Tài liệu: Hòa hợp với những người bạn có tính cách khác mình như thế nào?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội và tồn tại trong rất nhiều hoàn cảnh, môi trường xã hội khác nhau
Hòa hợp với những người bạn có tính cách khác mình như thế nào?

Nội dung

Hòa hợp với những người bạn
có tính cách khác mình như thế nào?

Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội và tồn tại trong rất nhiều hoàn cảnh, môi trường xã hội khác nhau. Trong tất cả các mối quan hệ như: bạn học, đồng nghiệp, vợ chồng, bạn bè, cấp trên - cấp dưới, hàng xóm láng giềng, người cùng đường,... chúng ta đều cần tìm được cách ứng đối phù hợp nhất. Nếu chỉ có óc quan sát tinh tế mà thiếu đi những trải nghiệm thực tế, thì bạn cũng khó mà thích ứng được với một môi trường xã hội mà nhiều thay đổi khôn lường lại chỉ diễn ra trong một tích tắc như hiện nay.

Nhân cách của mỗi người nên được hiểu là sự tổng hợp của “khí chất” có được ngay từ khi sinh ra, “tính cách” phát triển trong quá trình sống cũng như “năng lực” do rèn luyện mà có. Chúng ta thường gọi cả ba yếu tố này bằng một cái tên chung là “nhân phẩm”. “Nhân phẩm” có liên quan rất chặt chẽ và gần như không thể tách rời với tố chất, cảm xúc, khuynh hướng hành động, cách thức hành động, thói quen và thái độ của mỗi người.

Một giáo sư trường Đại học Havard, người được coi là “người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về tính cách con người” đã vận dụng phương pháp quan sát các hiện tượng để nghiên cứu về độ trưởng thành trong nhân cách, và nêu ra 6 yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành này trong cuốn sách Thái độ mở và sự trưởng thành của nhân cách thành “tiêu chuẩn cho sự trưởng thành” như sau:

Ý thức về bản thân ngày càng được mở rộng

Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ biết yêu chính bản thân mình. Sau này, tình yêu đó được mở rộng dần sang cha mẹ, những người thân và bạn bè. Khi trưởng thành hơn, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có ý thức “cái đó là của tôi” đối với quần áo, tiền bạc, những đồ vật mà mình sở hữu. Từ những đồ vật hữu hình như vậy, ý thức về bản thân của mỗi người ngày càng được mở rộng đến gia đình, sự nghiệp, xã hội và đất nước. Đây chính là một trong những đặc điểm cho sự trưởng thành trong nhân cách của mỗi người.

Có mối quan hệ mật thiết với mọi người

Vì ý thức bản thân ngày càng được mở rộng, chúng ta sẽ xây dựng được những mối quan hệ mật thiết, gắn bó và đồng cảm với mọi người xung quanh. Chúng ta sẽ không tùy tiện nói xấu sau lưng người khác, bới lông tìm vết, hay có thái độ đố kỵ châm chọc mọi người. Ngược lại, chúng ta ngày càng biết tôn trọng, khoan dung hơn với người khác, không bài xích, chê bai họ. Ngay cả trong các mối quan hệ nam nữ, ngoài khao khát được yêu, chúng ta cũng muốn yêu lại đối phương, chấp nhận hoàn cảnh thực tế cũng như luôn khoan dung cho những khuyết điểm của đối phương.

Đảm bảo sự ổn định về mặt cảm xúc

Mỗi chúng ta hãy coi tất cả những cảm xúc như cáu giận, sợ hãi, kích động, nổi xung lên là “cảm xúc của chính mình” để xử lý. Không bị ức chế một cách mù quáng, cũng như không sa đà vào những điều vụn vặt quá mức là cách để bạn không cảm thấy đau đầu, khó chịu với chính mình. Hơn nữa, mỗi khi gặp trục trặc, thất bại, chúng ta cần có sự kiên nhẫn cần thiết; không nóng vội và cũng không trách móc người khác một cách tùy tiện. Lúc nào bạn cũng cần xem xét lại bản thân, chờ đợi thời cơ, tìm kiếm phương pháp tất nhất để giải quyết vấn đề, tránh những cảm xúc không ổn định hoặc tìm cách khống chế những cảm xúc đó.

Có tri giác và kỹ năng với hiện thực

Có thể nhìn nhận mọi việc một cách khách quan và rõ ràng, có kỹ năng giải quyết vấn đề. Một người có tri thức chưa chắc đã là một người trưởng thành về mặt nhân cách, nhưng sự trưởng thành về nhân cách thì lại không thể tách rời khỏi tri thức. Một người không có những kỹ năng thành thục về nghề nghiệp thì không thể nói đến sự trưởng thành về nhân cách được.

Ngoài ra, khả năng đầu tư vào công việc cũng quan trọng như những nhận thức và kỹ năng trong công việc vậy. Khả năng đầu tư cho công việc được hiểu là khi có một vấn đề gì đó, bạn có thể nhiệt tình với công việc đến mức quên đi chính bản thân mình.

Nhìn nhận khách quan, thông suốt và hài hước

Bạn hãy lấy chính bản thân mình làm đối tượng để quan sát, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan. Rất nhiều người cho rằng không ai hiểu về con người mình bằng chính mình, tuy nhiên, trên thực tế, số người thật sự hiểu về chính mình lại không có nhiều.

Ngoài việc nhìn nhận về bản thân mình, chúng ta còn cần có óc hài hước. Hài hước một cách đúng đắn là nghi ngờ mình một cách hợp lý, đối chiếu con người thực của mình với hình mẫu lý tưởng để cảm thấy có đôi chút “buồn cười”. Sự hài hước hoàn toàn khác với cười nhạo, cười một cách vô nghĩa hay cái cười mang tích công kích người khác.

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy những điểm đáng cười ở người khác, mà không biết rằng chính mình cũng có rất nhiều điểm đáng cười. Mỗi khi gặp thất bại, không thể cười được nữa, bạn chỉ thấy trước mắt ngập tràn đau khổ mà thôi.

Một người có thể hài hước về mình trong mọi góc độ của cuộc sống, bình tĩnh đối diện với mọi khó khăn thì mới được coi là có sự trưởng thành về nhân cách.

Quan điểm triết học nhân sinh thống nhất

Bạn hãy coi cuộc sống của mình là một điều vô cùng có ý nghĩa và phải có một quan điểm triết học nhân sinh thống nhất. Triết học được nói đến ở đây không đơn thuần chỉ là những học thuyết mà là đức tin, là mục tiêu của mỗi người trong cuộc sống. Điều gì là giá trị nhất trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ chọn cách sống nào thì cần có sự xác định rõ ràng. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi chúng ta ai cũng cần phải có nhân sinh quan riêng biệt và cụ thể.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4190-02-633705456606586386/Mot-so-le-nghi-thuong-dung-khi-ket-ban/Ho...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận