng chăng? Hay là quân ở Vân Nam sang tiếp ứng chăng?”. Nguyễn Trãi chỉ cho chúng biết “Từ Đông Quan đến đây chỉ có một ngày đường, không phải hẹn còn có thể tự đến cứu được, há lại nỡ lòng nào dửng dưng ngồi nhìn không đau lòng hộ ư?”. Còn quân Vân Nam thì “Kiềm đại nhân tuổi cao đức cả, đã sớm biết lẽ phải..., đã lui quân về Vân Nam rồi”. Nguyễn Trãi hạn cho chúng trong ba ngày phải lui quân: “Các ông, hạn trong ba ngày, nên thu nhặt mà đi. Quá hạn ấy mà còn chậm lại, thế là các ông thất tín, không phải lỗi ở tôi vậy”. Đó là bức thư cuối cùng, lời lẽ kiên quyết và có tính chất như một tối hậu thư.
Sau khi đánh tan đạo quân Mộc Thạnh, bộ chỉ huy nghĩa quân tăng cường thêm lực lượng cho mặt trận Xương Giang và hạ lệnh gấp rút chuẩn bị tiêu diệt toàn bộ số quân địch còn lại, sớm kết thúc chiến tranh. Các tướng Lê Khôi, Nguyễn Xí, Phạm Vấn, Trương Lôi được lệnh đem thêm quân tinh nhuệ và voi chiến lên Xương Giang.
Quân và dân ta đã sẵn sàng diệt giặc trong một thế trận mạnh hơn lúc nào hết. Đúng ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi, tức ngày 3-11-1427, quân dân ta mở trận tổng công kích; từ bốn phía, hàng vạn quân bộ binh, kị binh, tượng binh, nhất loạt tiến công quyết liệt vào khu vực phòng ngự của địch.
“Một tiếng trống, sạch sanh kình ngạc,
Hai tiếng trống, tan tác chim muông.
Tan tổ kiến xoi, bám nơi đê vỡ,
Nổi gió mạnh, trút sạch lá khô”.
(Bình Ngô đại cáo)
Số phận của quân địch được định đoạt nhanh chóng:
“Đô đốc Thôi Tụ, quỳ gối chịu tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay nộp mình”.
Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng với hơn 300 tướng địch và hơn 1 vạn quân bị bắt sống. Hơn 5 vạn quân bị giết chết tại trận. Một số trốn thoát, chạy tán loạn vào rừng, “trong khoảng không đến năm ngày, những người chăn trâu, kiếm củi đều bắt được hết, không sót tên nào”. Sử triều Minh cũng phải ghi nhận, toàn bộ đạo viện binh Liễu Thăng đều bị giết và bị bắt hết, duy chỉ có viên chủ sự Phan Hậu trốn thoát về nước. Quân ta thu được rất nhiều vũ khí, xe, ngựa, vàng bạc, vải lụa.
Như vậy là sau 27 ngày chiến đấu (từ 8 - 10 đến 3-11-1427), quân dân ta đã tiêu diệt 10 vạn viện binh của Liễu Thăng và đánh tan tác 5 vạn viện binh của Mộc Thạnh. Chiến thắng của chiến dịch diệt viện, thường gọi là chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, thật hào hùng, oanh liệt.
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang là thắng lợi oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa định đoạt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Bằng thắng lợi đó, quân dân ta đã đập tan một cố gắng chiến tranh lớn nhất của nhà Minh, buộc Vương Thông ở Đông Quan phải đầu hàng và triều đình nhà Minh ở Bắc Kinh phải từ bỏ mưu đồ xâm lược nước ta.