KHÁI QUÁT
Nhiều nền văn hóa đã gặp nhau và pha trộn ở Malaysia ngay từ thuở ban sơ của lịch sử nước này. Hơn 1.500 năm về trước một vương quốc Malay ở thung lũng Bujang đã tiếp đón những nhà buôn từ Trung Hoa và Ấn Độ. Vàng và tơ lụa đến Malaysia, đạo Phật và đạo Hindu cũng đến đây. Một ngàn năm sau đó, những nhà buôn Ả Rập đến Malacca và mang theo họ những nguyên lý và giáo điều của đạo Islam, tức là đạo Hồi.
Mô hình văn hóa của Malaysia được điểm xuyết bởi nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng trong đó có vài nền văn hóa vẫn còn để lại ảnh hưởng trên đất nước này. Chủ yếu trong số này là nền văn hóa Malay cổ, và hai nền văn hóa của hai nước có quan hệ giao thương mạnh nhất trong suốt quá trình lịch sử với Malaysia, đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Ba nhóm người này đã được kết hợp bởi những bộ tộc bản xứ, phần lớn sống ở vùng rừng và vùng bờ biển Borneo. Mặc dù mỗi nền văn hóa trong số này đều giữ những truyền thống và cấu trúc cộng đồng riêng của họ, họ đã pha trộn với nhau để tạo thành một tài sản văn hóa đa dạng độc đáo của Malaysia ngày nay.
Một ví dụ về sự phức hợp mà những người nhập cư Malaysia đã đóng góp cho nền văn hóa quốc gia là lịch sử nhập cư của người Hoa. Những người Hoa đầu tiên định cư ở khu vực này, chủ yếu là Malacca và các vùng phụ cận; đã dần dần thu nhận những yếu tố văn hóa của người Malaysia và kết hôn với người trong cộng đồng Malyasia. Được gọi là người Baba và Nyonya, cuối cùng họ đã hình thành những thói quen, niềm tin và nghệ thuật, vốn là sự kết hợp giữa truyền thống Malay và truyền thống Trung Hoa, để tạo thành một nền văn hóa mới. Những người Hoa đến sau này để khai thác thiếc và cao su, đã bảo vệ nền văn hóa của họ một cách tỉ mỉ hơn. Một thành phố như Penang chẳng hạn, có thể cho người ta cái ấn tượng là đang ở Trung Hoa hơn là ở Malaysia.
Một ví dụ khác về sự trao đổi văn hóa ở Malaysia là lễ cưới của người Malay. Trong lễ cưới này có những yếu tố của truyền thống Hindu ở miền Nam Ấn Độ: cô dâu và chú rể mặc áo kim tuyến lộng lẫy, ngồi trong ngai và đút cho nhau ăn những hạt cơm vàng với bàn tay được sơn bằng cây lá móng. Những người Hồi giáo thì bắt chước phong tục của người Hoa bằng cách cho phong bao lì xì màu đỏ trong ngày lễ tế (bản thân phong bao của người Hồi giáo màu xanh lục và có chữ viết Ả Rập trên đó).
Bạn có thể đến một ngôi làng của người Malaysia, rồi đến một đồn điền cao su nơi người Ấn Độ làm việc và rồi đến một công ty của người Hoa để thấy rằng mình vừa đi đến ba quốc gia khác nhau. Nhưng ở những thành phố như Kuala Lumpur, bạn sẽ thấy tất cả đều pha trộn với nhau. Ở một nhà, một dàn nhạc Trung Hoa đang chơi trong radio, trong một nhà khác người ta đang chuẩn bị buổi cầu kinh Hồi giáo, và ở căn nhà kế bên, cô con gái chủ nhà đang chuẩn bị cho bài học múa cổ điển Ấn Độ.
Có lẽ cách dễ dàng nhất để hiểu được sự tương tác văn hóa phức tạp này là nhìn vào không khí thông thoáng trong các dịp lễ hội tôn giáo. Mặc dù những truyền thống văn hóa khác nhau của Malaysia được duy trì bởi những cộng đồng dân tộc độc lập, tất cả các cộng đồng người Malaysia đều mở rộng cửa đối với thành viên của những nền văn hóa khác trong các lễ hội tôn giáo - cả đối với khách du lịch và hàng xóm. Sự tiếp nhận đó còn hơn cả sự phá rào cản văn hóa và thúc đẩy quá trình hiểu biết lẫn nhau. Đó là mặt tích cực trong truyền thống sẵn sàng tiếp nhận mà đã qua nhiều ngàn năm hình thành căn bản cho sự tiến bộ của Malaysia.
Một số mặt truyền thống trong văn hóa Malaysia: