Tài liệu: Malaysia - Kinh tế những năm về trước

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mức giá trị gia tăng trong lĩnh vực xây dựng đã suy giảm mạnh khoảng 19,2% trong năm 1998,
Malaysia - Kinh tế những năm về trước

Nội dung

KINH TẾ NHỮNG NĂM VỀ TRƯỚC

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

            Mức giá trị gia tăng trong lĩnh vực xây dựng đã suy giảm mạnh khoảng 19,2% trong năm 1998, phản ánh tình hình giảm thiểu xây dựng của một số bộ phận đã dư thừa mức cung ứng, cũng như việc hoàn thành xong các dự án về cơ sở hạ tầng.

            Ở bộ phận phi nhà ở, các hoạt động xây đựng liên quan đến các tòa nhà thương mại, cụ thể là văn phòng và các trung tâm thương mại cũng như khách sạn đã chững lại, do sự xây dựng quá tải trong những năm về trước. Dựa trên các công trình đang xây dựng và vừa hoàn tất, không gian dùng làm văn phòng đã gia tăng khoảng 1 triệu mét vuông. Sự gia tăng này đối nghịch với nhu cầu giảm thiểu, với mức chiếm chỗ giảm xuống còn 82,2% năm 1998 so với mức 94,6% cuối năm 1997.

            Đối với tòa nhà dùng để bán hàng cũng vậy. Tổng diện tích của các tòa nhà này là 3,9 triệu mét vuông. Trong khi đó mức chiếm chỗ của các tòa nhà dùng để bán hàng đã suy giảm, chẳng hạn như ở Kuala Lumpur là 75%. Việc cung ứng quá tải cũng xảy ra đối với các khách sạn. 142 khách sạn mới với 36.328 phòng đã đi vào hoạt động năm 1998. Đến cuối năm 1998, số lượng khách sạn trong cả nước là 1.507. Trong khi đó mức chiếm chỗ trong các khách sạn vào nửa đầu năm1998 chỉ là 49,8%.

             Hoạt động xây dựng cho các khu công nghiệp và nhà máy cũng chững lại. Trong lĩnh vực này, hoạt động xây dựng đã giảm 24,6% đối với các dự án được duyệt trong năm 1997 và giảm 7,8% đối với các dự án được duyệt trong bảy tháng đầu năm 1998. Việc xây dựng nhà ở cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm chung về kinh tế. Trong tám tháng đầu năm 1998, có 84.660 giao dịch xây dựng với tổng trị giá 9,5 tỉ RM, so với 117.645 giao dịch với tổng trị giá 14,5 tỉ RM cùng kỳ năm 1997.

            Tuy nhiên việc xây dựng các nhà ở giá thấp và vừa được duy trì trong năm 1998, do nhu cầu về nhà ở các loại này vẫn cao. Trong số 90.184 căn nhà được xây trong nửa đầu năm 1998, 26,1% là nhà giá rẻ và 43% là nhà giá trung bình. Việc xây dựng các căn nhà giá rẻ và vừa cũng được sự hỗ trợ của chính quyền liên bang để cung cấp nhà ở cho những người có thu nhập thấp

VẬN TẢI

            Nền công nghiệp cung ứng phương tiện vận tải, bao gồm việc sản xuất và lắp ráp các loại xe, đã chịu ảnh hưởng nặng nề của sự thu hẹp nhu cầu tiêu đùng kể từ quý cuối năm 1997. Đầu ra của ngành công nghiệp này sút nhanh ở mức 51% trong bảy tháng đầu năm 1998. Tình hình tài chính suy giảm của người tiêu dùng, cùng với sự gia tăng thuế trên một số loại xe đã dẫn đến tình hình giảm sút này. Tuy nhiên, với sự dễ dàng hơn về tín dụng trong việc thuê hoặc mua xe đồng thời với việc giảm lãi suất, ngành công nghiệp này đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Vào tháng 8 năm 1998, số lượng xe khách bán ra là 13.658 chiếc so với 12.767 chiếc vào tháng 7  và 5.641 chiếc vào tháng 6.

ĐƯỜNG SÁ

            Đường sá của Malaysia tỏa rộng khắp nơi và thuộc hàng  tốt nhất ở châu Á. Tổng chiều dài đường sá của Malaysia là  trên 60.000 km, với hệ thống xe buýt, xe tắc xi và xe du lịch  hiện đại. Tổng số xe đăng ký vào cuối năm 1990 đã lên tải 5,2 triệu chiếc.

            Đường Cao tốc Bắc Nam nối liền các đô thị, đường Cao tốc Thung lũng Klang và Xa lộ Liên bang 2 là những hạ tầng  cơ sở lớn nhất về đường sá ở vùng Bán đảo Malaysia. Một đường cao tốc dài 848 km nối liền nhiều khu công nghiệp và các trung tâm đô thị trong cả nước bắt đầu từ Bukit Kayu. Hitam ở phía Bắc bang Kedah chạy dài đến Johor Bahru của bang Johor ở miền Nam. Xa lộ Đông - Tây là một phần của Hệ thống Xa lộ Châu Á nối Thái Lan với Malaysia.

            Sự phát triển về đường sá cùng với sự gia tăng dân số và gia tăng thu nhập đã dẫn đến việc gia tăng sở hữu xe cộ. Năm 1993 đã có 5,4 triệu xe, trong đó 38,6% là ô tô, 54,8% là xe máy và 6,6% là xe tải. Số lượng xe trên 100 dân - phản ánh chất lượng đời sống - đã gia tăng từ 27,6 chiếc năm 1993 lên 37,6 chiếc năm 1997.

            Chính quyền đang tập trung vào việc phát triển thêm một hệ thống vận tải công cộng tích hợp. Hiện nay xe buýt, tắc xi, xe lửa và máy bay là các phương tiện vận tải chính. Số lượng xe buýt đã tăng từ 29.929 chiếc năm 1993 lên 41.912 chiếc năm 1997 trong khi số lượng tắc xi và xe hơi gia tăng từ 44.040 chiếc năm 1993 lên 66.573 chiếc năm 1997. Để cải tiến chất lượng và hiệu quả của xe buýt và tắc xi, nhiều biện pháp đã được áp dụng, như việc hợp nhất các công ty vận tải, việc hợp lý hóa đường sá cũng như cung ứng các phương tiện như nhà đón khách, kho hàng, tín hiệu và hệ thống thông tin về đường sá.

VIỄN THÔNG

            Hệ thống viễn thông của Malaysia nằm trong số những hệ thống hiện đại nhất châu Á và cung ứng không những chỉ dịch vụ điện thoại, điện tín và telex mà cả những phương tiện truyền thông phục vụ cho việc phát sóng, hàng không dân dụng, cảnh sát, hải quan và ngành đánh cá. Cả nước có một hệ thống điện thoại liên tỉnh vi ba kết nối với tất cả các thị trấn.

            Việc truyền thông giữa bán đảo Malaysia và hai bang Sabah và Sarawak được thực hiện qua vệ tinh và cáp ngầm xuyên biển cũng như bằng hệ thống phát sóng ti vi khắp cả nước.

            Về hệ thống bưu chính, trong khoảng từ 1993 đến 1997 đã có 31 bưu điện mới được thành lập và các vùng nông thôn có 3.000 đại lý bán tem. Để nâng cao hiệu quả của các ghi sê, 95% bưu điện đã được vi tính hóa.

NĂNG LƯỢNG

            Đầu ra của xăng dầu thành phẩm giảm 11,1% trong vòng bảy tháng đầu năm 1998 so với mức gia tăng l0,2% của cùng kỳ năm 1997. Sự sút giảm trong sản xuất một phần do sự giảm nhu cầu về xăng dầu trong vận tải, xây dựng, công nghiệp và thương mại đi theo sự sút giảm chung của các hoạt động kinh tế. Một phần cũng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở vùng Đông Á. Tuy nhiên sản lượng ga hóa lỏng lại gia tăng 4,3% trong cùng kỳ. Sự gia tăng này một phần là để bù vào lượng tồn kho đã bị trống. Trong khi đó sản lượng ga thiên nhiên giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 1997. Sự sút giảm này do nhu cầu ở Nam Triều Tiên dung thấp. Nhưng mặt khác, lượng tiêu thụ ga thiên nhiên trong nước lại gia tăng 2,8%, trong đó tiêu thụ nhiều nhất là lĩnh vực năng lượng, kế đến và lĩnh vực công nghiệp, phần còn lại và xuất khẩu.

            Về sản lượng dầu thô, trong sáu tháng đầu năm 1998 đã gia tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 1997. Trong tổng sản lượng này, bán đảo Malaysia cung ứng được 58,5% với 16 mỏ dầu, trong khi đó Sarawak cung ứng 28,6% từ 13 mỏ dầu và Sabah cung ứng 12,9% từ 8 mỏ dầu trong bang.

NGÂN HÀNG

            Vào cuối năm 1996, cả nước có 37 ngân hàng thương mại, trong số đó 14 ngân hàng thuộc sở hữu nước ngoài. Những ngân hàng này điều hành 1.569 văn phòng ngân hàng tọa lạc trong phạm vi cả nước và duy trì các kết nối về mậu dịch và tài chính với các trung tâm tiền tệ lớn trên khắp thế giới. Tổng số tiền ký thác với các ngân hàng thương mại là 243,9 tỉ RM vào cuối năm 1996.

            Tổng nguồn tiền của các ngân hàng thương mại, trong đó bao gồm vốn và dự trữ, tiền vay từ các cơ sở tài chính, các khoản thanh toán ngân hàng và các nguồn khác, đã sụt giảm 6,4% trong vòng bảy tháng đầu năm 1998 so với số tăng 17,1% trong cùng kỳ năm 1997. Các khoản ký thác mới đã suy giảm 2,6% do sự suy giảm kinh tế và thu nhập bị hạ thấp.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

            Trong tám tháng đầu năm 1998, chính sách tiền tệ được thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn gây ra bởi tác dụng của việc chống lạm phát trong tình hình khủng hoảng tài chính của khu vực. Những biện pháp ưu tiên đã được áp dụng để phục hồi sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính nội địa. Để đáp ứng với những thay đổi trong môi trường kinh tế, chính sách tiền tệ được thực hiện một cách linh hoạt. Vào đầu năm, một chính sách chặt chẽ về tiền tệ đã được áp dụng để củng cố hạ tầng cơ sở kinh tế cũng như để kìm chế sự lạm phát do đồng Ringgit mất giá. Tuy nhiên, khi tình hình đã rõ ràng là sự khủng hoảng kéo dài và sự suy giảm về mức cầu từ bên ngoài đã ảnh hưởng một cách bất lợi cho nền kinh tế, dẫn đến việc tổng sản phẩm nội địa bị giảm 4,8%, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng hơn và các biện pháp mới được đưa vào nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi. Cùng lúc, việc cải tiến hiệu quả và chức năng của thị trường tiền tệ cùng với quá trình trung gian của hệ thống ngân hàng đã được nhấn mạnh để đảm bảo sự sẵn có về tài chính ở một chi phí hợp lý.

CHÍNH SÁCH MẬU DỊCH

            Phản ánh sự giảm giá của đồng Ringgit so với đồng Đô la Mỹ trong giá trị xuất khẩu, tổng lượng mậu dịch của Malaysia đã gia tăng 27,5% trong bảy tháng đầu năm 1998. Tổng lượng xuất khẩu đã gia tăng tới mức 40,9%. Tổng lượng nhập khẩu chỉ tăng 14,6%, do sự suy giảm về nhu cầu nội địa. Với giá trị xuất khẩu tăng nhanh hơn giá trị nhập khẩu, Malaysia đã có mức thặng dư mậu dịch lên tới 26,2 tỉ RM, so với mức giảm 3,6 tỉ RM của cùng kỳ năm 1997.

XUẤT KHẨU HÀNG CHẾ BIẾN

            Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chế biến đã gia tăng 27,8% trong năm 1998, so với mức gia tăng năm 1997 là 12,7%. Giá trị xuất khẩu này lẽ ra còn cao hơn nếu như không có sự giảm giá toàn cầu của các mặt hàng chế biến do sự cạnh tranh trong bối cảnh suy giảm nhu cầu chung trên thế giới và sự vượt quá nhu cầu của năng suất sản xuất. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu, chỉ trừ đồ gỗ và các sản phẩm từ dầu mỏ, đều có sự tăng trưởng mạnh. Ngoài giá trị xuất khẩu cao hơn của các ngành công nghiệp hướng xuất khẩu truyền thống, các ngành hướng nội địa cũng thu lợi nhiều hơn trong xuất khẩu. Đây là kết quả của những nỗ lực của các ngành công nghiệp hướng nội địa, đã tiếp thị sản phẩm của họ ra nước ngoài để cân đối lại sự suy giảm trong việc bán hàng nội địa. Từ đó, lượng xuất khẩu trong lình vực chế biến đã chiếm 80,5% ttổng số lãi thu được về xuất khẩu trong năm 1998.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1984-02-633471478492500000/Kinh-te/Kinh-te-nhung-nam-ve-truoc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận