Giao tiếp với các thầy giáo như thế nào?

Các cô giáo thường yêu quý học sinh nam trong khi các thầy giáo lại yêu quý học sinh nữ của mình hơn. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong hầu hết các trường học. Hiện tượng này có thể liên quan đến sự hấp dẫn về giới tính. Khi thầy giáo đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho học sinh, các học sinh nữ thường có cảm giác sùng bái, ngưỡng mộ. Những lời hay ý đẹp cũng như những kiến thức trong mỗi bài giảng của thầy đều có thể biến học sinh nữ thành những người rất biết lắng nghe và tiếp thu. Qua một thời gian dài như vậy, nếu giữa hai bên có nảy sinh một chút tình cảm khác lạ, nhất là với các bạn gái đang ở độ tuổi mới lớn thì cũng không có gì là khó hiểu cả. Tuy nhiên, đôi khi chính những tình cảm ấy lại mang đến cho các bạn khá nhiều phiền phức, đau khổ.
Là học sinh nữ, trong lúc tiếp xúc với các thầy giáo dạy mình trên lớp, các bạn cần chủ động giữ gìn và duy trì tình cảm thầy trò trong sáng, hồn nhiên; tuyệt đối không được có những biểu hiện gây ảnh hưởng đến sự uy nghiêm trong mối quan hệ thầy trò. Đây cũng là một điều vô cùng cần thiết.

Bạn cũng cần hết sức lưu ý đến những hành động, cử chỉ của mình. Khi đứng cùng với một thầy giáo ở đâu đó, bạn tuyệt đối không được đứng quá gần nhưng cũng không nên lùi lại quá xa. Nếu hai người ngồi nói chuyện, cần giữ sự nghiêm túc, chừng mực, thẳng thắn, không cúi gằm mặt xuống đất hoặc có hành động gì đó sỗ sàng. Trong khi nói chuyện, bạn có thể nhìn thẳng vào thầy giáo bằng ánh mắt bình thản và tự nhiên nhất. Bạn cũng cần lưu ý đến chuyện ăn mặc, trang điểm cho ra dáng là một cô học trò ngoan ngoãn, không chọn những bộ trang phục hở hang hoặc quá rườm rà. Ngoài ra, bạn cũng không nên hoa chân múa tay trong khi đang nói chuyện, không thổ lộ tình cảm của mình một cách tùy ý, không nên quá lạm dụng từ “thích” hay “yêu” một cách bừa bãi. Bạn cũng cần chú ý để không đi về quá muộn. Khi thầy giáo giúp đỡ bạn tiến bộ hơn trong học tập hoặc có những lời khuyên dành cho bạn trong cuộc sống, cần tỉnh táo để nhắc nhở mình rằng đó không phải là biểu hiện của tình yêu mà chỉ là trách nhiệm, chức phận của người thầy với học sinh của mình.
Khi nhận thấy thầy giáo có cảm tình với mình và tình cảm đó sắp vượt ra ngoài ranh giới giữa thầy và trò, bạn cần phải sáng suốt, tìm cách rút lui khỏi hoàn cảnh đó nhưng vẫn đảm bảo được danh dự của thầy, tránh khiến cho thầy bị tổn thương. Bạn có thể nói với thầy: “Thưa thầy, em rất tôn trọng thầy, nhưng đó chỉ là sự tôn trọng và tình cảm của một học sinh với một thầy giáo, chứ tuyệt đối không thể là tình cảm gì khác”. Những câu nói tế nhị này của bạn sẽ có tác dụng nhắc nhở, giúp thầy giáo nhanh chóng nhận ra vấn đề. Cách thứ hai: Mỗi khi đề cập đến chuyện này, bạn hãy tìm cách để lái câu chuyện đi theo một hướng khác, để thầy giáo hiểu rằng bạn chẳng hề hứng thú gì với đề tài đó. Bạn cũng có thể hạn chế số lần nói chuyện, gặp gở riêng với thầy để quan hệ thầy trò không thể vượt ra ngoài phạm vi cho phép. Cách thứ ba: Viết thư. Nếu cảm thấy không tiện gặp mặt trực tiếp, bạn có thể viết thư để nói rõ mọi chuyện với thầy. Một số bạn gái giàu kinh nghiệm thường tránh những hiện tượng này bằng cách mỗi khi có việc cần nhờ hoặc cần nói chuyện với thầy, các bạn ấy thường không đến một mình mà luôn rủ thêm một vài người bạn cùng đi. Đây cũng là một trong những phương pháp khá hữu hiệu để tránh những hiểu lầm, rắc rối cho cả hai bên.
Với những thầy giáo liên tục có hành động không đứng đắn, thể hiện rõ ý đồ đe dọa hoặc quấy rối, bạn hoàn toàn có quyền tự vệ và yêu cầu thầy dừng lại. Đối với những người thầy không có lòng tự trọng và làm băng hoại đạo đức nghề nghiệp như vậy, chúng ta cần có biện pháp cứng rắn. Bạn hãy trình bày chuyện đó với cha mẹ hoặc với thầy cô giáo hiệu trưởng nhà trường.
Khi bước vào độ tuổi dậy thì, dường như ở tất cả các học sinh đều xuất hiện một dạng tâm lý khác lạ, không biết phải ứng xử như thế nào với những người khác giới. Người lớn mà các bạn tiếp xúc ở trường học hầu hết đều là các thầy cô giáo. Một số học sinh thường có cảm giác khá đặc biệt khi tiếp xúc, gần gũi với các thầy cô giáo trẻ. Thậm chí, ở một số bạn, trong tình cảm thầy trò trong sáng, thuần khiết đã có chút hơi hướng của tình yêu nam nữ. Hiện tượng này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh, ổn định trong tâm sinh lý của các bạn.
Khi tiếp xúc với các thầy cô giáo trẻ, bạn gái cần chú ý giữ đúng tư cách, tác phong và đạo đức của một học sinh, biết được việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Đây cũng là một trong những biểu hiện của lòng tự trọng. Thầy cô khác với bạn bè, khi tiếp xúc, nói chuyện với họ, bạn gái tuyệt đối không được quá thân thiện, tùy tiện như khi nói chuyện với các bạn của mình.
Một điều nữa bạn gái cũng cần lưu ý khi tiếp xúc, nói chuyện với các thầy giáo trẻ là phải tôn trọng những chuẩn mực hành vi khác nhau và học được cách tự bảo vệ mình. Khi nói chuyện với thầy giáo trong phòng ký túc xá của thầy, phải để cửa mở; tuyệt đối không đi dạo nếu chỉ có hai người với nhau,...
Ngoài ra, các bạn cũng cần chú ý kiểm soát hành động của mình, không nên có những hành vi không đẹp khi ở trước mặt thầy cô như gãi đầu liên tục, nhổ nước bọt bừa bãi, xả rác ra xung quanh,...
Nếu hay xấu hổ, các bạn gái thường thấy đỏ mặt, lúng túng, tay chân lóng ngóng khi phải nói chuyện hoặc thực hiện chung một hoạt động gì đó với các bạn trai. Các bạn có muốn tìm một biện pháp nào đó để “chung sống hòa bình” với bạn trai như trước hay không?
Khi bước vào độ tuổi dậy thì, hầu hết các bạn gái đều có hiện tượng lảng tránh nói chuyện, tiếp xúc với các bạn trai. Hiện tượng này cũng có ở các bạn trai nhưng thường không nổi trội như ở các bạn gái. Trong giai đoạn này, chỉ cần bạn gái có một biểu hiện tiếp xúc bình thường giữa bạn trai và bạn gái, cũng có thể khiến các bạn khác trong lớp chê cười, gán ghép. Vì vậy, việc bạn gái cảm thấy mặt nóng ran hay tim đập nhanh mạnh mỗi khi tiếp xúc với các bạn trai cũng là điều hết sức bình thường. Các bạn gái không nên quá lo lắng về chuyện này.
Để khắc phục được hiện tượng này, trước hết bạn gái cần nhận thức được rằng sự tiếp xúc giữa hai giới là một điều hết sức bình thường và cần thiết trong cuộc sống. Đây cũng là một biểu hiện thể hiện tình đoàn kết trong lớp học. Sau khi hiểu được như vậy, bạn gái sẽ thấy thoải mái và bớt căng thẳng về tâm lý. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bạn khác giới, bạn gái hãy cố gắng coi “bạn ấy” như anh, em hoặc những người thân trong gia đình để có thể nói chuyện một cách tự nhiên và thoải mái. Nếu bạn gái cảm thấy xấu hổ, căng thẳng thì cảm giác đó cũng sẽ lan sang người đối diện, khiến cho cả hai đều khó xử hơn.
Trước khi nói chuyện với một bạn trai nào đó, hãy tự nhắc nhở mình rằng: “Các bạn khác làm được thì mình cũng sẽ làm được!”. Như vậy, chắc chắn bạn gái sẽ không thấy xấu hổ và căng thẳng nữa.