Cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến trên phạm vi cả nước
1. Ở Đàng Ngoài, cuộc khủng hoảng tiếp tục
Vào đầu những năm 50, cuộc đấu tranh của nông dân tạm thời lắng xuống ở vùng đồng bằng. Trước tình trạng điêu tàn của đất nước, chúa Trịnh hết sức lo lắng, đã ban hành nhiều chính sách nhằm khôi phục nền sản xuất nông nghiệp, đưa nông dân lưu tán về với ruộng đồng. Binh lính đóng ở các địa phương được lệnh thành lập sở đồn điền, chia thành đơn vị đi khai hoang, phục hoa. Sau khi ruộng đồng đã thành thục trở lại, dân lưu tán đã trở về, chúa Trịnh ban lệnh bãi bỏ các sở đồn điền, trả đất cho dân. Nhà nước cũng tăng cường khuyến khích nhân dân phục hóa ruộng đất, “xã nào số đinh hao hụt... ruộng bỏ hoang nhiều không ai nhận cày thì cho phép chiêu mộ người cày... đợi 3 năm thành ruộng sẽ ghi vào sổ thuế... Nếu xã nào nhiều ruộng quá, cày không hết mà có người tình nguyện bỏ vốn ra khai khẩn thì cũng cho phép”. Theo chủ trương này, “các chức sắc trong làng nếu bỏ vốn ra để mộ người khẩn hoang thì cứ 100 mẫu thưởng tước một tư, 50 mẫu trở lên được phong một người nhà làm phó sở sứ, 20 mẫu trở lên thì được miễn sưu dịch cho một người trong họ” hoặc “người trong họ nội, họ ngoại được phép nhận mỗi đinh 10 mẫu, lão nhiêu, cô phụ: 5 mẫu. Số ruộng thừa ra cho được tùy tiện chia nhau cày cấy nộp thuế hoặc cho những người ở xã gần đấy và dân ngụ cư lĩnh canh, nộp thuế cho nhà nước theo mức thuế ruộng tư hạng 3 (1 tiền/mẫu), không được mua bán”. Nhờ những chính sách trên cùng với sự nỗ lực của nhân dân nhiều làng xóm nhanh chóng được hồi phục. Nhân dân phân chia nhau ruộng đất đã được thành thục, xây dựng lại nhà cửa, làm đình, dựng bia ghi công. Tuy nhiên, ở một số làng có tình hình ngược lại. Như báo cáo của Diệu quận công Trần Cảnh: “nguyên mấy năm binh lửa, dân sự phiêu lưu, sổ ruộng, văn tự thất lạc nên những kẻ hào cường chiếm ruộng của người bình dân, khó xét lắm” hoặc theo báo cáo của ngư sử Ngô Thời sĩ: “xét từ khi dân được yên ổn trở về làm ăn mà vẫn bị bọn cường hào áp bức, ruộng đất bỏ hoang vừa được khai phá lại bị ngay bọn quyền quý chiếm đoạt. Lệnh khuyến nông cốt để cho dân được yên nghiệp nhưng cũng không ngăn cản nổi nạn bạo chiếm”.
Mặt khác, nhằm thưởng công cho những người tham gia đàn áp phong trào nông dân, phủ chúa đã ban cấp nhiều ruộng đất, thái ấp. Như nhận xét của nhà sử học Lê Quý Đôn: “Từ năm Bảo Thải, Long Đức (1720-1735) đến nay thập niên 70) việc ban cho mỗi ngày một nhiều, còn như tự sự, huệ Lộc, sứ lộc, ngự lộc... đều cấp bằng ruộng, có khi cấp phát quá lạm”. Thậm chí nhân chính sách ban thưởng của chúa Trịnh “nhân dân nhiều người mạo nhận quân công... người thật, người giả rối loạn, không phân biệt được”. Ruộng đất công phục hóa lại rơi dần vào tay bọn cường hào, nhũng lại, tham quan.
Năm 1773, phủ chúa ban lệnh nghiêm cấm “nhà quyền quý không được chiếm bậy ruộng của dân “thế nhưng hiệu quả không đáng kể và nhà sử học Phan Huy Chú vẫn phải nhận xét: “Quy chế ruộng đất các đời ở Bắc hà... đại khái là bỏ mặc cho dân xâm chiếm lẫn nhau”.
Mất mùa, đói kém lại xảy ra.
Năm 1759 “Thanh Hóa, Nghệ An bị nạn đói”.
Năm 1766 “các hạt Kinh Bắc vỡ đê, nhà cửa, ruộng nương bị ngập lụt”.
Năm 1768 “Nghệ An và các trấn Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam, giá gạo cao vọt, nhân dân đói khổ, 100 đồng tiền không đủ một bữa ăn no”.
Tình trạng đói kém càng thường xuyên hơn ở thập niên 70, 80, đặc biệt là năm 1786, theo sử cũ giá gạo cao vọt, dân trong kinh kì và 4 trấn bị đói to, thây chết nằm liền nhau. Chúa Trịnh hạ lệnh cho nhân dân, ai nộp của sẽ trao cho quan chức nhưng không ai hưởng ứng”.
Để cứu vãn phần nào tình trạng đói khổ của nhân dân, một mặt chúa Trịnh cử đại thần đưa dân ra vùng ven biển khai hoang mở rộng đất đai cày cấy, mặt khác cho mở rộng buôn bán, bỏ bớt các sở tuần ti nhằm khuyến khích dân buôn. Tuy nhiên, khó khăn vẫn không giảm. Tình trạng xóm làng phiêu tán lại diễn ra. Theo Ngô Thời Sĩ, trong số 9668 làng xã ở đồng bằng Bắc bộ đã có đến 182 xã phiêu tán hoàn toàn, 443 xã phiêu tán phần lớn, 373 xã phiêu tán vừa hoặc phải nhập vào xã khác... Trấn Thanh Hóa có 1393 xã thì 297 xã phiêu tán; trấn Nghệ An có 706 xã thì phiêu tán mất 115 xã…
Nông dân nghèo nổi dậy đấu tranh là hiện tượng không tránh khỏi. Năm 1778, nông dân đồng bằng ven biển Bắc bộ do các thủ lĩnh Thục Toại, Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch cầm đầu đã nổi dậy đánh phá An Quảng rồi kéo xuống huyện Giao Thủy (Nam Định). Trấn thủ Sơn Tây là Ngô Đình Hoành được lệnh đem quân đến đàn áp, đã bị nghĩa quân đánh tan.
Năm 1785, sau khi khởi nghĩa của Thục Toại bị đàn áp, một cuộc khởi nghĩa lớn do Thiêm Liên cầm đầu lại nổ ra ở An Quảng. Nghĩa quân có hàng trăm chiếc thuyền, thường xuyên đánh phá các vùng ven biển, liên kết với nghĩa quân Sơn Nam chống lại quân triều đình. Cuộc khởi nghĩa kéo dài cho đến lúc quân Tây Sơn ra bắc.
Ở Thái Bình, ở các vùng thượng du phía bắc nhiều cuộc khởi nghĩa cũng nổ ra, gây cho quân triều đình nhiều thiệt hại.
Trong tình hình khó khăn nói trên, nội bộ chính quyền Lê-Trịnh ngày càng mâu thuẫn. Năm 1767, Trịnh Doanh chết. Con là Trịnh Sâm lên thay, chuyên quyền và tàn bạo, không xem trọng dòng họ vua Lê nữa. Thái tử Duy Vĩ bị vu oan và bị giết. Em Trịnh Sâm là Trịnh Lệ mưu giết anh để cướp ngôi; đã bị bắt bỏ ngục, Trịnh Sâm say mê Đặng Thị Huệ, bỏ bễ việc triều chính. Y truất thế tử Trịnh Khải (con trai trưởng đã lớn) để đưa con của Thị Huệ là Trịnh Cán còn ít tuổi lên thay. Phe phái của Đặng Thị Huệ là nhóm quận công Hoàng Đình Bảo - Đặng Thị Huệ được dịp nắm hết quyền hành. Em trai của Đặng Thị Huệ cũng nhân đó cậy thế làm càn, khiến kinh thành náo động.
Năm 1782, Trịnh Sâm chết. Phe Trịnh Khải nổi dậy đánh giết nhóm Hoàng Đình Bảo - Đặng Thị Huệ, phế Trịnh Cán. Quân Tam phủ - chỗ dựa chính của Trịnh Khải, được thế cậy công, thả sức tung hoành. Như nhận xét của sử cũ: “Từ đấy quyền bính về tay quân sĩ, chúng uy hiếp, áp bức bọn quan lại, động một tí là dọa sẽ phá nhà, giết chết. Thậm chí đến việc thay đổi tướng tá văn ban, võ ban cũng đều do miệng quân sĩ nói ra mới xong được”. Chúng còn kéo nhau đi cướp bóc, phá phách các phố phường, không ai chế ngự nổi. Nhân dân đã gọi đó là “loạn kiêu binh”.
Năm 1784, lấy cớ kiêu binh định tôn phù nhà Lê, họ Trịnh sai vây bắt 7 người đem chém. Lập tức kiêu binh kéo nhau đến vây nhà 3 tên quan đã giúp chúa Trịnh chống lại chúng. Một người chạy thoát. Hai người kia trốn vào phủ chúa. Kiêu binh liền kéo sang phủ chúa, đòi chúa giao hai viên quan mà chúng đang tìm. Trịnh Khải và Dương Thái phi đã lạy xin chúng, nộp cho chúng 1000 lạng bạc và 3 vạn quan tiền để chúng tha mạng cho 2 người kia.
“Loạn kiêu binh” đánh dấu sự tan rã của thế lực họ Trịnh, gây nên một sự đối lập lớn giữa nhân dân và quân sĩ, như nhận xét của sử cũ “quân và dân coi nhau như kẻ thù”.
Tất nhiên, tình thế đó kéo theo hậu quả là, một mặt bọn quan lại địa phương, mà phần lớn là nhờ tiền bạc mà có chức quyền, tha hố vơ vét đục khoét nhân dân, mặt khác, dòng họ Lê tìm cách nâng cao uy thế mong có ngày khôi phục địa vị ngày xưa.
Mặc dầu, từ năm 1774, nhân cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, chúa Trịnh đã cử quân vào chiếm đất Thuận Hóa, sự suy sụp về chính trị, kinh tế xã hội của Đàng Ngoài vẫn ngày càng trầm trọng.
2. Cuộc khủng hoảng ở Đàng Trong
Những ưu thế của đất Đàng Trong đã giúp các chúa Nguyễn giữ được tình trạng ổn định của xã hội trong một thời gian khá dài. Nhưng rồi những mâu thuẫn cố hữu của chế độ phong kiến cũng dần dần phát huy tác dụng và từ giữa thế kỉ XVIII, đưa Đàng Trong vào cuộc khủng hoảng. Từ 1669, ruộng đất ở vùng Thuận Quảng phần lớn đã là ruộng công, nhưng như nhận xét của Lê Quý Đôn sau này, do tô thuế phiền phức, nặng nề, nhân dân không đóng nổi, nhà chúa buộc phải “châu phê” cho bán đoạn làm ruộng tư hoặc bọn hào lí tự viết là ruộng đất tư đem bán đoạn hết “đến nỗi dân không có ruộng mà làm ăn sinh sống”. Việc chấp chiếm ruộng đất cũng thường xuyên xảy ra. Cuối cùng đến giữa thế kỉ XVIII thì xảy ra tình trạng, ruộng công... hoặc có người đem bán hoặc cầm cố, bỏ hoang, số còn lại bị bọn nhà giàu xâm chiếm khiến người nghèo không có mảnh đất cắm dùi, cho nên người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo, thuế thiếu, dân lưu li”. Như vậy, mặc dầu đương thời ruộng đất không thiếu (tính bình quân mỗi đinh 1 mẫu) nhưng tình trạng đói nghèo vẫn xảy ra. Giá thuê ruộng công rất cao, ở vùng Lệ Thủy, Khang Lộc (Quảng Bình), từ 3-4 quan/mẫu tăng lên 6 quan/mẫu, ở Minh Linh (Quảng Trị) thậm chí tăng lên đến trên 12 quan/mẫu.
Ở vùng Gia Định (Nam bộ nay) đất đai rộng lớn, trù phú, người ít thế nhưng phần lớn ruộng đất nằm trong tay địa chủ; nông dân nghèo vẫn phải cày thuê cuốc mướn hoặc đi khai hoang ở các vùng xa.
Chế độ tô thuế nặng nề và phiến phức. Theo Lê Quý Đôn, ở đây “hàng năm có 100 thứ thuế mà trưng thu thì phiền phức, gian lận, nhân dân khổ vì nỗi một cổ hai tròng nhưng xã bị cấp làm ngụ lộc cho các quan tuy không phải nộp thuế, nhưng lại phải chịu nhiều khoản tạp dịch nặng nề.
Thuế thổ sản thì có hàng trăm hàng ngàn thứ. Nhà nước cần gì thì đặt ra thứ thuế ấy để thu. Người buôn bán thì phải đóng các loại thuế đầu nguồn, thuế tuần ti, thuế chợ, thuế đò. Nhân dân miền núi thì phải nộp đủ loại thuế lâm thổ sản như ngà voi, sừng tê, gỗ, mây, mật ong, tiền. Dân miền núi Khang Lộc chẳng hạn, năm 1774 phải nộp tất cả 994 quan tiền thuế và các lễ vật khác, tính ra mỗi đầu người hàng năm phải nộp từ 15 quan đến 60 quan tiền.
Năm 1751, tuần phủ Quảng Ngãi là Nguyễn Cư Trinh đã dâng thư cho chúa Nguyễn nói: “ba việc sinh tệ cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền ăn”. “Phủ huyện là chức trị dân mà gần đây không giao trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi kiện tụng... Từ trước đến nay, phủ huyện chỉ trông vào sự bắt bớ tra hỏi và kiếm lộc, khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc”. Và “dân nên để cho tĩnh, không nên làm cho động... Nay sai người đi săn bắn ở núi rừng, tìm gà đòi ngựa, bọn ấy không theo được ý tốt của bề trên mà quấy rối dân địa phương... mọi người đều than oán”. Thế nhưng số của Cư Trinh không được chúa Nguyễn trả lời.
Bọn quan Bản đường cũng tìm mọi cách hạch sách nhân dân “một người trưng thu thì có vài ba mươi người đốc thúc, tra xét rất phiền nhiễu, lại còn xét hỏi hành hạ, ẩn lậu, cố tình tăng giảm, sinh sự”. Với mong muốn giải thoát cho dân khỏi cái cảnh “10 con dê mà có 9 kẻ chân”, Nguyễn Cư Trinh đã xin chúa bỏ hệ thống Bản đường quan này, nhưng không được.
Chính sách thuế khóa của chúa Nguyễn đã làm cho cuộc sống của nông dân ngày càng khổ cực.
Trong lúc đó, thương nghiệp, thủ công nghiệp cũng sút kém dần so với trước. Ngoại thương thì sụt hẳn do số thuyền bè nước ngoài đến thưa thớt mà sự hạch sách của chúa và các quan tuần ti ngày càng không chịu nổi. Các đô thị như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn sa sút hẳn. Một vài thị tứ như Bến Nghé, Nông Nại hoạt động bình thường, việc buôn bán chủ yếu nằm trong tay Hoa kiều.
- Về chính trị, như đã nói ở phần trước, từ năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, xây dựng Phú Xuân thành kinh đô, tổ chức lại bộ máy nhà nước. Các gia đình quý tộc, quan lại cao cấp cũng nhân đó xây dựng dinh thự “la liệt hai bên bờ thượng lưu sông Phú Xuân và con sông nhỏ ở Phủ Cam”. Họ đua nhau ăn chơi xa xỉ, nuôi các đội tuồng chèo, ca kĩ chuyên phục vụ các cuộc yến tiệc, nhân dân đã truyền nhau câu:
Ai ai ngẫm lại mà coi
Bạc vàng con hát, tôi đòi thằng dân.
Nguyễn Phúc Khoát chết, Nguyễn Phúc Thuần lên thay, mới 12 tuổi. Quyền hành thực tế do Trương Phúc Loan thu tóm, tự xưng là Quốc phó. Một mình y chiếm đoạt 5 cửa nguồn, hàng năm thu lợi 45 vạn quan tiền. Y còn nắm bộ Hộ để hạch sách các thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Theo sử cũ, trong nhà Loan “vàng bạc, châu báu, gấm vóc đầy rẫy; nô bộc, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể”. Mỗi khi qua mùa mưa, Loan đem vàng bạc ra phơi nắng “sáng chói cả một góc sân”. Nội bộ chính quyền phân chia bè cánh. Những người chống Loan đều bị giết hại, cách chức.
Phủ huyện, làng xã nằm trong tay bọn quan lại cường hào tham nhũng. Một xã hồi đó có đến 17 tướng thần (quan thu thuế) và 20 xã trưởng. Chính trị thối nát.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn vì cái gọi là nạn “tiền hoang”. Nguyên là Đàng Trong phải mua đồng của Đàng Ngoài thông qua các lái buôn ngoại quốc; khi chính quyền Đàng Ngoài tìm cách cấm ngặt việc đó và thương thuyền nước ngoài ít đi thì chúa Nguyễn buộc phải dùng kẽm đúc tiền. Kết quả, như lời bàn của Dật sĩ Ngô Thế Lân: “lấy đồng tiền kẽm chóng hư mà thay đồng tiền đồng bền chắc, cho nên dân đua nhau chứa thóc mà không chịu chứa tiền”. Dân Gia Định nhiều thóc không bán lấy tiền mà thương nhân cũng không muốn đổi hàng hóa lấy tiền kẽm, buôn bán do đó không thông, thóc gạo miền Nam không ra được Thuận, Quảng, làm cho giá gạo ở đây cao vọt lên không phương cứu vãn. Đói kém xảy ra. Theo sử cũ, Thuận Hóa có 265.507 mẫu ruộng đất công tư nhưng, thực số cày cấy chỉ được 153.181 mẫu.
Năm 1752 một nạn đói lớn đã xảy ra, dân bị chết đói rất nhiều. Từ năm 1769, trong khoảng 4 - 5 năm liền, đói kém diễn ra liên miên. Đặc biệt là năm 1774, Thuận Hóa bị đói lớn, theo giáo sĩ La Bactét, “gạo đắt như vàng... tình trạng đói khổ bày ra lắm cảnh thương tâm khó tả, xác chết chồng chất lên nhau”. Xúc động trước cảnh tượng đau lòng đó, dật sĩ Ngô Thế Lân đã viết lên mấy câu thơ
Than ôi! Lạ thay chim lợn kêu
Năm canh gào thét gió vi vu
Thái sơn nghiêng ngả, ngày u ám
Đất bằng sóng nổi mịt mù mây
Hồng nhạn kêu buồn bay tan tác
Sài lang ngang dọc giữa đường đi... (Chim lợn kêu)
Người nông dân đã nổi dậy. Như sử cũ đã ghi: “trăm họ cơ cận, trộm cướp nổi lên bốn phương, trong cõi từ đó có nhiều việc”. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất được nhân dân truyền tụng là cuộc khởi nghĩa của “chàng Lía” ở Quy Nhơn (Bình Định). Vốn là một nông dân nghèo, tên là Đoan, anh phải đi ở cho địa chủ, nuôi sẵn chí căm thù. Anh lại khỏe mạnh, giỏi võ, khí khái. Nạn đói xảy ra, anh trốn vào rừng, tụ tập dân nghèo khởi nghĩa lấy Truông Mây làm căn cứ. Nghĩa quân đánh giết bọn cường hào, lấy của cải phân phát cho dân nghèo. Nghĩa quân bị đàn áp, Lía chết nhưng hình ảnh của anh mãi mãi khắc sâu vào lòng nhân dân.
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Chế độ phong kiến Đàng Trong bước vào giai đoạn suy tàn, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại làm rung chuyển cả đất nước.