Kinh tế suy thoái, đời sống nhân dân ngày càng cực khổ
Từ sau khi chiến tranh chấm dứt, xã hội Đàng Ngoài tạm thời trở lại yên bình. Những tổn thất do chiến tranh gây ra dần dần được hàn gắn. Nhân dân trở lại làm ăn thâm canh nông nghiệp, mở rộng diện tích ruộng đất ở những vùng ven biển, trung du, phát triển các ngành nghề thủ công. Nhà nước Lê - Trịnh cũng tạo điều kiện củng cố sự thông nhất lãnh thổ, khẳng định quyền làm chủ đất Cao Bằng (trước đây bị nhà Thanh buộc phải giao cho tàn dư họ Mạc cai quản như một vùng đất riêng), đòi lại một số vùng đất biên giới bị nhà Thanh xâm chiếm (như vùng mỏ Tụ Long chấn chỉnh lại khoa cử, giáo dục, vận động nhân dân sửa đắp đê điều, cải cách chế độ thuế khóa nhằm làm dịu bớt mâu thuẫn trong nhân dân v.v...
Cuộc sống trở lại ổn định trong một thời gian. Nhưng, chính sách phong thưởng và ban cấp ruộng đất cho công thần, quan tướng, quân đội và theo đó là tình trạng chấp chiếm ruộng đất của giai cấp địa chủ, cường hào; tệ tham nhũng của quan lại, sự đình trệ của ngoại thương và chính sách ức thương của nhà nước v.v... đưa dần đất nước vào cuộc khủng hoảng.
1. Sự chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp địa chủ
Chiến tranh phong kiến trong hơn một thế kỉ sau khi nhà Lê đã tạo điều kiện cho các làng xã, các địa phương xa trung ương tách khỏi sự quản lí trực tiếp của nhà nước, nâng cao tính tự trị. Bất lực trước tình hình đó, năm 1664, nhà nước phải ban hành phép “Bình lệ” để thu thuế; hơn nữa bấy giờ nhà nước chỉ đánh thuế ruộng công. Kết quả là “số hộ khẩu lên xuống không thường mà phú dịch vẫn giữ nguyên như cũ, dần dần đưa đến chỗ là kẻ nghèo, khó cáng đáng được, thành thử ruộng tư của họ phần nhiều lọt vào những nhà hào phú. Những kẻ ruộng đất liền bờ thì đa số là hàng người được miễn trừ”. Bọn cường hào địa chủ địa phương không những tìm mọi cách chiếm đoạt ruộng tư của dân mà còn lũng đoạn ruộng đất công vốn đã bị nhà nước cắt xén rất nhiều. Trong mấy chục năm cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII đã diễn ra 9-10 nạn đói lớn. Nhân đó, hình thành hàng loạt địa chủ lớn có hàng trăm mẫu ruộng, thậm chí có người có đến 3.000 mẫu ruộng rải ra ở nhiều huyện. Tình hình căng thẳng đến mức, năm 1728, chúa Trịnh Cương đã phải kêu lên: “Ruộng đất rơi hết vào nhà hào phú, còn dân nghèo thì không có một miếng đất cắm dùi”. Ngay ở miền thượng du cũng vậy: “bọn quyền thế làm văn khá giả để chiếm ruộng nên dân muốn cày cấy mà không có đất”. Nông dân nghèo bỏ làng đi lưu tán ngày càng nhiều, cuộc sống của họ “ngày càng khốn khổ tiều tụy”.
Ruộng đất công còn lại không nhiều và không đồng đều ở các xã mà hào lí địa phương cùng quan huyện, phủ làm việc chia cấp “sơ lược, không được công bằng”, Năm 1711, chúa Trịnh lệnh sửa chữa và bổ sung phép quân điền cũ đời Hồng Đức, ban hành lại sau khi đã cử người đi đo đạc lại ruộng đất, làm sổ “tu tri” ở các xã. Theo chính sách mới, làng xã được chia lại ruộng công theo tục lệ riêng của mình nhưng các “quyền cai thủ dịch” không được tự tiện đảo điên vị thứ”, phân chia theo ý riêng mình; những người đã có ruộng tư đủ rồi không được hưởng ruộng khẩu phần. Tuy nhiên, phép quân điền mới không có tác dụng đáng kể, vì như nhận xét của nhà sử học Phan Huy Chú: “Nước ta duy có trấn Sơn Nam hạ là rất nhiều ruộng và đất bãi công, phép quân cấp chỉ nên làm ở xứ ấy là phải, còn các xứ khác thì các hạng ruộng công không có mấy, dù xứ nào có nữa thì cũng chỉ đủ để cung cấp binh lương và ngụ lộc, không thể san chia cho các hạng...” (Lịch triều hiến chương).
Cùng năm đó, chúa Trịnh cũng hạ lệnh cấm “các nhà quyền quý, có thế lực không được nhân những xã dân “vì nghèo đói phải xiêu giạt mà mua ruộng đất của họ, chiếm làm cửa riêng, tự tiện lập thành trang trại” và quy định “nếu ai đã từng thiết lập trang trại ở một xứ nào rồi thì cho phép tự mình được triệt đi, hạn trong 3 tháng là hết”.
Một hiện tượng đáng lưu ý là do hậu quả tai hại của các cuộc chiến tranh phong kiến, nhiều người đã cúng ruộng đất tư của mình cho làng hay cho các chùa để được thờ cúng sau khi chết (loại ruộng này được gọi là ruộng hậu). Làng xã trở thành chủ một số diện tích ruộng đất đáng kể. Đứng trước tình hình gia tăng và chiếm ưu thế của ruộng đất tư, năm 1722, chúa Trịnh thực hiện cuộc cải cách chế độ tô thuế, bắt đầu đánh thuế ruộng tư. Tuy nhiên khi thực hiện chính sách mới, nhà nước lại quy định miễn thuế ruộng tư cho quan lại theo thứ bậc.
Nhất, Nhị phẩm được miễn thuế 25 mẫu
Tam, Tứ phẩm được miễn thuế 20 mẫu
… Cửu phẩm được miễn thuế 5 mẫu
Ruộng đất tư của địa chủ, quan lại tiếp tục tăng thêm. Cuộc sống của nông dân vẫn khổ cực. Tình trạng đối kháng giai cấp trở nên quyết liệt, năm 1740 Trịnh Doanh dự định thực hiện phép “Tỉnh điền” xưa của nhà Chu nhằm “quân bình giàu nghèo”, “san đều thuế dịch”. Biết rằng điều đó chỉ là ảo tưởng, triều thần đã khuyên chúa không nên vì “trộm cướp chưa yên”, việc “khám đạc ruộng đất chỉ thêm phiền nhiễu”. Sự phát triển của chế độ tư hữu địa chủ về ruộng đất đã đạt đến đỉnh cao, ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội.
2. Thuế khóa nặng nề, quan lại tham nhũng
Bộ máy quan lại thời Lê - Trịnh ở đầu thế kỉ XVIII không còn như trước nữa. Để nắm hết quyền hành, phủ chúa thay 3 phiên cũ bằng 6 phiên (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), mỗi phiên 60 nhân viên, chịu trách nhiệm chính hoạt động của các bộ. Số lượng quan lại tăng lên, bộ máy cồng kềnh. Bãi bỏ chế độ lộc điền cũ, nhà Lê - Trịnh đặt ra chế độ ban cấp xã dân lộc cho các quan, trực tiếp đổ gánh nặng phú dịch lên xã dân. Khi đặt lại chế độ thuế ruộng đất, nhà nước “nào làm sổ dân đinh, nào định ngạch thuế tô, không cho một hộ nào được thoát, không thước đất nào bỏ rơi, tìm bắt dân đinh trốn tránh, tra xét ruộng ẩn lậu, khắc nghiệt quá chừng... bọn lại điền nhân đấy làm gian”.
Nhu cầu chi tiêu tăng lên trong khi do đói kém liên miên, nhân dân không nộp được thuế, bỏ làng đi lưu tán ngày càng nhiều, nhà nước đặt lệ mua bán quan chức để thu thóc, tiền. Năm 1721, nhà nước mới lệnh cho dân dâng thóc để lấy quan tước” thì năm 1736, 1742, 1748, 3760, chế độ mua quan trở thành lệ thường.
Ví dụ như:
Đáng từ 1500 ® 2500 quan được tri phủ
Dâng từ 500 ® 1200 quan được tri huyện.
Dâng 500 quan được thăng 1 bậc (đối với chức dưới 6 phẩm). Về sau hạ mức tiên dần.
Đúng như nhận xét của Phan Huy Chú “quan tước cho bừa làm gì mà chả đến tệ như thời Hán mạt, Tần suy”.
Không chỉ bán quan mua tước, phủ chúa còn đặt “tiền thông kinh”, ai nộp 3 quan thì được miễn khảo hạch để vào thi Hương. Kết quả là “người làm ruộng, người đi buôn, cho chí người hàng thịt, người bán vặt cũng nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lên nhau, có người chết ở cổng trường”, “hạng sinh đồ 3 quan đấy cả thiên hạ”. Sự suy đồi của khoa cử tất nhiên đẻ ra hàng loạt quan lại tham nhũng, dốt nát. Chẳng hạn như việc sửa đắp đê đập, nhà nước thu tiền của dân giao cho các viên quan ở Trấn phụ trách, nhưng bọn này “phần thì đục khoét thợ thổ đấu làm thuê, phần thì mưu toan lấy số tiền còn thừa, thành ra công việc làm không được vững bền”, số hoạn quan trong phủ chúa ngày căng tăng lên, có lúc lên đến mấy trăm người. Bọn này được chúa ưu đãi nên tha hồ lộng hành, hạch sách, chiếm đoạt ruộng đất của nhân dân. Dưới sự chỉ huy của Hoàng Công Phụ, Đỗ Thế Giai, chúng thao túng quyền hành, xúi giục các chúa làm những việc sai trái, hại dân. Tất nhiên, bên cạnh lũ tham quan ô lại đó cũng có những quan chức ý thức về sự tồn vong của dòng họ thống trị, của nhà nước, về cuộc sống khổ cực của nhân dân như Nguyễn Công Thái, Nguyễn Công Hãng, Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Mại, Văn Đình Nhậm, Lê Hữu Kiều, Nhữ Đình Toản, Vũ Công Tể v.v...
Trong xã thôn, tệ tham nhũng ngày càng trầm trọng. Bọn cường hào, địa chủ mặc sức hà hiếp, đục khoét nhân dân không ai ngăn cản được. Tờ thông sức của Ngự sử đài năm 1719 viết: “Bọn hương đảng cường hào, gian xảo nhiều kế, biến trá trăm đường, lấy vũ đoán làm kế hay, lấy thôn tính làm giàu mình, đè nén người nghèo khổ, khinh miệt kẻ ngu hèn... làm điên đảo phải trái, thay đổi trắng đen...” “lại có lũ sâu mọt”, “kết đảng”, “tự tiện bán ngôi thứ trong làng và cầm đợ ruộng công lấy tiền, “xúi giục kiện tụng” “hãm hại dân lành... bằng vu cáo án giết người” v.v.... Chúa Trịnh đã có lúc cho phép dân yết bảng “ca tụng hoặc chê bai” các quan lại địa phương, nhưng không có kết quả.
Trong tình cảnh chung đó, bản thân các chúa cũng góp thêm (phần làm khổ nhân dân bằng xây dựng.
Sử cũ ghi: “Khi tuổi đã về già, Trịnh Cương đi tuần du không có tiết độ” Các hoạn quan được lệnh chúa nhau đi sửa dựng các chùa ở núi Độc Tôn và Tây Thiên (vùng Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ngày nay), xây dựng phủ đệ ở Cổ Bi (Gia Lâm)... Năm 1729, mặc dầu đê sông Hông vỡ, mùa màng ngập lụt, Trịnh Cương vẫn huy động dân phu, quân lính sửa gấp hành cung Cổ Bi.
Trịnh Giang lên thay Trịnh Cương, sai phá hành cung Cổ Bi để lấy vật liệu sửa hai chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm, bắt hàng vạn nhân dân các huyện miền Đông lao dịch cực khổ. Giang lại cho dựng chùa Hồ Thiên (Bắc Ninh), Hương Hải (Hải Dương), Hoa Long (Hà Tây) v.v... Mãi đến năm 1740, Trịnh Doanh mới buộc phải bãi bỏ. Trịnh Giang lại nghe theo lời bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ cách chức, giết hại những đại thần trung thành như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng, Trương Nhưng..., đặt chế độ bán quan chức, hoang dâm vô độ, một hôm bị sét đánh gần chết, bọn hoạn quan khuyên nên đào đất làm nhà ở dưới đó để tránh sấm sét. Giang bèn dựng cung Thưởng trì để ở, không dám ra ngoài nữa. Bọn hoạn quan nhân đó tự do hoành hành.
3. Đời sống nhân dân sa sút nghiêm trọng
Do bất lực trong việc quản lí và bảo vệ các công trình thủy lợi, nhà nước Lê - Trịnh đành phải bỏ mặc cho bọn quan lại địa phương thu tiền của dân, thuê người làm. Bọn này nhân đó tha hồ nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân, tham ô, vơ vét tiền của. Lụt lội, mất mùa liên tiếp xảy ra vào các năm 1690, 1694, 1695, 1702, 1703, 1708, 1711, 1713, 1721, 1727, 1728, 1729… Đói kém liên miên, “một đấu lúa nhỏ giá đến 1 tiền, dân gian phải ăn vỏ cây, rau cỏ, lá cây, thây chết đói đầy đường, thôn xóm tiêu điều”. Năm 1730, đê Mạn Trù (Hưng Yên) vỡ, nước sông Nhị tràn ngập, lúa má của 8, 9 huyện đều bị hại, 527 làng phiêu tán. Những năm 1740 - 1741 đói to ở các trấn đồng bằng, nặng nhất là ở Hải Dương. Sử cũ chép.
“Dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trữ ở lãng xóm hầu như hết sạch... Dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng không được một bữa no. Nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nỗi ăn cả thị rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau, số dân còn lại 10 phần không được một, làng nào vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ 5-3 hộ mà thôi”.
Nạn đói kéo dài trầm trọng. Ngay từ năm 1722, Trịnh Cương đã phải sai lấy đất công lập hai khu mộ địa: một khu rộng hơn 17 mẫu ở Dịch Vọng (Từ Liêm - Hà Nội) và một khu rộng hơn 14 mẫu ở xã Hoàng Mai (Hà Nội) để chôn những người chết đói trên đất kinh thành.
Nhưng thiên tai, sản xuất nông nghiệp suy giảm mới chỉ là một trong nhiều nguyên nhân của đói kém. Ngoài ra chính sách thuế thổ sản của nhà nước còn là một nguyên nhân khác đẩy nhân dân đến cực khổ. Năm 1724, để có tiền giải quyết các khó khăn, phủ chúa cho “xét biên trong dân gian ai có nghề gì cũng đều phải nộp thuế. Kết quả là, “vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt đến nỗi người ta thành ra bần cùng và phải bỏ nghề nghiệp. Có người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, vì thuế vải lụa mà phải phá khung cửi, cũng có kẻ vì phải nộp gỗ cây và bỏ cả rìu búa, vì phải nộp cá tôm mà xé lưới chài... vì phải nộp bông chè mà bỏ hoang vườn tược. Làng xóm náo động...”. Năm 1732, nhà nước phải lệnh bỏ các loại thuế vặt đó, nhưng tình hình hầu như không cứu vãn nổi.
Tháng 11 năm 1741, chúa Trịnh sai quan đi chiêu tập dân phiêu tán, phục hóa ruộng đồng. Họ nhân đó báo về: số làng xã phiêu tán gần hết là 1730 làng, số làng xã phiêu tán vừa là 1.961 làng, nghĩa là hơn 1/3 tổng số làng xã Đàng Ngoài.
Làng xóm điêu tàn, kinh tế suy sụp, sức sản xuất bị tàn phá. Người nông dân lưu tán hoặc chết đói, chết bệnh trên đường, tha phương cầu thực, hoặc cố gắng dùng sức lao động còn lại, hợp quần khai phá đất hoang, ruộng bỏ hóa của các làng lân cận. Cuối cùng, khi không còn cách nào tự cứu nữa, “tức nước vỡ bờ”, họ đành nổi dậy cầm giáo mác, gậy gộc chống lại nhà nước phong kiến, giai cấp địa chủ cường hào.