Phong trào nông dân bùng lên rầm rộ
1. Những cuộc khởi nghĩa đầu tiên
Từ cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII, nông dân nhiều nơi đã nổi dậy cướp phá các nhà giàu, nhưng phong trào chỉ bùng lên từ cuối những năm 30, do hậu quả của các nạn đói liên tiếp.
Mùa thu năm 1737, nhà sư Nguyễn Dương Hưng, tụ tập vài nghìn nông dân nghèo, lưu vong ở vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), xưng “ngụy hiệu” khởi nghĩa, đánh phá các vùng xung quanh. Triều đình được tin đã cử đốc đồng Sơn Nam là Nguyễn Bá Lân cùng nhiều người khác cầm quân, chia đường đi đàn áp. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên bị dập tắt, nhưng cuộc đấu tranh của nông dân vẫn tiếp tục ngày càng mãnh liệt. Chúa Trịnh hạ lệnh cho các lộ Sơn Tây, Thanh Hóa, phải đặt đồn hỏa hiệu ở trên đỉnh núi, bắt dân sở tại ngày đêm canh giữ, hễ có nguy cấp thì đốt lửa báo.
Những năm tiếp theo, như sử cũ ghi “Trộm cướp nổi lên mỗi ngày một nhiều, dân gian náo động”. Cùng thời gian này, ở kinh thành, hoàng thân Lê Duy Mật mưu cùng một số quan lại nổi dậy, định làm một cuộc đảo chính lật đổ chúa Trịnh nhưng việc không thành, phải chạy vào Thanh Hóa. Để chống lại nông dân, triều đình lập phép đoàn kết, cho dân tự sắm lấy vũ khí, đặt điếm canh, hợp sức nhau bảo vệ xóm làng. Không ngờ, chủ trương đó bị nông dân lợi dụng, gây thành cái cảnh “dân gian đâu đâu cũng có binh khí, kẻ gian... tụ họp nhau đi cướp bóc ngày càng quá”.
2. Phong trào nông dân bùng lên rầm rộ
Từ cuối năm 1739; các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra ở khắp Đàng Ngoài. “Người xã An Lịch là Đỗ Tế giữ châu Sơn Dương (Tuyên Quang), người xã Bình Ngô là Nho Bồng giữ huyện Phượng Nhãn (Bắc Giang) người xã Ngân Già là Bắc giữ huyện Nam Chân (Nam Định), người xã Dũng Thủy là Tú Cao giữ huyện Thư Trì (Thái Bình), người xã Hoàng Xá là Giáo Ly giữ huyện Đông Quan (Thái Bình). Nông dân nghèo đói, lưu vong “người đeo búa, người vác gậy đi theo, chỗ nhiều có đến hơn vạn, chỗ ít cũng có đến hàng trăm, họ quấy rối làng xóm, vây đánh các ấp thành, triều đình không thể nào ngăn cấm được”.
Ở Hải Dương, anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ phối hợp với Vũ Trác Oánh và bè đảng vùng Thất quận (7 huyện ở đông Hải Dương) nổi dậy ở Ninh Xá (Chí Linh - Hải Dương). Nghĩa quân giương cao lá cờ “Ninh dân”, đặt 2 đại đồn chính ở Phao Sơn (Chí Linh) và Đỗ Lâm (Gia Lộc), rồi tiến quân đánh các làng Thích Lý, Mỹ Thừ - quê hương họ ngoại chúa Trịnh, nhân thế lớn lâm càn, sách nhiễu nhân dân quá đáng - thu hết tiền của, thóc gạo, vải vóc “đem phân phát hết cho dân nghèo”. Thanh thế nghĩa quân lên cao, lực lượng càng hùng mạnh. Nghĩa quân đánh sang huyện Gia Bình (Bắc Ninh) rồi đánh xuống Thượng Phúc, Phú Xuyên (Hà Tây). Tháng 6 năm 1740, nghĩa quân đánh Đường An, đốt phá phủ đệ và nhà thờ họ Trịnh, sau đó đánh xuống Khoái Châu (Hưng Yên).
Cùng thời gian này, Nguyễn Hữu Cầu dựa vào thế của Tổng Tượng bắt đầu hoạt động ở Thanh Hà (Hải Dương).
Ở vùng Sơn Nam, nghĩa quân Hoàng Công Chất với nhiều chiến thuyền, hoạt động ở hấu khắp vùng hạ lưu sông Hồng, nhiều lần đánh lui quân triều đình. Đồng thời nhóm Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao nổi lên ở Ngân Già, tấn công vào Chân Đình, đánh bại quân triều đình giết chết nhiều quân tướng. Nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng “gặp quan quân là vác dao xông vào chém bừa bãi”. Ở vùng Hưng Hóa, Sơn Tây, nghĩa quân do Tế và Bồng chỉ huy “nổi tiếng tinh quái, hung tợn”. Năm 1740, nghĩa quân bị quân Triều đình đánh bại, Tế và Bồng đều bị bắt. Một tướng của Tế là Nguyễn Danh Phương bèn đem tàn quân chiếm cứ núi Tam Đảo, dựng thành lũy, mộ thêm người, quyết đánh lâu dài với quân triều đình. ở vùng Hoa Khê (Vĩnh Phúc) nghĩa quân đánh bại quân triều đình, giết chết nhiều viên quan địa phương.
Đầu năm 1741, thổ tù phiên trấn Lạng Sơn là Toản Cơ cũng nổi dậy, đem quân đánh phá Đoàn Thành, giết trấn phủ Ngô Đình Thạc. Trong lúc đó, Lê Duy Mật, đã trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân, hoạt động mạnh ở vùng tây Thanh Hóa rồi đánh ra Hưng Hóa, Sơn Tây.
Đứng trước phong trào nông dân rầm rộ đó, triều đì Lê – Trịnh hết sức lúng túng. Phủ chúa đã đưa Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, đưa Hiển Tông lên thay Ý Tông nhưng thực tế mọi quyền hành đều nằm trong tay họ Trịnh. Sau khi ổn định tình hình nội bộ triều đình, Trịnh Doanh tập trung mọi sức lực chống lại phong trào nông dân. Chúa hạ lệnh xá giảm tô thuế, triệt bỏ bớt số sở tuần ti, sai các đại thần đi kinh lí địa phương phủ dụ nhân dân trở về sản xuất, cho quan lại đi Sơn Nam mua thóc để phát chẩn cho các vùng đói kém, đặt chức khuyến nông lại ở các địa phương để khuyến khích nông dân làm ruộng, lập 33 sở đồn điền ở các vùng láng mạc phiêu tán, dùng binh lính cày cấy... Bên cạnh đó, chúa Trịnh huy động hết nhân tài của triều đình ra chỉ huy quân đội đàn áp nghĩa quân, mộ thêm ưu binh, củng cố kỉ luật trong quân đội. Để chống lại phong trào nông dân, chúa Trịnh chủ trương đánh mặt nam trước sau đó chuyển hướng sang đông: “Ninh Xá chưa thể phá ngay được, bây giờ không gì bằng phải đánh tan được giặc Ngân Già”, cấm chỉ quân đội không được “cướp của, giết người”.
Cuối năm 1740, Trịnh Doanh tập trung quân đánh xuống Sơn Nam. Nghĩa quân Ngân Già bị đàn áp.
Năm 1741, sau khi đánh lui nghĩa quân Ninh Xá đang kéo về Bồ Đề (Gia Lâm) Trịnh Doanh chia Sơn Nam thành 2 lộ Thượng, Hạ, đặt chức chưởng đốc ở các trấn quanh kinh thành, động viên các địa chủ, hào lí địa phương chống lại nghĩa quân và tập trung sức đánh lên Hải Dương. Hai đại đồn của nghĩa quân là Phao Sơn và Ninh Xá bị phá, thủ lĩnh Nguyễn Tuyển chết. Một tướng giỏi của nghĩa quân là Kình, sau khi đánh bại được quân triều đình ở Cẩm Giàng, Chí Linh, đã xin hàng. Một tướng khác là Nguyễn Diên hoạt động ở Sơn Tây cũng bị thua phải bỏ trốn vào Nghệ An. Thủ lĩnh Nguyễn Cừ chạy lên Lạng Sơn rồi quay về Hải Dương, đến Đông Triều thì bị bắt. Nghĩa quân Ninh Xá bị đàn áp.
Tuy nhiên năm 1741 chỉ chấm dứt giai đoạn đầu của phong trào nông dân.
3. Những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu
Các cuộc khởi nghĩa Ngân Già, Ninh Xá bị dập tắt. Phong trào nông dân tiếp tục dâng cao và tập trung lại ở các cuộc khởi nghĩa lớn của Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất và cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật,
- Khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương: (1740 - 1751). Nguyễn Danh Phương quê ở xã Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây (nay thuộc Vĩnh Phúc) là một trí thức nho học, vì căm ghét chính quyền họ Trịnh, năm 1740 tham gia cuộc khởi nghĩa của Đỗ Tế, khi Tế và Bồng bị hại, Danh Phương tập hợp tàn quân được vài vạn người chiếm cứ Việt Trì và núi Độc Tôn (Tam Dương) tiếp tục hoạt động. Thanh thế nghĩa quân ngày càng tăng. Năm 1744, nhân chúa Trịnh tập trung quân đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, với lí do “Danh Phương chẳng qua chỉ là tên giặc tự giữ một xó mà thôi, còn như vùng Đông Nam là nơi đẻ ra của cải thuế khóa của quốc gia”, Danh Phương mở rộng hoạt động, chiếm vùng núi Tam Đảo, tự xưng là Thuận Thiên khải vận đại nhân, lấy núi Ngọc Bội (giữa hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) làm đại đồn trung tâm. Ở đây, ông cho xây dựng cung điện, đặt quan thuộc, cờ quạt, xe cộ như một triều đình. Xung quanh trung tâm, Danh Phương đặt thêm nhiều đồn lũy như Trung đồn ở Hương Canh (Vĩnh Phúc), Ngoại đồn ở Ức Kỳ (Bắc Thái) và nhiều đồn lũy nhỏ khác rải ra ở các huyện thuộc Tam Đảo, Lâm Thao, Đà Dương thuộc trấn Sơn Tây và các huyện thuộc Thái Nguyên, Tuyên Quang. Nghĩa quân đóng ở đâu đều làm ruộng, chứa thóc ở đó. Ngoài ra, nghĩa quân còn nắm lấy các nguồn lợi về chè, tre, sơn, gỗ, hầm mỏ để phục vụ việc xây dựng, chế tạo vũ khí, quân nhu, chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Trong nhiều năm, nghĩa quân hầu như làm chủ cả vùng, đánh bại mọi cuộc tấn công lẻ tẻ của quân triều đình.
Đầu năm 1751, sau khi đánh bại nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu, Trịnh Doanh tập trung lực lượng tấn công lên vùng đất của Danh Phương. Các tướng Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm, Đoàn Chú được cử coi quân. Quân triều đình theo đường Thái Nguyên đánh trước vào đồn ức Kỳ rồi đánh sang đồn Hương Canh. Sau một cuộc chiến đấu quyết liệt, đồn Hương Canh bị phá, nghĩa quân phải rút về Ngọc Bội. Được Trịnh Doanh giao phó, tướng Nguyễn Phan hô quân tấn công dữ dội lên núi Ngọc Bội. Nghĩa quân dùng súng bắn xuống, cố thủ nhưng không ngăn được quân triều đình. Danh Phương phải bỏ đại đồn chạy vào núi Độc Tôn, sau đó chạy về xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Đến đây, ông bị bắt, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp.
- Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741- 1751). Nguyễn Hữu Cầu quê ở xã Lôi Động, huyện Thanh Hà (Hải Dương), thuở nhỏ nhà nghèo được mẹ cho đi học, từng là bạn của Phạm Đình Trọng. Nhưng ông không thích văn mà ham học võ, múa đao, phi ngựa, bơi lặn đều giỏi (người đương thời gọi là quận He). Từ sớm đã bất bình với cảnh quan lại tham nhũng, Hữu Cầu bỏ theo đảng cướp ở địa phương, tham gia cướp của các thuyền buôn để cứu giúp dân nghèo. Những năm 1739 - 1740, ông tham gia nghĩa quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, rất được quý trọng. Gặp lúc mất mùa, đói kém, đặc biệt là vùng Hải Dương chịu nặng hơn cả, Hữu Cầu tổ chức cướp thuyền buôn lấy thóc gạo phân phát cho dân đói. Năm 1741, Nguyễn Cừ bị bắt, Hữu Cầu tiếp tục duy trì lực lượng nghĩa quân và phát triển thành một cuộc khởi nghĩa lớn.
Năm 1742, Hữu Cầu lấy Đồ Sơn và Vân Đồn, Trà Cổ làm căn cứ chính, xây dựng lực lượng, đóng thuyền, rèn vũ khí, luyện tập quân sĩ. Quan triều đình do Trịnh Bảng chỉ huy kéo ra đàn áp, bị nghĩa quân đánh tan ở Cát Bạc (Hải Phòng). Nghĩa quân cũng kéo sang đánh tan quân của Đằng bảng hầu ở vùng sông Than (Bắc Ninh) cùng nhiều lực lượng khác. Từ đó, thanh thế nghĩa quân thêm lừng lẫy, Hữu Cầu tự xưng là Đông đạo tổng quốc bảo dân đại tướng quân làm chủ cả vùng ven biển Đông Bắc. Nghĩa quân thường cướp của nhà giàu, cướp thóc gạo của các chủ thuyền buôn giàu đem chia cho dân nghèo đói, nên đi đến đâu người theo đến đó. Trước tình thế đó, Trịnh Doanh chủ trương tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu vì “vùng Đông Nam là nơi đẻ ra thuế khóa của cải của quốc gia... Sau khi đã bình định được Hữu Cầu, Công Chất rồi, lúc ấy sẽ quay cờ kéo lên mặt Tây”. Hai đại thần là Hoàng Công Kỳ và Trần Cảnh được cử thống lĩnh đại quân thủy, bộ đi đánh. Sau nhiều trận quyết chiến, quân triều đình bị đánh bại. Trần Cảnh bị triệu hồi, biếm 6 trật, trả chức. Đầu năm 1743, Hoàng Ngũ Phúc được cử thống lĩnh kì binh đạo Hải Dương đi cứu viện - Quân triều đình bị bao vây ở Thanh Hà hàng tuần lễ, Ngũ Phúc không sao cứu được. Sau khi được giải thoát, Hoàng Công Kỳ bị gọi về chuyển làm trấn thủ Sơn Nam. Phạm Đình Trọng được lệnh đem quân đến bổ sung, đánh gấp. Hữu Cầu rút quân về Đồ Sơn. Hoàng Ngũ Phúc tiến quân đánh Đồ Sơn, bị thua to, tì tướng Trịnh Bá Khâm bị giết, Năm 1744, Hoàng Ngũ Phúc cùng Phạm Đình Trọng hợp sức tấn công Đồ Sơn. Liệu thế chống không nổi, Hữu Cầu rút quân khỏi Đồ Sơn, theo đường sông Bạch Đằng kéo về Kinh Bắc, chiếm vùng sông Thọ Xương (khúc sông Thương thuộc Lạng Giang) đắp luỹ hai bên bờ để chống giữ. Trấn thủ lĩnh Bắc là Trần Đình Cầm đem quân đến đánh, bị Hữu Cầu đánh bại ở Trai Thị phải rút về Thị Cầu (trấn lị). Nghĩa quân thừa thắng, truy đuổi, Đình Cẩm lại bị thua, bỏ trấn thành mà chạy. Hữu Cầu tiến quân vào trấn thành, tung lửa đốt hết doanh trại. Tin đó báo về, cả kinh thành náo động, Chúa Trịnh phải huy động hết vệ binh chia nhau đóng ở các xã bao quanh để phòng bị và cho người đưa thư quở trách Hoàng Ngũ Phúc. Ngũ Phúc đem quân về Võ Giàng (Bắc Ninh) xin hết sức lập công. Trịnh Doanh cử thêm Cổn quận công Trương Khu. Ông lên phối hợp chiến đấu. Hữu Cầu rút khỏi Thị Cầu. Với quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân, chúa Trịnh tập trung tất cả 5 đạo quân với 10 đại tướng, 64 liệt hiệu và hơn 12.700 quân theo 5 hướng tấn công. Dùng mưu lừa địch, Hữu Cầu cho quân mai phục chỗ hiểm yếu, đổ ra đánh tan quân chủ lực do Trương Khuông chỉ huy ở Yên Dũng. Cả 4 đạo còn lại không đánh mà tan. Trịnh Doanh triệu Khuông về, cử Đinh Văn Giai đến thay. Thanh thế nghĩa quân lừng lẫy, hàng loạt thủ lĩnh nghĩa quân địa phương họp ở xã Bình Ngô (Gia Lương - Bắc Ninh) hưởng ứng. Hữu Cầu đặt mưu, thúc quân đánh bại quân của Văn Giai rồi tiến lên vây Thị Cầu. Văn Giai bị triệu về, Hoàng Ngũ Phúc được cử thay thế.
Năm 1745, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng (bấy giờ được phong Hiệp trấn Hải Dương) đem quân tiến đánh nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu ở thành Xương Giang. Một tướng giỏi của Hữu Cầu là Thông bị giết. Nghĩa quân phải rút về Hải Dương. Năm 1746, thấy tình thế khó khăn, Phạm Đình Trọng liên tục đem quân đánh riết, Nguyễn Hữu Cầu quyết định cử người đút lót cho quyền thần Đỗ Thế Giai, xin hàng. Trịnh Doanh chấp nhận, ban cho hiệu Ninh đông tướng quân, tước Hướng nghĩa hầu. Tuy nhiên, Phạm Đình Trọng không chịu, bất chấp chỉ dụ của chúa, đem quân đánh úp quân doanh của Hữu Cầu. Y lại thả mặc cho quân lính cướp bóc nhũng nhiễu nhân dân địa phương. Hữu Cầu phải rút chạy, tiếp tục hoạt động ở nhiều nơi, có lúc đánh vào tan Duyên Hà (Thái Bình). Cuối năm 1748, sau một thất bại lớn ở Cầm Giàng (Hải Dương), Hữu Cầu lợi dụng sự sơ hở của quân tiều đình, đem quân đánh gấp về Bồ Đề (Gia Lâm), dự định vượt sông đánh vào kinh thành. Nhưng, khi nghĩa quân sang sông thì trời sáng, quân triều đình kịp thời xông ra chống cự. Phạm Đình Trọng cũng được tin, kéo quân về chặn đánh. Quân Hữu Cầu bị tổn thất lớn, phải rút về Sơn Nam phối hợp với nghĩa quân Hoàng Công Chất. Năm 1749, nghĩa quân chiếm nhiều huyện ở Sơn Nam, quân triều đình do Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đến đánh. Hai bên đánh nhau nhiều trận ở các huyện Ngư Thiên, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Thái Bình). Sau khi bị thua ở đây, Hữu Cầu lại kéo quân về Hải Dương. Năm 1750, nghĩa quân bị thất bại liên tiếp, có lúc Hữu Cầu một mình một ngựa phá vòng vây chạy thoát, rồi mấy hôm sau lại tập hợp được hàng ngàn, hàng vạn nghĩa quân tiếp tục chiến đấu. Đầu năm 1751, bị thất bại lớn ở Bình Lục, Vĩnh Lại, Hữu Cầu buộc phải bỏ chạy vào Nghệ An, dựa vào lực lượng của Nguyễn Diên, một bạn chiến đấu cũ. Nhưng Phạm Đình Trọng lại kéo quần vào đình, Hữu Cầu thấy bất lợi, bèn cùng một số bố tướng định vượt biên về lại Hải Dương. Chẳng may khi ra đến biển thì gió bão nổi lên, Hữu Cầu và bộ tướng bỏ thuyền lên bộ, ẩn trốn ở vùng núi Hoàng Mai (Bắc Nghệ An – giáp Thanh Hóa) và bị thuộc tướng của Phạm Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ bắt, đóng cũi đưa về kinh đô.
Cuộc khởi nghĩa nông dân điển hình nhất của thế kỉ XVIII ở Đàng Ngoài bị đàn áp.
Theo Lê kỉ tục biên: Khi Cầu bị đem yết thái miếu “mặt mũi vẫn ung dung rắn rỏi. Trịnh Doanh không có ý định giết, nhưng vì Cầu định vượt ngục nên bị bắt chém. Vợ là Nguyễn Thị Quỳnh đã tự tử trước mộ chồng để toàn danh tiết...”
Tinh thần quật khởi, kiên cường vì cuộc sống của giai cấp nông dân của người thủ lĩnh Nguyễn Hữu Cầu và câu chuyện “Quận He” mãi mãi được nhân dân kính trọng và ghi nhớ.
- Khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (1739 - 1769). Từ năm 1739, Hoàng Công Chất đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở vùng Sơn Nam. Nghĩa quân có sở trường về thuật đánh du kích “khi tan, khi hợp”. Như nhận xét của quận công Nguyễn Đình Hoàn: “Giặc đóng ở trong các vùng cỏ rậm rạp, quan quân đến phía trước thì chúng lần ra phía sau, quan quân chọn phía tả thì chúng chạy sang phía hữu”.
Quân triều đình nhiều lần tiến công nhưng đều thất bại. Nghĩa quân làm chủ đất Khoái Châu (Hưng Yên). Năm 1746, Hoàng Công Kỳ được cử làm trấn thủ Sơn Nam, hăng hái đánh dẹp nghĩa quân, vì chủ quan mà bị nghĩa quân bắt giết. Bấy giờ, triều đình Lê - Trịnh đang tập trung sức đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu nên Công Chất có điều kiện mở rộng hoạt động ra cả miền Đông, tổ chức đúc tiền dùng riêng trong vùng. Sau khi bị thua ở Bồ Đề năm 1748, Hữu Cầu thu quân chạy vào Sơn Nam phối hợp với nghĩa quân của Công Chất đánh phá các huyện Thần Khê, Thanh Quan (Thái Bình), bao vây đại bản doanh của Hoàng Ngũ Phúc ở Ngự Thiên. Quân triều đình đến tiếp viện, nghĩa quân bị thua to ở vùng Bình Lục phải phân tán mỗi người một ngả. Năm 1751, Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa, sau đó kéo quân lên miền Thượng du Hưng Hóa, liên kết với thủ lĩnh nghĩa quân địa phương là Thành, chống lại quân triều đình. Giữa năm 1751, Thành bị bắt trong một cuộc tấn công của quân triều đình, Hoàng Công Chất lại phải chạy lên châu Ninh Biên (Lai Châu). Nhờ liên kết chặt chẽ với nhân dân các tộc người thiểu số ở đây, nghĩa quân làm chủ cả một vùng rộng lớn Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình... Bấy giờ, các cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi đã bị dập tắt, triều đình Lê - Trịnh còn lo việc phục hồi kinh tế, củng cố lại chính quyền. Hoàng Công Chất vận động nhân dân cùng nghĩa quân xây dựng thành lũy kiên cố ở Noọng Hét (Điện Biên), tăng gia sản xuất, chống lại các cuộc tấn công của quân triều đình. Trong gần 20 năm, cuộc sống của nhân dân vùng nghĩa quân chiếm đóng tương đối yên tĩnh.
Người Thái còn lưu truyền những câu thơ: Chúa thật là yêu dân, chúa xây dựng bản mường, mọi người được yên ổn làm ăn... Nghe chăng tiếng hát của Keo Chất trong phủ, ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la...
Năm 1768, triều đình cử Hoàng Phùng Cơ, Phạm Ngô Cầu, Phan Lê Phiên hợp quân lên đàn áp. Bấy giờ Công Chất đã chết. Con là Công Toản lên thay, sai quân chống cự mãnh liệt. Đầu năm 1769, quân triều đình tập trung đánh mạnh vào vùng Thẩm Cô. Nghĩa quân bị thua, Công Toản phải bỏ chạy sang Vân Nam. Thành lũy bị san phẳng, cuộc khởi nghĩa chấm dứt.
- Cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật (1738 - 1770): Lê Duy Mật là một hoàng thân, con của Dụ Tông. Năm 1788, ông cùng một số quan thân cận định làm một cuộc đảo chính, giành lại chủ quyền cho vua Lê, nhưng thất bại phải chạy vào Thanh Hóa. Dựa vào sự bất bình của nhân dân, Duy Mật đã tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ ở vùng thượng du Thanh Hóa chống lại chúa Trịnh. Cuộc khởi nghĩa dần dần mang tính chất quần chúng và hòa chung vào phong trào nông dân.
Nghĩa quân thường tiến ra hoạt động ở Hưng Hóa, Sơn Tây, Sơn Nam. Trong những năm 1749 - 1752, phối hợp với nghĩa quân của Thủ lĩnh Tương ở Sơn Tây, quân của Duy Mật đã gây cho quân triều đình nhiều thiệt hại. Năm 1752, trong các trận đánh ở Ngọc Lâu (Thanh Hóa) và Vĩnh Đồng (Hà Tây), nghĩa quân bị thua to, thủ lĩnh Tương bị giết, Duy Mật rút về thượng du Thanh Hóa. Từ đó cho đến năm 1763, quân của Duy Mật làm chủ miền thượng du Thanh Hóa, Nghệ An, cùng nhân dân tăng gia sản xuất, đào kênh, lập chợ, dựng lò rèn vũ khí. Năm 1764, Duy Mật lại xây căn cứ mới ở Trình Quang (Trấn Ninh) có hào lũy kiên cố.
Năm 1769, sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể chỉ huy 3 đạo quân Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa tấn công quyết liệt vào Trấn Ninh.
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đầu năm 1770, quân triều đình nhiều lần tấn công vào căn cứ Trình Quang nhưng không được, Tướng Hoàng Ngũ Phúc đem quân tiếp viện, đã dùng nội ứng (con rể của Duy Mật) mở cửa thành cho quân triều đình đánh vào. Lê Duy Mật biết thế không giữ được, đã cùng vợ con tự thiêu mà chết.
- Nhận xét chung:
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bùng lên một phong trào nông dân rộng khắp, rầm rộ và kéo dài hàng chục năm. Phong trào không chỉ lôi cuốn hàng chục vạn nông dân nghèo miền xuôi ở các tỉnh Đàng Ngoài mà còn lôi cuốn cả hàng vạn nhân dân các dân tộc ít người miền núi. Khi phong trào bùng lên mãnh liệt, tuy tập trung chủ yếu ở 4 cuộc khởi nghĩa lớn nhưng không phải chỉ có như vậy. Nông dân nghèo đã nổi dậy ở khắp nơi. Sử cũ ghi:
“Khi Cừ, Tuyển bị hại, đồ đảng còn sót lại đều hô hào nhau tụ tập thành từng toán một, toán lớn vài nghìn người, toán nhỏ cũng không kém năm, sáu trăm người, đến đâu cướp bóc đấy”. Do đó mà, Nguyễn Hữu Cầu có những lúc “chỉ một thân thoát nạn, nhưng hễ giơ tay hô một tiếng thì chốc lát lại sum họp như mây”.
Các cuộc khởi nghĩa không chỉ bao gồm nông dân nghèo mà còn có những trí thức nho học, quan lại nhỏ. Mục tiêu đấu tranh chưa phải là đòi ruộng đất, đòi lật đổ chế độ phong kiến mà mới chỉ đòi “Ninh dân”, “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, “bảo dân”... thậm chí có lúc có tính chất trả thù như “treo người”, “đổ nước vào mũi”, “bỏ hạt thóc vào mắt rồi khâu lại”, “giam vào nhà có rắn, rết, đỉa” v.v...
Triều đình, mà chủ yếu là chúa Trịnh đã phải huy động toàn bộ lực lượng để đàn áp và họ đã dựa vào tính phân tán của phong trào để “bé đũa từng chiếc”, cuối cùng đưa phong trào đến thất bại.
Rõ ràng là cuộc chiến đấu quyết liệt của nông dân “được làm vua, thua làm giặc”, “cả đời khốn khổ chua cay, ước sao chỉ được một ngày làm vua” đó, tuy chưa giành được thắng lợi, nhưng đã là hồi chuông báo động cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến Đàng Ngoài, là những biểu hiện nổi bật, toàn diện của cuộc khủng hoảng đó, cùng với sự đổ vỡ nghiêm trọng của nhà nước Lê -Trịnh, nó chuẩn bị mảnh đất thuận lợi cho thắng lợi to lớn của phong trào nông dân Tây Sơn sau này.