Sự suy sụp của nhà Lê và tình trạng chia cắt đất nước
Đầu thế kỉ XVI, nhất là sau khi Lê Hiến Tông mất, xã hội Đại Việt mất dần cảnh thịnh trị, kinh tế sa sút, nhân dân sống cực khổ, các thế lực phong kiến tranh chấp lẫn nhau mở đầu cho một giai đoạn mới của chế độ phong kiến Việt Nam.
1. Cuộc khủng hoảng chính trị
Năm 1504, Hiến Tông “vì ham nữ sắc quá nhiều” chết sớm, Lê Uy Mục (1505 - 1509) sao nhãng việc triều chính, “đêm cùng cung nhân uống rượu vô độ ai say thì giết”, lại giết các công thần, tôn thất có ý không ủng hộ mình, tính tình hung hãn đến nỗi một viên sứ thần Trung Quốc đã phải gọi y là “vua quỷ”. Người trong hoàng tộc đã hợp quân giết Uy Mục, lập vua mới là Tương Dực. Lê Tương Dực lên ngôi cũng tỏ ra sa đọa không kém, “hoang dâm vô độ” thường bắt phụ nữ cởi truồng chèo thuyền cho mình đi chơi trên Hồ Tây. Sứ thần Trung Quốc nhận xét “nhà vua tính hiếu dâm như tướng lợn, loạn vong không còn lâu nữa”. Tương Dục bắt dân đắp thành rộng mấy nghìn trượng, theo mẫu của người thợ Vũ Như Tô làm đại diện hơn 100 nóc, xây thêm Cửu trùng đài cao chót vót... công việc xây dựng “phá đi làm lại nhiều lần” quân dân vừa khổ sở vì lao động vừa bệnh tật chết rất nhiêu, nước nhà “hết kiệt tiền của”.
Bọn quý tộc ngoại thích dựa thế nhà vua, kết thành bè cánh nắm hết quyền hành “phàm súc vật, hoa màu của dân gian đều cướp cả, nhà dân ai có đồ lạ, vật quý thì đánh dấu để lấy”, giết hại công thần, tôn thất.
Lợi dụng tình hình sa đọa đó của chính quyền trung ương, bọn quan lại địa phương mặc sức tung hoành, nhũng nhiễu, đến nỗi ở phố xá, chợ búa, hễ thấy bóng quan thì dân vội đóng cửa, và tìm đường ẩn trốn. Trong bài hịch của Lương Đắc Bằng (thay mặt nhóm Nguyễn Văn Lang khi nổi binh giết Uy Mục) có đoạn tố cáo bọn quan lại: “tước đã hết mà lạm thưởng không hết, dân đã cùng mà lạm thu không cùng, phú thuế thu đến tơ tóc mà dùng của như bùn đất”. Ông cũng khuyên vua mới nên “đuổi bỏ kê tà nịnh”, “công bằng tuyển bổ quan lại”, “cấm hối lộ để bỏ thói tham ô”. Dĩ nhiên Tương Dực cũng như Chiêu Tông sau này đã không theo.
Trong lúc chính quyền trung ương sa đọa thì thế lực phong kiến ngày càng mạnh lên. Sự tranh chấp trong triều là điều kiện thuận lợi cho họ vùng dậy. Nhân những tệ nạn do Uy Mục gây ra, năm 1509 nhóm Nguyễn Văn Lang và tôn thất nhà Lê ở Thanh Hóa đã nổi quân, đánh ra Thăng Long, giết Uy Mục, đưa Lê Oanh lên ngôi (Tương Dực). Không lâu sau đó, nhóm hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, nhốt vua vào cung uy hiếp triều đình. Những năm tiếp theo, nhân các cuộc nổi dậy của nhân dân các địa phương, những viên tướng có công đàn áp, tìm cách lũng đoạn quyền hành, tranh chấp lẫn nhau. Năm 1516, quận công Trịnh Duy Sản cùng bọn Lê Quảng Độ, phao tin giặc đến để giết Tương Dực và một số quan lại. An hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ được tin, kéo quân từ Gia Lâm về đốt phá kinh thành. Trịnh Duy Sản chết, Hoằng Dụ lại mâu thuẫn với Trịnh Tuy, hai bên đóng quân ở kinh thành chống đối nhau. Trịnh Tuy thua bỏ chạy vào Thanh Hóa. Trần Chân đem quân đánh Nguyễn Hoằng Dụ và đuổi ông ta vào Thanh Hóa. Lê Chiêu Tông sai Nguyễn Công Độ và Mạc Đăng Dung đem quân thủy bộ vào Thanh Hóa đánh Hoằng Dụ; trong lúc đó, tay chân nhà vua lừa giết Trần Chân. Phái Trần Chân được tin đó, hợp quân đánh vào kinh thành, Chiêu Tông phải bỏ chạy sang Gia Lâm, “kinh sư thành ra nơi đánh cá và săn bắn”. Trịnh Tuy lại kéo quân ra, mưu việc phế lập vua này, vua khác. Chiến tranh tiếp tục cho đến năm 1522 mới tạm yên. Nhưng bấy giờ mọi quyền hành đã thuộc về tay Mạc Đăng Dung. Cuộc khủng hoảng chính trị đã chứng tỏ sự suy nhược của dòng họ Lê và chính quyền của nó.
2. Cuộc đấu tranh của nông dân
Bài “Trị bình bảo phạm” của Lương Đắc Bằng đã viết: “Từ thời Đoan Khánh (niên hiệu của Uy Mục) nội triều can chính, ngoại thích chuyên quyền, pháp lệnh phiền hà, kỉ cương rối loạn, nông tang thất nghiệp, phong tục suy đồi, bọn quan lại, địa chủ “xâm chiếm ruộng đất của dân, cướp đoạt tài sản của dân”. Ruộng đất công ngày càng bị thu hẹp, chính sách quân điền mất dần tác dụng tích cực. Năm 1510, Tương Dực cho phép công thần được tìm kiếm những ruộng đất “ẩn lậu” báo lên để triều đình cấp làm ruộng tư chỉ dụ đó khác gì nối giáo cho giặc. Quan lại cướp chiếm ruộng đất của dân, gây nên phản ứng mạnh mẽ trong thôn xóm.
Năm 1512, “đại hạn, trong nước đói to”
Năm 1517, “trong nước đói to, nhân dân chết đói nằm gối lên nhau”, “chỗ nào trải qua binh lửa lại càng đói hơn”.
Năm 1519 hạn hán, “lúa hỏng, gạo đắt”
Nông dân nổi dậy ở nhiều nơi: Năm 1511, Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng dấy quân nổi lên ở Kinh Bắc. Cuối năm đó, Trần Tuân nổi quân ở Sơn Tây, kinh thành rối loạn. Nghĩa quân tiến sát Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) đánh bại quân triều đình. Về sau, chẳng may Tuân bị giết, nghĩa quân bị đánh tan.
Năm 1512, Nguyễn Nghiêm nổi dậy ở Sơn Tây, Hưng Hóa; Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt nổi quân ở Nghệ An. Triều đình phải khó khăn lắm mới dẹp yên.
Năm 1515, Phùng Chương nổi dậy ở vùng Tam Đảo; Đặng Hân, Đặng Ngật nổi dậy ở Ngọc Sơn (Thanh Hóa).
Năm 1516, Trần Công Ninh dấy quân nổi dậy ở vùng Yên Lãng (Vĩnh Phúc). Không lâu sau, ở vùng huyện Thủy Đường (Hải Phòng) Trần Cảo nổi quân cùng nhóm Phan Ất (người Chăm), Đình Ngạn, Đình Nghệ, Công Uẩn... ở chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều). Nghĩa quân đánh bại quân triều đình, làm chủ hai huyện Thủy Đường và Đông Triều. Tháng 5 năm ấy, từ Hải Dương, nghĩa quân đánh về Thăng Long. Vua tôi nhà Lê chống không nổi, bỏ chạy vào Thanh Hóa. Kinh thành náo động. Nghĩa quân tiến vào Thăng Long.
Trần Cảo tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thiên ứng, phong chức tước cho các tướng sĩ. Không lâu sau, quân triều đình chia làm 3 đạo, từ Thanh Hóa kéo ra đánh. Trần Cảo phải rút quân, vượt sông Đuống lên vùng Lạng Nguyên (Lạng Sơn) rồi quay về Hải Dương: Tướng nhà Lê tiến quân đàn áp nhưng bị nghĩa quân bắt giết. Về sau, bị thua to ở Bồ Đề (Gia Lâm), Trần Cảo rút quân rồi giao quyền lại cho con là Cung mà gọt tóc đi tu. Năm 1521 cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo, Trần Cung bị dập tắt.
Cùng thời gian hoạt động của nghĩa quân Trần Cảo, nhiều cuộc bạo động lẻ tẻ của nông dân ở các nơi khác và của nhân dân miền núi đã bùng nổ, song cho đến các năm 1520 - 1522, phong trào đấu tranh tạm lắng xuống. Các cuộc đấu tranh của nông dân và các tộc người thiểu số đã nói lên tình trạng khủng hoảng của xã hội đương thời, góp thêm phần vào cuộc khủng hoảng chính trị đang làm lung lay nền thống trị của nhà Lê.
3. Nhà Mạc
Từ 1522, thế lực của nhà Lê ngày càng tàn tạ. Dựa vào công lao của mình trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân và đánh bại các thế lực chống đối, dựa vào sự ủng hộ của một số quan tướng, thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung tự quyền phế vua Chiêu Tông, lập Lê Xuân (Cung Hoàng) lên làm vua, sau đó, năm 1527, nhận thấy sự bất lực của nhà Lê và “thần dân trong nước đã theo mình”, ông bức vua Lê phải nhường ngôi, lập ra nhà Mạc.
Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai (Nghi Dương - Hải Phòng), lúc nhỏ làm nghề đánh cá, nhờ có sức khỏe và võ giỏi mà thi đỗ lực sĩ. Năm 1508 được cử làm Đô chỉ huy sứ vệ Thần vũ. Sau, ông được phong Vũ Xuyên bá, giữ chức trấn thủ Sơn Nam. Lợi dụng mâu thuẫn và tranh chấp giữa các đại thần của nhà Lê, Mạc Đăng Dung đem quân đánh bại dần các thế lực phong kiến mạnh, được vua Lê tín nhiệm thăng lên chức Thái phó, tước quốc công. Tiếp đó, với tước An Hưng vương, Mạc Đăng Dung đã phế bỏ nhà Lê.
Sau khi ổn định được triều chính, đầu năm 1530, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình thì xưng là Thượng hoàng về sống ở Cổ Trai (Dương Kinh).
Tồn tại trong một bối cảnh luôn luôn bị sự chống đối của các cựu thần nhà Lê, nhà Mạc chỉ cố gắng củng cố mô hình tổ chức chính quyền từ trung ương đến địa phương vốn đã khá hoàn chỉnh từ cuối thế kỉ XV.
Để nhanh chóng tạo ra một lớp người có học thức trung thành với nhà nước mới, năm 1529 Mạc Đăng Dung mở khoa thi Hội, lấy 27 người đỗ. Từ đó đều đặn cứ 3 năm, nhà Mạc tổ chức thi, mở rộng việc học tập, dựng bia tiến sĩ v.v... Trong hàng ngũ quan lại nhà Mạc không phải không có những người giỏi, yêu nước thương dân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải (Trừng), Lại Mẫn, Đặng Vô Cạnh, Mạc Đôn Nhượng, Mạc Ngọc Liễn v.v…
Năm 1528, Mạc Đăng Dung củng cố lại binh chế, tăng cường số quân bảo vệ kinh thành và nhà vua. Các vua tiếp sau cố gắng ưu đãi quân sĩ, hình thành một chế độ ruộng lính, theo đó các xã có ruộng công hay ruộng chùa đều phải trích ra một phần cấp cho lính theo chế độ từ 4 - 5 mẫu/người. Số ruộng còn lại “theo nhân số trong xã mà chia đều”.
Nhằm giữ vững an ninh trong nước, Mạc Đăng Dung ra lệnh “nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn... khi đi đường”; nhờ đó, “trộm cướp biệt tăm, người đi buôn bán chỉ đi tay không... Mấy năm liền được mùa, nhân dân 4 trấn đều được yên ổn”.
Về đối ngoại, nhà Mạc tỏ ra lúng túng. Nhân tình hình rối loạn ở nước ta, bọn phong kiến nhà Minh đã cử 2 tên Cừu Loan và Mao Bá Ôn đem một đạo quân xuống, phao tin đi xâm chiếm nước ta và buộc nhà Mạc phải đầu hàng. Tước tình hình đó, Mạc Đăng Dung đã run sợ, cùng 40 viên quan, năm 1540, lên tận cửa Nam Quan nộp sổ sách và cắt đất 5 động ở đông bắc vốn được sáp nhập vào Đại Việt đầu thời Lê sơ, để trả lại cho nhà Minh. Nhân việc này nhà Minh phong Mạc Đăng Dung làm An Nam đô thống sứ. Mong muốn yên mặt Bắc để tập trung lực lượng đối phó với các lực lượng cựu thần nhà Lê ở mạn Nam, Mạc Đăng Dung đã làm nhân dân và nhiều quan lại chán nản, phẫn nộ. Nhà Mạc dần dần rơi vào thế cô lập. Trong lúc đó, tệ nạn tham nhũng, hạch sách nhân dân ngày càng lan rộng và gia tăng trong hàng ngũ quan lại.