Tài liệu: Nên hay không nên có những người bạn thân

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khi ở bên người bạn thân của mình, bạn có thể cười đùa một cách thoải mái, nhưng cũng có thể trao đổi những vấn đề nghiêm túc: một người bạn trai mới, những dự định trong tương lại...
Nên hay không nên có những người bạn thân

Nội dung

Nên hay không nên có những người bạn thân

Mỗi người đều cần có vài người bạn thân cho riêng mình. Bạn thân chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Rất nhiều bạn gái đã bày tỏ rằng, họ có một hai người bạn vô cùng thân thiết và đây là những mối quan hệ rất quan trọng trong cuộc sống của họ.

Khi ở bên người bạn thân của mình, bạn có thể cười đùa một cách thoải mái, nhưng cũng có thể trao đổi những vấn đề nghiêm túc: một người bạn trai mới, những dự định trong tương lại, bài hát cả hai cùng yêu thích, xu hướng trang điểm và thời trang, những chuyện vui, những chuyện buồn,... Người bạn tốt nhất sẽ không chế giễu khi bạn trót làm điều gì đó ngu ngốc, không coi thường mỗi khi bạn mắc sai lầm, không cười cợt mỗi khi bạn thất bại,... Nếu bạn sợ hãi, lo lắng trước một việc gì đó, người bạn tốt nhất sẽ mang lại cho bạn lòng tin. Những người bạn tốt sẽ luôn cổ vũ, động viên, khích lệ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Nếu người bạn đó có thể ủng hộ, khích lệ bạn về mặt tinh thần thì bạn sẽ làm được những việc mình muốn làm, nói được những câu mình cần nói một cách dễ dàng hơn. Khi bạn cảm thấy bị sụp đổ về mặt tình cảm, thì việc có một người bạn có thể ngồi lắng nghe bạn nói, động viên, an ủi bạn vượt qua khó khăn sẽ là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Nhưng, chúng ta biết tìm đâu ra những người bạn thân thiết như vậy? Rất nhiều bạn trẻ đều cho rằng, tìm được một người bạn tri kỷ còn khó hơn cả việc mò kim đáy bể? Đôi khi có những tình bạn đẹp nhưng lại nhanh chóng tan rã, chia tay chỉ vì những chuyện xích mích nhỏ nhặt.

Tình bạn thường được xây dựng, vun đắp trong quá trình học tập, công tác hoặc qua các mối quan hệ giao tiếp ngoài xã hội. Nếu thường xuyên nhìn thấy một nhóm người nào đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội để quen biết họ. Nếu mỉm cười và nói chuyện nhẹ nhàng, thân thiện thì sao bạn lại không thể làm quen được với họ. Khi bạn cho rằng đối phương là một người đầy thiện cảm, luôn chân thực dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thì chắc hẳn người đó cũng sẽ suy nghĩ như vậy về bạn. Khi đó, một tình bạn giữa hai người sẽ nảy nở một cách tự nhiên mà chẳng hề gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào.

Đương nhiên là, khi muốn làm quen với một người nào đó thì việc có nên chủ động bắt chuyện hay không cũng sẽ trở thành vấn đề khiến bạn phải suy nghĩ. Cản trở lớn nhất với bạn lúc này chính là sự xấu hổ.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy xấu hổ. Có thể là do lịch sự, không muốn quấy rầy sự yên tĩnh của người khác. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân khiến mọi người xấu hổ là do họ không đủ tự tin vào mình. Còn bạn thì sao?

Cách chúng ta nhìn nhận về bản thân mình có quan hệ rất lớn đến việc chúng ta sẽ lựa chọn hành động như thế nào. Nếu bạn tự cho rằng mình không có sức hút đặc biệt cũng như sự hấp dẫn trong tính cách, không tạo được ấn tượng tốt cho người khác thì hẳn là bạn sẽ lo sợ rằng mình sẽ bị những người khác từ chối, không để ý đến. Càng sợ hãi và xấu hổ thì bạn lại càng không dám thử tiếp cận với những người khác, càng không có cơ hội để khám phá, thể hiện sự hấp dẫn của mình.

Trên thực tế, bất kỳ ai khi tiếp xúc với một người lạ cũng đều có cảm giác lóng ngóng, vụng về. Nhưng nếu bạn không nỗ lực khắc phục tính hay xấu hổ của mình, thì bạn sẽ khó mà tiếp cận được với những người mình muốn kết bạn hoặc luôn chờ họ chủ động làm quen với mình. Như vậy là bạn đã để lỡ mất rất nhiều cơ hội tốt.

Ngoài ra, đi đến đâu chúng ta cũng có thể tìm được cho mình những người bạn, nhưng những người bạn tri kỷ thì lại không tự động tìm đến với chúng ta. Để có được những người bạn tri kỷ thật sự, trước hết, bạn cần học cách để trở thành một người bạn tri kỷ của người khác, học cách hiểu, thông cảm và quan tâm tới người khác. Nếu người đó thật sự trở thành bạn tri kỷ của bạn, chắc chắn họ cũng sẽ đối xử với bạn như vậy.

Một khả năng nữa cũng có thể sẽ xảy ra là: Sau khi bạn tiếp cận với một người nào đó, người đó cũng đồng ý tiếp cận với bạn, nhưng sau đó bạn lại phát hiện ra rằng mình không thích người này. Lúc đó, bạn hoàn toàn có quyền rời xa người đó. Tuy nhiên, cảm giác không thích một ai đó của chúng ta thường chỉ là sự phiến diện. Đôi khi, một sự thử thách với những cái nhìn phiến diện đó cũng rất quan trọng cho sự trưởng thành của mỗi chúng ta. Nếu bạn thấy mình không giống như vậy, thì cũng không cần phải ép mình theo đúng quy luật đó.

Ngoài ra, nếu bạn có quan hệ thân thiết với một ai đó thì giữa hai bạn chắc chắn cũng có lúc sẽ xảy ra những xung đột. Trong một mối quan hệ lâu dài, gắn bó, cả hai bên đều có thể bộc lộ cho nhau biết tất cả những cảm xúc của mình, kể cả những khi cáu bẳn, tức giận nhất. Tuy nhiên, cả hai cũng không phải lo lắng rằng những sự bộc lộ đó sẽ làm hỏng mối quan hệ đang tốt đẹp giữa hai người. Chắc chắn những mối quan hệ như vậy sẽ rất bền chặt và gắn bó. Điều quan trọng là bạn phải học được cách giải quyết sự xung đột theo hướng tích cực và xây dựng. Bạn phải tách biệt rạch ròi giữa người và việc, không nên công kích người khác mà chỉ nên lên án những việc họ làm nếu cảm thấy việc đó sai trái hoặc không phù hợp. Rất nhiều người đã từng cãi cọ với bạn bè của mình. Nhưng trong số họ, có những người đã nhận ra rằng, sau khi cãi cọ và làm lành với bạn thân, tình bạn giữa hai người càng trở nên khăng khít, gắn bó hơn trước. Một người bạn tốt sẽ là như vậy. Các bạn có thể giận nhau, cãi nhau nhưng mãi mãi vẫn sẽ là bạn của nhau.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4190-02-633705452115785340/Mot-so-le-nghi-thuong-dung-khi-ket-ban/Ne...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận