Tài liệu: Làm gì nếu có bất hòa với những người thân trong gia đình?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Có thể bạn không hiểu được tại sao việc giáo dục, dạy bảo của cha mẹ với mình lại phiền phức như vậy?
Làm gì nếu có bất hòa với những người thân trong gia đình?

Nội dung

Làm gì nếu có bất hòa với những người thân trong gia đình?

Có thể bạn không hiểu được tại sao việc giáo dục, dạy bảo của cha mẹ với mình lại phiền phức như vậy? Vẫn biết là không nên, nhưng đôi khi, chỉ cần cha mẹ hỏi thêm một hai câu về việc gì đó là bạn đã có thể nổi cáu, nổi khùng một cách vô cớ được.

Tuy mỗi gia đình đều có những lý do cụ thể nhưng nguyên nhân quan trọng nhất của việc này e rằng vẫn và do những thay đổi tâm lý quá lớn ở lứa tuổi dậy thì của một thiếu nữ như bạn. Điều đó khiến cho cha mẹ và ngay cả bản thân bạn cũng khó mà thích nghi ngay lập tức được.

Đôi khi, bạn có thể là cô gái rất biết nghe lời cha mẹ. Trong con mắt và suy nghĩ của bạn, cha mẹ luôn đúng và họ thật sự trở thành những vị thánh. Sự vâng lời và ngoan ngoãn của bạn khi còn là một cô bé con đã mang lại cho cha mẹ rất nhiều niềm vui cũng như sự an ủi, động viên. Nhưng, theo thời gian, bạn lớn lên, học thêm nhiều kiến thức mới, tiếp xúc nhiều hơn với thế giới và xã hội bên ngoài, bạn bắt đầu quan sát, nhìn nhận và phán đoán mọi việc bằng chính con mắt của mình. Cũng từ đó, trong cái nhìn của bạn, cha mẹ không còn là những nhân vật vĩ đại nhất trên thế giới nữa, bởi ngoài các thầy cô giáo, bạn còn ngưỡng mộ, thần tượng biết bao nhân vật khác được giới thiệu qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Cha mẹ và thầy cô đã không còn là những người bạn tri kỷ nhất của bạn, bởi xung quanh bạn là biết bao những người bạn cùng trang lứa mà bạn có thể tâm sự đủ thứ chuyện trên đời. Quan điểm của cha mẹ và thầy cô giáo lúc đó đối với bạn không phải là một kim chỉ nam luôn đúng nữa, bởi bạn cũng đã có những suy nghĩ riêng của mình. Nếu bạn vẫn chưa quen quan tâm đến suy nghĩ và tình cảm của người khác thì khi thể hiện, biểu đạt những cách nghĩ của mình, liệu bạn có vô tình hay hữu ý khiến cha mẹ cảm thấy bạn đang coi nhẹ họ hay không?

Có thể bạn cảm thấy mình đã lớn, đã đủ trưởng thành để có quyền độc lập tự chủ trong mọi việc. Bạn bắt đầu không thích việc cha mẹ can thiệp vào những “việc riêng tư” của mình. Bạn thích được tự mình quyết định cách ăn mặc, kết bạn với ai, sử dụng thời gian rảnh rỗi như thế nào, được tham gia vào những buổi thảo luận, nói chuyện mang tính chất “người lớn” hơn. Nhưng cha mẹ thì vẫn coi bạn là trẻ con, thiếu kinh nghiệm sống, chưa thể tự lập được trong mọi chuyện, vẫn cần có sự bảo ban, quản thúc như trước đây. Vậy là, những nỗ lực và hành động đòi được tự lập của bạn trở nên mâu thuẫn, xung đột với sự quan tâm của cha mẹ. Đương nhiên là, để chứng minh được rằng bạn đã có thể độc lập tự chủ, không muốn phải tuân theo sự sắp đặt của người khác, đôi khi bạn sẽ cố tình làm trái ý cha mẹ; cho dù biết rất rõ ý kiến cha mẹ đưa ra là hợp lý, còn cách làm của mình là sai thì bạn vẫn cố tình chống đối như vậy.

Một biểu hiện nữa là bạn sẽ ngày càng coi trọng ý kiến của bạn bè hơn trước. Nói chung, các cô bé cậu bé ở độ tuổi dậy thì cần có nhiều bạn bè hơn bao giờ hết và đều rất coi trọng quan điểm, suy nghĩ của bạn bè mình. Những ảnh hưởng của bạn bè cùng trang lứa đến độ tuổi này thể hiện rõ nhất ở phong cách ăn mặc, trang điểm hay lời nói, cử chỉ, hành động. Đối với một cô gái mới lớn như bạn, việc được bạn bè tiếp nhận thậm chí còn quan trọng hơn cả việc làm cho cha mẹ hài lòng. Bạn rất lo sợ bị các bạn của mình bài xích, xa lánh. Tuy nhiên, cha mẹ dường như không thể hiểu được nỗi khổ tâm đó của bạn, mà luôn cho rằng bạn đang từ chối tình cảm và sự quan tâm của họ.

Ngoài ra, trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống của mỗi người càng ngày càng trở nên nhanh chóng, gấp gáp hơn. Một số cha mẹ luôn bận rộn, đầu tắt mặt tối lo chuyện kinh tế gia đình hoặc phải đối mặt với nhiều áp lực lớn ngoài xã hội nên có rất ít thời gian dành cho con cái. Sự giao lưu, trao đổi tâm tình giữa cha mẹ và con cái ngày càng ít dần đi hoặc nếu có thì cũng chỉ là những điều sáo rỗng, hời hợt, không có chất lượng, khiến tình cảm giữa đôi bên ngày càng trở nên xa cách.

Còn một nguyên nhân khác nữa dẫn tới hiện tượng này, đó là khi bước vào độ tuổi dậy thì, tâm tư, tình cảm của các bạn gái có rất nhiều biến đổi. Đương nhiên, đây không phải là lỗi của bạn, vì hầu như bất cứ ai ở độ tuổi này cũng đều phải trải qua những chuyện như vậy ở các nước châu Á, con cái trước khi lập gia đình hầu hết đều sống chung với cha mẹ, nên cha mẹ thường xuyên phải chịu đựng những biến động về tâm tư, tình cảm của bạn. Vì cảm thấy gia đình chính là nơi an toàn nhất nên bạn thường coi đây là nơi để giải phóng tất cả những lo lắng, buồn phiền, những tâm trạng khó chịu của mình trong cả một ngày dài. Nhìn từ góc độ tâm lý học, việc giải thoát cho mình khỏi những áp lực, ức chế về tình cảm là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc bắt cha mẹ (đặc biệt là mẹ) phải chịu đựng tất cả những u uất, trầm tư của bạn và một việc hoàn toàn không công bằng.

Mẹ của một cô gái mới lớn đã rất đau lòng khi tâm sự rằng: “Tôi không biết con gái tôi bị làm sao nữa! Cả một tháng trời nó chẳng hề nói với tôi một câu nào tử tế. Tôi càng cố gắng để hiểu nó, thì nó lại càng nổi loạn như giông bão vậy. Trước đây, quan hệ giữa hai mẹ con tôi rất tốt. Nhưng bây giờ, tôi có cảm giác như mình chính là kẻ thù của con gái vậy!”.

Đôi khi, sự vui vẻ của cha mẹ cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn cảm thấy khó chịu.

“Tôi nhận thấy, cứ mỗi khi cha mẹ đang rất vui vẻ thì tôi lại luôn cố gắng chống đối lại điều đó. Mỗi khi đi làm về, mẹ thường cười to và hỏi tôi: “Ngày hôm nay của con thế nào?” Nếu tôi không muốn trả lời, mẹ sẽ cho rằng tôi không thích nói chuyện với mẹ. Thực ra không phải như vậy. Mỗi ngày, tôi chỉ có rất ít thời gian dành riêng cho mình. Những lúc đó, tôi chỉ muốn được ở một mình mà thôi”.

Đối với cha mẹ, thích ứng được với những thay đổi trong tâm lý của bạn thật sự là một thử thách khá lớn. Cha mẹ chúng ta cũng là người, họ không thể lúc nào cũng phản ứng lại được trước sự thay đổi tâm trạng của bạn đúng như cách mà bạn muốn. Có thể cha mẹ sẽ không hiểu được vì sao bạn không vui, nhưng lại sẵn sàng nổi giận trước sự “không vui” đó của bạn. Ngược lại, cha mẹ cũng có thể sẽ thông cảm mà hỏi cặn kẽ xem tại sao bạn lại như vậy. Nhưng, cả hai cách này đều không khiến bạn cảm thấy thỏa mãn, hài lòng. Đó không phải là những điều mà bạn cần nhất vào lúc này.

Nhìn về lâu dài thì sự chủ động của bạn trong giao tiếp với cha mẹ sẽ là vô cùng quan trọng. Khi tâm trạng không được vui, bạn hãy tâm sự với cha mẹ, tìm lời khuyên từ cha mẹ và việc này cũng giúp cha mẹ hiểu, thông cảm với bạn nhiều hơn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4189-02-633704802144600000/Toi-yeu-gia-dinh-Toi-yeu-Thay-co/Lam-gi-n...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận