Tài liệu: Tình hình văn hóa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nối tiếp tinh thần của thế kỉ XV, giai cấp thống trị ở các thế kỉ XVI - XVIII ở Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong, tuy mức độ khác nhau
Tình hình văn hóa

Nội dung

Tình hình văn hóa

I. Sự chuyển biến về ý thức hệ

1. Các tôn giáo cổ truyền: Nho, Phật, Đạo

Nối tiếp tinh thần của thế kỉ XV, giai cấp thống trị ở các thế kỉ XVI - XVIII ở Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong, tuy mức độ khác nhau, đều xem Nho giáo là nền tảng tư tưởng của mọi thiết chế chính trị, xã hội. Để củng cố hơn nữa địa vị của Nho giáo trong nhân dân, năm 1663, chúa Trịnh đã mở rộng 24 điều giáo huấn của Lê Thánh Tông thành 47 điều, phân phát cho các làng xã để xã trưởng hàng năm đọc và giảng giải cho nhân dân. Tôn ti trật tự trong triều đình được chấn chỉnh, các sách kinh điển của Nho giáo vẫn là nội dung chủ yếu của giáo dục, thi cử.

Tuy nhiên, do sự suy thoái của chế độ quân chủ chuyên chế, trung ương tập quyền, sự tranh chấp giữa các thế lực, phe phái phong kiến và do ảnh hưởng ngày càng tăng của quan hệ hàng hóa - tiền tệ, ý thức hệ Nho giáo cũng ngày càng suy đồi. Tôn ti trật tự xã hội không còn như trước nữa. Bộ máy quan lại bị đồng tiền chi phối ngày càng sâu sắc. Tư tưởng “chính danh định phận” mất dần ý nghĩa và nhường chỗ cho quan niệm

Còn bạc còn tiền còn đệ tử

Hết cơm hết rượu hết ông tôi (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Giáo dục lâu nay vẫn là con đường chủ yếu đi vào hoạn lộ cũng như là phương tiện chủ yếu phổ cập Nho giáo trong nhân dân, tuy rất được nhân dân tôn trọng và đề cao, nhưng nay đang ngày càng xuống cấp. Ở Đàng Ngoài, nhà Mạc cũng như nhà Lê - Trịnh vẫn mở đều các khoa thi, nhưng chất lượng ngày càng sa sút. Nhà nước thả cho các quan chấm thi ở trường thi Hương soạn sẵn 4-5 đề thi, ra đi ra lại; những thầy đồ giỏi nhân đó soạn sẵn bài đem bán mà quan trường thì cứ theo văn lấy đỗ “trùng kiến cũng mặc”. Không những thế, các bộ Ngũ kinh, Tứ thư còn được tóm tắt, người đi thi chỉ cần học thuộc lòng chừng ấy là đủ. Trò không cần học mà thầy chấm thi không cần biết trò có giỏi thật hay không, đấy là chưa kể đến tệ gửi gắm, cậy thế gia đình của con cháu các quan. Kết quả là người đỗ Hương cống (cử nhân) mà chưa thông nghĩa lí câu văn, vừa đỗ xong đã ngấp nghé để chực làm quan v.v… như vậy thì đâu còn “cốt cách thanh tao nghĩa khí” của nhà nho, đâu còn cái đạo đức “nhân nghĩa”, “lễ trí” của người có học. Sự suy đồi của Nho giáo diễn ra ngay trong hàng ngũ những người lấy Nho học làm nền cho tri thức của mình, tất nhiên ảnh hưởng sâu sắc đến toàn xã hội. Tôn ti trật tự, lễ giáo nho gia lập tức bị nhân dân biến thành đối tượng đấu tranh, đả kích và không còn là những quy tắc “bất khả xâm phạm” mang tính chuẩn mực trong đạo lí làm người mà giai cấp phong kiến mong muốn phổ cập.

Ở Đàng Trong, Nho giáo không có vị trí như ở Đàng Ngoài. Trong một thời gian dài, nhân dân tập trung sức vào khai phá đất đai, thành lập xóm làng, cải thiện cuộc sống trên vùng đất mới. Chính quyền chúa Nguyễn và tầng lớp thống trị cố gắng duy trì những lễ giáo nho gia đã thu nhận được từ quê hương, củng cố chính quyền, quân đội để bảo vệ đất đai. Tuy nhiên, theo ưu thế chung, năm 1646, chúa Nguyễn cũng định phép thi và nội dung thi cử.

Có hai kì thi chính: Chính đô để chọn người làm quan, phải thi 3 trường: Tứ lục, Thơ phú và Văn sách. Hoa văn để chọn người làm thơ lại, cũng 3 ngày và đều thi viết. Kì hạn: 9 năm một lần, nhưng thực tế thì tùy điều kiện. Chẳng hạn năm 1647, khoa đầu tiên, lấy đỗ 7 chính đồ, 24 hoa văn 1667 khoa 2: lấy 5 chính đồ, 14 hoa văn...

Tài liệu học tập chủ yếu là Ngũ kinh, Tứ thư. Sự phát triển hạn chế của giáo dục đã không tạo điều kiện phổ cập Nho giáo, trong lúc đó sự hòa hợp ít nhiều giữa hai tộc người Việt - Chăm cũng làm nhạt đi vai trò của Nho giáo.

Thế kỉ XVI - XVII, Phật giáo lại phục hồi. Vua chúa, phi tần, quan lại đua nhau theo Phật, góp tiền, cúng ruộng nho các chùa, tham gia sửa chữa xây dựng chùa. Từ thời Mạc, các chùa Thiên Hựu, Bảo Phúc (Hà Tây)... được sửa chữa, các chùa Viên Giác, Hưng Phúc (Hải Dương) Sùng Quang (Hà Nội) được xây dựng. Thời Lê- Trịnh, Trịnh Tạc cho trùng tu chùa Tây Phương (Hà Tây), Trịnh Cương bắt dân 3 huyện sửa lại chùa Phúc Long (Bắc Ninh) suốt 6 năm liền không xong, phải bỏ, chùa Tây Thiên (chân núi Tam Đảo), chùa ở núi Độc Tôn (Bắc Thái).., Trịnh Giang bắt dân 3 huyện Hải Dương sửa lại các chùa Quỳnh Lâm (ĐôngTriều), Sùng Nghiêm (Hải Dương), chùa Hương Hải (Hải Dương), tạc tượng Phật đặt ở chùa Quỳnh Lâm .v.v... ở Đàng Trong, Nguyễn Hoàng cho dựng chùa Thiên Mụ (năm 1601), các chúa sau nhiều lần trùng tu và xây thêm nhiều chùa khác, cho người sang Trung Quốc xin kinh Đại Tạng. Nhân dân nhân đó cũng đổ công sức, tiền bạc vào tu sửa, xây dựng chùa, theo phật. Nhưng, nhìn chung Phật giáo không còn thịnh đạt như ở thời Lý Trần, các nhà chùa không còn là những trung tâm vừa để giảng đạo vừa có một nền kinh tế phong phú.

Đạo giáo hòa nhập với tín ngưởng dân gian cũng phát triển hơn trước, được vua quan sùng mộ. Xuất hiện nhiều đạo quán ở các nơi, nhiều vị “tu tiên” nổi tiếng như Phạm Viên ở Nghệ An, Nguyễn Hoãn ở Thanh Hóa v.v...

2. Sự thâm nhập của đạo Thiên Chúa và sự ra đời chữ Quốc ngữ

Hình thành từ thế kỉ I ở đế quốc Rôma cổ đại, đạo Thiên chúa ngày càng phổ cập ở châu Âu và giữ vai trò thống trị trong cuộc sống tâm linh của người Âu. Vào các thế kỉ XVI- XVII, khi người phương Tây phát hiện ra con đường đi vòng quanh thế giới, bắt đầu trao đổi, buôn bán và chinh phục các vùng đất thuộc các châu lục khác thì Thiên chúa giáo cũng trở thành một phương tiện thâm nhập hết sức quan trọng của họ. Các giáo sĩ Thiên chúa giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau đã theo các thuyền buôn thâm nhập hầu hết các nước ngoài châu Âu. Sử cũ đã ghi lại sự kiện, năm 1533, một người phương Tây là Inêkhu (Ignatio) đã lén lút lên truyền đạo ở xã Ninh Cường (Nam Trực - Nam Định) xã Trà Lũ (Thái Bình), xã Quần Anh (Hải Hậu - Nam Định). Sau đó, một số giáo sĩ Nhật bị đuổi khỏi Nhật Bản cũng sang Đại Việt truyền đạo. Các giáo sĩ Italia như Mateo Ricci, Bồ Đào Nha như B. Ruydơ... cũng theo thuyền buôn vào Đại Việt. Tuy nhiên do không biết tiếng Việt lại thiếu kinh nghiệm nên hoạt động không có kết quả.

Sang thế kỉ XVII, tình hình nước ta yên ổn hơn, các giáo sĩ của Hội truyền giáo Bồ Đào Nha, của dòng Tên (Jesuites) lần lượt thâm nhập. Trong khoảng 10 năm từ 1615 - 1625 đã có 21 giáo sĩ vào Đại Việt. Năm 1627 một giáo sĩ người Pháp là Alêcxăng đơ Rốt (Alexandre de Rhôdes) cùng một giáo sĩ Bồ Đào Nha là Mackê (Marquez) đến cửa Bạng (Thanh Hóa). Nhân gặp Trịnh Tráng đi qua, họ đã biếu một đồng hồ và một quyển sách toán đẹp. Trịnh Tráng đã đưa họ về Thăng Long giảng đạo. Nhờ đó, A.đơ Rốt đã làm lễ rửa tội được cho hàng ngàn người. Năm 1630, A.đơ Rốt bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài phải về dạy học ở Áo Môn (căn cứ của Bồ Đào Nha ở Trung Quốc). Theo sự vận động của A.đơ Rốt, đến đây, các giáo sĩ Pháp tách khỏi sự khống chế của Hội truyền giáo Bồ Đào Nha và hoạt động ngày càng có kết quả. Năm 1640, A.đơ Rốt được cử vào Đàng Trong nhưng sau 7 tháng hoạt động thì bị chính quyền Nguyễn trục xuất. Từ đó cho đến năm 1645, A.đơ Rốt nhiều lần qua lại Đàng Ngoài, Đàng Trong, sau đó mới về Pháp. Năm 1651, trên cơ sở các thành tựu của G.Đamaran, A. đơ Bacbôda..., A.đơ Rốt hoàn thành quyển Từ điển Việt - Bồ - Latinh, đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh.

Sau này, người Pháp đã đánh giá A. đơ Rốt là người “đã làm cho nước Pháp có một vai trò quan trọng bậc nhất trên bán đảo Đông Dương” (Bonifacy - “Những bước đầu của đạo Thiên Chúa”).

Bấy giờ, các chính quyền Lê - Trịnh và Nguyễn bắt đầu cấm đạo ráo riết nhưng các giáo sĩ vẫn tiếp tục hoạt động. Hội truyền giáo đối ngoại Pari thành lập, năm 1660 cử Lămbe sang Viễn Đông, phụ trách Đàng Trong. Năm 1662, Paluy được cử sang phụ trách Đàng Ngoài. Chủ trương của họ là phải kết hợp giữa truyền đạo và phát triển thương mại. Nhờ đó, các giáo sĩ vẫn lén lút hoạt động được. Năm 1665, Đâyđiê được cử ra Đàng Ngoài. Bấy giờ theo báo cáo của các giáo sĩ, ở Đàng Ngoài đã có 85.000 giáo dân, 200 giảng đường, 75 nhà thờ hay phòng họp. Dựa vào sự suy thoái của Nho giáo, cuộc sống khổ cực của nhân dân vì chiến tranh, đói kém, quan lại nhũng nhiễu, các giáo sĩ phương Tây đã truyền bá giáo lí về chúa cứu thế, về tình thương và sự an ủi, về sự bình đẳng của mọi người trước chúa, lại tìm cách cứu giúp những kẻ nghèo khổ. Vì vậy, số giáo dân ngày càng tăng lên, mặc dầu các giáo sĩ luôn luôn vấp phải sự phản kháng của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn sùng các thần linh cứu nước và có ý thức dân tộc...

Trong công cuộc truyền bá này, chữ Quốc ngữ góp một phần quan trọng. Chữ Quốc ngữ trở thành một công cụ truyền giáo. Các giáo sĩ đã giảng bằng tiếng Việt, viết nhiều sách giáo lí bằng Quốc ngữ. Giáo dân không học chữ Nho mà chỉ học Quốc ngữ. Các chúa Trịnh, Nguyễn nghĩ đến mối nguy, đã nhiều lần ra lệnh “cấm tà đạo Datô”, “phá hủy các nhà thờ đạo, kinh sách”, trục xuất các giáo sĩ, bắt giáo dân bỏ đạo nhưng không nhất quán và kém hiệu quả vì giáo lí Thiên chúa ăn sâu vào đầu óc giáo dân.

Cuối năm 1664, chúa Hiền (Phúc Tấn) hỏi một tên lính theo đạo Thiên chúa về thân phận, y đáp : “Thưa ngài, tôi trước hết là thần dân và đầy tớ của ông vua, đức chúa của trời đất thứ hai mới là của các hạ”. Một thanh niên theo một giáo sĩ bị bắt vào Huế, khi bị hỏi: “Ai là cha?” đã đáp: “là chúa, chúa sang thế!”[1].

Năm 1670, Giám mục khu đầu tiên được thành lập ở Đàng Ngoài. Các giáo sĩ phương Tây nối tiếp nhau hoạt động. Ở nửa đầu thế kỉ XVIII, được các nhà nước cho tự do, họ hoạt động càng mạnh, thành lập chủng viện, trường dạy thần học ở Kẻ Vĩnh (Nam Định), đưa thanh niên đi du học ở Băng Cốc (Thái Lan). Nấp dưới dạng nhà buôn, thầy thuốc, thợ chữa đồng hồ và các dụng cụ toán học, họ đi lại ở nhiều nơi.

Như vậy là từ thế kỉ XVII, đạo Thiên chúa trở thành một tôn giáo mới tồn tại ở Việt Nam, cho đến đầu thế kỉ XIX, theo Senhô (Chaigneau) ở Bắc kì có 300.000 con chiên, các vùng khác có 60.000 con chiên. Cũng như các tôn giáo khác, đạo Thiên chúa đưa vào cuộc sống tâm linh của người Việt một quan niệm mới về sự tôn thờ, về quan hệ giữa con người và vũ trụ, về lòng từ thiện, về sự cứu khổ v.v.. Nhưng lại có nhiều điểm trái ngược với đạo lí của người Việt đương thời, đặc biệt là Nho giáo. Không phải ngẫu nhiên mà các triều vua đương thời đã kịch liệt phê phán nó và cấm đoán nó. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh quả thực là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc sau này, song bấy giờ vì ý nghĩa công cụ truyền đạo của nó mà bị tẩy chay.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, trên bước đường hình thành và phát triển của chủ nghĩa thực dân phương Tây, Thiên chúa giáo hầu như là người bạn đồng hành. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp vào Đại Việt đều có những hoạt động ít nhiều xác nhận điều nói trên.

3. Tín ngưỡng cổ truyền

Sự suy sụp của nhà nước trung ương tập quyền, đất nước bị chia cắt, chiến tranh phong kiến, thiên tai... đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tâm linh của người dân ở các xóm làng. Người ta không chỉ đến chùa cầu Phật, vào nhà thờ xin chúa mà còn phát triển các tục lệ tín ngưỡng cổ truyền. Các ngôi đình được sửa chữa, xây dựng to đẹp hơn kéo theo việc tổ chức đều đặn những ngày lễ thờ Thành hoàng và thực hiện các tục “hèm”. Số nhà thờ họ tăng lên cùng với những ngày giỗ, tết nhằm tăng thêm sự ghi nhớ công ơn của Tổ tiên và cùng với nó là niềm tin về sự phù hộ của người đã khuất đối với thế hệ đang sống. Tín ngưỡng phụng thờ tổ tiên được toàn dân tin theo đã ảnh hưởng lớn đến sự truyền bá của đạo Thiên chúa, song đã có ảnh hưởng tốt đến quan hệ gia tộc, quan hệ giữa người với người.

Tục thờ những người có công với nước, với làng cũng phát triển hơn trước. Nhà nước đã cử một số viên quan đi về các địa phương biên soạn các thần tích, thần phả để vừa xác định công lao của những người đã khuất vừa thừa nhận tính hợp pháp của sự tôn thờ. Có lẽ từ đây việc tổ chức những ngày kỉ niệm các vị thần này cũng trở nên phong phú hơn, long trọng hơn với ý nghĩa nhắc nhở mọi người “uống nước nhớ nguồn”. Kết hợp với nhiều nhu cầu và lí do khác, thực trạng xã hội các thế kỉ XVI - XVIII đã tạo điều kiện phát triển lệ mua hậu thần, hậu phật. Để được cúng giỗ mãi mãi, trong bất kì hoàn cành nào của gia đình, những người có của đã cúng ruộng, cúng tiền cho nhà chùa hay cho làng và được chùa hay làng đưa tên vào bàn thờ giỗ hàng năm.

Sự phát triển của các tín ngưởng cổ truyền có tính địa phương, tự do đó không thể không kéo theo sự gia tăng tinh thần mê tín, dị đoan, thờ cúng tùy tiện mang tính chất “vạn vật hữu linh” nguyên thủy. Như vậy bên cạnh sự thỏa mãn một nhu cầu của tâm linh, bên cạnh một số yếu tố tích cực ít nhiều có ý nghĩa cộng đồng, sự phát triển của tín ngưỡng dân gian cổ truyền đã thể hiện sự khủng hoảng tinh thần của nhân dân Đại Việt đương thời. Sự khủng hoảng này tăng lên ở những thập niên của chiến tranh nông dân vào nửa cuối thế kỉ XVIII.

II. Văn học, nghệ thuật

1. Văn học

Sự suy thoái của Nho giáo và của giáo dục thi cử đã kéo theo một sự chuyển biến của văn học chữ Hán. Thơ văn của các nhà Nho không còn thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu quê hương như ở các thế kỉ trước. Nhiều nhà nho giỏi bất mãn với chính quyền, bộ máy quan lại đương thời đã từ bỏ con đường công danh về với nhân dân, tìm hiểu thế sự.

Tinh thần dân tộc lại trỗi dậy ở họ và họ tìm thấy ở trong mẹ đẻ cái khả năng diễn đạt thuận lợi hơn những tình cảm mới của họ và có lẽ cũng từ đấy họ tiếp nhận được thể thơ rất Việt và đầy sáng tạo của nhân dân. Thế kỉ XVI-XVII, bên cạnh thơ chữ Hán, xuất hiện thơ Nôm theo thể loại mới: lục bát và sau đó là song thất lục bát.

Chính trong bối cảnh đó, xuất hiện các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, những người đã để lại những bài thơ hay có triết lí sâu sắc bằng chữ Hán và bằng chữ Nôm.

Nguyễn Bình Khiêm là một nhà Nho uyên thâm (đỗ Trạng nguyên, thường được gọi là Trạng Trình) vừa là một nhà thơ, một nhà triết học của thế kỉ XVI. Tập Bạch vân am thi tập của ông gồm hàng nghìn bài thơ vừa Hán vừa Nôm, nói lên thái độ của tác giả trước cảnh đổi thay của xã hội, của con người mang ít nhiều tư tưởng của Lão Tử.

Phùng Khắc Khoan là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo lời thấy chạy vào Thanh Hóa phục vụ Nam triều, thi đỗ Hoàng giáp, có chí lớn, tính tình cương trực, thường dùng thơ để nói lên lí tưởng của mình. Ông để lại tập Phùng công thi tập.

Đào Duy Từ, học giỏi nhưng vì con nhà phường chèo nên không được đi thi, ông bất bình đi vào Nam phục vụ chúa Nguyễn. Ông từng là người thiết kế hàng loạt thành lũy và nhiều chính sách quân sự, thuế khóa. Hai bài thơ Nôm nổi tiếng của ông là Ngọa Long cương Tư dung văn. Ông còn là một trong những tổ sư của nghệ thuật tuồng, chèo ở Đàng Trong.

Một thể loại mới của văn học Hán thời này là truyện bằng văn xuôi mà tiêu biểu là Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Mặc dầu những truyện ngắn của tác phẩm bắt nguồn từ truyện dân gian mang tính lịch sử, tác giả đã đưa vào những tình cảm, những tình tiết của thế kỉ XVI trong đó nổi lên ý thức cá nhân, tình yêu đôi lứa, nỗi khổ đau của người phụ nữ trong xã hội đương thời. Yếu tố cá nhân phản ánh sự chuyển biến của tư tưởng con người trong bước đầu phát triển của kinh tế thị trường, cũng đánh dấu một sự phản ứng đáng chú ý của lớp trí thức đương thời với những quy định hẹp hòi, khuôn sáo của Nho giáo. Một điều mới khác nữa là sự ra đời của bản dịch Nôm của Truyện kỳ mạn lục, nhân đó nhiều nhà văn, nhà sư cũng dùng chữ Nôm để soạn kinh Phật, diễn ca kinh Dịch, kinh Thi v.v... viết truyện kỉ Ỷ lan phu nhân v.v...

Ở Đàng Trong, sau Đào Duy Từ, nhóm Mạc Thiên Tứ (con của Mạc Cửu) gồm 25 người Hoa và 6 người Việt đã lập nên “Chiêu anh các” cùng nhau xướng họa, để lại 1 tập 320 bài thơ. Vào nửa sau thế kỉ XVIII có thêm Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân là những nhà thơ chữ Hán nổi tiếng.

Bên cạnh dòng thơ văn chính thống của các nhà Nho, thế kỉ XVI-XVIII chứng kiến cả một trào lưu rầm rộ của thơ ca dân gian. Mở đầu với thế kỉ XVI, có lẽ cùng với thời Mạc, văn học dân gian ngày càng phát triển với rất nhiều thể loại khác nhau: ca dao, tục ngữ, truyện cười, truyện (về sau được gọt là truyện Nôm khuyết danh). Một trong những điều kiện rất quan trọng của hiện tượng này là sự phát triển của giáo dục ở các làng xã. Trên cơ sở đó sự phát triển của kinh tế hàng hóa và phần nào của các đô thị đã làm chuyển biến cuộc sống gò bó, hạn hẹp và luôn luôn bị đè nén của người nông dân, đặc biệt là phụ nữ. Để giải thoát khỏi cuộc sống đó, họ phải tự tạo cho mình một cuộc sống riêng về tinh thần và điều đó trước hết được thể hiện qua văn học. Họ đã sáng tạo ra thể thơ phù hợp với tiếng nói của mình và dùng nó để biểu lộ tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của mình. Văn học dân gian không chỉ đấu tranh cho cuộc sống tự do, phê phán sự thối nát của bộ máy quan lại, sự ràng buộc của lễ giáo Nho gia, sự bất công của xã hội phong kiến, nói lên những cảnh khổ của người nông dân mà còn đề cao khả năng của người nông dân, đòi hỏi tự do trong tình yêu nam nữ v.v… Hàng loạt truyện như Trinh Thử, Trê cóc, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Quan âm Thị Kính, Tống Trân, Hoàng Trừu, Thạch Sanh v.v.. được in ra và phố cập. Năm 1663, nhà nước Lê - Trịnh đã ban hành 47 điều giáo hóa, trong đó, điều 35 cấm khắc in bản “các truyện quốc âm và thơ ca dâm đãng”. Nhưng, truyện Nôm khuyết danh, sưu tập thơ ca dân gian... vẫn được in bán. Năm 1718, một lần nữa, phủ chúa ra lệnh cấm tuyệt việc sáng tác và khắc bản in loại văn học này. Chiến tranh nông dân bùng nổ và kéo dài hàng chục năm. Năm 1760, Trịnh Doanh lại cho diễn nôm điều 35 của bản giáo hóa

“Tiếng dâm dễ khiến người say

Chớ cho in bán, hại thay thói thuần”

Sự phát triển của văn học dân gian trong nhiều thế kỉ thực sự là cuộc phản kháng lớn của nhân dân trên mặt trận văn chương, tinh thần, chuẩn bị đất cho cuộc đấu tranh bằng vũ khí ở những thập niên tiếp sau. Mặt khác, nó nâng cao hơn nữa ý thức dân tộc, tô đẹp thêm đời sống văn hóa của người dân thường, trau chuốt về hình thức và nội dung cho thơ ca tiếng Việt; để từ đó các nhà Nho tiếp nhận và hoàn thiện trong các tập thơ dài như Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều và Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm...

2. Nghệ thuật

Ở các thế kỉ XVI- XVIII, nghệ thuật cũng có bước phát triển mới. Các hình thức nghệ thuật sân khấu ngày càng đi vào đời sống của nhân dân, trở thành những hình thức sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Nhiều địa phương ở Đàng Ngoài nổi lên với các đoàn chèo, ít nhiều có sắc thái riêng. Nhiều làng có giáo phường chuyên phục vụ những ngày lễ hội công cộng. Ở Đàng Trong, nghệ thuật tuồng phát triển, thu hút cả tầng lớp quý tộc, quan lại. Đi đôi với nghệ thuật sân khấu là sự ra đời và phát triển của dân ca, dần dần hình thành những làn điệu dân ca đặc sắc mang tính địa phương như quan họ xứ Bắc, hát giặm Nghệ An, ca Huế, các điệu lí miền Nam v.v… Dân ca vừa là một hình thức sinh hoạt làm vui tươi cuộc sống vừa là hình thức trao đổi tình cảm giữa nam và nữ trong những ngày hội liên làng, trong các lễ hội.

Nghệ thuật kiến trúc phát triển với các cung điện, dinh thự của vua chúa quan lại và các đình chùa. Hầu như làng nào cũng có một ngôi đình tượng trưng cho làng. Khi có điều kiện, dân làng cố gắng xây dựng ngôi đình làng mình thật to đẹp. Nổi lên có các ngôi đình làng Đình Bảng, Cổ Trai, Thổ Tang, Chu Quyến v.v.. Chùa Keo (Thần Quang) được sửa chữa lại thêm gác chuông nổi tiếng cao 11m, 3 tầng có 4 cột lớn, mái cong hài hòa; chùa Tây Phương được trùng tu, rộng rãi, trang nghiêm. Trong lúc nhiều ngôi chùa cổ bị tàn lụi với thời gian, phải sửa đi sửa lại nhiều lần thì nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc còn được giữ lại nguyên vẹn với kĩ thuật điêu luyện tinh tế. Nhiều bức tượng còn lại thể hiện một phong cách phóng khoáng của người nghệ nhân như bức tượng Phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) bức tượng bà Ngọc Chử (Thái phi) ở chùa Dâu (Bắc Ninh) bán khỏa thân, tọa thiền trên tòa sen v.v. Nói chung, đương thời đã hình thành xu hướng tạc tượng cá nhân (vua, chúa, quý tộc) với phong cách riêng biệt.

Một đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc thời này là sự phát triển của điêu khắc dân gian. Trên các vì kèo, xà nhà của các đình lớn như Tây Đằng, Thổ Tang, Chu Quyến, Cam Đà v.v.. bằng kĩ thuật điêu khắc thô sơ, người nghệ nhân đã phản ánh các hoạt động sản xuất, vui chơi, quan hệ nam nữ... của nhân dân thường ngày như: đi cày, bắt cá, đi săn, đánh vật, nhảy múa, nô đùa, ca hát v.v.. ở đây, chúng ta cũng bắt gặp cả hình ảnh của người phương Tây đội mũ phớt, đi ủng, mũi lõ v.v.. Cũng như văn học dân gian, nó đã bị ngăn cấm.

Nghệ thuật ở các thế kỉ XVI - XVIII không tàn lụi đi mà trái lại đã phát triển lên một trình độ mới, thể hiện ý thức về cuộc sống tinh thần riêng của nhân dân đương thời.

3. Khoa học – Kỉ thuật

Nối tiếp việc làm của Hoàng Đức Lương, Trần Văn Mô, ở các thế kỉ XVI-XVIII nhiều nhà Nho đã sưu tập thơ văn thời trước, soạn thành sách như “Thương côn châu ngọc tập” của Nguyễn Giản Thanh.

Sử học phát triển với nhiều thể loại và tác giả khác nhau. Loại sử chính thống có: Trung hưng thực lục, Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Việt sử kí tục biên... Loại cá nhân có Ô châu cận lục của Dương Văn An, Hoan châu phong thổ kí, Thiên nam minh giám của một tác giả họ Trịnh, Thiên nam ngữ lục (khuyết danh), Vịnh sử thi tập của Đỗ Nhân v.v…

Về quân sự có “Hồ trướng khu cơ của Đào Duy Từ; triết học có thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về kĩ thuật, nghề đúc súng hoàn thiện thêm một bướu ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài, kĩ thuật quân sự phát triển với hệ thống thành lũy của Đào Duy Từ, các loại thuyền chiến trang bị đại bác của Đàng Trong v.v...

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4637-02-633921666229216250/Tinh-hinh-kinh-te-van-hoa-o-cac-the-ky-XV...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận