Làm gì khi cha mẹ không hiểu việc bạn làm?

Ở đây, chúng ta hãy cùng bàn đến những nguyên tắc để bạn luôn vui vẻ, hòa thuận với cha mẹ.
Gia đình nào cũng có những lúc cha mẹ và con cái xảy ra mâu thuẫn, xung đột với nhau. Đây là điều bình thường và không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Trong các mối quan hệ xã hội, mỗi người đều có những nhu cầu và cách nhìn nhận khác nhau, kể cả khi họ là thành viên trong một gia đình. Dù giữa bạn và cha mẹ không có sự khác biệt về nhóm máu như với những người khác, nhưng sự khác biệt về độ tuổi, giới tính, kinh nghiệm và vai trò trong gia đình cũng sẽ khiến cho bạn và cha mẹ mình có những nhu cầu tâm lý cũng như cách nhìn nhận khác nhau đối với mọi vấn đề.
Ví dụ: Cha mẹ vẫn cho rằng bạn còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều và thiếu kinh nghiệm sống. Là những người đi trước, sự quản lý, giáo dục của cha mẹ đối với bạn lúc nào cũng là hợp lý và cần thiết. Bạn phải nghe lời người lớn, đi đường thẳng, đường quang chứ nhất thiết không được đi đường vòng hay đâm vào bụi rậm. Nhưng bạn lại luôn nhận thấy mình đã đủ lớn, đã trưởng thành và cần phải có không gian riêng, không muốn chịu sự quản thúc của bất kỳ ai, dù người đó là cha mẹ của mình.
Thực ra, trong cách nghĩ của cả bạn và cha mẹ đều có những điểm rất hợp lý. Nếu cả hai phía đều không để ý xem suy nghĩ của phía bên kia có hợp lý hay không, mà chỉ khăng khăng cho rằng mình đúng thì mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ sẽ không bao giờ được cải thiện để hiểu nhau một cách sâu sắc, gắn bó hơn. Trong mối quan hệ đó, điều quan trọng nhất không phải là tránh để không xảy ra những xung đột, mà là giải quyết những xung đột đó theo hướng tích cực, mang tính xây dựng như thế nào. Nếu nhìn nhận theo ý nghĩa này thì gia đình cũng chính là một môi trường lý tưởng, dạy cho mỗi chúng ta biết cách đối nhân xử thế trong xã hội.
Muốn chung sống hòa thuận với nhau, cả hai thế hệ đều cần phải cố gắng, nỗ lực hết mình. Một số bạn trẻ đã rất không công bằng khi cứ hễ xảy ra mâu thuẫn giữa mình và cha mẹ, là cho rằng cha mẹ luôn luôn sai, còn mình thì luôn đúng.
Bạn cần phải biết rằng, kể từ ngày đầu tiên bố bạn và mẹ bạn xây dựng gia đình với nhau, gia đình nhỏ bé của bạn đã bắt đầu trải qua những giai đoạn đặc biệt riêng của nó. Cũng giống như cuộc đời của mỗi người, ai cũng phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, cuộc sống gia đình cũng có nhiều thăng trầm, biến đổi. Trong mỗi giai đoạn đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng sẽ có những thay đổi nhất định. Khi bạn bước vào giai đoạn trưởng thành, quan hệ giữa trẻ con và người lớn - giữa bạn và cha mẹ lúc đầu sẽ dần chuyển thành quan hệ giữa những người lớn với nhau. Cùng lúc đó mối quan hệ giữa bố và mẹ cũng sẽ có những thay đổi nhất định. Cả bạn và cha mẹ đều phải chủ động thích ứng với những thay đổi về chất trong các mối quan hệ gia đình này.
Vì vậy, mỗi khi giữa bạn và cha mẹ xảy ra những mâu thuẫn, xung đột; bạn đừng nên tức giận theo kiểu trẻ con, mà hãy thử dùng thái độ của một người trưởng thành để cố gắng hoá giải những mâu thuẫn, xung đột đó, điều chỉnh để mối quan hệ giữa hai bên trở về trạng thái tốt nhất. Bạn có thể tự kiểm điểm mình xem: Mình đã thông cảm với cha mẹ hay chưa? Đã tôn trọng cha mẹ hay chưa? Đã thấu hiểu suy nghĩ của cha mẹ hay chưa? Đã cố gắng để lắng nghe cha mẹ nói hay chưa? Khi bạn có thể đứng trên góc độ của cha mẹ để nhìn nhận vấn đề, thì sẽ dễ dàng giảm bớt những đối lập trên phương diện tình cảm để tìm thấy cơ sở, nền tảng của sự hiểu biết thông cảm và hợp tác lẫn nhau.
Cha mẹ chúng ta cũng là người chứ không phải là thần thánh. Cha mẹ có thể cũng giống như bạn, chưa thể thích ứng ngay được với những thay đổi trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và chưa thể ngay lập tức nhận thức được rằng bạn đã khôn lớn, trưởng thành. Có thể cha mẹ chưa biết phải làm thế nào để luôn hòa thuận với cô con gái ở vào độ tuổi dậy thì như bạn. Cha mẹ bạn cần có một khoảng thời gian để tìm hiểu và thích ứng với sự thay đổi này. Là con của cha mẹ, bạn có trách nhiệm phải phối hợp với họ, để cùng nhau xây dựng một mối quan hệ mới tốt đẹp, hòa thuận, êm ấm cho cả gia đình mình.
Cha mẹ chúng ta cũng là người chứ không phải là thần thánh. Cũng giống như bạn có thể gặp phải một số chuyện không vui khi ở trường, cha mẹ bạn hoàn toàn có thể gặp những chuyện không vui hoặc thậm chí là rất bực mình, khó chịu ở nơi làm việc và ở ngoài xã hội. Đôi khi, sự mệt mỏi của công việc khiến họ không thoải mái. Vì vậy, việc bạn đòi hỏi cha mẹ lúc nào cũng phải nói những điều có lý, làm những việc hợp tình hợp lý liệu có phải là không thực tế không? Thông cảm và tha thứ cho người khác cũng là một trong những đức tính cần có mà bạn cần phải học trong quá trình trưởng thành của mình.
Bạn hãy xử lý mối quan hệ giữa mình và cha mẹ theo những nguyên tắc trên để xem mọi chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
Trao đổi mọi việc với cha mẹ là việc làm rất cần thiết. Hãy xem xét để biết ai là người nên nhượng bộ. Trong vấn đề này, nếu quan điểm của bạn và cha mẹ có nhiều điểm khác biệt, mà cha mẹ thì dứt khoát không chịu thay đổi suy nghĩ của mình, liệu bạn có cảm thấy mình không được tôn trọng hay không? Lúc đó, phản ứng của bạn sẽ như thế nào?
Khi gặp trường hợp đó, rất nhiều bạn gái trẻ chọn cách hờn dỗi, phụng phịu, nếu không “gân cổ” nên để nói lý với cha mẹ thì cũng quay người bỏ đi. Tất cả những cách làm đó đều phần nào thể hiện sự bực bội của bạn, nhưng cũng sẽ khiến tình cảm giữa cha mẹ và con cái bị tổn thương rất nhiều. Hơn nữa, hành động đó cũng không giúp gì được cho việc xây dựng thói quen tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy học cách giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn giữa mình với cha mẹ bằng những phương thức mang tính xây dựng.

Nếu bạn kiên quyết cho rằng quan điểm của mình là đúng, còn quan điểm của cha mẹ là sai thì bạn sẽ khó giữ được sự tôn trọng đối với cha mẹ ít nhất là trong thời điểm đó. Thái độ thiếu tôn trọng của bạn không những khiến cha mẹ không thể thay đổi ý kiến của mình mà còn gieo hạt mầm mâu thuẫn khó hàn gắn trên mối quan hệ giữa bạn với cha mẹ.
Bạn cần biết rằng, thái độ và góc nhìn các vấn đề của một người nào đó có liên quan đến những kinh nghiệm mà họ đã trải qua cũng như trạng thái tình cảm, tâm lý của họ lúc bấy giờ. Vì vậy, cách nhìn của mỗi người luôn là hợp lý nếu xét theo một góc độ nào đó. So với bạn, kinh nghiệm sống của cha mẹ phong phú hơn nhiều nên họ nhìn nhận vấn đề cũng sẽ sâu sắc và thấu đáo hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà cách nhìn nhận của họ dễ đi vào lối mòn và có lúc trở nên phiến diện, không khách quan. Còn bạn thì sao? Vì chưa nhìn nhận thấu đáo được mọi vấn đề, lại dễ bị tác động bởi những điều mới mẻ nên cũng không thể tránh khỏi sự hời hợt, nông cạn và phiến diện. Nếu cả bạn và cha mẹ đều nhận ra được những điểm bất hợp lý trong cách suy nghĩ, quan điểm của nhau, thì không những có thể hóa giải được hết những bất đồng, mâu thuẫn giữa hai bên mà cả hai còn có thể trở thành những “trợ thủ đáng tin cậy” của nhau.
Khi giữa bạn và cha mẹ có sự bất đồng quan điểm, bạn hãy cố gắng để bình tĩnh và suy nghĩ xem tại sao cha mẹ lại cho rằng như vậy mới là đúng? Liệu trong quan điểm đó có những điều hợp lý không? Tốt nhất là bạn hãy thừa nhận những điểm hợp lý trong suy nghĩ của cha mẹ rồi mới trình bày quan điểm của mình. Dù bạn hoàn toàn không đồng ý với cha mẹ thì cũng không được cãi lại một cách gay gắt, bởi như vậy sẽ khiến cha mẹ cảm thấy bị tổn thương. Nếu cảm thấy không thể bình tĩnh được, bạn hãy tìm lý do để rời khỏi nhà một thời gian và chắc chắn là chỉ quay trở lại vấn đề này khi tất cả mọi người đã thật sự bình tĩnh trở lại.
Nếu bạn thân thiết với bố hoặc mẹ nhiều hơn thì hãy thử trình bày vấn đề này với một trong hai người. Hãy thuyết phục bố (hoặc mẹ) rồi họ tác động đến người còn lại. Bạn cũng có thể mời những người bạn thân của mình mà cha mẹ bạn tin tưởng, yêu quý đến cùng tham gia thảo luận vấn đề này với cả gia đình. Nếu biết bạn bè của bạn cũng có cùng quan điểm với bạn, có thể cha mẹ sẽ dễ thông cảm và đồng ý với bạn hơn.
Trong quá trình giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn của gia đình, sự tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Cũng giống như bạn, cha mẹ có quyền bảo vệ ý kiến, quan điểm, có quyền bộc lộ những cảm xúc của mình cho dù là không vui. Muốn được cha mẹ tôn trọng và lắng nghe thì không còn cách nào khác là bạn phải tôn trọng, lắng nghe cha mẹ mình trước.