Tài liệu: Tình hình văn hóa ở nửa sau thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Theo xu thế của các thế kỉ trước, các tôn giáo lớn Nho, Phật, Thiên chúa (Kitô) tiếp tục tác động vào sinh hoạt tinh thần, tâm linh của người dân Việt Nho giáo không còn có tác dụng chi phối hoạt động của nhân dân, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
Tình hình văn hóa ở nửa sau thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX

Nội dung

Tình hình văn hóa ở nửa sau thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX

1. Tôn giáo, tín ngưỡng

Theo xu thế của các thế kỉ trước, các tôn giáo lớn Nho, Phật, Thiên chúa (Kitô) tiếp tục tác động vào sinh hoạt tinh thần, tâm linh của người dân Việt Nho giáo không còn có tác dụng chi phối hoạt động của nhân dân, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Trong hàng ngũ quan lại, nho sĩ vào cuối thế kỉ XVIII, có lúc một số nguyên lí chính của Nho giáo như đạo trung quân được đặt lại nhưng không còn cứng nhắc nữa. Sang thế kỉ XIX, nhà Nguyễn cố tìm mọi cách củng cố địa vị độc tôn của Nho giáo bằng việc hạn chế xây dựng chùa chiền, cấm dân theo đạo Kitô (Thiên chúa), lập nhà thờ, theo gương nhà Lê ban “Mười điều huấn dụ” (ban đầu bằng chữ Hán, sau được diễn âm) giao cho các làng xã giảng giải cho dân, nội dung học tập, thi cử được củng cố. Những việc làm của nhà Nguyễn có tác dụng nhất định trong hàng ngũ quan lại, nho sĩ, ít nhiều củng cố lại trật tự gia đình, già trẻ, củng cố mối quan hệ vua-tôi. Tuy nhiên, chúng cũng vấp phải phản ứng của nhân dân như trong bài ca:

Vui xem hát

Nhạt xem bơi

Tả tơi xem hội

Bối rối xem đám ma

Bỏ cửa bỏ nhà mà đi nghe giảng “thập điều”.

Trong lúc đó, nhân tình hình biến động liên tục của xã hội, nhất là ở Bắc Hà, các giáo sĩ Thiên chúa giáo ra sức hoạt động truyền giáo. Dưới thời Tây Sơn, đã có lúc các giáo sĩ được tự do đi lại, giảng đạo, nhưng rồi sau đó bị cấm. đoán, hạn chế. Từ khi phong trào cách mạng bùng lên ở Tây Âu, một số quan chức thực dân tìm cách dựa vào các giáo sĩ để tạo điều kiện nhảy vào Việt Nam. Các giáo sĩ Xanh Phan (StPhalles), Bá Đa Lộc, Pelơranh (Pellerin) v.v... đã giúp họ. Nhiều giáo dân bất bình với các tệ nạn xã hội, với chế độ nhà Nguyễn đã bị họ xúi giục, từ bỏ các tục lệ cổ truyền dân tộc, theo họ một cách cuồng tín. Số giáo dân tăng lên, mâu thuẫn lương - giáo nảy sinh, có lúc gây thành xung đột. Và đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chính sách cấm đạo của các triều, đặc biệt từ sau khi thực dân Pháp nổ súng đánh đắm 5 thuyền đồng ở Đà Nẵng năm 1847.

Đạo Phật phát triển bình thường, trong lúc các tín ngưỡng dân gian ngày càng mở rộng. Tục thờ tổ tiên trở thành chung của nhân dân Việt ở miền xuôi, ảnh hưởng đến vùng các dân tộc ít người. Nhiều nơi, các giáo sĩ đạo Thiên chúa phải chấp nhận điều này để tiếp tục phát triển. Tục thờ Thành hoàng phổ biến ở các làng xã, đi đôi với nó là tín ngưỡng tôn thờ các anh hùng dân tộc, các vị khai canh, những người có công với làng, với nước, cùng hàng loạt vị thần khác nhau. Nhà nước, đã đứng ra làm thống kê để xác định giá trị tinh thần của các đền thờ, nhân đó phong thần các cấp. Theo con số nhà nước, cuối những năm 60, cả nước có đến hơn 7000 vị thần. Hiện tượng mua hậu thần, hậu phật vẫn phát triển và lan rộng từ bắc xuống nam.

2. Giáo dục và văn học

- Từ giữa thế kỉ XVIII, giáo dục ngày càng sa sút. Ở Đàng Ngoài, năm 1750 theo đề nghị của Thự phủ sự Đỗ Thế Giai, chúa Trịnh cho các thí sinh kì thi Hương được nộp 3 quan, gọi là tiền thông kinh, để miễn khảo hạch. Kết quả là, như nhận định của Phan Huy Chú “người làm ruộng, người đi buôn cho chí người hàng thịt, người bán vặt đều làm đơn nộp tiền xin thi. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lên nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay... những người thực tài mười phần không đậu một”. Xuất hiện cái danh hiệu “sinh đồ 3 quan” và “trường thi thành ra chỗ buôn bán”. Tuy nhiên, chúa vẫn mở đều các khoa thi và chỉ cần lấy đỗ mỗi khoa 5 người, 8 người hay có khoa lấy 2 người... chất lượng thấp nhưng cũng xuất hiện những người giỏi như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sĩ, Bùi Huy Bích, Hồ Sĩ Đống, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm v.v...

Bên cạnh đó, năm 1721, chúa Trịnh cho mở trường võ học, dùng các quan tướng thông thạo võ nghệ để dạy cho con cháu các quan. Năm 1724, chuẩn định phép thi võ gồm hai cấp: Sở cử (như thi Hương) và Bác cử (như thi Hội). Người đỗ kì Bác cử được gọi là Tạo sĩ, được ban mũ áo, xướng danh ngang hàng với Tiến sĩ bên văn.

Trong lúc đó, ở Đàng Trong, từ khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương, sử hầu như không nhắc đến giáo dục thi cử.

Sự sa sút của giáo đục, chiến tranh đã dẫn đến chỗ học hành, thi cử đình trệ. Thời Tây Sơn, với tinh thần dân tộc quật cường, Quang Trung ra “chiếu lập học” chấn chỉnh lại việc học tập, thi cử, cho mở trường công ở các xã để con em nhân dân có điều kiện đi học. Ông cũng bắt các “sinh đồ 3 quan” thi lại để thải hồi những kẻ dốt nát, tổ chức những kì thi Hương đầu tiên. Một chủ trương tiến bộ lớn của Quang Trung là đưa chữ Nôm vào thi cử, trong trường thứ 8, sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm, lại lập Sùng chính viện (do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đứng đầu) phụ trách giáo dục, dịch các sách kinh ra văn Nôm, dự định đưa chữ Nôm làm văn tự chính thống của đất nước. Tiếc rằng, sau khi ông chết, Quang Toản và những người giúp việc không nối tiếp được.

Đầu thế kỉ XIX, Gia Long lên ngôi định tổ chức lại việc giáo dục thi cử nhưng không làm được. Năm 1807 quy chế thi hương mới được ban hành khoa thi Hương đầu tiên được tổ chức, chủ yếu ở Bắc Thành (số đỗ rất ít) từ sau đó, số trường thi Hương trong cả nước rút xuống còn 6, kì hạn thi không cố định. Năm 1822, nhà Nguyễn mới có điều kiện mở khoa thi Hội đầu tiên (có 8 người đỗ tiến sĩ). Năm 1829, Minh Mạng cho lấy thêm học vị Phó bảng (Tiến sĩ hạng 3), kì hạn thi cũng không cố định. Chẳng hạn từ đầu đến năm 1851 có 14 khoa thi Hội, lấy đỗ 136 tiến sĩ, 87 phó bảng. Tài liệu học tập, nội dung thi không có gì thay đổi. Trường Quốc tử giám đặt ở Huế, lấy con em quan chức, các thổ quan, người học giỏi ở địa phương vào học. Giáo dục thi cử thời Nguyễn sa sút về nhiều mặt so với các triều đại trước. Một điểm mới đáng chú ý là năm 1836, Minh Mạng cho thành lập “Tứ dịch quán” để dạy tiếng nước ngoài (Pháp, Xiêm...)

- Cũng như ở các thế kỉ trước, văn học chữ Hán không còn chiếm ưu thế nữa mặc dầu vẫn nổi lên các nhà thơ, nhà văn lỗi lạc như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Bùi Huy Bích, Đoàn Nguyễn Thục, Nguyễn Thiếp, Trịnh Sâm, Ngô Thế Lân, Nguyễn Cư Trinh v.v... của thế kỉ XVIII và Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Minh Mạng, Tự Đức, Tùng Thiên vương, Tuy lý vương v.v... của thế kỉ XIX. Xuất hiện những bộ sưu tập thơ như Toàn Việt thi tập, Hoàng Việt văn hải của Lê Quý Đôn, Lịch triều thi sao của Bùi Huy Bích v.v... cùng một số tác phẩm thuộc thế kỉ sự như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Hoàng Lê nhất thống chí của các tác giả họ Ngô, trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề v.v…

Văn học dân gian tiếp tục phát triển dưới nhiều thể loại khác nhau từ tục ngữ, phương ngôn đến ca dao, vè, hát giặm... Với tư tưởng xây dựng một nền văn hóa riêng của mình, người dân lao động Việt Nam đã truyền nhau hàng loạt thơ ca nói lên phong cảnh, đặc sản địa phương, kinh nghiệm sản xuất, các ngành nghề, sinh hoạt xã hội, quan hệ nam nữ v.v... và đặc biệt là những bài thơ dài, dạng sử thi, ca ngợi người anh hùng của mình như “Vè bà Thiếu phó”, “Vè Bà Vành” v.v... Đương thời, nhà nước Lê - Trịnh cũng như Nguyễn cấm nhân dân khắc in truyện dân gian của mình, cho nên việc sáng tác ít đi mà thơ văn truyền lại đến nay cũng không nhiều. Văn học trào phúng cũng phát triển (dưới dạng truyền miệng) với Trê Cóc, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Truyện tiếu lâm các loại v.v... Bằng tiếng cười châm biếm mỉa mai, nhân dân đã đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu của xã hội phong kiến, lột trần bộ mặt giả đối, tham lam, dâm ô, dốt nát của bọn vua quan, nho sĩ, địa chủ, cường hào. Cuộc đấu tranh chống phong kiến, chống áp bức, bóc lột không chỉ biểu hiện quyết liệt bằng vũ khí, bạo lực mà còn cả trên mặt trận văn học.

Các thể thơ Nôm như lúc bát, song thất lục bát trở nên phổ biến và ngày càng điêu luyện qua thơ cả dân gian đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thi sĩ Nho gia. Xuất hiện các tập thơ tiếng Việt (Nôm) dài vừa có nội dung sâu sắc vừa có hình thức hài hòa như Cung oán ngâm khúc của Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm... và đạt đến đỉnh cao hoàn thiện với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cả ba tác phẩm xuất sắc đó vừa phản ánh tâm tư của người đương thời đối với thực tiễn xã hội ở những mức độ khác nhau, vừa nói lên nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến buổi suy tàn, cũng là phản ánh ý thức cá nhân trong tình cảm lứa đôi. Xuất thân từ một gia đình quan chức cao cấp của nhà Lê - Trịnh, Nguyễn Du không những được học hành tốt lại được tiếp xúc với nhiều lớp người khác nhau ở kinh thành Thăng Long. Ông cũng từng được chứng kiến cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và tuy đứng về phía đối lập, hình ảnh người anh hùng Quang Trung và phong trào Tây Sơn luôn luôn ghi sâu vào trí óc ông. Khi nhà Nguyễn thành lập, ông đã ra làm việc và tận mắt chứng kiến những đổi thay của các thập kỉ đầu thế kỉ XIX. Truyện Kiều đã ra đời từ cái thực trạng đó vừa phản ánh tinh thần nhân đạo và tư tưởng hòa hợp Nho, Phật, Lão của bản thân tác giả vừa là bản cáo trạng của xã hội đương thời. Bên cạnh Truyện Kiều (hay “Đoạn trường tân thanh”) Nguyễn Du còn để lại nhiều bài thơ nói lên tình cảm của mình trước những đổi thay của xã hội đầu thời Nguyễn.

Về thơ Nôm, bên cạnh các tác giả trên còn nổi lên những nữ thi sĩ như công chúa Ngọc Hân với bài Ai tư vãn, Hồ Xuân Hương với hàng loạt bài thơ mang đậm màu sắc dân gian, nói lên ý thức đòi quyền bình đẳng của người phụ nữ.

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

và bà huyện Thanh Quan với những bài thơ nặng chất hoài cổ, lưu luyến một quá khứ đẹp đẽ đã qua

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

và nhiều nhà thơ khác...

3. Nghệ thuật

Vào cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, nghệ thuật sa sút nhiều so với trước. Không còn những công trình xây dựng lớn, ngoài khu hoàng thành ở kinh đô Huế bao gồm các điện Thái Hòa, Long An, Ngọ Môn, Hoàng cung v.v được tô điểm ít nhiều phong cách phương Tây và phong cách nhà Thanh; một số lăng các vua, các thành lũy theo kiểu Vô băng (Vauban - Pháp) ở các tỉnh lị, cột cờ ở thành Hà Nội v.v...

Trong điêu khắc và tạc tượng, nổi lên 18 tượng la hán (hay Phật) ở chùa Tây Phương (Hà Tây) mang phong cách dân tộc, hiện thực sinh động. Điêu khắc dân gian không còn nữa.

Về hội họa, hiện còn lại một số tranh vẽ sơn màu trên gỗ ở các đền, chùa một số tranh 4 mùa, tranh vẽ chân dung ở các gia đình có danh tiếng. Tranh dân gian vừa là một nghề thủ công mới nổi tiếng vừa là một biểu hiện khác của hội họa dân gian với những đề tài quen thuộc hàng ngày trong nhân dân được mô hình hóa một cách đặc sắc (từ người đến con lợn, con gà, con mèo, con chuột, cây dừa v.v...)

Nghệ thuật sân khấu (tuồng, chèo), xiếc phát triển rộng rãi. Nhà Nguyễn cũng xây nhà hát có chỗ diễn, chỗ ngồi cho khán giả.... kinh đô. Trong nhân dân, sân đình, sân chùa trở thành sân khấu chèo vào những ngày lễ hội.

Nghệ thuật ca múa nhạc cũng phát triển. Trong lúc ở miền xuôi phổ biến các câu hát, điệu hò thì ở miền núi phát triển các điệu nhảy, điệu múa làm cho cuộc sống thêm vui tươi và tăng tính cộng đồng.

4. Khoa học kĩ thuật

Thế kỉ XVIII - nửa đầu XIX, sử học rất phát triển. Hàng loạt bộ sử của nhà nước hay của tư nhân được biên soạn, ấn hành, xuất hiện nhiều nhà sử học nổi tiếng.

Ở nửa sau thế kỉ XVIII, bên cạnh bộ Đại Việt sử kí toàn thư được chỉnh lí, bổ sung và ấn hành vào năm 1697, chúa Trịnh sai soạn Đại Việt sử kí tục biên, thời Tây Sơn cho in bộ Đại Việt sử kí tiền biên. Ngoài các bộ chính sử có hàng loạt bộ sử của cá nhân như Đại Việt thông sử, Kiến vân tiểu lục, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, Việt sử bị lãm của Nguyễn Nghiễm, Hoàng Lê nhất thống chí của họ Ngô, Lê quý kỉ sự, Lê sử toản yếu, Lê kỉ tục biên, Việt sử bổ di (v.v.. Chúa Trịnh cũng cho ban hành bộ “Thực lục” (Bình Tây, Bình Hưng, Bình Ninh, Bình Nam) ghi chép công lao đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân và cuộc tấn công vào Phú Xuân những năm 70. Địa phương chí trở thành một loại Bách sử - địa được giới tri thức đương thời ham thích biên soạn (như Hải Đông chí lược, Cao Bằng lục...), bên cạnh đó là các tập sử thi cử (Đăng khoa lục, Liệt truyện đăng khoa khảo, Khoa bảng tiêu kì v.v..)

Sang thế kỉ XIX, sử học càng phát triển hơn. Năm 1820, Minh Mạng cho lập Quốc sử quán với nhiệm vụ thu thập sử sách thời xưa, in lại Quốc sử thời Lê, biên soạn các bộ sử mới. Xuất hiện những bộ sử lớn như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục - tiền biên và chính biên, Khâm định tiễu bình lưỡng kì phỉ khấu phương lược, Bản triều bạn nghịch liệt truyện v.v.. Các nhà sử học tiếp tục biên soạn nhiều bộ sử có giá trị như Lịch triều tạp kí của Ngô Cao Lãng, Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng, Quốc sử di biên, của Phan Thúc Trực, Hậu Lê thời sự kí lược, Tày sơn thuật lược, Dã sử tạp thuyết, Lê mạt tiết nghĩa lục, Tang thương lệ sứ v.v… và nhất là Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Một loại công trình có giá trị trong việc nghiên cứu các thiết chế chính trị được biên soạn công phu là các tập Đại Nam hội điền sự lệ, Sĩ hoạn tu tri lục, Quốc triều điều lệ lược biên, v.v... Việc biên soạn địa phương chí trở thành phong trào. Nhiều tác phẩm có giá trị xuất hiện như Nghệ An kí, Kinh Bắc phong thổ kí, Sơn Tây chí, Ninh Bình chí v.v.. các huyện chí, thậm chí xã chí... Nhà nước Nguyễn cũng lập kho lưu trữ các sáng tác cổ từ xưa đến đây.

Về Địa lí học và Địa lí lịch sử, ngoài các tác phẩm như Phú biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Lịch triều hiến chương loại chí, có các tập An Nam tứ chí lộ đồ thư, các bản đồ thời Minh Mạng, có các bộ Địa lí lịch sử lớn như Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, Bậc thành dư địa chí (?), Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú, Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt cổ kim duyên cách địa chí khảo, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Nam Hà tiệp lục và nhất là bộ Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Bên cạnh những công trình về địa lí Việt Nam đó, đã xuất hiện một số kiến thức về địa lí thế giới trong Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, hoặc kiến thức về lịch sử thế giới như bản dịch cách mạng Pháp.

Về y học, thày thuốc danh tiếng ở nửa sau thế kỉ XVIII là Lê Hữu Trác với biệt hiệu Hải thượng lãn ông, đã đúc kết những kinh nghiệm y học, dược học của phương Bắc và của nhân dân ta để chữa bệnh cho rất nhiều người từ nhân dân đến vua chúa. Không chỉ đề cao những bài thuốc gia truyền của nhân dân, ông còn nêu cao trách nhiệm và đạo đức của người thầy thuốc, chủ trương không lấy tiền của các bệnh nhân nghèo thậm chí còn giúp đỡ gạo tiền cho họ.

Ông thường nói: “Đạo làm thuốc là nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mệnh cho con người phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự mà không cầu lợi, kể công”

Ông để lại cho đời bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh (66 quyển) trong đó ghi lại 305 vị thuốc nam và 2854 phương thuốc cổ truyền...

Những tư tưởng triết học, chính trị học được nhà bác học Lê Quý Đôn nghiên cứu, phân tích trong Quần thư khảo biện, Thư kinh diễn nghĩa...

Ông viết : “Gốc của nước vẫn ở dân, sinh mệnh của vua cũng ở dân: Lòng dân một khi lung lay thì xuất hiện thế đất lở”, “làm nên nghiệp vương, nghiệp bá trước hết phải biết dùng người hiền tài”, “vua biết dùng người hiên tài thì hơn tự dùng mình nhiều lắm”.

“Yêu ghét xung đột nhau sinh ra tốt xấu, xa gần xen lẫn nhau sinh ra hối hận, thật giả xung đột nhau sinh ra lợi hại” v.v...

- Những ảnh hưởng của phương Tây, dù ít ỏi, cũng gợi lên ý thức của người Việt về kĩ thuật cơ khí. Như đã nói ở phần công nghiệp nhà nước, một số thợ thủ công đã học tập cách chế tạo một số máy tưới nước cho đồng ruộng, lọc nước, chở nước sử dụng và đặc biệt là đóng được tàu thủy chạy bằng máy hơi nước. Mặc dầu vậy, vì nhiều hạn chế, cho đến giữa thế kỉ XIX. Việt Nam vẫn nằm ở trạng thái nông nghiệp lạc hậu.

Năm 1858, thực dân Pháp đem quân xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc bùng nổ, mở đầu cho một thời đại mới của lịch sử dân tộc.

Khuê Văn Các trong Văn Miếu

Vườn bia tiến sĩ trong Văn Miếu

Hội đồng giám khảo thi hương Nam Định

Ngai vàng trong điện Thái Hòa nhà vua ngồi hỏi thi đình

Chùa Thiên Mụ (Huế)

Tháp Phổ Minh (Nam Định)

Tượng La Hán chùa Tây Phương

Họa tiết rồng đời Lê (Đền thờ Đinh Tiên Hoàng)

Tháp Chàm Poklong Galai đầu thế kỉ XIV

Chiến sĩ đánh thủy quái Makara (Văn hóa Chăm)

Ấn đời Quang Trung

Các hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh – Óc eo

Ngọ Môn – Huế

Phố Cổ Hội An




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4639-02-633921674379528750/Viet-Nam-o-nua-dau-the-ky-XIX-thoi-Nguyen...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận