MADAGASCAR – NƯỚC CỦA NGƯỜI MALAGASY
1. Nguồn gốc tên gọi
Madagascar có tên đầy đủ là “Cộng hòa Dân chủ Madagascar”, nằm ở phía tây Ấn Độ Dương, là hòn đảo lớn thứ 4 trên thế giới. Tên nước lấy từ tên dân tộc, dân tộc Malagasy chiếm hơn 90% dân số trong cả nước.
Thế kỷ X, những người đi biển Ả Rập đã biết có một hòn đảo lớn như vậy. Lúc đó có nhiều cách gọi khác nhau, một trong số đó là “Komr hay Qomr”, tức là “mặt trăng”. Trong sách Trung Quốc có viết “Kunlun Cengqi” để chỉ vùng duyên hải đông nam châu Phi và đảo Madagascar. “Cengqi” là dịch âm trong tiếng Ba Tư của “Zangi”, chỉ “bờ đông châu Phi” còn “Kunlun” là dịch âm của “Komr”.
Thế kỷ XIV, nhà lữ hành người Italia là Marco Polo đã đề cập đến đảo này từ rất lâu nhưng ông chưa thật sự đến đây, chỉ căn cứ vào tai nghe mà ghi chép lại. Ngày 10 tháng 8 năm 1500, nhà hàng hải Bồ Đào Nha đầu tiên là Diogu Dias đến đảo này, hôm đó cũng chính là lễ thánh Lawrence, thế là lấy đặt tên cho đảo. Khi ông trở về Bồ Đào Nha báo cáo với quốc vương, quốc vương cho đây là vương quốc Mogadishio (Somalia) ở bờ đông châu Phi mà Marco Polo trong ghi chép đã đề cập đến. Do sai sót về cách đọc, cách viết, vị trí địa lí nên đã gọi đảo này thành “Madagascar”, hoặc từ tên “Malagasi” đọc trại ra, trong một ngôn ngữ của bộ lạc người da đen mang nghĩa là “người Malay”.
Đầu thế kỷ XIV, người Merina thành lập nước Ymeirina, đến năm 1794, thì phát triển thành vương quốc phong kiến trung ương tập quyền. Năm 1896, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Tháng 10 năm 1958, đảo này trở thành nước tự trị trong khối Cộng đồng Pháp, lấy tên nước là “Cộng hòa Malagasy”. Ngày 26 tháng 6 năm 1960, sau khi độc lập vẫn gọi là “Cộng hòa Malagasy”. “Malagasy” lấy từ tiếng Pháp là “Malgache”. Ngày 30 tháng 12 năm 1975, định tên nước là “Cộng hòa Dân chủ Madagascar”.
2. Quốc kỳ - quốc huy
· Quốc kỳ
Do ba màu trắng, đỏ và lục hợp thành. Bên trái là một hình chữ nhật đứng màu trắng, bên phải từ trên xuống dưới là hai hình chữ nhật ngang màu đỏ và lục. Diện tích của ba hình chữ nhật bằng nhau. Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, màu đỏ tượng trưng cho chủ quyền, màu lục tượng trưng cho hy vọng. Năm 1896, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Tháng 10 năm 1958, là nước cộng hòa tự trị trong cộng đồng Pháp. Ngày 26 tháng 6 năm 1960, tuyên bố độc lập; thành lập nước Cộng hòa Madagascar. Năm 1959, chính thức sử dụng lá quốc kỳ này. Năm 1975, đổi tên thành nước Cộng hòa Dân chủ Madagascar nhưng quốc kỳ không thay đổi.
· Quốc huy
Quốc huy cũ bị hủy bỏ, đến nay vẫn chưa chế định quốc huy mới.
3. Quốc ca
· Ơi Tổ quốc, Tổ quốc thân yêu của chúng ta, ơi Madagascar xinh đẹp. Chúng tôi yêu Người, chúng tôi trung thành với Người, mãi mãi trước sau son sắt. Ơi Thượng đế, chúng con cầu nguyện, xin Người phù hộ cho đảo ngọc của tổ tiên. Chúng ta một lòng kỳ vọng, mong cho đất nước tươi vui, thịnh vượng. Ơi Thượng đế, chúng con cầu nguyện, xin Người phù hộ cho đảo của tổ tiên. Chúng ta một lòng kỳ vọng, mong cho đất nước tươi vui, thịnh vượng.
· Ơi Tổ quốc, Tổ quốc thân yêu của chúng ta, chúng ta hãy ra sức vì Người. Chúng ta hãy toàn tâm, toàn ý, toàn lực ra sức vì Tổ quốc thân yêu. Ơi Thượng đế, chúng con cầu nguyện, xin Người phù hộ cho đảo ngọc của tổ tiên. Chúng ta một lòng kỳ vọng, mong cho đất nước tươi vui, thịnh vượng.
· Ơi Tổ quốc, Tổ quốc thân yêu của chúng ta, mong Thượng đế sáng tạo ra vạn vật luôn luôn bảo hộ Người, ủng hộ, sắp đặt mọi thứ tốt đẹp. Ơi Thượng đế, chúng con cầu nguyện, xin Người phù hộ cho đảo ngọc của tổ tiên. Chúng ta một lòng kỳ vọng mong cho đất nước tươi vui, thịnh vượng. Ơi Thượng đế, chúng con cầu nguyện, xin Người phù hộ cho đảo ngọc của tổ tiên. Chúng ta một lòng kỳ vọng, mong cho đất nước tươi vui, thịnh vượng.