Tình hình chính trị ở hai miền
1. Chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài
Đầu tháng 5 năm 1593, Trịnh Tùng cho người về Thanh Hóa rước vua Lê ra Thăng Long. Lê Thế Tông ngự chính điện, đại xá cho thiên hạ, ban thưởng cho những người có công. Tuy nhiên, quyền hành của vua Lê ngày càng sa sút.
Ngay từ năm 1556, khi Lê Trang Tông chết, không có con kế vị, Thái sư Trịnh Kiểm đã cho người thăm dò các tướng tá, nho sĩ định bỏ nhà Lê. Nhưng cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc, sự tồn tại của thế lực họ Nguyễn, đã buộc ông ta phải từ bỏ ý tưởng đó, đưa Lê Duy Bang lên làm vua. Trong thực tế, mọi quyền hành đều nằm trong tay họ Trịnh.
Năm 1599 sau khi dẹp xong về cơ bản sự phản kháng của các tàn dư nhà Mạc, Trịnh Tùng ép vua phải phong mình làm Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương. Trịnh Tùng cũng đặt lệ chọn thế tử để nối nghiệp ngang với nhà vua. Từ đó về sau, con cháu Trịnh Tùng lên nắm quyền chính đều theo lệ xưng vương. Năm 1600, Trịnh Tùng đặt thêm các chức Tham tụng và Bồi tụng để cùng mình bàn định việc nước; bên cạnh đó có các chức Chưởng phủ sự và Thự phủ sự phụ trách việc quân. Hình thành vương phủ (phủ chúa) bên cạnh triều đình (do vua Lê đứng đầu).
Trong bối cảnh của Đại Việt đương thời, họ Trịnh muốn nắm toàn bộ quyền hành, không thể có cách làm nào khác. Nhằm hạn chế hơn nữa uy quyền của vua Lê; một mặt Trịnh Tùng và các chúa tiếp theo, tước hết thực quyền của vua Lê, quy định chặt chẽ chế độ bổng lộc của nhà vua (chỉ được cấp 1000 xã làm lộc thường tiến, 500 lính túc vệ, 7 thớt voi, 20 thuyền rồng), mặt khác thành lập một số cơ quan giúp việc gồm 3 phiên: Binh, Hộ và Thủy sư vào đầu thế kỉ XVIII, chuyển 3 phiên thành 6 phiên: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công chịu trách nhiệm chính về các hoạt động của nhà nước. Cùng với Vương phủ hay Ngũ phủ - Phủ liêu ở trung ương các phiên tồn tại cho đến cuối thế kỉ XVIII, ở địa phương, các đạo thừa tuyên được đổi gọi là trấn, có trấn thủ hay đốc trấn đứng đầu, phụ trách cả trấn ti (thay cho Đô ti). Giúp việc có Hiến ti và Thừa ti như cũ. Chúa Trịnh lại phân chia 10 trấn thuộc Bắc bộ nay thành 4 nội trấn (Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc) và 6 ngoại trấn (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, An Quảng, Tuyên Quang, Thái Nguyên). Mỗi trấn đặt thêm một chức đốc đồng phụ trách việc kiện tụng, phòng trộm cướp. Hai trấn Thanh Hóa, Nghệ An vẫn giữ như cũ.
Hình thành chế độ gọi là “Vua Lê - Chúa Trịnh” mà thực quyền nằm trong tay phủ chúa.
Quan lại được tuyển chọn chủ yếu bằng khoa cử, nhưng không chặt chẽ như ở thế kỉ XV. Ngoài ra, hình thức bảo cử được chúa Trịnh nhiều lần sử dụng. Thêm vào đó, chúa Trịnh cũng thực hiện việc cho dân nộp thóc hay tiền để được bổ dụng tri phủ hay tri huyện. Sử cũ có lúc đã nhận định:
“Bấy giờ quan chức nhũng lạm, phức tạp, một lúc cắt nhấc bổ dụng đến hơn 1000 người, làm quan cầu may, viên chức thừa thãi, không còn phân biệt gì cả”.
Quyền lợi của quan lại thay đổi. Chế độ lộc điền bị bãi bỏ. Các chức quan cao cấp được cấp một số suất “dân tùy hành”, một số xã huệ lộc để thu tiền, gạo. Quan đi sứ, quan về hưu cũng được cấp xã dân lộc như vậy. Tuy nhiên, đối với các công thần trong chiến tranh diệt Mạc và chiến tranh với Đàng Trong, nhà nước Lê - Trịnh phong thưởng một số ruộng đất không nhỏ. Những quan chức cao cấp về hưu cũng có khi được ban vài chục mẫu ruộng. Năm 1720, chuẩn bị cho việc đánh thuế ruộng tư, chúa Trịnh đạt chế độ cấp ruộng cho các quan từ Lục phẩm trở lên, với số ruộng từ 10 - 30 mẫu. Bộ máy nhà nước thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội bộ giữa hai dòng họ cũng như giữa quan lại và nhân dân.
- Về luật pháp, một mặt chúa Trịnh giữ nguyên bộ luật Hồng Đức, bổ sung thêm một số điều về kiện tụng, xét xử, mặt khác ban hành nhiều chiếu lệnh nhằm giải quyết những vấn đề mới do thực tế Đàng Ngoài đặt ra.
- Tổ chức quân đội:
Những cuộc chiến tranh phong kiến đương thời đã dần dần làm mất tác dụng của chính sách “ngụ binh ư nông”. Nhà Mạc trước đây cũng như nhà Lê - Trịnh bây giờ, cần một lực lượng quân sự thường trực, trung thành với chính quyền của mình.
Buổi đầu triều đại mới, quân đội được chia thành hai bộ phận chính: Quân Túc vệ bao gồm những binh sĩ đã theo họ Trịnh chống Mạc từ trước và những người mới mộ, chủ yếu từ 3 phủ Thanh Hóa (Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia) và 12 huyện ở Nghệ An. Đây là lực lượng chủ yếu chuyên bảo vệ kinh thành, phủ chúa, cũng là lực lượng quân sự chính trong cuộc chiến tranh với chúa Nguyễn. Bình thường số quân Túc vệ lên đến 6 vạn, nhưng lúc cần có thể nhiều hơn. Chúa Trịnh đặt chế độ cấp ruộng đất cho họ rất hậu ( 6-7 mẫu/người), giảm thuế cho hai trấn Thanh - Nghệ... do đó, nhân dân đã gọi họ là quân Tam phủ hay ưu binh.
Bên cạnh đó là ngoại binh hay nhất binh, tuyển từ đinh tráng của hai phủ Trường Yên, Thiên Quan (thuộc Ninh Bình) và 4 trấn quanh kinh thành theo chế độ tình nguyện. Loại quân này cũng được cấp nhiều ruộng đất nhưng lại theo chế độ “ngu binh ư nông” thay phiên nhau trực.
Năm 1722, theo lời bàn của một số đại thần, Trịnh Cương quyết định tuyển thêm đinh tráng ở 4 trấn theo quy định 5 người lấy một. Lực lượng nhất binh này trở thành quân thường trực.
Vào những năm 40 của thế kỉ XVIII, khi nông dân khởi nghĩa ở nhiều nơi, chúa Trịnh cho đặt thêm hương binh để bảo vệ các chính quyền địa phương. Quân đội Lê - Trịnh vẫn gồm 4 binh chủng chính: Bộ binh, thủy binh, kị binh và pháo binh. Theo giáo sĩ A. đờ Rốt (sang ta ở nửa đầu thế kỉ XVII):
“Trong một cuộc tập trận... dàn ra 200 chiến thuyền đóng rất tinh xảo.. mỗi thuyền đặt 3 khẩu đại bác, 1 đằng trước, 2 đằng sau”.
Vũ khí, ngoài giáo mác, kiếm, cung, mộc, đao, nỏ lúc đó có súng báng gỗ, súng bọc da, tên lửa, đạn lửa, hỏa mù, đại bác.
Để đào tạo những người chỉ huy quân đội có năng lực, nhà nước Lê - Trịnh mở trường dạy võ. Từ 1721, chúa Trịnh đặt chế độ thi võ: cứ 3 năm 1 lần thi Sở cử ở trấn và 1 lần thi Bác cử ở kinh thành. Nội dung thi bao gồm cả cung, kiếm, đấu võ lẫn làm văn sách về phương lược. Người đỗ Bác cử được gọi là Tạo sĩ, học vị ngang với Tiến sĩ bên văn.
- Tình hình đối ngoại:
Nhà Lê - Trịnh duy trì chính sách hòa hợp với các dân tộc ít người, mở rộng việc khai thác khoáng sản và giao một bộ phận cho các tù trưởng địa phương. Bấy giờ nhà Minh suy rồi đổ. Nhà Thanh thống trị Trung Quốc, bắt đầu tăng cường ảnh hưởng ra các nước xung quanh. Bọn quan lại Hoa Nam nhân đó lấn dần vùng đất biên giới. Nhiều châu động Tây Bắc bị chúng chiếm, nhà Mạc thua ở đồng bằng, đã chạy lên đất Cao Bằng và nhờ vua Thanh can thiệp để chiếm giữ. Bấy giờ nhà Lê - Trịnh còn yếu, lại đang lo việc đánh nhau với chúa Nguyễn, không dám chống cự. Triều đình Lê - Trịnh tiếp tục thần phục nhà Thanh, giữ quan hệ hòa hiếu. Nhà Thanh lại phong vua Lê làm An Nam quốc vương.
Năm 1667, chúa Trịnh sai quân tướng đánh nhà Mạc, chiếm lại Cao Bằng. Hai năm sau, theo lời cầu khẩn của họ Mạc, nhà Thanh buộc chúa Trịnh phải trả Cao Bằng lại cho Mạc. Phải đợi đến năm 1677, nhân cuộc nổi loạn của Ngô Tam Quế ở Trung Quốc, nhà Lê - Trịnh mới diệt được họ Mạc ở Cao Bằng, hoàn toàn làm chủ đất Đàng Ngoài.
Đầu thế kỉ XVIII, tình hình đất nước ổn định, chúa Trịnh tỏ ra tự chủ hơn trong quan hệ với nhà Thanh. Năm 1726, một dải đất thuộc hai châu Vị Xuyên (Tuyên Quang) và Thủy Vĩ (Hưng Hóa) được nhà Thanh trả lại cho Đại Việt. Sau đó, năm 1728, trước thái độ mềm dẻo nhưng kiên quyết của các sứ thần Đại Việt và các tù trưởng địa phương, nhà Thanh buộc phải trả nốt một dải đất rộng thuộc Vị Xuyên, trong đó có mỏ đồng lớn Tụ Long.
Đối với Ai Lao ở Tây Nam, sau khi thiết lập lại chính quyền, nhà Lê- Trịnh đặt lại quan hệ. Vua Lê Thuận Tông đã gả con gái cho vua LanXang, thắt chặt thêm tình thân giữa hai nước. Năm vua LanXang Xulinha Vôngxa chết (1691), chính biến nổ ra. Chúa Trịnh Căn đã đem quân yểm hộ Ông Lô về nước, đưa lên làm vua. Quan hệ Đại Việt - Lan Xang trở lại tốt đẹp và giữ mãi tinh thần đó cho đến cuối thế kỉ XVIII.
2. Chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong
Với ý đồ tách Đàng Trong ra khỏi sự thống trị của nhà Lê - Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần v.v.. một mặt củng cố việc phòng thủ đất Thuận Quảng, chống lại các cuộc tấn công của quân Trịnh, mặt khác tìm cách mở rộng lãnh thổ xuống phía nam.
Từ năm 1611, Nguyễn Hoàng đã cử chủ sự Văn Phong, nhân sự cướp phá biên giới của quân Chămpa, đánh vào, chiếm đất, đặt thành phủ Phú Yên. Năm 1653, Nguyễn Phúc Tần lại cử tướng đem quân chiếm vùng đất từ nam Phú Yên đến bờ sông Phan Lang, đặt ra hai phủ Thái Khang và Diên Khánh. Năm 1693, tướng Nguyễn Hữu Kính được cử đem quân chiếm nốt vùng đất còn lại của Chămpa, vua Bà Tranh bị bắt. Vốn suy nhược từ cuối thế kỉ XV, Chămpa không còn cơ sở và điều kiện để hồi phục và đến đây, hoàn toàn hòa nhập vào Đại Việt.
Ở các thế kỉ XVI - XVIII, Chân Lạp ngày càng suy yếu, cư dân thưa thớt. Vùng Thủy Chân Lạp (nay là Nam bộ) tuy xưa kia là trung tâm của nước Phù Nam, vẫn chưa được khai phá bao nhiêu. Trong tình thế chiến tranh với Đàng Ngoài, nhiều dân nghèo ở bắc Thuận Hóa tìm cách chạy vào Chân Lạp khai hoang lập làng sinh sống. Nhân cơ hội đó, chúa Nguyễn Phúc Nguyên, năm 1620 đã đặt quan hệ thân thiện với vua Chân Lạp là Châychitta và yêu cầu cho phép cư dân Việt được vào Thủy Chân Lạp buôn bán và khai hoang lập làng. Vua Chân Lạp đã chấp thuận. Nhiều làng Việt đã ra đời ở Mô Xoài, Đồng Nai. Làn sóng di dân Việt tiếp tục tràn vào trong các thập kỉ sau.
Giữa thế kỉ XVII, nhà Minh đổ. Trên 5000 quan lại và binh sĩ, cư dân Trung Quốc không chịu theo nhà Thanh, đã dong thuyền vào Nam, cập bến Đà Nẵng, xin chúa Nguyễn cho nhập cư ở vùng đất Đông Phố (sau là Gia Định). Cùng với di dân Việt, dân “Minh hương” mở rộng dần vùng đất khai hoang ra các nơi phụ cận Sài Gòn lập nên nhiều làng mạc, phố xá. Năm 1688, phó tướng nhà Minh là Hoàng Tiến nổi loạn ở Mỹ Tho, giết chủ là Dương Ngạn Địch, đắp luỹ, đóng thuyền chiến uy hiếp vua Chân Lạp, chống lại chúa Nguyễn. Nhận lời yêu cầu của vua Chân Lạp, chúa Nguyễn sai tướng đem quân đánh bại bọn Hoàng Tiến và làm chủ đất Đông Phố. Năm 1698, hai dinh Trần Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định) được thành lập số hộ nông dân đã lên đến hơn 4 vạn.
Vào khoảng năm 1680, một người nhà Minh là Mạc Cửu cùng họ hàng, gia đình chạy sang Phnôm Pênh xin trú ngụ. Vua Chân Lạp phong Mạc Cửu làm Ốc nha đất Sài Mạt (tây Thủy Chân Lạp). Mạc Cửu mộ thêm di dân Việt đến đây khai phá đất hoang, lập thành làng mạc rồi xin thần phục chúa Nguyễn. Trấn Hà Tiên được thành lập. Tình hình tiếp diễn cho đến năm 1757, cả vùng đất Thủy Chân Lạp hoàn toàn thuộc quyền hành của chúa Nguyễn.
- Tổ chức chính quyền:
Cho đến giữa thế kỉ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ nam dải Hoành Sơn cho đến mũi Cà Mau. Hình thành 12 đơn vị hành chính gọi là dinh: Thuận - Quảng cũ gồm 6 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu (hay Chính Danh cũ), Chính Dinh, Quảng Nam. Vùng đất mới chia thành 6 dinh: Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ (Vĩnh Long). Ngoài ra có một trấn phụ thuộc: Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tống, xã (hay phường, thuộc). Riêng dinh Quảng Nam quản 3 phủ: Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn.
Thủ phủ ban đầu đóng ở xã Ái Tử thuộc Cựu Dinh, năm 1570 dời vào xã Trà Bát (Triệu Phong - Quảng Trị), năm 1626 dời vào xã Phước Yên, sau đó dời sang Kim Long (đều thuộc Thừa Thiên), cuối cùng vào khoảng năm 1687 dời về Phú Xuân (Huế). Thời Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765) Phú Xuân được gọi là đô thành.
- Năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp Nguyễn Hoàng, quyết định thải hồi các quan lại do nhà Lê cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền. Các dinh đều có những ti như nhau:
Ti Xá Sai giữ việc giấy tờ, kiện tụng do đô tri và kí lục đứng đầu.
Ti Tướng thần lại coi việc thu thuế và phát lương cho quân lính các dinh ngoài Chính Dinh, do cai bạ đứng đầu.
Ti Lệnh sử giữ việc tế tự và phát lương cho quân lính ở chính dinh, do Nha úy đứng đầu.
Tuy nhiên, trừ Chính dinh có đủ 3 ti, các đinh khác chỉ có 1 hay 2 ti. Ngoài ra, ở Chính Dinh có thêm:
Ti Nội lệnh sử coi các loại thuế.
2 ti Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu nộp tiền sai dư (thuế thân). Không những thế, họ Nguyễn còn đặt một hệ thống “Bản đường quan” phụ trách thu thuế trong cả miền.
Buổi đầu, mặc dầu nhân dân quen gọi những người đứng đầu dòng họ thống trị là chúa, các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng quốc công. Năm 1692 chúa Phúc Chu dự định tách Đàng Trong thành một nước riêng, tự xưng Đại Việt quốc vương, nhưng việc không thành. Nối tiếp ý đồ đó, năm 1744 chúa Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình, đổi các chức kí lục, nha úy, đô tri, cai bạ làm Lại bộ, Lễ bộ, Hình bộ, Hộ bộ và đặt thêm 2 bộ Binh và Công, đặt Hàn lâm viện.
Các dinh, trấn đều có trấn thủ, cai bạ, kí lục cai quản.
Ở các huyện có tri huyện, đề lại, thông lại, huấn đạo, lễ sinh.
Xã vẫn là đơn vị quan trọng nhất gồm 2 loại chức dịch: tướng thần và xã trưởng, Tùy theo mức lớn, nhỏ của xã mà có sổ chức dịch tương ứng, chẳng hạn các xã lớn có từ 400 - 1000 người thì đặt 18 tướng thần và xã trưởng. Số người này phụ trách chủ yếu việc thu thuế.
Do đặc trưng của Đàng Trong, ở nửa đầu thế kỉ XVII, quan lại được bổ nhiệm theo tiến cử, thân tộc. Năm 1646, chúa Phúc Lan bắt đầu mở khoa thi, 2 cấp Chính đồ (cấp cao) và Hoa văn (cấp thấp). Về sau nhiều kì thi được mở tiếp, song sang thế kỉ XVIII, chế độ mua quan bán tước bắt đầu phát triển. Như nhận xét của Lê Quý Đôn “Mọi người tranh nhau nộp tiền để lĩnh bằng. Đến nay (cuối thế kỉ XVIII) một xã mà có đến 16 - 17 tướng thần, hơn 20 xã trưởng cùng làm việc”.
Quan lại không được cấp bổng lộc nhất định mà chỉ được ban một số dân phu hoặc được phép thu thêm một số tiền gạo ngoài thuế của dân. Như nhận xét của tuần phủ Quảng Ngãi là Nguyễn Cư Trinh năm 1751: “từ trước đến nay, phủ huyện chỉ trông vào sự bắt bớ tra hỏi mà kiếm lộc khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc”. Cùng một ý đó, Lê Quý Đôn viết: “Quan liêu ở Đàng Trong nhũng lạm quá lắm, hết thảy bổng lộc đều lấy vào của dân, dân không chịu nổi”.
Quân đội của chúa Nguyễn gồm 3 loại: quân Túc vệ hay Thân quân, quân chính quy ở các dinh và thổ binh hay tạm binh. Các loại quân đều chia thành cơ, đội, thuyền.
Tất cả dân đinh từ 18 đến 50 đều phải ghi tên vào sổ đinh và trình lên để phủ, huyện xét duyệt, lấy lính. Theo nhà sư Thích Đại Sán vào Đàng Trong cuối thế kỉ XVII : “Vào quân đội rồi, mỗi người bắt buộc phải chuyên học một nghề, kế đó phân phái theo các thuyền để luyện tập, có chiến tranh thì ra đánh giặc. Lúc vô sự thì ở vương phủ làm xâu, tuổi chưa đến 60 thì không được về làng cùng cha mẹ, vợ con đoàn tụ, hàng năm thân thích đem áo quần vật dụng đến thăm mà thôi”.
Cũng như ở Đàng Ngoài, quân đội Đàng Trong gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh và pháo binh. Thủy binh rất mạnh, đã từng đánh bạt một hạm thuyền Hà Lan trong một trận. Đầu thế kỉ XVII, người Đàng Trong học được cách đúc súng, các thuyền lớn đều có 5 khẩu đại bác. Một đặc điểm của Đàng Trong là vùng nam sông Gianh có rất nhiều luỹ, trên luỹ có đặt đại bác. Chúa Nguyễn cũng thường tổ chức các cuộc thi bắn súng, huấn luyện thủy quân.
Như vậy, từ sau khi Nguyễn Hoàng từ bỏ đất Bắc, trở lại Thuận Quảng, họ Nguyễn dần dần xây dựng vùng đất Đàng Trong thành một lãnh địa riêng, có chính quyền độc lập, mặc dầu, cho đến trước năm 1744 vẫn giữ tước vị Quốc công, dùng niên hiệu của vua Lê. Trong lúc đó, nhân dân vẫn luôn luôn xem vùng đất Thuận Quảng là Đàng Trong của nước Đại Việt xưa.