Tài liệu: Vây hãm Đông Quan và các thành lũy khác

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Song song với công việc xây dựng hậu phương, nghĩa quân tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh với địch.
Vây hãm Đông Quan và các thành lũy khác

Nội dung

Vây hãm Đông Quan và các thành lũy khác

Song song với công việc xây dựng hậu phương, nghĩa quân tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh với địch. Bước phát triển sáng tạo của cuộc đấu tranh trong giai đoạn từ sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động là kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt: quân sự, địch vận và ngoại giao.

Những cuộc tiến công của quân ta đã dồn địch vào tình thế cực kì nguy ngập. Chính trong cảnh “chí cùng lực tận” (Bình Ngô đại cáo), Vương Thông phải “sai người đưa thư xin hòa, mong được toàn quân trở về nước”[1].

Mục tiêu cao cả của khởi nghĩa Lam Sơn là đuổi giặc cứu nước, giành lại độc lập dân tộc. Mỗi khi quân địch đã chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, xin rút quân về nước thì ta sẵn sàng mở đường cho chúng rút lui. Vì vậy, khi nhận được thư Vương Thông, Lê Lợi nói: “Lời ấy cố nhiên hợp ý ta. Vả lại binh pháp nói: không đánh mà khuất phục được người, kế dùng binh như thế mới là giỏi”[2]. Từ đó, bắt đầu mở ra cuộc đấu tranh hòa nghị với địch. Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi, đảm đương cuộc đấu tranh phức tạp này.

Sau một thời gian thương lượng, hai bên đi đến một số kết quả bước đầu. Vương Thông cam kết rút hết quân về nước. Quân địch ở các thành sẽ được giải vây, tập trung về Đông Quan để về nước. Quân ta bảo đảm các điều kiện an toàn cho quân địch rút lui. Đối với triều đình nhà Minh, ta áp dụng một số sách lược mềm mỏng để khỏi mất thể diện của “thiên triều” như lập con cháu nhà Trần làm vua, chịu cầu phong... Lê Lợi lập Trần Cảo, một người tự xưng là cháu ba đời vua Trần Nghệ Tông, lên làm vua trên danh nghĩa, là vì mục đích này.

Quân ta còn nới rộng vòng vây các thành, cho phép quân địch được ra vào mua bán. Trong những bức thư gửi cho Vương Thông, Nguyễn Trãi chỉ rõ, hòa nghị thành, chiến tranh kết thúc, điều đó có lợi cho nhân dân cả hai nước: “không những sinh linh nước tôi được khỏi lầm than, mà binh sĩ Trung Quốc cũng khỏi nỗi khổ gươm đao”.

Đầu năm 1427, nhà Minh đã quyết định điều quân sang tiếp viện cho Vương Thông. Vì vậy, Vương Thông bề ngoài thì nói giảng hòa để làm kế hoãn binh, bên trong thì vẫn tiếp tục đào hào, đắp lũy, cắm chông, lo cố thủ lâu dài. Hắn còn sai thám tử lén lút vượt biên giới, mang thư bọc sáp về nước tâu báo tình hình và khẩn thiết xin quân cứu viện.

Trước thái độ và hành động gian trá của địch, Lê Lợi ra lệnh khép chặt vòng vây quanh thành Đông Quan. Quân ta mai phục, bắt sống hơn 3.000 quân địch và 500 con ngựa. Đầu năm 1427, Lê Lợi dời đại bản doanh lên Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), đối diện với thành Đông Quan qua sông Nhị. Tại đây, Lê Lợi, Nguyễn Trãi trực tiếp chỉ đạo việc vây hãm thành Đông Quan và cuộc đấu tranh vừa đánh vừa đàm với địch. Lê Lợi sai dựng một lầu cao ngang tháp Báo Thiên để quan sát tình hình địch ở trong thành.

Bốn đạo quân Lam Sơn áp sát bốn cửa thành Đông Quan. Phía sau là ba trại quân đóng ở ba mặt: Cảo Động (Từ Liêm, Hà Nội) ở phía tây bắc) Sa Đôi (Từ Liêm, Hà Nội) ở phía tây và Tây Phù Liệt ở phía nam. Phía đông, bên kia sông Nhị, là một hệ thống chiến lũy và doanh trại của nghĩa quân, vừa bảo vệ đại bản doanh Bồ Đề, vừa ngăn chặn không cho quân địch liên hệ với các thành lũy phía bắc.

Tuy vậy, Lê Lợi, Nguyễn Trãi tiếp tục cuộc đấu tranh hòa nghị với địch. Thực chất đó là một cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao nhằm vạch trần bản chất phi nghĩa, ngoan cố của kẻ thù, vận động, thuyết phục chúng, đồng thời mở sẵn lối thoát cho triều Minh khi kết thúc chiến tranh. Đó là chủ trương mà trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi gọi là: Ngã Mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất” (Ta mưu trí đánh dẹp bằng cách đánh vào lòng người, khiến không đánh mà quân giặc phải tự khuất phục). “Đánh vào lòng người” ở đây là đánh vào lòng giặc, là địch vận.

Tuy nhiên, Vương Thông vẫn lợi dụng những chỗ sợ hở của nghĩa quân, mở một số cuộc phản kích, cố tạo ra vài thắng lợi nhỏ rồi khuếch đại lên để mong giữ tinh thần quân lính.

Ngày 4-3-1427, Phương Chính tập kích doanh trại Cảo Động.

Ngày 13-3-1427, một toán quân Minh lén ra đánh doanh trại Sa Đôi.

Ngày 6-4-1427, Vương Thông tự đem một đội quân tinh nhuệ, bất ngờ tập kích doanh trại Tây Phù Liệt.

Ngoài Đông Quan, quân Minh còn chiếm giữ 12 thành: Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Tây Đô, Cổ Lộng, Điêu Diêu, Tam Giang, Thị Cầu, Xương Giang, Chí Linh, Khâu Ôn. Đối với các thành lũy này, chủ trương chung của nghĩa quân cũng là vừa vây hãm vừa dụ hàng, nghĩa là kết hợp tiến công quân sự với địch vận, được nâng lên thành thế trận chiến lược.

Năm thành từ Thanh Hóa trở vào đã bị vây hãm từ năm 1425. Các thành ở phía bắc bắt đầu bị vây hãm vào khoảng cuối năm 1425 đầu năm 1426.

Đối với quân Minh, Nguyễn Trãi chỉ rõ thế tất thắng của ta, thế thất bại của địch, vạch trần cái “bội ước thất tín” của Vương Thông, cái “cơ táng loạn” của triều đình nhà Minh và khuyên bảo: “Các ngươi nếu biết kéo quân ra thành cùng ta hòa hảo thân tình, thì ta coi các ngươi nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ những bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu!”. Mặt khác, Nguyễn Trãi cũng nghiêm khắc cảnh cáo trước: “Nếu không thế, tùy các ngươi. Trong khoảng sớm tối sẽ khắc thấy nhau. Đến lúc bấy giờ, hối cũng không kịp”[3].

Phương thức đấu tranh chung là vừa vây hãm, vừa dụ hàng, nhưng yêu cầu đối với từng loại thành có khác nhau.

Trong số 12 thành, quân địch còn cố thủ, có những thành nằm sâu trong hậu phương của ta, cách xa các đường tiếp viện của quân Minh, như thành Chí Linh, Cổ Lộng và các thành từ Thanh Hóa trở vào. Về mặt quân sự, những thành này ở vào vị trí hoàn toàn bị cô lập và không thể tiếp ứng, phối hợp với viện binh địch. Nghĩa quân chủ trương kết hợp bao vây với địch vận, buộc quân địch trong các thành ấy phải đầu hàng.

Đến đầu năm 1427, các thành Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu lần lượt đầu hàng. Chỉ còn thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh, quân địch dù ngoan cố giữ thành, nhưng lực lượng càng ngày càng suy yếu, kiệt quệ và khi viện binh sang, không dám hành động gì.

Những thành khác nằm trên hai trục đường tiếp viện của quân Minh đến Đông Quan. Đó là thành Tam Giang (Vĩnh Phúc và Phú Thọ) - trên trục đường Vân Nam - Đông Quan và các thành Khâu Ôn (Lạng Sơn), Xương Giang (Bắc Giang), Thị Cầu (Bắc Ninh), Điêu Diêu (Gia Lâm, Hà Nội) trên trục đường Quảng Tây - Đông Quan. Những thành này đóng vai trò như những nhịp cầu đón tiếp và dẫn dắt quân địch tiến vào Đông Quan. Vì vày, để triệt để cô lập Đông Quan và chuẩn bị chiến trường diệt viện, nghĩa quân chủ trương vừa vây hãm, vừa dụ hàng, nhưng nhất thiết phải xóa sạch trước khi viện binh sang. Trường hợp những thành ngoan cố không chịu đầu hàng thì kiên quyết tiến công hạ thành bằng sức mạnh quân sự.

Kết quả là tháng 2 năm 1427 thành Điêu Diêu đầu hàng, tháng 3 thành Thị Cầu đầu hàng, tháng 4 thành Tam Giang đầu hàng, chỉ có hai thành Khâu ôn và Xương Giang nhất định không chịu ra hàng, quân địch liều chết cố thủ chờ viện binh.

Khâu Ôn là một thành gần biên giới Quảng Tây. Thành đã bị quân ta do Trần Lựu và Lê Bôi chỉ huy, vây hãm từ cuối năm 1426. Tháng 2 năm 1427, quân ta mở cuộc tiến công hạ thành. Quân địch một số tháo chạy về Quảng Tây, một số bị tiêu diệt tại chỗ.

Xương Giang là một thành lũy vào loại kiên cố của quân Minh, lại ở vào một vị trí trọng yếu trên con đường Quảng Tây - Đông Quan.

Cuối năm 1426, một lực lượng nghĩa quân khá mạnh do các tướng Lê Sát, Lý Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh chỉ huy, được lệnh tiến lên vây hãm thành Xương Giang. Nguyễn Trãi đã hai lần viết thư dụ hàng và cho Thái Phúc đến dưới chân thành khuyên bảo. Nhưng quân địch dựa vào kiến trúc phòng vệ chắc chắn, binh lực nhiều và lương thực dự trữ sẵn, kiên quyết cố thủ chờ viện binh.

Tháng 9 năm 1427, Lê Lợi điều thêm quân và giao cho các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Nguyễn Đình Lý phải tổ chức công phá, gấp rút hạ thành Xương Giang. Ngày 28-9-1427, quân ta dùng thang đột nhập vào thành. Toàn bộ quân địch bị diệt và bị bắt sống. Bọn tướng Minh phải tự tử.

Như vậy là cho đến trước khi viện binh sang, quân Minh ở nước ta chỉ còn giữ được bốn thành: Đông Quan, Chí Linh, Cổ Lộng[4], Tây Đô. Quân địch tuy liều chết cố thủ, nhưng sự vây hãm lâu ngày kết hợp với những đòn tiến công địch vận đã làm chúng rã rời, suy nhược, mất hết khả năng hành động phối hợp với viện binh. Cả đất nước đã được chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu có ý nghĩa quyết định tiêu diệt viện binh của nhà Minh.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4634-02-633921658189997500/Phong-trao-khang-chien-chong-Minh-va-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận