Vương thông rút quân về nước
Trên đất nước ta, quân địch chỉ còn giữ được ba thành: Đông Quan, Cổ Lộng, Tây Đô. Chúng dám liều chết để cố thủ và chủ yếu chỉ hi vọng vào quân cứu viện của triều đình nhà Minh. Nay hai đạo viện binh bị tiêu diệt, niềm hi vọng của quân địch bị sụp đổ.
Lê Lợi sai giải đô đốc Thôi Tụ, thượng thư Hoàng Phúc cùng một số tù binh mang theo chiếc song hổ phù của Liễu Thăng, hai ấn thượng thư bằng bạc của Lý Khánh, Hoàng Phúc và vũ khí, cờ trống của địch, đem đến thành Đông Quan cho Vương Thông và quân địch trong thành nhìn thấy thất bại thảm hại của viện binh. Đồng thời, Nguyễn Trãi viết thư nói rõ cho Vương Thông biết thất bại của Liễu Thăng. Bức thư cùng với nhân chứng, di vật rành rành đã gây chấn động mãnh liệt về tinh thần và tâm lí đối với quân địch. Từ tổng binh Vương Thông cho đến quân lính trong thành đều hết sức khiếp sợ.
Sau khi diệt viện, quân ta có đủ điều kiện và khả năng để hạ thành. Nhưng chủ trương của Lê Lợi, Nguyễn Trãi là muốn tiếp tục vây hãm và kiên trì thuyết phục, buộc chúng phải đầu hàng. Như thế vừa bảo đảm giành thắng lợi trong điều kiện ít tổn hại xương máu nhất, vừa mở ra lối thoát thuận lợi để kết thúc chiến tranh với nhà Minh. Trong hàng ngũ tướng soái nghĩa quân lúc bấy giờ cũng có nhiều người căm ghét quân giặc tàn ngược, trí trá, khuyên Lê Lợi “lấy binh mà đánh thắng”, “bắt giết hết không tha”. Nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi trước sau vẫn chủ trương cố gắng đến mức cao độ nhất, vừa uy hiếp vừa thuyết phục, buộc quân địch đầu hàng. Lê Lợi giải thích như sau: “Việc dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết (toàn quốc vi thượng). Nay đã cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh, trả lại đất đai cho ta, không xâm lấn bờ cõi ta, đó là điều ta không cần gì hơn thế nữa. Hà tất phải giết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì”.
Vương Thông đã lâm vào cảnh “kế cùng, lực kiệt”, một mặt sai người mang thư ra “xin giảng hòa, mở cho đường về”. Nhưng mặt khác, Vương Thông vẫn còn ngoan cố, nghi ngại và hoảng sợ. Hắn liều lĩnh dốc hết quân trong thành, tự mình cầm quân, mở một cuộc phản kích hòng phá vây về nước. Quân ta đã chuẩn bị sản sàng, nhử địch vào nơi mai phục, rồi đánh cho tan tác. Vương Thông ngã ngựa, suýt bị bắt sống. Quân ta đuổi đánh đến tận cửa Nam thành Đông Quan.
Lê Lợi ra lệnh khép chặt vòng vây, tăng cường các trận địa bao vây quanh thành và cho quân đội áp sát các của thành. Quân ta đắp một chiến lũy án ngữ cửa Nam, chẹn lối ra vào của địch. Bản thân Lê Lợi đứng ra đốc thúc quân sĩ đắp một chiến lũy từ phường An Hoa đến thẳng cửa Bắc, chỉ trong một đêm là xong. Lê Lợi còn sai các tướng chuẩn bị sẵn mọi thứ vũ khí và phương tiện đánh thành, để trường hợp địch ngoan cố đến cùng thì quân ta sẽ kiên quyết hạ thành.
Nguyễn Trãi đã viết 7 bức thư gửi cho Vương Thông. Nguyễn Trãi nhắc lại “cái họa Liễu Thăng” và chỉ rõ cho Vương Thông tình thế của chúng lúc này: “Nhà lớn gần xiêu, một cây gỗ khôn hay chống đỡ, đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó thể chi trì. Nếu không biết lượng sức mà cứ cưỡng làm thì ít khi không thất bại”. Nguyễn Trãi đã bác bỏ mọi lí lẽ trì hoãn việc đầu hàng của quân Minh và phân tích một cách hết sức ôn tồn, có tình có lí để xóa bỏ những mối ngờ vực, lo lắng của Vương Thông.
Ngày 10-12-1427 (ngày 22-11 năm Đinh Mùi) tại một địa điểm ở phía nam thành Đông Quan, bên bờ sông Nhị, một hội thề lịch sử đã được tổ chức, thường gọi là hội thề Đông Quan. Dự hội thề có phái đoàn quân ta do Lê Lợi cầm đầu và phái đoàn quân Minh do Vương Thông cầm đầu.
Trong hội thề, Vương Thông cam kết rút hết quân về nước, không dám ngoan cố chờ đợi viện binh và trên đường rút quân, không được cướp bóc nhân dân. Về phía ta, Lê Lợi bảo đảm tha cho quân địch được toàn tính mạng về nước và đối với triều Minh sẽ có biểu cấu phong.
Sau hội thề, Lê Lợi ra lệnh giải vây cho các thành. Ngày 29-12-1427, quân Minh bắt đầu rút quân. Ngày 3-1-1428, đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước.
Ta đã tha cho 10 vạn quân địch được an toàn trở về với quê hương xứ sở Hơn thế nữa, Lê Lợi còn cấp cho 500 chiến thuyền, mấy nghìn con ngựa cùng với đầy đủ lương thực và sai sửa sang cầu cống, đường sá để cho chúng rút về nước. Quân Minh hết sức cảm động, kéo đến dinh Bồ Đề lạy tạ những người lãnh đạo đầy lòng khoan dung, nhân đạo của nghĩa quân Lam Sơn.
Cuộc chiến tranh kết thúc bằng chiến thắng hào hùng của dân tộc ta và cuộc đầu hàng rút lui nhục nhã của quân thù:
“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng,
Tướng giặc bị bắt tù, xin thương hại vây đuôi cầu sống.
Uy thần chẳng giết hại, lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh,
Bọn tham chính Phương Chính, nội quan Mã Kỳ được cấp
năm trăm thuyền, đã vượt biển vẫn hồn kinh phách lạc.
Lũ tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, được cấp
cho mấy nghìn ngựa, đã về nước còn ngực đập chân run.
Chúng sợ chết thèm sống mà thực muốn cầu hòa,
Ta lấy toàn quân làm cốt cho dân được yên nghỉ
Chẳng những mưu kế kì diệu,
Cũng là chưa thây xưa nay”.
(Bình Ngô đại cáo)