Tài liệu: Tình hình nông nghiệp và đời sống nhân dân

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sự phát triển của chế độ tư hữu lớn về ruộng đất ở đầu thế kỉ XVI đã dẫn đến sự phá sản của chính sách quân điền, sự thu hẹp ruộng đất công làng xã và sự suy sụp của nông nghiệp.
Tình hình nông nghiệp và đời sống nhân dân

Nội dung

Tình hình nông nghiệp và đời sống nhân dân

Sự phát triển của chế độ tư hữu lớn về ruộng đất ở đầu thế kỉ XVI đã dẫn đến sự phá sản của chính sách quân điền, sự thu hẹp ruộng đất công làng xã và sự suy sụp của nông nghiệp. Các vua Lê cuối cùng không còn quan tâm đến đời sống nhân dân nữa và ngày càng tỏ ra bất lực, đã dẫn đến sự sa sút nghiêm trọng của nền kinh tế. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân đã chứng tỏ điều đó. Nhà Mạc thành lập, cố gắng ổn định tình hình xã hội và đã có lúc đất nước khá yên bình.

Sử cũ viết: “người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần... Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”[1].

Nhưng rồi với chính sách ruộng lính, ruộng ban thưởng, chiến tranh liên miên, ruộng đất lại bị bỏ hoang hóa, nông nghiệp bị tàn phá, nhất là ở các miền xảy ra chiến sự.

Năm 1592, nhà Lê - Trịnh chiếm được Thăng Long. Các thế lực tàn dư của nhà Mạc tỏa ra mộ binh nổi dậy ở khắp miền Bắc. Loạn lạc, chiến tranh lại tiếp tục cho đến đấu thế kỉ XVII. Tình hình tạm yên thì, do cuộc sống quá gian khổ, bế tắc, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân lại bùng lên cho đến những năm 20 của thế kỉ XVII xã hội mới tạm ổn định trong thế đất nước chia thành đàng Ngoài - Đàng Trong.

I. Ở Đàng ngoài

Các xứ Đàng Ngoài, đặc biệt là vùng đồng bằng, là nơi chịu đựng nhiều nhất những tai họa do chiến tranh phong kiến đưa lại.

1. Tình hình ruộng đất

Từ đầu thế kỉ XVI, ruộng công làng xã đã dần dần bị bọn cường hào địa phương lũng đoạn. Chiến tranh, sự bất lực của nhà nước càng ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống nông thôn. Ở nhiều nơi, ruộng thờ các triều, các công thần triều đại trước, ruộng công thần nhà Lê bị chấp chiếm và phân tán. Ruộng công làng xã ngày càng thu hẹp lại. Tình hình đó buộc nhà Lê-Trịnh phải bỏ chế độ lộc điền, thu bớt ruộng ban thưởng cho các công thần nhà Lê để có ruộng đất phong thưởng cho các tướng có công trong chiến tranh Trịnh - Mạc, Trịnh - Nguyễn, cấp cho các quan lại được cử đi sứ, cấp cho quan chức về hưu v.v... Một bộ phận ruộng đất công được dùng để cấp cho quân sĩ. Đều chống lại những chủ trương đó, nhiều nơi làng xã tìm cách ẩn giấu ruộng đất công, khai giảm diện tích ở nông thôn, hình thành một lớp cường hào nông thôn mà phủ chúa thường gọi là “quyền cai thủ dịch”, “cường phiên” độc quyền chi phối ruộng đất công, nhà nước không đủ sức trấn áp. Để đảm bảo thu nhập, trừ các loại ruộng công thần, ruộng sứ thần, ruộng binh lính, nhà Lê - Trịnh bắt tất cả các loại ruộng khác từ ruộng cấp tứ, ruộng thế nghiệp, ruộng công đều phải nộp thuế. Năm 1664, nhà nước ban hành phép “Bình lệ”, giao cho các địa phương thống kê số đinh, số điền các xã rồi tính toán tổng số tiền thuế phải nộp cho nhà nước của từng xã. Số liệu đó được xác định một lần và hàng năm nhà nước theo thế mà thu không cần biết đến sự thay đổi về dân đinh hay diện tích ruộng đất chịu thuế. Kết quả là cuộc sống của nhân dân càng khó khăn, ruộng công làng xã càng bị lũng đoạn. Năm 1694, phủ chúa buộc phải ra lệnh cho các xã thôn trong nước phải làm lại sổ ruộng đất, ghi rõ biên giới, núi sông, ao hồ, ruộng đất gọi chung là “tu tri bạ” nhằm ngăn chặn tệ “chiếm công vi tư”. Trên cơ sở đó, năm 1711, phủ chúa ban hành lại phép quân điền. Theo chính sách quân điền mới, những người đã được cấp dân lộc hay ruộng lộc, những người có ruộng tư (của vợ hay chồng) đã đủ mức đều không được chia ruộng công làng xã, dân đinh đến 18 tuổi thì được chia nhưng quá 60 tuổi thì phải trả lại cho xã, khẩu phần và cách chia theo quy chế của nhà nước (có thêm bớt trên cơ sở quy chế thời Lê sơ). Điều đặc biệt là trong trường hợp “quan dịch nặng nề, bức bách”, xã dân có thể cấm bán ruộng khẩu phần và chuộc lại. Về thứ bậc phân cấp và tuổi được hưởng cho phép được theo lệ làng, tuy nhiên nhà nước cũng cấm các quyền cai thủ dịch không được “tự tiện đảo điên vị thứ”. Bằng phép quân điền, nhà nước Lê - Trịnh cố gắng thể hiện quyền lực tập trung của mình, nhưng, như nhận định của nhà sử học Phan Huy Chú thế kỉ XIX, ý đồ đó không có ý nghĩa đáng kể, vì trừ “trấn Sơn Nam có rất nhiều ruộng và đất bãi công” còn các nơi khác thì “các hạng ruộng công không có mấy”. Năm 1740, khi phong trào nông dân bắt đầu rầm rộ, nhà nước Lê - Trịnh dự định ban hành phép quân điền mới “san đều giàu, nghèo, cân bằng phú dịch” nhưng không thực hiện được.

Sự thu hẹp của ruộng đất công chứng tỏ rằng, ruộng đất tư hữu đã phát triển cao độ. Việc mua bán ruộng đất, kiện tụng về ruộng đất luôn luôn là chuyện rắc rối ở làng xã. Năm 1668, chúa Trịnh Căn đã phải hạ lệnh miễn thuế cho loại ruộng “ẩn lậu”, cấm dân xã không được tố cáo, quan lại không được khám xét, vì vậy hình thành nhiều loại địa chủ khác nhau: cung nhân, hoạn quan, quan lại, công thần, hào phú làng xã. Các nạn đói kém, dịch bệnh, thiên tai trở thành những điều kiện của việc mở rộng diện tích ruộng đất tư. Cho đến cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII, trên đất Đàng Ngoài đã hình thành hàng loạt địa chủ có trên 100 mẫu ruộng, nhiều người trong đó có trên 1000 mẫu, hình thành một số trang trại của các nhà quyền thế, phú hào chuyên “chứa chấp những kẻ trốn tránh, dùng làm người ở riêng để cày cấy cho mình”[2]. Năm 1711, chúa Trịnh theo lời tâu của các đại thần đã ra lệnh “cấm quan lại có ruộng đất, tự tiện lập làm trang trại... nếu ai đã từng thiết lập trang trại ở một xứ nào rồi thì cho phép tự mình được triệt đi, hạn trong 3 tháng phải xong. Nếu ai chần chừ... sẽ luận tội theo pháp luật”. Hình thức sở hữu ruộng đất tập trung lại bị xóa bỏ.

Một nét đặc sắc trong tình hình ruộng đất ở Đàng Ngoài đương thời là sự phát triển của chế độ sở hữu ruộng đất làng xã. Cuộc sống bấp bênh trong thời điểm loạn lạc, chiến tranh, thiên tai thường xuyên đe dọa đã tạo điều kiện cho sự phát triển của tục cúng ruộng cho chùa hay cho làng. Hầu như làng xã nào cũng có ít nhiều ruộng “hữu thần”, “hậu phật” này. Số làng sở hữu trên 30 - 40 mẫu ruộng loại này không ít. Làng đã dùng nó để cấp cho xã trưởng, trương tuần, làm “ruộng thầy”, “ruộng học”, “ruộng thưởng” v.v.. cũng như dùng những sản phẩm thu hoạch được phục vụ việc thanh toán thuế khóa cho nhà nước những lúc cấp bách.

Sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất đã dẫn đến sự thay đổi chế độ thuế. Năm 1719, chúa Trịnh Cương đã nhận định: “Triều trước... đặt ra phép bình lệ... đến nay đã hơn 50 năm, trong thời gian ấy, số hộ khẩu lên xuống mà ngạch thuế vẫn thu như cũ, nhân dân nhiều nơi phải chịu quá nặng, dần dần đến nỗi cùng túng, xiêu giạt” và theo đề nghị của các quan, ban hành chế độ thuế ruộng tư nhằm làm cho kẻ giàu người nghèo đỡ đần lẫn nhau”. Theo lệ thuế mới, tất cả các loại ruộng đất tư, ruộng làng xã đều phải chịu thuế. Dĩ nhiên các quan lại, theo phẩm hàm được miễn một diện tích nhất định.

2. Tình hình nông nghiệp và đời sống nông dân

Sau khi ổn định tình hình chính trị, nhà nước Lê - Trịnh cố gắng chăm lo đến tình hình nông nghiệp. Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh và sự phát triển của chế độ tư hữu về ruộng đất, sự quan tâm của nhà nước không còn đạt được những kết quả như ở thế kỉ XV. Lụt lội, hạn hán thường xuyên đe dọa. Theo ghi chép thiếu sót của sử cũ, từ 1580 - 1640 đã xảy ra 14 lần thiên tai trong đó có 6 nạn đói lớn, 6 lần lụt lội.

Ví dụ: năm 1629 “mùa hạ, đại hạn” “đói to”. Năm 1630 “Tháng 6, nước to”, phố phường Thăng Long ngập nước, “nhiều người chết đuối”, đê Yên Duyên, Khuyến Lương vỡ, nhân dân đói kém. Năm 1631, Hải Dương mưa đá “người và vật bị hại”, “Tháng 9, gió to”, “mưa xuống như trút”, Thăng Long ngập lụt. Năm 1632, “Tháng 6... mưa xuống như trút”, nước sông Nhị lên to. Năm 1634, “mùa hạ, đại hạn, lúa má khô héo, nhân dân đói kém”...

Năm 1664, chúa Trịnh ban lệnh quy định lệ khám xét đê điều, khởi công sửa đập cho các quan chức địa phương. Nhưng, bọn quan lại quen ăn của đút, sách nhiễu nhân dân, mặc dầu nhiều tên đã bị giáng chức vẫn “làm việc qua loa cẩu thả, đến mùa nước lớn, đê lại vở lở, dân vùng ven sông luôn luôn bị tai họa”. Tình hình từ 1680 - 1740 lại càng khó khăn hơn; đã xảy ra 24 lần thiên tai, trong đó có 14 nạn đói lớn, 7 lần thủy tai.

Để duy trì và bảo vệ cuộc sống của mình, nhân dân đã phải ra sức lao động sáng tạo. Công cuộc khẩn hoang ở các vùng ven biển thuộc Sơn Nam, ở các vùng trung du thuộc Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang v.v... được thực hiện khẩn trương. Nhiều làng mới được thành lập, diện tích ruộng đất được mở rộng và ngày càng thu hút dân lưu tán. Để khuyến khích việc khai hoang, chúa Trịnh tạm thời miễn thuế cho loại ruộng “ẩn lâu”, cho phép xem ruộng khai hoang là ruộng tư, cấm quan lại không được khám xét, quấy nhiễu. Nhân dân ra sức chăm lo sản xuất, như nhận xét của các giáo sĩ Tây phương vào nước ta truyền đạo, “đất đai màu mỡ và không lúc nào nghỉ sản xuất... nhân dân rất hiểu giá trị của ruộng đất nên không bao giờ bỏ hoang... và như vậy, mỗi năm họ thường làm được 2 đến 3 vụ lúa...[3]” (theo giáo sĩ Marini). Nhiều lái buôn nước ngoài cũng có cùng nhận xét. Lái buôn Đampiê viết: “ở đây có nhiều thóc gạo... Hàng năm người ta cấy gặt hai vụ, thu hoạch được rất nhiều”[4]. Nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỉ XVIII cho chúng ta biết: bấy giờ ở Đàng Ngoài, người nông dân đã gieo trồng được 8 giống lúa chiêm, 27 giống lúa mùa, 29 giống lúa nếp; trình độ thâm canh cao có nhiều giống lúa ngắn ngày. Họ cũng trồng nhiều loại ngũ cốc khác như ngô, kê, cao lương hoặc các loại lương thực khác như khoai, sắn, môn, sọ v.v ông còn viết: “các phủ Tiên Hưng, Khoái Châu, Lý Nhân, Thiên Trường, Kiến Xương, Thái Bình, Nghĩa Hưng, cấy lúa chiêm, đất ruộng màu mỡ nghìn dặm, đồng bằng muôn khoảnh, một năm cấy được hai mùa mỗi mẫu sản xuất trị giá hơn 200 quan” (Văn Đài loại ngữ). Việc trồng rau, trồng cây ăn quả cũng rất phổ biến, có đến 7 loại cam, 9 giống chuối, nhiều loại vải, quýt, nhãn, chanh v,v.. Nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp được đúc kết và truyền tụng, tuy nhiên do khoa học kĩ thuật không được quan tâm, nên người nông dân không có điều kiện có được những giống lúa cao sản hay cách sản xuất nhằm nâng cao năng suất. Tình trạng thiếu đói trở thành không tránh khỏi, nhất là trong những năm có thiên tai, chiến tranh hoặc chịu chế độ bóc lột, nhũng nhiễu của địa chủ, quan lại hà khắc.

Nhằm vượt qua cảnh khổ ở quê hương, người nông dân rời làng đi phiêu tán, “tha phương cầu thực”. Họ dừng lại ở những vùng đất hoang, không chủ, hoặc của một làng nào đó hoặc ở một vùng nào đó, khai phá đất đai, gieo trồng khoai, lúa. Hình thành một loạt gia đình nông dân được gọi là “ngụ cư” ở các làng xã cũ. Từ giữa thế kỉ XVIII, nhà nước Lê - Trịnh bắt đầu chú ý đến tầng lớp nông dân này và đưa họ vào một quy chế riêng về nghĩa vụ và quyền lợi. Trong lúc đó, ở vùng ven biển, các làng mới thành lập trên cơ sở khai hoang, ngày càng gia tăng hoặc mở rộng. Cuộc sống của người nông dân ở đây sung túc và bình đẳng hơn so với các làng cũ. Chế độ tô thuế cũng dễ chịu hơn do ý thức động viên của nhà nước.

Chế độ tô thuế là một phần gánh nặng trong đời sống người nông dân Đàng Ngoài. Theo quy định năm 1625, những người có tên trong sổ đinh đều phải chịu đủ các loại thuế khóa, sưu dịch. Năm 1713, tổng số dân đinh chịu thuế là 206.311 suất (chia thành nhiều loại: nội vi tử, chế lộc, tạo lệ vv…), khoảng năm Long Đức (1732 - 1735) là 311.670 suất; cuối thời Lê, là 268.990 suất. Theo lệ thuế năm 1664, dân đinh các xã cũ nộp 1 quan 8 tiền thuế nhân đinh; dân các trang trại mới: 1 quan; dân các sở đốn điền: 1 quan 2. Ngoài ra họ phải chung nhau nộp tiền 7 lễ. Năm 1722, chúa Trịnh quy định lại: ngoài thuế ruộng, dân đinh phải nộp thuế đinh:

Chính đinh và tráng hạng: 1 quan 2 tiền và 4 bát gạo

Sinh đồ, lão hạng, hoàng đinh: 6 tiền và 2 bát gạo và thuế điệu; thống nhất.

Nộp 2 kì/năm, mỗi kì 6 tiền/1 suất đinh.

Về thuế ruộng, sau nhiều lần thay đổi, đến năm 1722, chúa Trịnh quy định rõ:

Ruộng công: 1 vụ hay 2 vụ đều nộp 8 tiền/mẫu (trong đó 1/3 -2/3 là thóc).

Ruộng tư: 1 vụ hay 2 vụ đều nộp 2 - 3 tiền/mẫu.

Năm 1728 định lại:

Ruộng công, tư đều chia làm 3 hạng để nộp thuế:

Công: hạng 1:1 quan/mẫu (trong đó 2/3 là thóc)

hạng 2: 8 tiền/mẫu (trong đó 1/2 là thóc)

hạng 3: 6 tiền/mẫu (trong đó 1/3 là thóc)

Tư: hạng 1: 3 tiền/mẫu

hạng 2: 2 tiền/mẫu

hạng 3: 1 tiền/mẫu

Ngoài ra các loại ruộng núi, ruộng bãi, ruộng cói, ruộng nhà chùa, ruộng hậu, đất bãi v.v... đều phải nộp thuế nhiều ít khác nhau. Các cửa đình, giáo phường ... đều phải chịu thuế.

Người nông dân tá điền còn phải chịu nặng hơn: theo các bia còn lại, mức tô thông thường là quan 5 tiền - 3 quan, có khi lên đến 6 hay 8 quan/mẫu.

Ta có thể hiểu qua lời điều trần của Bùi Sĩ Tiêm năm 1730: “Người cày ruộng ấy (tư, tạm chia lại cho nông dân không đất) chiếu số thóc thu được, lấy ra 1110 để nộp thuế, còn bao nhiêu chia đôi, một nửa đem nộp cho người chủ cũ...”[5]

Chính vì vậy mà, năm 1731 phủ chúa đã nhận xét: “dân nghèo ngày một xiêu giạt dần, cùng khốn quá lắm, thuế thiếu tích lũy lâu năm... chính hộ khốn đốn không chi trì nổi”.

Thuế khóa, lao dịch nặng nề. Thêm vào đó là cảnh

Lính vua, lính chúa, lính làng

Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra”.

Cảnh tham quan, ô lại, nhũng nhiễu nhân dân, tham tụng Nguyễn Thế Bá đã phải kêu lên: “Việc kiện tụng thì nào đòi hỏi, nào dẫn người đương sự về nhà hầu xét, bọn lại dịch tính hành trình bắt dân cung đốn, làm cho dân phải phí tổn nặng nề”, hoặc như nhận định của Thượng thư bộ binh Nguyễn Quán Nho: bọn họ “chỉ tránh việc nặng, tìm việc nhẹ, ăn hiếp người nghèo, che chở người giàu”. Năm 1718 chúa Trịnh buộc phải kêu: “kiện cáo rối beng, không bao giờ hết... phí tổn ngày một thêm, oán giận ngày càng nặng”.

Đúng là cái cảnh:

Con ơi! mẹ bảo con này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Nhưng, như vậy cũng chưa hết. Sự suy yếu của nhà nước trung ương, chiến tranh phong kiến đã tạo điều kiện cho bọn địa chủ, cường hào địa phương thả sức hoành hành, nào là đặt trạm thu thuế riêng, nào là tự tiện tổ chức xét kiện, thu tiền thu thóc của dân ăn chơi thỏa thích.

Trong “Thông sức” của Ngư sử dài năm 1719 có đoạn viết: “Bọn hào cường gian hoạt trong làng mạc, giảo quyệt đủ ngón, dối trá trăm khoanh, chúng lấy thế lực mà xử sự, dùng cách xâm chiếm để lợi mình, bóp nặn kẻ nghèo nàn, khinh rẻ người ngu tối, hơi có ai trái ý thì chúng vu oan giá họa... Đáng ghét hơn nữa, những kẻ bất đẳng gian giảo còn hãm hại dân lành, như thấy xác người bên đường đã trải năm tháng không rõ tung tích, thì nhận ngay mình là người thân…, đem một người lương thiện có của mà mình ghét bỏ xưa nay, vu cáo thành án giết người”[6].

Tất nhiên, người nông dân vẫn phải tự mình tìm thấy cuộc sống thanh thản cho mình; ngoài việc ra sức lao động sản xuất, tăng thu nhập, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, họ cũng tạo nên cả một trào lưu văn học, nghệ thuật phong phú về nhiều mặt vừa để làm đẹp cuộc sống lam lũ, tối tăm, vừa để đấu tranh chống mọi thói hư tật xấu của bọn tham quan ô lại.

Cuối cùng “tức nước, vỡ bờ”, họ đã cầm vũ khí đứng dậy đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của mình, đòi tự do.

II. Ở Đàng trong

1. Quá trình khai thác đất dai, thành lập làng xóm

- Vùng Thuận Quảng: Được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ các thế kỉ trước, đến năm 1471, chính thức hình thành hai đạo thừa tuyên: Thuận Hóa và Quảng Nam. Cũng từ những thế kỉ XII - XIII cư dân Việt thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đã vào đây khai phá đất hoang, xây dựng xóm làng. Số dân Việt tăng lên nhanh chóng từ đầu thế kỉ XVI và trong những năm Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Quảng, trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Họ là nông dân nghèo phải từ bỏ quê hương ở xứ Bắc, là những gia đình thân thuộc với chúa Nguyễn, là quân sĩ được đưa vào đây đồn trú, là tù binh, là những người bị quân Nguyễn bắt đưa vào trong lần đánh ra Nghệ An v.v.. Vào cuối thế kỉ XVI, trên đất Thuận Quảng đã tồn tại 1226 xã thôn và đến năm 1774, riêng Thuận Hóa đã có 882 xã thôn phường (Phủ biên tạp lục)[7]. Quảng Nam được khai thác muộn hơn, nhưng đến giữa thế kỉ XVIII cũng đã có 16 huyện và nhiều thuộc. Cư dân ở đây chủ yếu là người từ Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào. Theo số liệu đương thời (giữa thế kỉ XVIII).

Thuận Hóa có 126.857 dân đinh các loại

Quảng Nam có 95.731 dân đinh các loại[8].

- Vùng đất phía nam Thuận Quảng: Quá trình sáp nhập lãnh thổ Đàng Trong được diễn ra suốt từ 1611 cho đến giữa thế kỉ XVIII, đồng thời cũng là quá trình di dân lập ấp của cư dân Việt ở Đàng Trong. Bị áp bức bóc lột nặng nề, hàng loạt nông dân nghèo mất đất đã rủ nhau đi vào phía nam khai hoang, thành lập xóm làng. Nhiều người đã đến tận vùng cực nam trên đất thủy Chân Lạp, thậm chí sang cả đất Thái Lan. Bên cạnh số người này còn có một số binh sĩ và gia đình, hoặc đóng đồn khẩn hoang hoặc đi làm đồn điền. Để nhanh chóng khai thác vùng đồng bằng sông Cửu Long, các chúa Nguyễn đã khuyến khích quan lại, địa chủ giàu có ở Thuận Hóa mộ dân phiêu tán từ bắc Bố Chính trở vào đến đây “thiết lập xã, thôn, phường, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương”. Các đảo như Cù lao Rùa (Biên Hòa), đảo Côn Lôn v.v… đều có di dân đến khai phá. Chúa Nguyễn cho phép các địa chủ giàu có ở đây nuôi nô tì; nhân đó bọn lái buôn “đem con trai, con gái người Man ở đầu nguồn bán cho dân ở đây làm nô tì”. Một lực lượng lao động khác góp phần khai phá vùng Gia Định, Long Hồ, Hà Tiên là người Hoa. Họ theo Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu vào đất Thủy Chân Lạp cùng di dân Việt khai hoang, lập làng rồi sau đó chuyển dần sang buôn bán và làm nghề thủ công. Cho đến giữa thế kỉ XVIII, đã hình thành 11 huyện và 1 châu với hàng trăm xã, thôn, phường, nậu và 69.338 dân đinh trên vùng đất phía nam Thuận Quảng

2. Tình hình ruộng đất

Vốn là vùng đất xa trùng ương, các triều đại Lê, Lê - Trịnh không quan tâm nhiều đến việc đo đạc và xác định tính chất công, tư. Theo lệ thuế chung, hàng năm chính quyền địa phương được lệnh sai người đi khám xét “chiếu số ruộng cày mà thu thuỷ”, thậm chí có lúc “định trước một số thu nào đó”. Năm 1669, kỉ lục Võ Phi Thừa tâu lên chúa Nguyễn: “Thần nghe binh và tài là chính sách lớn của nhà nước, kho tàng đầy thì của dùng đủ, của dùng đủ thì binh giáp mạnh. Nay dân gian nhiều người chiếm canh ruộng lậu mà không chịu nộp thuế, xin cho quan bao đạc những ruộng đất thực canh làm ruộng công để thu thuế mà cung cho quốc dụng...” chúa Nguyễn chấp thuận, sai nhóm văn thần Hồ Quang Đại chia nhau đi đo đạc những ruộng đất đang được cày cấy ở các huyện, định làm 3 bực để thu thóc thuế và xem là ruộng công, giao cho xã chia cho dân. Lại quy định: từ đó về sau, ai khai khẩn được đất hoang thành ruộng, cho được xem là ruộng tư, gọi là “bản bức tư điền”, xã dân không được tranh chiếm. Do đó, ruộng công tồn tại chủ yếu ở Thuận Quảng cũ. Có lẽ, ruộng công làng xã được phân chia theo lệ làng. Theo Lê Quý Đôn, thế kỉ XVIII, ở Thuận Hóa mỗi xã dân được chia khoảng 5 - 6 sào ruộng công, còn binh lính thì được khẩu phần gấp 3.

Bên cạnh ruộng công làng xã có loại ruộng gọi là quan điền trang và quan đồn điền. Dù có chữ “quan” đứng đầu, loại ruộng này không phải là ruộng nhà nước mà thực chất là ruộng tư của chúa. Theo Lê Quý Đôn, “chúa Nguyễn lấy làm của tư, cho dân cày cấy hoặc thuê người cày cấy, mỗi kì sau người coi gặt, cho thuyền chở về để sung vào kho của chúa, cấp ngụ lộc cho người trong họ và bề tôi bên dưới”. Vào nửa sau thế kỉ XVIII, ở Thuận Hóa có 6.494 mẫu 3 sào 12 thước 9 tấc quan đồn điền và 1524 mẫu 14 thước 4 tấc quan điền trang. Số ruộng này rải ra ở nhiều huyện. Ở Quảng Ngãi, Gia Định, Phước Long cũng có các đồn điền của chúa. Ruộng quan điền trang và quan đồn điền được giao cho quân sĩ hoặc người bị tù tội cày cấy, cũng có nơi chúa cho phát canh thu tô (thóc hoặc tiền) hoặc thuê người cày (với giá không quá 1 quan/mẫu).

Chúa Nguyễn ít cấp ruộng lộc cho quý tộc, quan lại cao cấp, theo Lê Quý Đôn:

Mẹ chúa: 10 mẫu

Chưởng cơ: 5 mẫu, cai cơ: 4 mẫu

Cai đội: 3 mẫu 5 sào, Nội đội trưởng: 3 mẫu v.v…

Ngoài ra, chúa còn lấy một bộ phận ruộng công làm ruộng cấp lương miễn thuế. Bộ phận ruộng tư phát triển khác nhau ở hai vùng: ở vùng Thuận Quảng cũ, ruộng tư dưới hình thức “bản bức tư điền” được mở rộng chủ yếu từ sau 1669. Năm 1770, do sự phát triển nhanh chóng của ruộng đất tư ở đây, chúa Nguyễn đã buộc các họ phải lập sổ ruộng riêng. Ở Thuận Hóa đương thời có 51 tập. Ở Quảng Nam có lẽ chúa Nguyễn không thống kê hết được. Tuy nhiên, cũng như ở Đàng Ngoài, tệ chiếm công vi tư ngày càng phát triển, đến mức vào giữa thế kỉ XVIII, một viên quan của chúa Trịnh là Phạm Nguyễn Du đã nhận xét: “người nghèo không mảnh đất cắm dùi”, hay trong hiểu dụ của chúa Trịnh: “ruộng công... vì phải bồi thường thuế thiếu đã được châu phê cho bán đoạn làm của tư”. Rải rác đây đó hình thành một số trang trại tư nhân, sử dụng lực lượng nô tì để canh tác.

Trong lúc ở Thuận Quảng, việc khai phá đất hoang chịu sự quản lí của nhà chúa thì ở mạn nam, nhằm nhanh chóng đưa đất đai vào vòng quản trị, các chúa Nguyễn khuyến khích các địa chủ và dân lưu vong khai hoang, biến thành ruộng đất tư. Do đó, trên đất Đồng Nai, Gia Định “các nhà giàu hoặc có chỗ 40, 50 nhà, hoặc có chỗ 20, 30 nhà; mỗi nhà có đến 50, 60 điền nô, trâu bò có đến 300 còn, cày bừa, trồng cấy, gặt hái không lúc nào rỗi. Hàng năm cứ đến tháng chạp, tháng một, đem thóc giã thành gạo, bán lấy tiền để chi dùng vào Tết tháng chạp...” Ruộng đất ngày càng mở rộng, theo lời của Lê Quý Đôn, đất Gia Định “từ cửa biển đến đầu nguồn đi mất 6-7 ngày mà hết thảy đều là đồng ruộng, nhìn bát ngát, ruộng phẳng như thế đấy”. Đương thời, chúa Nguyễn chỉ có điều kiện đo đạc một số ruộng nhất định, số còn lại phải theo số thửa mà thu thuế. Nếu như, cuối thế kỉ XVIII, diện tích ruộng đất ở Thuận Hóa đo đạc được là 265.507 mẫu, thì ruộng đất ở Quảng Nam vào nam, chính quyền chúa Nguyễn chỉ tính được 27 vạn mẫu ruộng đang cày cấy và 32.000 thửa. Theo số liệu còn lại, không phải số thửa này thuộc chủ yếu quyền sở hữu địa chủ, chẳng hạn ở 3 trại Bà Canh, Bà Lai, Bà Kiến số đinh hơn 4000 mà số ruộng cũng chỉ hơn 4000 thửa; châu Định Viễn số đinh hơn 7000, số ruộng cũng hơn 7000 thửa v.v…[9]

3. Tình hình nông nghiệp và đời sống nông dân

Là vùng đất ở xa mới khai phá việc quản lí của nhà nước lỏng lẻo, người nông dân có điều kiện phát huy hết sức lao động, nâng cao năng suất sản xuất. Từ thế kỉ XVI, sản xuất nông nghiệp ở Thuận Quảng đã rất phát triển. Chẳng hạn, ở vùng bắc Bố Chính, ruộng chia thành 2 loại chiêm mùa, “tháng tư hàng năm, lúa chín đầy đồng, gặt hái không kịp”; ở vùng Điện Bàn “giàu có vì lắm thóc, dẫm lúa phải dùng trâu”[10]. Theo Lê Quý Đôn, mỗi mẫu thu hoạch từ 90 - 120 gánh lúa. Đầu thế kỉ XVII, giáo sĩ Bori vào đây, nhận xét: “Đất đai màu mỡ và sinh lợi ... đến nỗi hàng năm họ gặt lúa 3 lần, thu hoạch được một lượng thóc phong phú đến mức không ai cần lao động thêm để kiếm sống... quanh năm họ có nhiều hoa quả, những thứ lạ như dưa bở, dưa chuột, dưa hấu, mít, sầu riêng, dừa, trầu cau, bắp cải, thuốc lá, mía... Đồng ruộng của họ đầy những gà vịt nhà và gà rừng”[11]. Vào nửa đầu thế kỉ XVIII, lái buôn P.Poavrơ cũng nhận xét: “ruộng đất ở Đàng Trong màu mỡ, nhân dân giỏi trồng trọt, họ trồng 6 loại lúa nước và hai loại lúa cạn. Ngoài ra họ còn trồng nhiều ngũ cốc loại khác như ngô, kê, đậu v.v…”. Trong lúc đó, Lê Quý Đôn ghi: trên các cánh đồng Đàng Trong, nhân dân đã cầy đến 26 giống lúa nếp và 23 giống lúa tẻ. Nhiều loại lúa như lúa ba bả, lúa viên vừa cấy được ở ruộng nước ngọt vừa cấy được ở ruộng nước mặn... Theo ông: đất Quảng Nam màu mỡ, ruộng tốt nên mùa màng bội thu, thóc lúa súc vật có nhiều. Người đương thời nói: “ruộng ở các huyện Tân Bình, Phúc Long, Quy An, Quy Hóa có cày dễ cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 100 hộc thóc; thuộc Tam Lạch, trại Bả Canh châu Định Viễn thì ruộng không cày, phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 300 hộc”. Đất Gia Định cấy lúa tẻ nếp đều hợp “hột gạo trắng mà dẻo”. Người ta chia làm 3 loại ruộng:

- Ruộng miền đồi núi Đông Bắc, do dân khai thác theo kiểu làm rẫy, kết quả tuy không tốt lắm nhưng được mùa luôn.

- Ruộng cỏ (thảo điền) ở vùng đồng cỏ và bùn lầy thuộc Trấn Biên và Phiên Trấn. Ở đây cứ gieo 1 hộc thì thu hoạch được 100 hộc.

- Ruộng đầm tốt nhất, hàng năm cứ đến cuối hạ sang thu thì trời mưa nhiều, ruộng ngập đầy nước. Người ta phát hết cỏ và vun lại thành đống, đắp bờ rồi đem mạ ra cấy”. Năng suất lúa rất cao “cấy 1 hộc thu hoạch được 300 hộc”.

Ruộng nhiều lúa tốt, nên nhân dân thường đem thóc bán ra các dinh ở Thuận Quảng lấy tiền mua các hàng tơ lụa, áo quần tốt đẹp, do đó người nông dân “không sốt sắng với việc làm ruộng”, thường chạy ra các thị trấn ở một số vùng Thuận Hóa lao động chân tay kiếm tiền. Ruộng đất ở quê nhà đem cho thuê với giá 3 - 4 quan tiền/mẫu.

Trong những thế kỉ đầu, do thuế má nhẹ, đời sống của người nông dân khá cao. Sách Ô châu cận lục từng ca ngợi:

Diêm Trường cỗ lớn, gỏi cá thái sợi trắng ngần

An Cựu tiệc sang, búp trà nhỏ pha ngọc nhụy

hoặc :

Người sang kẻ hèn, đĩa bát đều vẽ rồng vẽ phượng

Kẻ hơn người kém, sống áo toàn màu đó, màu hồng.

Năm 1669, sau khi đo đạc ruộng đất, chúa Nguyễn chính thức ban hành phép thu thuế. Ruộng công, ruộng tư đều được chia làm 3 hạng, đánh thuế ngang nhau:

Nhất đẳng nộp 40 thăng thóc 8 hợp gạo

Nhị đẳng nộp 30 thăng thóc 6 hợp gạo

Tam đẳng nộp 20 thăng thóc 4 hợp gạo

Ruộng mùa thu và đất khô thì không chia hạng, mỗi mẫu nộp 3 tiền.

Ngoài ra, người nông dân cày ruộng công phải nộp các loại: phiến cót, tiền cung đốn, tiền nộp thóc vào kho, tiền bao mây, tiền trình diện.

Quan điền trang và quan đồn điền thì có lệ thuế riêng (khoảng 205 thăng/mẫu)

Ruộng ở vùng cực nam được thu theo thửa hoặc từ 4 - 10 hộc, hoặc từ 2 - 4 hộc (mỗi hộc: 50 - 75 thăng)

Ngoài tô chính, người nông dân còn phải nộp gạo đầu mẫu, tiền phụ trình diện, tiền cót tre (cứ 1000 thăng thóc nộp 5 tấm cót hay 2 tiền).

Thuế nhân đinh gồm 4 loại: sai dư, cước mễ, thường tân, tiết liệu với mức khá nặng:

Tráng hạng: 3 quan 3 tiền

Dân hạng: 1 quan 9 tiền

Lão hạng : 2 quan 1 tiền

Bát cụ: 1 quan 5 tiền 30 đồng.

Các chức sắc, con cháu quan viên đều phải nộp. Ở nhiều nơi, mức thuế còn lên đến 4 - 5 quan.

Theo Lê Quý Đôn, tổng số thuế các loại của Quảng Nam - cực nam là:

Thuế ruộng: 6.048.526 thăng 8 cáp/năm

Gạo lệ 61.040 thăng 5 cáp/năm

Gạo cánh 20.357 bát 1 cáp/năm

Các loại thuế khác: Gạo: 18.390 bao 77 cân/năm

Tơ: 363 tấm/năm

Lụa: 1.017 tấm 108 thước/năm

Vàng: 56 hốt 2 lạng 6 đồng cân/năm

Tiền: 241.995 quan 6 tiền/năm

Chiếu: 5460 đôi/năm

Đường: 48.320 cân 9 lạng/năm...[12]

Nghĩa vụ binh dịch rất nặng nề. Ngoài ra, người dân còn bị bắt làm phu canh gác, quét dọn cho các quan. Hệ thống quan Bản đường được phép thu thêm một số tiền gạo làm ngụ lộc; cai trưng, cai lại, đề đốc cũng vậy. Một đặc điểm của Đàng Trong là các quan chức địa phương hàng năm phải nộp cho chúa nhiều loại tiền: lĩnh bằng, nhận ấn, lễ mừng sinh nhật, giỗ tết... Để có tiền làm các việc đó, quan lại phải lấy thêm ở người dân. Chính vì vậy mà Lê Quý Đôn phải kêu lên “Quan liêu ở Đàng Trong nhũng lạm quá lắm, hết thảy bổng lộc đều lấy vào của dân, dân chịu sao nổi!”.

Tuy nhiên, do những điều kiện đặc biệt của Đàng Trong, nhân dân nghèo đói đi lưu vong có thể tìm đến các vùng đất hoang, khai khẩn, lập nghiệp và sống một cuộc đời ít nhiều tự do, mặc dầu không phải lúc nào cũng thuận lợi, tốt đẹp. Mâu thuẫn xã hội tạm thời được giải quyết và đó là lí do làm cho cuộc khủng hoàng xã hội ở Đàng Trong đến muộn hơn so với Đàng Ngoài.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4637-02-633921665831091250/Tinh-hinh-kinh-te-van-hoa-o-cac-the-ky-XV...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận