Triều Đại Nguyễn – Tây Sơn
1. Sự thành lập các vương triều Tây Sơn
- Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc: Sau những thắng lợi bước đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đặc biệt là đối với vùng đất phía nam, năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Đức, lấy thành Đồ Bàn (Bình Định) làm kinh đô với tên mới là thành Hoàng đế. Nguyễn Huệ được phong làm phụ chính, Nguyễn Lữ làm thiếu phó. Nhiều tướng lĩnh khác cũng được phong chức tước. Khi Nguyễn Huệ đem quân ra đánh Bắc hà, lật đổ chúa Trịnh, Nguyễn Nhạc sợ em lộng quyền, vội vã đem một số tùy tùng đi nhanh ra Thăng Long, rồi cùng Nguyễn Huệ bí mật rút quân về Quy Nhơn. Mâu thuẫn giữa hai anh em nẩy sinh và từ mâu thuẫn bùng lên thành xung đột gay gắt. Sau 3 tháng đánh nhau, hai anh em giải hòa, lấy Bến Ván (Quảng Nam) làm giới mốc chia đôi đất nước. Cuộc xung đột đã ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ cục diện của phong trào Tây Sơn. Từ đó, Nguyễn Nhạc chỉ cai quản vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Thoái hóa, sớm mong muốn tận hưởng những thành quả của phong trào, Nguyễn Nhạc chi “ham nhàn vui, cầu yên tạm bợ”, “tự giáng mình làm Tây chúa”. Tư liệu lịch sử những năm cai quản của Nguyễn Nhạc trên đất miền Nam Trung bộ không còn lại gì, chứng tỏ rằng Nguyễn Nhạc chỉ biết thu thuế, không có cải cách về các mặt. Cuộc Sống của nhân dân ổn định.
Từ năm 1790, quân của Nguyễn Ánh từ Gia Định hàng năm kéo ra đánh Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh và đến năm 1793 thì tiến lên vây hãm Quy Nhơn. Không chống nổi kẻ thù, Nguyễn Nhạc phải cho người ra Phú Xuân xin cứu viện. Bấy giờ Quang Trung đã chết. Con là Quang Toản lên thay, đã sai tướng vào giúp, đánh lui quân của Nguyễn Ánh, nhưng rồi chiếm luôn cả thành trì. Nguyễn Nhạc uất mà chết. Quy Nhơn bị sáp nhập vào đất của Quang Toản.
- Đông định vương Nguyễn Lữ: cuối năm 1786, sau khi ở Thăng Long về, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Lữ tước Đông định vương, trấn giữ đất Gia Định. Bấy giờ Gia Định còn là một vùng đất mới, ruộng đất phần lớn nằm trong tay các đại địa chủ lâu nay vẫn tôn phù chúa Nguyễn. Vốn là một người không giỏi, khả năng kém, lại cai quản một vùng đất như vậy, Nguyễn Lữ thu hẹp hoạt động của mình trong việc đóng quân, thu thuế ở các nơi, không làm thêm gì để trấn áp các thế lực đối lập và lôi kéo nông dân về với mình.
Năm 1787, nhân việc anh em Tây Sơn bất hòa, xung đột nhau không có điều kiện nhòm ngó đất Gia Định nữa, Nguyễn Ánh với một lực lượng ít ỏi đã từ Xiêm về đánh Long Xuyên và tiến về thành Gia Định. Nguyễn Lữ đã bỏ thành chạy ra Biên Hòa rồi ra Quy Nhơn. Đất Gia Định lần lượt thuộc về Nguyễn Ánh.
2. Triều đại Quang Trung
Cuối năm 1788, nhận tước Bắc bình vương do Nguyễn Nhạc phong, Nguyễn Huệ trở thành người cai quản thực sự vùng đất từ Quảng Nam trở ra Bắc, mặc dầu Bắc hà còn tồn tại chính quyền của vua Lê. Năm 1788, khi quân Mãn Thanh vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung. Cuộc kháng chiến kết thúc với thắng lợi rực rỡ của dân tộc, triều đại Quang Trung ra đời, hoàn toàn thay thế cho Nhà nước Lê - Trịnh trước đó. Trong bối cảnh của xã hội Đại Việt ở cuối thế kỉ XVIII, việc lên ngôi của Nguyễn Huệ, xây dựng triều đại mới là điều không tránh khỏi. Sự kiện này cũng đánh dấu sự kết thúc của phong trào nông dân.
a. Tổ chức chính quyền: Từ năm 1788, sau khi tiêu diệt lực lượng của Nguyễn Hữu Chỉnh, Bắc bình vương Nguyễn Huệ đã cử các võ tướng của mình cai quản các trấn ở Bắc hà. Năm 1789, triều đình mới được tổ chức quy củ Hoàng đế nắm mọi quyền hành. Công chúa Ngọc Hân (con vua Lê Hiển Tông) được phong làm Bắc cung hoàng hậu. Nguyễn Quang Toản được lập làm thái tử. Bên dưới hình thành một lớp quan cao cấp, bao gồm các chức Tam Thái, Tam Thiếu, Tam Tư, Đại tổng quản, Đại đồng lí v.v... Công việc nhà nước được phân cho 6 bộ do thượng thư đứng đầu, viện Hàn Lâm, Ngự sử đài, viện Sùng chính v.v... Các đơn vị hành chính địa phương vẫn giữ như cũ. Trấn do Trấn thủ là võ quan đứng đầu, giúp việc có Hiệp trấn là văn quan. Các huyện đều đặt 2 chức văn phân tri và võ phân suất trông coi. Tổng có tổng trưởng, xã có xã trưởng.
Quang Trung cũng thực hiện chế độ phân phong các con trấn trị các khu vục quan trọng như Quang Thùy phụ trách Bắc thành tiết chế, Quang Bàn đốc trấn Thanh Hoa.
Hàng ngũ quan lại bao gồm thân thuộc của nhà vua (như Bùi Đắc Tuyên) các võ tướng Tây Sơn và các cựu thần nhà Lê, tự nguyện hợp tác với triều Tây Sơn (như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Thế Lịch, Trần Bá Lãm, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Thiếp, Bùi Dương Lịch v.v...). Quang Trung rất trân trọng những nho sĩ này và thường giao cho các chức vụ quan trọng.
Chẳng hạn, Quang Trung đã 3 lần viết thư trực tiếp mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp mình. Trong thư lần thứ 3 có đoạn viết: “Quả đức (ý chỉ Quang Trung) hằng nghĩ và mơ tưởng đến, trải 15 năm đến giờ, chưa lúc nào dám quên. Không ngờ nay trông lên thành Lục Niên có người tài đang ở đó. Ấy là trời để dành phu tử cho Quả đức vậy. Tuy phu tử không thèm tới nhưng lòng dân đen trông ngóng, phu tử nỡ ngơ lãng được sao!”.
Các quan lại đều được bổng lộc theo chế độ hưởng tô thuế một hay vài xã, một số quan chức cao cấp, có công thì được cấp thêm ruộng đất (như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng v.v...), tuy không nhiều (25-30 mẫu).
Để tiện việc điều hành, Quang Trung quyết định chọn đất thành lập kinh đô mới. Việc xây dựng được xúc tiến ngay sau khi chọn vùng chân núi Dũng Quyết (gần Bến Thủy - Nghệ An) làm trung tâm với tên gọi Phượng Hoàng trung đô.
Quân đội được kiện toàn và củng cố, bao gồm thủy binh, bộ binh, tượng binh, kị binh và pháo binh. Chiến thuyền có nhiều loại, có loại lớn chở được voi chiến, trang bị 50, 60 đại bác, chở được 500-700 quân. Vũ khí có giáo mác, cung tên, súng trường, đại bác, hỏa hổ. Để huy động lực lượng nhân dân, Quang Trung đã tiến hành việc lập lại sổ hộ ở các xã.
Nhân đinh được chia làm 3 hạng:
9-17 tuổi: vi cập cách
18-55 tuổi: tráng hạng
56-60 tuổi: lão hạng
Trên 60 tuổi: lão nhiêu.
Tất cả trai tráng, không phân biệt sang hèn, xuất thân đều phải ghi tên vào sổ hộ. Để tránh tình trạng ẩn lậu, trốn tránh, nhà nước phát thẻ tín bài trên khắc 4 chữ “Thiên hạ đại tín” cho mọi dân đinh, đi đâu đều phải mang theo vì có ghi họ tên, quê quán và điểm chỉ.
Về luật pháp, Quang Trung đã có dự kiến cho người soạn thảo một bộ luật mới cho triều đại mình, song không làm được. Thời Quang Toản, đã có một bộ Hình thư mới, nhưng nay không còn nữa.
Trên cơ sở bộ máy nhà nước mới, Quang Trung cố gắng củng cố trật tự, an ninh đất nước. Bấy giờ, mặc dầu phần lớn nhân dân đã hướng về triều vua mới, không ít cựu thần nhà Lê, hào lí địa phương vẫn chưa chịu từ bỏ mưu đồ phục hồi nhà Lê và chế độ cũ. Một số người được sử dụng, giao nhiều trọng trách ở địa phương đã không chịu nhìn nhận tính tiến bộ của triều vua mới, nên tìm cách xuyên tạc, phá hoại các chính sách của nhà nước. Năm 1789, một số thổ tù vùng Tuyên Quang, Cao Bằng đã tôn Lê Duy Chi (em ruột Chiêu Thống) làm minh chủ, mộ quân đánh Cao Bằng, Tuyên Quang và mưu kéo xuống đánh úp thành Nghệ An. Đốc trấn Nghệ An là Trần Quang Diệu đã đánh tan âm mưu đó, truy đuổi chúng và bắt sống Lê Duy Chi. Các cuộc bạo động ở Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang cũng nhanh chóng bị đàn áp. Tình hình dần dần tạm ổn định.
b. Phục hồi và phát triển kinh tế
Tình hình Bắc hà những năm 1788 - 1789 hết sức khó khăn. Sử cũ đã viết: “luôn năm mất mùa đói kém, dân gian trôi giạt lưu li, cha con không thể nuôi nhau, anh em không thể nương nhau; ở Thanh Hóa thì “một hạt thóc cũng không có... sau cuộc binh hỏa, dịch tật thịnh hành, chết không biết bao nhiêu mà kể”, còn ở Nghệ An thì theo Nguyễn Thiếp: “mất mùa, dịch tễ, kẻ thì chết đói, người thì phiêu bạt” ruộng đất bỏ hoang hóa khắp nơi.
- Nông nghiệp: Một trong những việc làm đầu tiên của triều vua Quang Trung là nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp. Năm 1789, “Chiếu khuyến nông” được ban bố: “Đạo lo cho dân không gì bằng hồi phục dân lưu tán, khai khẩn ruộng bỏ hóa...” “... từ lúc trải qua loạn lạc đến nay, binh lửa liên miên bận rộn, lại thêm đói kém, nhân khẩu lưu tán, đồng ruộng bỏ hoang. Số đinh điền thực trưng mười phần không còn được 4 - 5...” và quy định:
+ Dân lưu tán phải nhanh chóng trở về quê cũ, xã nào chứa chấp người trốn tránh phải bị trừng phạt. Làng xã phải cung cấp ruộng đất công cho họ cày cấy, nộp thuế.
+ Hạn đến tháng 9 năm Kỉ Dậu (tức tháng 10-1789) xã phải làm xong sổ ruộng nộp lên.
+ Hạn trong 3 năm, ruộng đất trong xã đều phải được cày cấy. “Ruộng hoang xã nào đến hạn mà không có người nhận khai khẩn, nếu là ruộng công thì sắc mục xã ấy phải theo mức thuế mà nộp gấp đôi, nếu là ruộng tư thì sung công, nộp thuế như ruộng công”.
Mặc dầu chính quyền Quang Trung chưa có những chính sách nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất cuối thế kỉ XVIII ở Đàng Ngoài, “Chiếu khuyến nông” với tính cưỡng bức của nó đã có những hiệu quả đáng kể. Theo sử cũ, trong vòng 3 - 4 năm sau “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”. Chính bài phú Tụng Tây hồ của Nguyễn Huy Lượng cũng nói lên điều này:
“Qua Canh Tuất (1790) lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức chiêm nhu”.
Tuy nhiên, việc giữ nguyên tình trạng chiếm hữu ruộng đất đã có trong hàng chục năm tiếp theo không phải không hạn chế dần những thành quả của phong trào Tây Sơn. Cuộc sống của người nông dân trở lại với trạng thái cũ, cuối thời Lê - Trịnh.
- Công thương nghiệp: Với mong muốn xây dựng một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển, chính quyền Quang Trung chủ trương khuyến khích phục hồi và mở rộng các làng thủ công cũng như việc trao đổi buôn bán trong nước và với nước ngoài.
Bài phú Tụng Tây hồ đã có những câu : “Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút”, “Thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, Lửa đóm nhen Năm xã gây lò hoặc “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng” v.v... Nhà thơ Phan Huy Diệu cũng thừa nhận ở vùng Bát Tràng “chợ phố đông đúc, hàng bày đầy ắp mái chéo đi lại tới tấp”. Đối với thương nhân nước ngoài, Quang Trung khuyến khích họ chở hàng hóa đến trao đổi, tránh việc chở vũ khí viện trợ cho nhóm Nguyễn Ánh. Ở vùng biên giới Việt - Trung, Quang Trung cũng đề nghị nhà Thanh cho thương nhân hai nước được qua lại buôn bán ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Nam Ninh...
- Tài chính: chính quyền Quang Trung cho đúc tiền mới để tiêu dùng. Thuế khóa được định lại từ thuế ruộng đất các loại đến thuế thân, phụ thu, các loại thuế công thương nghiệp...
Nhìn chung, sau một thời gian thực hiện khẩn trương các chính sách kinh tế, cuộc sống của nhân dân ở vùng đất của triều đại Quang Trung trở lại ổn định với một số biểu hiện mở rộng về mặt công thương nghiệp.
c. Văn hóa, giáo dục
Cũng như các triều đại phong kiến trước, chính quyền Quang Trung vẫn tôn sùng Nho giáo nhưng tỏ ra rất rộng rãi với các tôn giáo khác. Một số chùa được phục hồi, tu bổ. Những nhà sư có đạo đức, sùng đạo đều được phép trụ trì ở các chùa, tiếp tục giảng đạo hàng năm, những kẻ “trốn việc quan đi ở chùa”, “sư hổ mang” đều bị bắt hoàn tục. Các giáo sĩ đạo Kitô được tự do truyền đạo và được tôn trọng nếu họ chỉ làm việc tôn giáo của mình. Chữ Nôm được đề cao lên vị trí chữ viết chính thức của dân tộc. Theo quy định của Quang Trung, mọi chiếu chỉ, mệnh lệnh, văn tế, thư từ của nhà nước đều phải viết bằng chữ Nôm. Nhờ đó, chữ Nôm ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giới trí thức, trong nhân dân. Nhiều nhà thơ Nôm nổi tiếng xuất hiện (như Nguyễn Huy Lượng, Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương...)
Quang Trung cũng chủ trương đưa chữ Nôm vào giáo dục và khoa cử. Năm 1791, ông cho thành lập viện Sùng chính, mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng. Một số nhà nho giỏi cũng được đưa vào đây để chuyển dịch các sách thi, thư ra chữ Nôm chuẩn bị làm tài liệu giáo dục cho nhân dân cả nước. Quang Trung cũng ban “chiếu lập học” lệnh cho các xã thành lập nhà xã học, chọn người hay chữ và có đức hạnh làm thầy giáo. Một số chùa cũng được dùng làm chỗ dạy học. Phương pháp học tập của người học cũng được chấn chỉnh theo đúng tinh thần kết hợp học với hành như đề nghị của Nguyễn Thiếp” theo điều học biết mà làm, họa may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ đó mà được vững yên”. Những “sinh đồ 3 quan” thời Lê - Trịnh, sau khi thi lại mà không đạt bị thải về quê. Năm 1789, kì thi Hương đầu tiên được tổ chức ở Nghệ An. Thí sinh phải thi thơ phú bằng chữ Nôm.
Chính sách văn hóa, giáo dục cũng như thực trạng tôn giáo, học hành thi cử thời Nguyễn Quang Trung đã thể hiện rõ sự bùng lên của ý thức dân tộc, của mong muốn vươn lên tiên tiến của người dân đương thời.
d. Quan hệ ngoại giao
Sau khi đánh bại 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long, một vấn đề lớn được đặt ra cho triều Quang Trung là nhanh chóng đạt được mối quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh.
Từ lúc đem quân đi đánh quân Thanh, Quang Trung đã nói với Ngô Thời Nhậm: “nay ta đến đây, tự đốc viện quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi... Nhưng nước Thanh lớn hơn nước ta đến 10 lần, bị thua chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh lửa liên miên, thực không phải là phúc của nhân dân, lòng ta sao nỡ. Vì vậy, sau khi thắng trận phải khéo dùng từ lệnh thì mới đập tát được lửa binh”.
Về phía nhà Thanh, sau thất bại của Tôn Sĩ Nghị, vua Càn Long rất lo ngại muốn thu xếp việc giăng hòa nhưng vẫn cử phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, phao tin điều động 50 vạn quân sang trả thù. Biết ý của Càn Long, Phúc Khang An đã cử người sang đề nghị hòa hảo. Quang Trung cho viết biểu cấu hòa, sẵn sàng triều cống. Mùa thu năm 1789, Càn Long đã sai sứ sang phong Quang Trung làm An Nam quốc vương. Sứ bộ của ta cũng sang nhà Thanh đưa thư cầu hòa. Càn Long đòi Quang Trung phải đích thân sang dự lễ mừng thọ 80 của mình vừa thể hiện vị trí bề trên, vừa xem mặt người anh hùng kiệt xuất. Quang Trung không nhận, nhưng theo đề nghị của Phúc Khang An và của những người thân cận ông phải cho cháu ngoại là Phạm Công Trị đóng Quang Trung giả sang triều cận vua Càn Long. Sứ bộ ta có thêm Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích... được đón tiếp long trọng, Càn Long ban thưởng nhiều châu báu và sai thợ vẽ chân dung của Quang Trung giả. Sau đó, Quang Trung xin được nhà Thanh bỏ lệ cống người vàng, mở cửa ải cho hai bên buôn bán. Quan hệ Việt - Trung hòa hiếu, tốt đẹp. Năm 1792, Quang Trung cử một sứ bộ do Vũ Văn Dũng đứng đầu sang Thanh xin cầu hôn một công chúa để thăm dò thái độ, nhưng sứ bộ vừa lên đường thì Quang Trung mất, nên thôi.
Đối với các nước phía tây như Vạn Tượng (Lào Miến Điện (Mianma), Quang Trung đều có quan hệ tốt.
Triều đại Quang Trung đang đi dần vào thế ổn định với xu thế tiến bộ, cuộc sống của nhân dân cũng đang hồi phục, thì, tháng 9 năm 1792, Quang Trung mất đột ngột (39 tuổi). Hơn 4 năm cầm quyền trong bối cảnh một đất nước vừa thoát ra khỏi cảnh suy thoái, loạn lạc, chiến tranh ác liệt, người anh hùng “áo vải” Quang Trung chưa thể làm gì hơn để đưa xã hội phong kiến Đại Việt vượt qua được cuộc khủng hoảng, vươn mình lên cùng thế giới tiên tiến.
e. Sự sụp đổ của các vương triều Tây Sơn
- Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định: được tin anh em Tây Sơn bất hòa, phân chia đất nước để cai quản, Nguyễn Ánh cùng một số tùy tướng từ Xiêm bí mật rút về Long Xuyên, với một lực lượng ngày càng đông, Nguyễn Ánh lần lượt chiếm lại các vùng đất thuộc Gia Định và làm chủ toàn miền. Mặc dầu vậy, Nguyễn Ánh vẫn chưa tin vào sức mình có thể địch lại với các vương triều Tây Sơn, nhất là vương triều Quang Trung. Một mặt Ánh ra sức luyện quân, kén tướng, lập binh đồn điền sản xuất để tích lũy lương thực, xây dựng đồn lũy vững chắc, mặt khác tìm cách liên hệ với nước ngoài, nhờ giúp đỡ. Từ sớm, lúc các chúa Nguyễn chạy vào Gia Định rồi bị quân Tây Sơn tiêu diệt, Nguyễn Ánh chạy thoát và tỏ ra quyết tâm khôi phục cơ đồ của dòng họ, các giáo sĩ và thương nhân phương Tây hoạt động ở Đàng Trong đã nhận thấy đây là cơ hội hết sức thuận lợi cho sự xâm nhập của nước họ vào nước ta. Họ đã thể hiện ý định, giúp đỡ Nguyễn Ánh và người mà Ánh tin tưởng là giáo sĩ Bá Đa Lộc (tức giám mục Ađrăng).
Từ năm 1777, Bá Đa Lộc đã gặp và giúp Nguyễn Ánh chạy thoát khỏi cuộc truy đuổi của quân Tây Sơn. Cuối năm 1784, trong khi cầu cứu quân Xiêm, Ánh vẫn giao thư và hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đưa sang Pháp nhờ giúp. Tháng 11-1787, được sự đồng ý của vua Pháp Lu-i XVI, Bá Đa Lộc đã thay mặt Nguyễn Ánh kí hiệp ước Vecxay về sự thỏa thuận giúp đỡ giữa hai bên. Cách mạng Pháp đã làm gián đoạn sự can thiệp của Pháp, nhưng Bá Đa Lộc với mưu đồ sâu xa của mình đã tự đi vận động bọn tư bản, mộ người. Tháng 9-1788, chiếc tàu Pháp chở 1000 khẩu súng đã đến đảo Côn Lôn. Tiếp đó, tàu Pháp lại chở sang nhiều sĩ quan, binh lính Pháp cùng đại bác v.v…
Dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài, Nguyễn Ánh đã đem quân đánh ra Bình Thuận, Quy Nhơn. Đầu năm 1792, được biết những hoạt động của Nguyễn Ánh ở phía nam và sự bất lực của Nguyễn Nhạc, Quang Trung đã quyết định tổ chức một cuộc hành quân lớn đánh đuổi chúng. Kế hoạch đó đã làm cho quân Nguyễn Ánh hốt hoảng, cầu cứu lại quân Xiêm. Nhưng cuộc hành quân mới bắt đầu thì Quang Trung đột nhiên qua đời. Quang Toản và triều thần không đủ sức tiếp tục.
Năm 1793, Quang Toản chiếm Quy Nhơn khiến Nguyễn Nhạc uất mà chết. Mâu thuẫn nội bộ triều đình Tây Sơn ngày càng tăng. Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, bắt bớ, giết hại những người chống lại mình. La Sơn phu tử từ chức trở về quê. Một số người khác hoặc xin các quan hoặc bỏ chạy theo Nguyễn Ánh. Hai vị tướng giỏi nhất là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng bất hòa với nhau. Văn Dũng sau khi đem quân bắt giết Bùi Đắc Tuyên đã kéo quân vào đánh Quang Diệu, bấy giờ đang vây chặt quân Nguyễn Ánh do Võ Tánh chỉ huy ở Quy Nhơn. Quang Toản phải cho người vào giảng hòa.
Lợi dụng sự suy yếu của triều đình Tây Sơn, Nguyễn Ánh tăng cường các cuộc tấn công. Nhân dân lao động không còn nhìn Tây Sơn như những đại diện của mình nữa. Loạn lạc, chiến tranh đã quá nhiều, họ đã quá cực khổ và chán nản, trong lúc bọn địa chủ, quan lại cũ thì mong chờ quân Nguyễn Ánh kéo ra. Tháng 6 năm 1801, lợi dụng lúc Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng vây đánh Quy Nhơn, Nguyễn Ánh tấn công Phú Xuân. Quân của Quang Toản thua chạy. Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Ánh.
Để khẳng định quyền vị của mình, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu Gia Long (tháng 6-1802). Cuộc tấn công ra Bắc được tiếp tục. Nghệ An, Thanh Hóa và các trấn Bắc Thành lần lượt rơi vào tay Nguyễn Ánh. Quang Toản, Bùi Thị Xuân và các anh em của Quang Toản lần lượt bị bắt. Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng, sau khi hạ thành Quy Nhơn, bị quân Nguyễn Ánh tấn công liên tục. Được tin Phú Xuân và nhiều thành trấn phía bắt bị Ánh chiếm, hai người bỏ thành theo đường núi chạy ra Bắc, nhưng cuối cùng đều bị bắt.
Cuối tháng 7-1802, Nguyễn Ánh xa giá ra Thăng Long. Triều đại Tây Sơn đã bị đánh đổ. Đất nước hoàn toàn thuộc về lực lượng của Nguyễn Ánh. Ba mươi năm không phải là một thời gian dài, nhưng phong trào nông dân Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung đã làm nên cả một sự nghiệp đáng tự hào, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần suy ngẫm cho các thế hệ mai sau.

Gò Đống Đa – Hà Nội